Hòa giải và hàn gắn hậu chiến ở Việt Nam: Hành trình thầm lặng, khốc liệt

“Xã nào ở Việt Nam cũng có liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Xã tôi có 500 mộ thì chỉ 200 mộ thật, còn lại là mộ gió. Đơn vị tôi tìm ra bốn mộ tập thể, trong đó có một mộ gần 25 anh em, xương cốt lẫn lộn”.

Hòa giải và hàn gắn hậu chiến ở Việt Nam: Hành trình thầm lặng, khốc liệt

Tác giả: Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải.

George Black lặng lẽ khóc, khi nghe bác sĩ Bản kể câu chuyện đi tìm liệt sĩ của các cựu binh Việt Nam.

George Black là nhà văn, nhà báo người Scotland, sinh sống và làm việc ở Mỹ. Ông rất tâm huyết với công cuộc hòa giải và hàn gắn hậu chiến ở Việt Nam. Gần đây, mỗi năm ông tới Việt Nam một đến hai lần, để tiếp xúc, hỗ trợ khắc phục hậu quả sau chiến tranh.

Còn bác sĩ Bản là cựu binh Trần Văn Bản – nhân vật trong cuốn sách “Tôi chết bắt đầu một thế giới sống” của tôi, xuất bản năm 1997. Ông Bản là bác sĩ thuộc Tiểu đoàn 268 hoạt động ở vùng Tam giác sắt phía tây Sài Gòn. Trong khi cứu chữa, ghi chép hồ sơ thương vong của đồng đội, ông đã vẽ hàng chục bản đồ chi tiết các khu mộ và viết tên từng đồng đội ngã xuống, rồi cuốn lại, cho vào lọ thuốc rỗng, bỏ vào miệng người chết để tìm lại họ sau này.

Chiến tranh kết thúc, ròng rã gần 50 năm qua, ông đi tìm đồng đội và đã giúp tìm được 14/25 hài cốt liệt sĩ người cùng xã cho gia đình họ.

Năm 2016, nhà văn Mỹ Lady Borton dịch nhiều chương trong cuốn sách của tôi để đăng trên tạp chí Consequence của Mỹ. George Black đọc được và biết tới bác sĩ Bản. Trong chuyến đến Việt Nam hồi tháng 1 năm nay, George tìm gặp bác sĩ Bản. Hai người ôn lại hành trình của vị bác sĩ mà từ khi cuộc chiến kết thúc tới giờ, ông chỉ có một sứ mệnh: tìm kiếm những đồng đội đã nằm xuống nơi chiến trường.

Cuộc gặp của George và ông Bản khiến tôi nhớ lại những câu chuyện cũ, khi tôi dắt các nhà báo Mỹ về Củ Chi, theo cuộc tìm hài cốt. Họ cũng đi cầu khỉ, ăn trưa giữa ruộng và đều khóc khi nhìn bác sĩ Bản ngụp lặn dưới bùn để mò xương đồng đội.

George Black ghi chép rất cẩn thận câu chuyện của bác sĩ Bản. Khi ông Bản ngừng kể, George cung cấp những thông tin quan trọng về các chương trình hậu chiến của Chính phủ Mỹ với Việt Nam. Ông nói, chương trình có sự tham gia của chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ngoài giới lãnh đạo quân sự và tổ chức cựu chiến binh của cả hai nước Việt – Mỹ, còn có quan chức dân sự và quân sự trong Chính phủ Mỹ, Viện Hòa bình Mỹ (USIP), nghị sĩ quốc hội, nhóm các nhà nghiên cứu và lưu trữ tại Đại học Harvard và Texas Tech…

Khi tôi hỏi, vậy còn người dân, người Mỹ có quan tâm nhiều đến những vấn đề hậu chiến Việt Nam không, Geoge Black trả lời: “Đó là một câu hỏi khó, vì người Mỹ nổi tiếng là không quan tâm và không hiểu rõ về các vấn đề quốc tế”. Nhưng ông nói thêm rằng Việt Nam luôn là vấn đề quan trọng. Ở Mỹ đã có khoảng 30.000 cuốn sách viết về Việt Nam bằng tiếng Anh.

Geoge cũng là tác giả của một trong số đó, vừa xuất bản hồi tháng 3. George tin rằng cuốn sách này sẽ giải đáp những câu hỏi như: Việt Nam cần gì, người Mỹ có thể giúp như thế nào… nhằm thúc đẩy Chính phủ Mỹ làm những điều đúng đắn và trách nhiệm đối với hậu quả chiến tranh.

Gần dịp lễ 30/4 năm nay, nhà văn Mỹ Lady Borton trở lại Việt Nam, mang cho tôi một món quà, là cuốn sách mới xuất bản của George – The Long Reckoning: A Story of War, Peace and Redemption in Vietnam (Cuộc phán xét dài lâu: Câu chuyện về chiến tranh, hòa bình và chuộc lỗi ở Việt Nam). Tên sách được gợi cảm hứng từ một dòng trong lá thư của Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson: “Những hậu quả xấu xa của chiến tranh sẽ kéo dài rất lâu”.

Tôi đọc vội trên bìa cuốn sách của George, nhà văn Paul Hendrickson nhận xét: “Cuộc chiến Việt Nam không bao giờ thực sự rời xa. Nó chỉ tạm trốn và mỗi lần miếng da che đậy bị xé toang thì vết thương lại hiện ra”.

Bởi hậu quả cuộc chiến sẽ còn âm ỉ kéo dài, bác sĩ Trần Văn Bản có một nỗi lo. “Tôi luôn tự hỏi, khi chúng tôi già yếu mất đi, ai sẽ biết nhiều dấu vết để giúp tìm anh em?”, ông run giọng nói trong khi George đang chụp lại hình ảnh, thông tin để chuyển tới các chương trình tìm kiếm.

Nhà văn Mỹ cũng có lo lắng của riêng ông, khi thế hệ những người đang thực hiện công cuộc hàn gắn hậu chiến ở Mỹ già đi, ai sẽ tiếp tục. Ông nói ở Mỹ hiện vẫn còn một thế hệ đủ lớn để có những ký ức trực tiếp về cuộc chiến Việt Nam. “Nhưng tôi sẽ cố gắng tiếp cận rộng để nói chuyện với thế hệ độc giả trẻ hơn”.

Dù còn những chia rẽ nhất định giữa các thế hệ, nhà văn George Black tin rằng, ở Mỹ, hầu hết mọi người đã nhìn nhận chiến tranh Việt Nam là một sai lầm. George cũng mong người Việt nội bộ sẽ sớm thống nhất góc nhìn về cuộc chiến.

“Khi tôi nhìn ảnh thi thể lính Mỹ, miền Bắc, hay miền Nam, tôi chủ yếu chỉ nhìn thấy sự giống nhau giữa họ. Tất cả đều là đứa con trai của một bà mẹ nào đấy”, ông chia sẻ.

George hy vọng, lớp trẻ – đặc biệt là Việt kiều có độ lùi thời gian đủ xa, để thấu hiểu và thông cảm hơn với lịch sử – sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong tiến trình hòa giải.

Theo VNEXPRESS 

Tags: , , ,