Hitler và Mein Kampf: Đằng sau một cuốn sách ‘ác ma’

Mein Kampf – cuốn “kinh thánh” Đức quốc xã, cuốn sách đã từng thay đổi lịch sử nhân loại, “ác ma” gieo rắc nỗi khiếp đảm trên khắp lục địa già, lan nhanh ra toàn thế giới. Nguyên bản dày chính xác 688 trang, những trang viết mà mục đích ban đầu đơn thuần chỉ để bày tỏ những quan điểm cá nhân, sự hằn học… của “tay viết nghiệp dư”, một kẻ cầm đầu lật đổ chính quyền nhưng thất bại, một tên tù chính trị bị kết tội phản quốc… và sau này trở thành “quốc trưởng”, người đứng đầu đế chế Phát xít Đức.

Hitler và Mein Kampf: Đằng sau một cuốn sách ‘ác ma’

Những tháng cuối năm 1923, những đảng viên Đức Quốc xã bắt đầu rỉ tai nhau: Hitler đang viết sách!

Bị kết án 5 năm tù giam tội phản quốc và âm mưu lật đổ chính quyền, trong phòng giam của nhà tù Landsberg, Hitler cặm cụi viết những trang đầu của cuốn sách để đời “Cuộc đấu tranh của tôi trong 4 năm rưỡi chống lại sự ngu xuẩn và hèn nhát”, trên chiếc máy đánh chữ hiệu Remington – món quà của Emil Georg, giám đốc ngân hàng Deutsche Bank, nhà bảo trợ Đức quốc xã Đảng.

Khó có ai tin một người như Hilter lại có hứng thú với viết lách. Trong nhà giam, Hitler bắt đầu đọc ngấu nghiến những tác phẩm của Chamberlain, Nietzsche, Mark, Gobino , Eckart, cả cuốn hồi kí của Bismarck… Sau hơn một năm giam giữ, Hitler được thả tử do. Và cũng chỉ 7 tháng kể từ ngày đó, cuốn sách của Hitler được xuất bản với cái tên ngắn gọn, xúc tích và “ăn khách” hơn: Mein Kampf – Cuộc đấu tranh của tôi.

Bất chấp những “tiếng tăm” có được kể từ ngày cuộc đảo chính nhưng thất bại tại quán bia Hofbrauhaus, không ai hứng thú với cuốn sách của “tác giả” Hitler, giới tri thức xem thường bởi đó chỉ là một tay viết “bình dân”. Thứ người ta ấn tượng chỉ là một cuốn sách đầy những hằn học và ngụy biện, văn phong cục mịch, rối rắm.

Thế nhưng, bối cảnh lịch sử của một đất nước Đức kiệt quệ vì chiến tranh, đầy rẫy những khủng hoảng, bất đồng đã khiến con đường chính trị của Hitler thay đổi, số mệnh của cuốn sách cũng vì đó mà thay đổi.

Là kẻ bại trận trong Thế chiến lần thứ nhất, nước Đức buộc phải tuân theo hiệp Ước Versailles, phải trả một số tiền bồi thường cho bên thắng cuộc lên tới 269 tỷ mark – một số tiền vượt quá khả năng của nước Đức lúc bấy giờ. Kinh tế kiệt quệ, các công ty sa thải hàng loạt người lao động, biểu tình liên miên, phân rã xã hội bắt đầu trở nên rõ rệt đến nguy hiểm. 26/12/1926, tổng thống Đức Ebert ban bố tình trạng khẩn cấp. Các cuộc khủng hoảng triền miên, như một lẽ tất yếu, khiến những đảng cực hữu, cực đoan, dân tộc chủ nghĩa như Đức Quốc xã Đảng phất lên như diều gặp gió. Từ một đảng thiểu số, Đức Quốc xã Đảng dần dần trở thành một trong 2 đảng chiếm đa số phiếu trên toàn nước Đức.

Ngày 30/1/1933, Hitler chính thức trở thành thủ tướng của chính phủ liên minh với tư cách là người đứng đầu Đức quốc xã Đảng. Cũng bắt đầu từ đây, người ta thấy sự tuyên truyền và “nhồi sọ” vào đầu dân Đức những lý tưởng và chủ nghĩa mà Hitler bày tỏ trong Mein Kampf. Bắt đầu từ giới trẻ, Hitler nhanh chóng nắm bắt được, việc tuyên truyền những học thuyết của mình vào người dân Đức cần phải được triển khai từ rất sớm, từ khi còn là những đứa trẻ trong trường học. Hàng loạt các chiến dịch tuyên truyền về Mein Kampf được đẩy mạnh. “Cuộc hành quân theo bước chân Quốc trưởng” – một bộ phim tuyên truyền về Mein Kampf và Hitler được khởi chiếu nhằm lôi kéo giới trẻ ra nhập hàng ngũ trong quân đội. Năm 1934, Mein Kampf trở thành nội dung “bắt buộc” phải được giảng dạy tại các trường học. Những cuốn sách dưới dạng tranh trẻ em với các đoạn lược trích từ cuốn sách như “Chú giải về Mein Kampf”, “Truyện cổ dân gian”, “Mẹ kể em nghe về Adolf Hitler” được phát hành.

Một cuốn truyện dành cho thiếu nhi với nội dung bài người Do TháiThậm chí, Mein Kampf còn được chuyển sang dạng chữ nổi Braille cho người khiếm thị. Tại các lễ cưới, Mein Kampf trở thành món quà cưới “bắt buộc”. Trên radio, người ta liên tục nhắc đi nhắc lại “Mein Kampf là cuốn kinh thánh của người Đức”. Đối với các nhà báo, nhà văn, thậm chí một luật còn ban bố rằng: Tất cả những ai trên bàn làm việc không có Mein Kampf được xem là thiếu tôn trọng đối với quốc dân và đối với nghề viết lách”

Mùng 10/11/1938, một toán quân Đức Quốc xã đột nhập một nhà thờ Do thái, ép những mục sư “giảng đạo” về Mein Kampf – một hành động được xem là “lật đổ” Kinh thánh của người Do thái, bắt những người Do thái phải lắng nghe và thấm nhuần tư tưởng của một cuốn kinh thánh chống lại chính họ, ngay tại nơi linh thiêng nhất.

