Góc nhìn tâm lý học về nỗi sợ hãi phải ‘thuộc về’ một ai đó

Bạn đã bao giờ hẹn hò hay gặp gỡ một ai đó mà trong thời gian đầu của một mối quan hệ, họ tỏ ra tràn đầy yêu thương và nhiệt thành. Nhưng không lâu sau đó, họ lại kéo giãn khoảng cách của cả hai ra xa khi mối quan hệ “có vẻ như bắt đầu trở nên gắn bó sâu sắc?”

Góc nhìn tâm lý học về nỗi sợ hãi phải ‘thuộc về’ một ai đó

Hoặc như, bạn đã từng chứng kiến những người bố, người mẹ yêu thương con cái họ theo một cách lạ lẫm, họ dường như đánh đồng sự “Xa cách” và “độc lập” với “tình yêu” và “sự bền vững của tình cảm gia đình”?

Liệu bạn từng thấy một đứa trẻ đôi lúc rất yêu thương và quấn quít bố mẹ, nhưng lúc khác lại giữ khoảng cách hoặc thậm chí đối xử với bố mẹ chúng như những người xa lạ?

Nếu như câu trả lời của bạn là “đã từng biết đến một người như vậy”, thì đó cũng không phải là một điều quá lạ lẫm, vì một báo cáo cho thấy đến 5.2% người trẻ Mỹ bị ảnh hưởng bởi “Rối loạn nhân cách né tránh” (avoidant personality disorder). Theo đó, những người trẻ mang phải dạng tính cách này sẽ gặp trở ngại trong việc phát triển một mối quan hệ lành mạnh với những ranh giới trong tình cảm, vì việc phải tin tưởng hay thổ lộ những tâm sự sâu sắc nhất trong lòng cho người khác đối với họ quá khó khăn. Cũng như ở bài viết về nỗi sợ bị bỏ rơi, chủ đề này sẽ xoáy vào những người tỏ ra né tránh hoặc không thể cảm nhận sự thân mật ở một mối quan hệ. Vì sâu thẳm bên trong họ, đối diện với những mối ràng buộc tình cảm sâu sắc có nghĩa là một lần nữa cho thế giới này một cơ hội làm tổn thương họ. Họ hình thành một thói quen “đóng cửa trái tim” quá lâu, đến mức nó trở thành một phần tính cách bên trong họ từ khi nào không hay biết.

Trong từ điển bách khoa toàn thư về các tâm bệnh học (DSM-5) thì “Rối loạn tính cách tránh né” được xếp vào loại rối loạn nhân cách đi cùng với những nỗi lo âu. Sơ lược về những dấu hiệu của vấn đề này có thể kể đến dưới đây như sau (lưu ý đây là những dấu hiệu ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của một người nào đó, khiến họ dường như rơi vào trạng thái hoang mang và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Những dấu hiệu này chỉ mang tính chất tham khảo, và lướt thêm bên dưới để xem về những điều cụ thể mà tính cách này ảnh hưởng lên các mối quan hệ gắn bó.)

– Tránh né môi trường công việc hay các hoạt động xã hội khiến họ phải đụng chạm với người khác.
– Luôn rất nhạy cảm với những chỉ trích và sự phản đối từ người khác.
– Không mong muốn tiếp xúc với người khác trừ khi họ chắc rằng người đó sẽ yêu thích và chấp nhận họ.
– Luôn lo lắng rằng sẽ bị ai đó nhìn thấu mình, và sợ hãi bị từ chối hay bị người khác cho ra rìa.
– Bị ảnh hưởng bởi những dòng suy nghĩ rằng bản thân sẽ bị người khác chế giễu hoặc bị làm mất mặt.
– Né tránh các mối quan hệ trong cuộc sống như tình bạn, tình yêu, tình thân vì nỗi sợ bị bỏ rơi.
– Đôi lúc cảm thấy bản thân cô đơn, cô lập khỏi các vòng tròn xã hội và thua kém những người khác.
– Miễn cưỡng thử các hoạt động mới trong cuộc sống vì nỗi sợ rằng sẽ làm bản thân mình thành trò cười cho người khác.

Và các triệu chứng khác cũng tùy thuộc vào trải nghiệm và cảm nhận riêng của từng cá nhân. Các nghiên cứu vẫn không chắc chắn về nguyên nhân cụ thể dẫn đến vấn đề tâm lý này, nhưng nhiều nhà tâm lý đề xuất rằng gen di truyền và môi trường sống là 2 yếu tố ảnh hưởng đến rối loạn này.

