Hiểm họa khó lường từ những cơn mưa axit

Mưa rất quan trọng cho cuộc sống, nó đem lại nguồn nước cho con người và tất cả các sinh vật. Song có loại mưa lại trở thành một mối đe dọa tới môi trường sống của con người và các loài sinh vật. Loại mưa đó gọi là mưa axit.

Nhận diện hiểm họa từ những cơn mưa axit

Trước tiên, việc phát thải các oxit của nito và oxit của lưu huỳnh đã trở nên rất phổ biến. Khi xâm nhập vào khí quyển, các khí này hòa tan với hơi nước tạo thành các Axit Sunfuaric (H2SO4) và Axit Nitric(HNO3) – đây là thành phần chủ yếu của mưa axit. Khi mưa, các hạt axit này tan lẫn vào nước mưa, làm độ pH của nước mưa giảm. Nếu nước mưa có độ pH dưới 5,6 được gọi là mưa axit. Thông thường pH của mưa axit có giá trị từ 4 đến 5 và cá biệt bằng 2.Nguyên nhân dẫn đến mưa axit bắt nguồn từ sự phun trào núi lửa, các đám cháy… Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ các hoạt động của con người. Chỉ tính riêng trong năm 1977, nước Mĩ đã thải vào bầu khí quyển 31 triệu tấn oxit Sulfur và 22 triệu tấn Oxit Nito tức là khoảng 500 kg/ 1 người…

Mới đây, một cuộc điều tra toàn cầu đã cho thấy, thì thành phần sunphua trong các cơn mưa này có thể ngăn cản trái đất ấm lên, bằng việc tác động vào quá trình sản xuất khí methane tự nhiên của vi khuẩn ở các đầm lầy. Nhưng trong đầm lầy ngoài vi khuẩn sinh methane, còn có vi khuẩn ăn sunphua cạnh tranh thức ăn với chúng. Khi mưa axit đổ xuống, nhóm này sẽ sử dụng sunphua, đồng thời tiêu thụ luôn phần chất nền đáng lý được dành cho vi khuẩn sinh methane. Do vậy, các vi khuẩn sinh methane bị “đói” và sản xuất ra ít khí nhà kính. Nhiều thí nghiệm cho thấy phần sunphua lắng đọng có thể làm giảm quá trình sinh methane tới 30%.

Tuy nhiên, so những tác hại mà mưa axit gây ra cho môi trường, con người và các loài sinh vật thì lợi ích nó đem lại là quá nhỏ bé. Mưa axit ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến các ao hồ và hệ thủy sinh vật. Nó rửa trôi chất dinh dưỡng trên mặt đất và mang các kim loại độc xuống ao hồ. Gây mất cân bằng muối Canxi – làm giảm khả năng sinh sản của cá, trứng cá sẽ bị hỏng và xương sống của chúng bị yếu đi. Thêm vào đó, một lượng lớn Al3+ trong đất bị phóng thích vào ao hồ sẽ làm hỏng mang cá và tích tụ trong gan cá… Vào những năm 50 thế kỉ 20 tại Na-Uy, rất nhiều loài cá trong các hồ của Na-Uy bị thoái hóa, ở Thụy Điển, 4.000 hồ không có cá; 9.000 hồ bị mất phần lớn các loài cá đang sinh sống, và có tới 20.000 hồ khác cũng bị ảnh hưởng bởi mưa axit.

Ngoài ra, mưa axit còn ảnh hưởng rất lớn đối tới thực vật. Mưa axit “giết hại” các khu rừng vì chúng rửa trôi những vi sinh vật có lợi và toàn bộ chất dinh dưỡng có trong đất.. Khí SO2 lắng đọng trên mặt đất khi tiếp xúc với lá cây sẽ cản trở quá trình quang hợp của cây. Bên cạnh đó, các ion Al3+ được hấp thụ bởi rễ cây và nó làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của cây.

Theo phát hiện tại Đức năm 1984, hơn nửa các cánh rừng của miền Tây nước này đã và đang ở vào thời kỳ bị phá hủy, sản lượng gỗ bị hủy ước tính khoảng 800 triệu đôla

Hơn nữa, do hiện tượng tích tụ sinh học, khi con người ăn các loại thực phẩm có chứa độc tố, các độc tố này sẽ gián tiếp tích tụ trong cơ thể con người và gây nguy hiểm đối với sức khoẻ con người. Các chất khí axit còn tác động trực tiếp lên con người dẫn tới các bệnh về đường hô hấp.

Chất ô nhiễm Nguồn ô nhiễm Tác động đến con người

CO2 Quá trình cháy, Oxy hóa chất CH Bệnh tim mạch, suy nhược toàn thân, gây chết

SO2 Sản xuất năng lượng Bệnh phế quản, đường hô hấp, hen, ung thư phổi

NOx Sản xuất năng lượng, giao thông Viêm phổi, viêm phế quản

Không những thế. Mưa axit làm hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, làm giảm tuổi thọ của các công trình kiến trúc, ăn mòn kim loại, đá, gạch của các tòa nhà, cầu, tượng đài. Đồng thời làm hư hỏng các hệ thống thông khí, các thư viện, viện bảo tàng và phá hủy các vật liệu như giấy, vải…

Ở Việt Nam, theo kết quả phân tích thống kê (1996-2005) nước mưa ở 4 trạm Tân Sơn Hòa, Tây Ninh, Cần Thơ và Cà Mau của ThS. Nguyễn Thị Kim Lan – Phân viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường phía Nam cho thấy:

Tần suất mưa axít trung bình 10 năm có pH<5,6 lần lượt tại Tân Sơn Hòa, Tây Ninh, Cần Thơ và Cà Mau là 41,2; 57,9; 58,0 và 39,8%. Mưa axít tại khu vực Nam Bộ tập trung vào cuối mùa mưa (tháng 9, 10) và tháng chuyển tiếp từ mùa mưa sang mùa khô (tháng 11), trong đó tháng 10 có tần suất mưa axít cao nhất…

Từ những điều đã nói ở trên, ta có thể thấy mưa axit đã trở thành một mối hiểm họa tiềm, đe dọa tới sức khỏe của con người, môi trường sống và tất cả các loài sinh vật. Vì vậy, mỗi người cần phải có nhận thức rõ ràng về những tác hại của mưa axit để từ đó chung tay xử lý cũng như khắc phục hậu quả hậu quả mà nó gây ra.

S.T

Tags: