Hát karaoke vô ý thức: Cần mạnh tay trấn áp những kẻ man rợ

Dù là một hình thức sinh hoạt văn hóa nhưng hát karaoke không tuân thủ giờ giấc, nơi hát không cách âm, gây tiếng ồn lớn, mất trật tự, ảnh hưởng đến những người xung quanh là vi phạm pháp luật.

Hát karaoke vô ý thức: Một dạng tội phạm môi trường cần mạnh tay trấn áp

Hát karaoke gia đình là một hình thức văn hóa – văn nghệ lành mạnh, tạo sự gắn kết giữa bạn bè, người thân trong gia đình lúc gặp gỡ, vui chơi và giảm stress sau những ngày lao động mệt nhọc. Do kinh tế ngày càng phát triển, nhiều hộ gia đình đã tự mua sắm dàn karaoke hoặc các loa “kẹo kéo” kết nối từ điện thoại với loa công suất lớn di động, ai cũng có thể hát ở mọi lúc, mọi nơi. Điều này đã gây nên tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Đã có không ít vụ việc do hát karaoke mà mất tình làng nghĩa xóm, thậm chí còn xảy ra gây lộn, đánh nhau ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu dân cư.

Trong điều kiện hiện nay, khi cuộc sống của con người hằng ngày phải đối mặt với nhiều thứ ô nhiễm như không khí, nguồn nước, thực phẩm bẩn… thì ô nhiễm tiếng ồn cũng là vấn đề gây bức xúc cho nhiều người. Ảnh hưởng lớn nhất của ô nhiễm tiếng ồn là tác động khó chịu đến tâm lý, tinh thần của người nghe, làm hạn chế những sinh hoạt bình thường, giảm chất lượng cuộc sống. Sau những giờ làm việc vất vả, khi về nhà ai cũng mong có một không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi thì lại bị tra tấn bằng những tiếng hát với âm lượng “đinh tai nhức óc”. Nhiều đứa trẻ đến giờ học bài, cha mẹ bắt vào phòng đóng cửa, vậy mà cái âm thanh hỗn tạp ấy vẫn lọt vào.

Dù là một hình thức sinh hoạt văn hóa nhưng hát karaoke không tuân thủ giờ giấc, nơi hát không cách âm, gây tiếng ồn lớn, mất trật tự, ảnh hưởng đến những người xung quanh là vi phạm pháp luật. Một số người bị ô nhiễm tiếng ồn do hát karaoke của hàng xóm đã phải viết đơn “kêu cứu” lên chính quyền, đề nghị can thiệp.

Theo quy định của pháp luật, hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/2/2017) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định rõ các hành vi gây tiếng ồn tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt tiền và các hình phạt bổ sung.

Theo đó, nếu gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật trên 40dBA (đề-xi-ben) sẽ bị phạt từ 140-160 triệu đồng. Ngoài ra còn có thêm hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 3-6 tháng hoặc từ 6-12 tháng, tùy mức độ ồn vượt bao nhiêu so với quy định. Cùng với đó là các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc người vi phạm phải thực hiện giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, người vi phạm phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật.

Luật pháp đã quy định rõ ràng nhưng trên thực tế việc triển khai xử phạt chưa nghiêm khắc, tính răn đe đối với người vi phạm chưa cao. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền, nhất là cấp phường, xã cần phải mạnh tay hơn trong việc xử lý những người gây ra tiếng ồn quá mức cho phép ở các khu dân cư.

Hiện nay, thiết bị đo âm thanh trên thị trường rất phổ biến và khá rẻ, thậm chí ai cũng đo được cường độ âm thanh bằng đề-xi-ben, vì hầu như người nào cũng có điện thoại di động thông minh. Vấn đề là người dân cần thay đổi nhận thức và có hành vi tích cực trong văn hóa ứng xử cộng đồng, tôn trọng người khác và kiểm soát ô nhiễm âm thanh do mình gây ra.

Đối với chính quyền, khi đã quyết tâm và có trách nhiệm cao thì chắc chắn sẽ dẹp được tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các khu dân cư mình quản lý.

Theo BÁO BÌNH PHƯỚC

Tags: , ,