MỘT TRƯỜNG HỢP CẦN TRỊ LIỆU TÂM LÝ CÓ THẬT TỪ MỘT NGƯỜI MANG XU HƯỚNG NÉ TRÁNH

Andrea, một cô gái 28 tuổi đến văn phòng tâm lý và trải lòng về mối quan hệ của cô rằng cô thấy bối rối và không cảm thấy hài lòng về việc cô không biết mình muốn gì từ mối quan hệ, và cần gì từ những người bạn trai của mình. Andrea đã từng có một vài mối quan hệ dài lâu, nhưng cô không cảm thấy hoàn toàn tích cực về họ. Bạn bè cô nói rằng: có lẽ cậu chưa thực sự gặp được một người dành cho mình, một người phù hợp với cuộc sống của Andrea. Cô ấy cũng công nhận rằng mình thực sự chưa gặp ai mang lại cho cô cảm giác muốn gắn bó dài lâu, và cô tin rằng cuộc đời này dài như thế, chính bản thân cô cũng không muốn phải gắn bó với ai đó lâu đến vậy. Cô cảm thấy bình thường và vui vẻ với các mối quan hệ bạn bè và cuộc sống, chỉ là được bảo rằng việc “không muốn gắn kết lâu dài” là một dấu hiệu bất thường trong xã hội.

Nhà trị liệu đã nói với Andrea rằng: việc cô không muốn cam kết dài lâu là một việc bình thường và không hề sai trái, không có bất kì sự bất thường nào ở cô cả. Cũng như việc một ai đó không muốn kết hôn và gắn bó, sinh con với ai đó là một việc không ai có thể đánh giá trừ người đó.

Andrea thừa nhận rằng việc phải duy trì một mối quan hệ lâu dài đối với cô thực sự khó khăn, dù đôi khi cố gắng, cô vẫn phải kết thúc nó vì sự đau khổ và lo lắng mà mối quan hệ mang lại cho cô. Điều khiến cô đau khổ mãnh liệt nhất chính là cô sợ rằng mình sẽ làm tổn thương người bạn đời của mình vào một ngày nào đó. Vì sâu trong cô không muốn tiếp tục còn người kia thì mong muốn và hy vọng về một tương lai tươi đẹp của hai người. Nhà trị liệu cũng khuyến khích Andrea trung thực với chính mình và người mình yêu về những điều mà cô mong muốn, cũng như nói rõ với họ những gì cô cảm thấy và đừng vì lo sợ mà giấu diếm, vì sẽ có thể làm cả 2 tổn thương.

SỰ CĂNG THẲNG KHI PHẢI ĐỐI DIỆN VỚI CẢM XÚC CỦA CHÍNH MÌNH VÀ NGƯỜI KHÁC TRONG MỘT MỐI QUAN HỆ

Nhiều người mang xu hướng né tránh thường trải nghiệm một loạt các căng thẳng và cảm thấy kiệt quệ cảm xúc trong mối quan hệ với người khác, cho dù họ là nam hay nữ. Và những hành vi né tránh cảm xúc và thân mật này có thể được họ thực hiện với bất cứ ai trong đời mình, dù là gia đình, bạn bè hay người yêu. Những người này thường phát triển một cơ chế nhận thức trong cuộc sống rằng: mọi việc điều phải dựa vào khả năng tự lực của bản thân họ (rằng họ là người duy nhất có trách nhiệm phải đáp ứng nhu cầu về vật chất và tình cảm của bản thân). Không lạ lắm khi nghiên cứu từ Meyer và các đồng sự (2000) tìm ra rằng những người mang nét tính cách này thường gặp khó khăn và bất lợi trong việc xây dựng một mối quan hệ hoàn hảo với người khác. Theo Marquest và các đồng sự (2012) người mang nhiều dấu hiệu của rối loạn tính cách tránh né thường đặt nhận thức về sự gần gũi với người khác ở một mức độ cảnh báo nhất định, và họ thường đề phòng cũng như bảo vệ cảm xúc của mình nhiều hơn những người khác.

Từ trong quá trình lớn lên họ đã học được rằng mình phải luôn tự mình đứng vững trong mọi tình huống trong cuộc sống mà không cần đến ai khác. Thế nên khi xuất hiện một người muốn dựa dẫm và phụ thuộc tình cảm vào họ, một người mong muốn được họ đáp ứng nhu cầu, họ sẽ cảm thấy không thoải mái và trong lòng tự dấy lên một nỗi phiền muộn bức bối và cảm giác bất công. Họ không thích việc phải đánh giá và điều hướng cảm xúc bên trong, cũng như ít có khả năng tự xác định cảm xúc của chính mình.

Đến cảm xúc của bản thân mà họ cũng không thể đặt tên, nên khi người khác mang trái tim dâng lên trước mặt họ với những câu hỏi cần giải đáp và đòi hỏi được đáp lại, họ chỉ cảm thấy bối rối và não lòng.

