Hai thu nhập, không sinh con: Sự thách thức của một lối sống

Xuất hiện từ những năm 1980, thuật ngữ DINKs (Dual Income, No Kids: 2 thu nhập, không con cái) được sử dụng để mô tả một dạng cấu trúc gia đình phi truyền thống trong xã hội đương đại.

Hai thu nhập, không con cái: Sự thách thức của một lối sống

Tác giả: Lê Trần Hoàng Duy, Thạc sĩ Khoa học Tâm lý học tại Đại học Newcastle (Australia), giảng viên khoa Khoa học Xã hội trường Đại học Hoa Sen. 

Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau cuộc Đại suy thoái toàn cầu năm 2009, xu hướng DINKs càng trở nên rõ rệt. Hiện nay, khi kinh tế gia đình và sự tự do cá nhân cũng được xem trọng không kém gì các giá trị gia đình truyền thống, các đôi lại có thêm lí do để theo đuổi lối sống này.

Tuy nhiên, khi bạn lựa chọn DINKs, nhất là trong bối cảnh một nước Á Đông như ở Việt Nam, cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt nhiều thách thức.

Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập đến những thách thức về mặt tâm lý – xã hội của các cặp vợ chồng chủ động lựa chọn DINKs cho cuộc hôn nhân của mình.

Khi cơ hội đi kèm với rủi ro

Những lợi ích của “2 thu nhập, không con cái” được ghi nhận rất rõ ràng bởi người trong cuộc và cả các con số thống kê.

Các nhà chuyên môn xác định rằng khi so sánh với cấu trúc gia đình truyền thống, DINKs mang lại cho các cặp đôi một số ưu thế về thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, việc cả hai vợ chồng cùng đi làm và không sinh con có thể tạo điều kiện để mỗi người tập trung phát triển sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên, những thách thức về mặt tâm lý và xã hội, chủ yếu đến từ việc không sinh con cũng không hề nhỏ. Các cặp đôi đứng trước một câu hỏi quen thuộc nhưng không dễ trả lời: lựa chọn này liệu có xứng đáng hay không.

Những khuôn mẫu truyền thống về gia đình

Khó khăn đầu tiên của lối sống DINKs nằm ở chỗ nó thách thức những khuôn mẫu văn hóa – xã hội về gia đình. Các đôi sẽ phải đối mặt với sự xung đột về giá trị với gia đình gốc của họ và xã hội nói chung.

Từ phía gia đình, áp lực “có cháu để bồng bế” hay “có con nối dõi” của cha mẹ hai bên là những quan điểm có sự bất đồng giữa họ với gia đình gốc.

Đi kèm với sự không hài lòng của các phụ huynh có thể là những sự “trừng phạt” về mối quan hệ và kinh tế. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến cảm xúc và chất lượng cuộc sống vợ chồng.

Trong trường hợp các đôi có sự phụ thuộc về mặt kinh tế đối với gia đình gốc, vấn đề sẽ càng thêm nan giải.

Ngoài ra, những đôi vợ chồng lựa chọn DINKs cũng có thể phải đối mặt với một định kiến về việc không sinh con như là biểu hiện của sự ích kỉ và lối sống hưởng thụ. Trước những công kích kiểu này, cảm xúc tiêu cực là điều khó tránh khỏi.

Khi vợ chồng không cùng chung tiếng nói

Thử thách thứ hai của việc lựa chọn không sinh con đến từ sự đồng thuận của đôi bên. Không phải lúc nào ý tưởng về lối sống DINKs cũng phát xuất từ cả hai phía.

Trong nhiều trường hợp, điều này được đưa ra bởi người vợ hoặc chồng, và họ sẽ phải thuyết phục đối phương. Việc này sẽ khiến quyết định về lối sống chung gặp nhiều khó khăn.

Ngay cả khi có sự đồng thuận, các đôi có thể vẫn giữ những niềm tin khác nhau về DINKs. Với một số người, DINKs đơn thuần là trì hoãn việc sinh con cho đến khi sẵn sàng, trong khi những người khác cho rằng đây là một lựa chọn vĩnh viễn.

Có một kịch bản rất thực tế là một trong hai người, do không hoàn toàn thuyết phục được đối phương, có thể dùng cách nói “tạm thời không có con” như một biện pháp để tạm thời đạt được mục tiêu của mình.

Dù trong trường hợp nào, việc cả hai không hoàn toàn chung tiếng nói trong việc lựa chọn lối sống đều ẩn chứa rủi ro về mối quan hệ và nguy cơ mâu thuẫn sau này.

Khi tương lai là một dấu chấm hỏi

DINKs là quyết định của hiện tại, nhưng lại tác động rất lớn đến tương lai và ít ai có thể lường trước hết những điều sẽ xảy ra.

Những yếu tố như thời gian, tuổi tác, trải nghiệm sống, sự ổn định về kinh tế, sự chuyển biến của cuộc hôn nhân,… có thể làm các cặp đôi thay đổi cảm xúc và cách nhìn nhận về việc không có con cái.

Vấn đề nằm ở chỗ, trong một số trường hợp, việc thay đổi là rất khó khăn hay thậm chí bất khả thi. Không ít cặp vợ chồng từng tin tưởng vào quyết định không sinh con, sau đó lại cảm thấy hối hận khi về già.

Tuy nhiên, vẫn có những cặp đôi không con cái vẫn luôn cảm thấy ổn và hoàn toàn hài lòng với quyết định của mình. Thách thức của mỗi cặp đôi là họ hoàn toàn không biết được mình sẽ thuộc trường hợp nào trong hai tình huống nói trên.

Còn quá sớm để đưa ra kết luận

“2 thu nhập, không con cái” vẫn là một lối sống mới tại Việt Nam. Những nghiên cứu về chủ đề này, ngay cả trên thế giới, cũng chưa thực sự nhiều.

Do đó, vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về lối sống này. Các đôi theo đuổi DINKs cũng sẽ cần tự mình trải nghiệm và liên tục rút ra bài học cho chính mình trên hành trình theo đuổi lối sống này.

Song với sự kiên định trong lựa chọn DINKs cho cuộc hôn nhân, cả hai cũng nên liên tục tái kiểm nghiệm lựa chọn của bản thân và sẵn sàng thay đổi nếu cần thiết.

Quan trọng nhất, đây vẫn là một quyết định mà một khi đưa ra sẽ khó từ bỏ. Bạn trẻ cần ý thức rõ động cơ của bản thân và bạn đời khi đưa ra quyết định này.

Bên cạnh đó, cả hai phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng để có thể theo đuổi hạnh phúc hôn nhân một cách bền vững.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,