Khát vọng canh tân của Nguyễn Trường Tộ qua góc nhìn người Pháp

Nhiều người, trong đó có cả những học giả người Pháp vẫn tôn kính và xem Nguyễn Trường Tộ là gương mặt tiêu biểu, thiên tài hiếm có, nhà yêu nước lỗi lạc của xứ An Nam.

Khát vọng canh tân của Nguyễn Trường Tộ qua góc nhìn của người Pháp

Sinh thời, Nguyễn Trường Tộ đã đem cái sở học và hiểu biết của mình dồn hết tâm trí vào việc canh tân đất nước. Nhưng tiếc thay, do không gặp thời, nên những đóng góp của ông đã không được triều đình Huế ghi nhận.

Hiến dâng trọn vẹn con tim, khối óc cho Tổ quốc

Trong bài Nguyen Truong To, patriote éclairé (Nguyễn Trường Tộ, nhà yêu nước lỗi lạc) đăng trên Indochine Hebdomadaire Illustré, số 216 ngày 19/10/1944, tác giả D. không chỉ phác họa nên chân dung một nhà thông thái có đầu óc thực tế, một nhà chính trị, nhà giáo dục thiên tài, mà còn đề cập đến những nỗ lực của Nguyễn Trường Tộ nhằm cụ thể hóa khát vọng biến nước An Nam thành một nhà nước hiện đại.

Tác giả cho biết, Nguyễn Trường Tộ sinh năm Minh Mệnh 9 (1828) tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (có tư liệu viết ông sinh năm 1830). Thuở nhỏ, ông học chữ Hán và sớm tỏ ra là người thông minh, có đầu óc phê bình và trí nhớ phi thường.

Năm Tự Đức thứ 11 (1858), giáo khu Tân Ấp cho mời ông tới dạy chữ Hán cho học sinh. Tại đây, Giám mục người Pháp tên là Gauthier đã dạy ông học tiếng Pháp và một số khái niệm cơ bản về bộ môn khoa học thường thức của phương Tây.

Hai năm sau, ông tới châu Âu cùng giám mục Gauthier – người phải trở về Pháp do bị các tín đồ đạo Cơ đốc tìm cách truy hại. Chuyến kinh lý tại châu Âu này đã góp phần mạnh mẽ vào việc hình thành tri thức cũng như nhân cách của nhà nho theo chủ nghĩa truyền thống này.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình là nước Italy. Nguyễn Trường Tộ được Giáo hoàng Pie IX tiếp đón và tặng khoảng trăm cuốn sách. Sau đó, ông tới lưu trú ở Paris trong 3 năm.

Tại đây, Nguyễn Trường Tộ được tiếp xúc trực tiếp với văn hoá và văn minh phương Tây. Ông thường xuyên tới thư viện, nghiên cứu các môn khoa học chính trị, nghệ thuật quân sự, kiến trúc, triết học; tham quan nhà máy, công xưởng; quan sát con người và sự vật, nhất là những thứ có thể đem lại sự cách tân cho đất nước An Nam.

Năm 1863, khi trở về nước, Nguyễn Trường Tộ chứng kiến cảnh nước nhà đang phải gánh chịu hậu quả của một chính sách cực đoan và gắng gồng mình thoát khỏi cơn bĩ cực. Ông đã nguyện hiến dâng trọn vẹn con tim và khối óc mình cho Tổ quốc.

Cũng vào thời gian này, Nguyễn Trường Tộ đã nhận lời làm phiên dịch trong các cuộc thương thuyết giữa Pháp với triều đình Huế với mong muốn thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Thế nhưng kết quả cuối cùng lại không như trông đợi. Vài tháng sau, ông viết đơn từ chức.

Sau khi thôi việc phiên dịch, Nguyễn Trường Tộ dồn hết tâm trí vào việc thảo kế hoạch cải cách gửi lên vua Tự Đức.

Năm 1866, vua Tự Đức cử ông tới Pháp cùng Giám mục Gauthier để trưng mua một số loại sách chuyên luận về vật học, vật lý, hải quân và đạn dược. Trở về nước, ông tiến hành thí nghiệm phương pháp khai thác than đá và làm kim loại nóng chảy theo lệnh của vua.

Năm 1868, vua Tự Đức cử một phái bộ gồm Nguyễn Trường Tộ và 16 thành viên khác sang Pháp. Nhân dịp này, Nguyễn Trường Tộ đã đưa một nhóm giáo viên và kỹ sư người Pháp tới An Nam và được nhà vua tiếp kiến tại triều đình. Tuy nhiên, các quan lại trong triều cho rằng kinh phí cho việc này quá lớn và đề nghị nhà vua đưa ra một thoả thuận chung liên quan đến dự án.

Bốn năm sau, vua Tự Đức triệu hồi Nguyễn Trường Tộ về triều để dẫn một nhóm học sinh sang Pháp. Nhưng khi tới Huế, ông lâm bệnh nặng và buộc phải khước từ vinh dự này.

Tiếng kêu đơn chiếc

Cũng trong bài viết, tác giả D. còn cho biết, Nguyễn Trường Tộ còn là người có đầu óc thực tế. Ông là người đầu tiên chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm của chính quyền truyền thống và muốn triều đình thường xuyên lắng nghe ý kiến của người dân.

Ông cũng đề nghị tổ chức lại quân đội và đề xuất một số biện pháp cải tổ nền kinh tế theo mô hình của các nước hiện đại.

Nguyễn Trường Tộ cũng đặc biệt quan tâm đến giáo dục, rèn luyện con người và chuẩn bị cho thế hệ sau. Ông đã gợi ý chính quyền nên sử dụng chữ Quốc ngữ và đề nghị gửi thanh niên sang các nước châu Âu, đặc biệt là nước Pháp học tập…

Có thể thấy Nguyễn Trường Tộ rất được nhà vua sủng ái và coi trọng. Các kế hoạch cải cách của ông luôn được nhà vua tán thành, ủng hộ.

Tuy nhiên, với bản chất thiếu quyết đoán và bảo thủ, vua Tự Đức dễ dàng bị quan lại trong triều gây ảnh hưởng, mọi dự định tốt đẹp của nhà yêu nước vĩ đại này lần lượt bị họ tìm cách phá bỏ.

Những năm cuối đời, Nguyễn Trường Tộ vẫn thường xuyên gửi thư lên vua Tự Đức nhằm giúp vua nhìn nhận đúng vận mệnh của đất nước lúc bấy giờ và sự cần thiết phải tiến hành cải cách.

Cuối cùng, vào năm 1871, Nguyễn Trường Tộ ra đi khi mới 43 tuổi mà không thực hiện được khát vọng của mình đó là biến nước An Nam thành một nhà nước hiện đại.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,