Hướng tiếp cận hiện đại với đô thị sinh thái: Xanh, thông minh và thích ứng

Đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, dẫn đến việc các TP đang hàng ngày mở rộng ảnh hưởng, biến đổi và tác động mạnh mẽ đến các khu vực lân cận. Khái niệm “đô thị sinh thái” đề xuất một cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả để thiết kế, xây dựng và vận hành các TP theo cách giảm thiểu những tác động tàn phá của hoạt động đô thị của con người đối với tự nhiên.

Hướng tiếp cận hiện đại với đô thị sinh thái: Xanh, thông minh và thích ứng

Tiêu chuẩn đô thị sinh thái Nguồn: International Ecocity Standard – IES, British Columbia Institute of Technology, Ecocity Builders, 2017

Tác giả: ThS. KTS Trần Lâm Hà, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc số 10/2021.

Đô thị sinh thái không dừng lại ở việc tạo nên sự hòa hợp giữa phát triển và môi trường, phát triển cân bằng với tự nhiên, quan trọng hơn, cần đảm bảo đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và hoàn trả cho tự nhiên những tác động tích cực. Để đạt được mục tiêu trên, cần thiết có những định hướng chính sách để thúc đẩy và khuyến khích các đô thị quy hoạch và thiết kế hướng tới phát triển xanh, thông minh với môi trường sinh thái đô thị gồm chất lượng sống tốt, tăng trưởng kinh tế đồng hành với thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả năng lượng, đảm bảo năng lực nội tại ứng phó với các thách thức phát triển và hoàn trả tích cực cho môi trường, tự nhiên.

Đô thị sinh thái, tiếp cận hiện đại

Khởi tạo từ “TP Vườn, Howard” cuối thế kỷ 19, đến những năm 1970, tổ chức US Berkeley nghiên cứu về các phương pháp tiếp cận quy hoạch TP nhằm bảo tồn năng lượng và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên, đã đặt ra thuật ngữ “TP/đô thị sinh thái”, “Đô thị sinh thái: Xây dựng TP trong sự cân bằng với tự nhiên”1. Theo đó, một đô thị sinh thái cần thiết tổng hòa nhiều mặt như bố trí không gian, cấu trúc, giao thông, sử dụng năng lượng, quản lý nước, sản xuất, cấu trúc kinh tế và lương thực.

Thực tiễn phát triển đô thị đã ảnh hưởng và xác định các khía cạnh tạo nên khái niệm đa dạng về đô thị sinh thái như công nghệ phù hợp, kinh tế cộng đồng, tổ chức xã hội, xanh hóa giao thông, sản xuất, chủ nghĩa nhân văn sinh học và phát triển bền vững2; về mặt không gian, có thể linh hoạt sắp xếp không gian tương tác (công viên, không gian cộng đồng cho làm việc, văn hóa, xã hội, giải trí,…) và không gian dịch chuyển (đường xá, nhà ga, bến, trạm, bãi đỗ xe,…). Cho đến Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban môi trường và phát triển thế giới (UN-1987), và Chương Trình Nghị Sự 213 đã phản ánh sự đồng thuận toàn cầu và cam kết chính trị ở cấp cao nhất về hợp tác phát triển và môi trường. Sự đồng thuận này được khẳng định và phát triển tại các Hội nghị thượng đỉnh Trái đất Rio+5 (1997), Rio+10 (2002) và Rio+20 (2012).

Hiện nay, các đô thị trên thế giới phải đối mặt nhiều hơn các vấn đề nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, mất an toàn lương thực, an toàn năng lượng, song đồng thời các đô thị lại có được những động lực phát triển mang tính thời đại như tiến bộ về công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết TP sinh thái, tập trung vào việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các TP và thiên nhiên, trên cơ sở nghiên cứu của các nhà xã hội học hàng đầu và các nhà lý thuyết đô thị, việc đánh giá các tác động từ đô thị đến các khu vực rộng lớn hơn như toàn cầu hóa, đã hình thành nên khái niệm về phát triển đô thị bền vững, sinh thái. Chính vì vậy, mô hình quản lý của các TP sinh thái ở Châu Âu, Châu Á đang được định hình lại theo cách tiếp cận nền tảng mới, hướng đến phát triển bền vững như: Mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và đô thị thông minh.

Có thể kể đến, mô hình chuyển đổi không gian “cảnh quan thông minh” kết nối tự nhiên với quá trình phát triển của vùng, đô thị đến toà nhà4 áp dụng tại nhiều nước Á- Âu; mô hình an ninh sinh thái đô thị tại Châu Âu; chính sách kiểm soát cacbon – TP và vùng sinh thái tại Vương quốc Anh5, định hướng Zero cacbon tại Ấn Độ; 100 đô thị thông minh Ấn Độ với các ưu tiên khác nhau bao gồm sinh thái, tăng trưởng xanh, thích ứng,..; áp dụng kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai và chiến lược chống chịu cho 100 đô thị thích ứng; chiến lược quốc gia của Hàn Quốc về tăng trưởng xanh, cacbon thấp; chiến lược tăng trưởng xanh đô thị của Trung Quốc; Singapore chuyển đổi từ TP sinh thái, chiến lược xanh – sạch sang TP thông minh với hệ sinh thái CNTT-TT, chú trọng việc làm và chất lượng sống cư dân;…

Các định hướng chiến lược và quy định về phát triển đô thị sinh thái, xanh, thông minh, thích ứng

Hiện nay tại Việt Nam, trong hệ thống văn bản pháp luật chưa quy định chính thức khái niệm về “đô thị sinh thái” cũng như các tiêu chí cụ thể khi xem xét đánh giá một đô thị có phải là đô thị sinh thái hay không.