Mein Kampf – món quà “tặng” cho các cặp đôi mới cưới Mein Kampf nhanh chóng trở thành cuốn sách “best-seller”. Nhưng bất chấp những nỗ lực tuyên truyền của Đức Quốc Xã, ít ai đọc hết toàn bộ cuốn sách dày ngót nghét 700 trang đó. Và ngay cả khi nó trở thành một hiện tượng tại Đức, thế giới vẫn xem nhẹ “tính nguy hiểm” của Mein Kampf. Hitler đã từng hối tiếc “Nếu biết một ngày trở thành Quốc trưởng, tôi đã không viết Mein Kampf bởi nó chứa quá nhiều bí mật”. Một cuốn sách đề cao sự ưu việt của dân tộc Đức, gán tất cả những bất công, những bất ổn, phi công lý và tội ác cho người Do thái, hận thù người Pháp, tỏ rõ kế hoạch sẽ “thôn tính” nước Pháp như mục tiêu đầu tiên và tối quan trọng. Nhưng tại sao thế giới vẫn “xem thường” nó? Chỉ đến khi những gì được nói trong Mein Kampf trở thành hiện thực phơi bày trước mắt, lúc đó thì đã quá muộn.

Bởi người ta nghĩ: Mọi chuyện sẽ không kéo dài lâu, hoặc ít thì đã rất đông người Do thái ở Đức đã từng nghĩ như vậy.

Và tại sao giờ người ta lại sợ Mein Kampf như sợ một con quỷ dữ sẽ đem đến chết chóc và hận thù trên khắp thế giới ? Liệu Mein Kampf còn có thể xoay chuyển lịch sử thêm một lần nữa ?

Câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Đã có những lúc, chúng ta có thiên hướng xem thường và chế giễu Hitler như một kẻ điên loạn, một kẻ tâm thần tự xem mình mang trọng trách và xứ mệnh tối cao khiến dân tộc Đức trở nên siêu việt và thống trị thế giới. Nhưng xét cho cùng, sự chế diễu ấy lại xuất phát từ một nỗi sợ nội tâm, một sự sợ hãi rằng những thứ “quỷ dữ” sâu thẳm trong mỗi chúng ta sẽ lại vì thế mà trỗi dậy.

Câu trả lời là có thể vì những lý tưởng mà Mein Kampf mang đến, ở một góc độ nào đó, nó mang đến sự “hài lòng” và “thỏa mãn” khi bỗng nhiên những trăn trở và suy nghĩ của ta bấy lâu nay giờ đã có lời giải – một sự “khai sáng” quá nguy hiểm.

Có thể bởi vì chỉ với việc “đổ tội” cho một chủng tộc, một người hay một điều gì đó, chúng ta đã có thể trả lời tương đối trọn vẹn cho một câu hỏi hóc búa, trong một thế giới vốn phức tạp. Cũng giống như cách cách Hitler tìm câu trả lời: người Do thái, cho câu hỏi “Tại sao nước Đức thua trận? Do đâu mà nước Đức siêu việt lại trở nên khốn cùng, và ai là người được lợi từ sự kiệt quệ đó ?”.

Và cũng có thể bởi lẽ thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay cũng đang phải trải qua những cơn khủng hoảng, những rạn nứt xã hội, những xung đột…tương tự như bối cảnh nước Đức những năm 20 của thế kỉ trước. Khắp châu Âu, những đảng cực hữu, cực đoan, “hậu Phát xít”…đang trỗi dậy ở khắp nơi. 80 năm kể từ ngày Đảng cực hữu của Hitler lên ngôi, ở lục địa già người ta lại mới thấy sự vượt lên đầy lo ngại của những Đảng cực đoan, bài ngoại. Ở Pháp, Đức, Áo, Hà Lan, Ukraina….Hitler – kẻ mang tội ác diệt chủng lại một lần nữa được “sống lại” và trở thành lý tưởng đối với nhiều người dân châu Âu. Chỉ khác rằng hơn 70 năm trước Hitler “nhắm” đến người Do thái, thì giờ đây câu trả lời cho tất cả những bất ổn và tội ác là người Đạo Hồi.

PEGIDA – phong trào cực hữu lan rộng khắp nước ĐứcVà câu trả lời lại càng có thể khi kể từ năm 2016, bản quyền tác giả của Mein Kampf sẽ chính thức hết hiệu lực (70 năm kể từ ngày mất của tác giả). Có nghĩa rằng Mein Kampf đã trở thành tài sản của cộng động, và ai cũng có thể xuất bản và thương mại hóa.

Những nhà chức trách vẫn đang tìm mọi cách để ngăn chặn những hệ lụy không mong muốn từ việc tái bản Mein Kampf trên toàn thế giới, bao gồm cả việc xuất bản Mein Kampf với những chú thích của các sử gia giúp người đọc có cái nhìn chuẩn xác hơn khi tiếp cận nó.

Nhưng dù sao chăng nữa, mình vẫn đồng tình với quan điểm của một người Do thái từng là nạn nhân của chế độ Phát xít: Mein Kampf không phải là cuốn sách để bị chôn vùi. Nó cần phải được đưa ra ánh sáng, được nghiên cứu để những tội ác tương tự không tái diễn.

Theo TAI DINH / SPIDERUM

Tags: , ,