Tuy nhiên, với cách tiếp cận đa chiều gắn kết môi trường và phát triển, Việt Nam đã từng bước xác định chiến lược phát triển theo các mô hình đô thị hiện đại như đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, như Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 84/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 (Quyết định số 438/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Các tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ số về đô thị, sinh thái

Trên thế giới, hiện có các bộ chỉ số tiếp cận khác nhau liên quan đến yếu tố sinh thái như Bộ chỉ số tăng trưởng xanh 2014 của OECD, sử dụng khung đo lường, 25-30 chỉ số, xác định theo bốn nhóm chính: Năng suất môi trường và tài nguyên của nền kinh tế; các cơ sở tài sản tự nhiên, môi trường; kích thước của chất lượng cuộc sống; các cơ hội kinh tế và chính sách tăng trưởng xanh; khung tham chiếu đô thị bền vững Châu Âu; khung Chỉ tiêu Đô thị toàn cầu Chỉ số Đô thị xanh Châu Á;… và 2 bộ chỉ số về đổi mới sinh thái là Chỉ số đổi mới sinh thái của ASEM (viết tắt là ASEI, về công nghệ, nền công nghiệp xanh) và Bảng chấm điểm về đổi mới sinh thái (viết tắt là Eco-IS, về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, môi trường, nước, năng lượng).

Chỉ số ASEI và Bảng chấm điểm Eco-IS đã phản ánh thực trạng và kết quả đổi mới sinh thái của quốc gia theo các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDG) với chủ thể là Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội, nhưng chưa bao gồm đối tượng đô thị và phạm vi áp dụng cũng chưa phổ biến, chủ yếu trong khuôn khổ các dự án. Đối với lĩnh vực đô thị có thể áp dụng Tiêu chuẩn quốc tế về đô thị sinh thái (IES), bao gồm các nhóm: Cơ cấu đô thị; giao thông đô thị; năng lượng; xã hội; nông nghiệp; quy hoạch các khu vực đặc thù và các công cụ quản lý; chính sách và thể chế quản lý; kinh tế.

Chỉ số đổi mới sinh thái còn là thuật ngữ mới mẻ tại Việt Nam. Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng bộ chỉ số đổi mới sinh thái hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho Việt Nam6 (cho cấp tỉnh/TP) do Viện Chính sách Tài nguyên và Môi trường thực hiện, đề xuất bộ chỉ số đổi mới sinh thái gồm 4 chỉ số: Năng lực đổi mới sinh thái; Môi trường hỗ trợ đổi mới sinh thái; Hoạt động đổi mới sinh thái; Kết quả đổi mới sinh thái, cùng 27 chỉ số thành phần. Tuy là giai đoạn đầu nghiên cứu xây dựng chỉ số ở cấp tỉnh/TP và áp dụng thử nghiệm ở phạm vi phù hợp nhưng đây cũng đã là tín hiệu, tạo tiền đề cho các nghiên cứu về sinh thái cho các lĩnh vực khác như đô thị (quản lý, quy hoạch, thiết kế kiến trúc đô thị).

Với cách tiếp cận rộng hơn, nhằm thúc đẩy đô thị tăng trưởng xanh, sinh thái, ứng dụng CNTT-TT, tăng cường năng lực thích ứng, hướng đến mô hình phát triển đô thị năng động, phù hợp với đặc điểm phát triển và ưu tiên của mỗi đô thị, Bộ Xây dựng đã ban hành quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh và hướng dẫn lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo các chỉ tiêu7 (Thông tư số 01/2018/TT-XD), gồm 24 chỉ tiêu được chia thành 4 nhóm: Chỉ tiêu kinh tế; Chỉ tiêu môi trường; Chỉ tiêu xã hội; Chỉ tiêu thể chế. Bộ Thông tin truyền thông đã ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh8 (Quyết định số 829/QĐ-BTTTT).

Ngoài ra, bộ tiêu chí đô thị sinh thái hiện đang trong quá trình nghiên cứu với mong muốn có thể bao quát nhiều nhóm tiêu chí về các mặt như quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý sử dụng đất, thiết kế đô thị và kiến trúc công trình, vật liệu, giao thông và cơ sở hạ tầng xanh, môi trường và đa dạng sinh học, năng lượng, việc làm, chất lượng sống,… đảm bảo đô thị phát triển với mô hình phù hợp nhất song hành với bảo vệ môi trường, cuộc sống sinh thái và hoàn trả tích cực cho tự nhiên.

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC

Tags: ,