Cho dù họ có đang trong một mối quan hệ mà họ thật tâm đối xử với đối tác, họ cũng gặp khó khăn trong việc thiết lập một sợi dây gắn kết, hay ràng buộc sâu sắc với người kia. Nhiều người thậm chí còn chọn cách không bao giờ bước chân vào một mối quan hệ “ổn định” để tránh phải vác lên mình sự thân mật quá mức từ người khác, họ đặc biệt là từ chối hoàn toàn việc gắn kết lâu dài hay phải thề thốt về một tương lai.

Họ là những người sẵn sàng chọn các mối quan hệ không rõ ràng, những mối quan hệ “friends with benefits” hay one-night-stands. Họ luôn không tin rằng người khác sẽ ở cạnh họ và chăm sóc yêu thương họ mãi mãi, nghĩ rằng có lẽ mối quan hệ nào cũng sẽ kết thúc, rằng không có tình yêu nào kéo dài mãi mãi. Giống như cách mà họ cảm nhận được từ bố mẹ trong quá khứ – một sự thiếu thốn tình thương và quan tâm cần thiết từ người mình tin tưởng và thương yêu nhất.

Liệu điều gì sẽ xảy ra khi người mang nét tính cách này bị buộc phải đối diện và nhìn nhận cảm xúc tiêu cực của bản thân họ hay người khác?

Câu trả lời là họ sẽ muốn tự cô lập bản thân và bắt đầu hành xử một loạt các kiểu hành vi xa cách tránh né thân mật cơ thể như: nắm tay, ôm ấp và gần gũi cơ thể.

Họ cũng bắt đầu tránh xa các cuộc trò chuyện sâu sắc về vấn đề đó; họ từ chối trả lời những câu hỏi về tương lai của mối quan hệ; họ ngừng đề cập và sử dụng những từ ngữ thân mật như các câu nói “Anh yêu em”; hoặc sẽ hoàn toàn không lắng nghe và từ chối phản hồi lại cảm xúc của người kia.

Khi đi cùng nhau, họ cố tình đi nhanh hơn hoặc chậm hơn để không phải tiếp xúc với người yêu trong thời gian đó; họ cố tình bỏ qua và loại bỏ những nỗi thất vọng và mong muốn được bày tỏ cảm xúc của người kia về phía họ; ngoài ra, họ còn có thể tìm đến các chất kích thích hay những thói quen tiêu cực để né tránh đối diện với cảm xúc và vấn đề của mình như tìm kiếm rượ.u bia, cờ bạc,..

Về người có mối quan hệ với người mang xu hướng tính cách này, việc cố gắng nhìn thấu và tìm kiếm điều mà người né tránh muốn là một chuỗi dài những sự khó hiểu và rối bời, họ không biết phải nghĩ như thế nào. Họ thậm chí cảm thấy mình như là người ngoài trong cuộc đời của người mà mình yêu.

Khác với những “tiêu chuẩn vàng” mà một mối quan hệ nên có về sự bình đẳng, gần gũi sẻ chia cho nhau; người mang xu hướng “trốn để bảo vệ” này không tìm kiếm một sự gần gũi sâu sắc hay muốn chia sẻ dài lâu với người khác về những điều ẩn giấu trong lòng họ. Mà theo tác giả M. Scott Peck của cuốn “Roadless travelled” về tâm lý đã nhắc đến trường hợp này rằng đây là hội chứng “I’ll desert you before you desert me” – tôi sẽ rời bỏ họ trước khi ai đó có thể làm tổn thương tôi!

Một định hướng tâm lý luôn bao trùm lấy người mang xu hướng tránh né rằng không được để bản thân mình phụ thuộc tình cảm vào bất cứ ai, dù người đó có là người thân hay người mình thương mến. Những người này sống một cách tự chủ nhất có thể trong cuộc sống. Điều quan trọng ở những người này chính là họ không những không muốn trao trái tim cho người khác quá nhiều mà còn không thích việc người khác quá cần mình.

Trong trường hợp người mang tâm lý né tránh gặp căng thẳng và stress trong cuộc sống, cơ chế phòng vệ của họ càng thúc đẩy nhu cầu được tách rời từ người khác để bảo vệ bản thân. Điều mà họ theo đuổi trong một mối quan hệ đơn giản được tóm gọn lại trong một câu nói: “Chúng ta có thể cùng nhau tồn tại nhưng 2 người phải tự tìm cách tách biệt cuộc sống ra khỏi nhau”. Giống như kiểu họ cho phép bạn bước vào nhà họ, nhưng không được mở cửa khám phá căng phòng riêng của họ trừ khi họ bảo bạn rằng bạn có thể làm điều đó.

Nói thẳng thừng thì người mang rối loạn tính cách tránh né coi việc quá thân mật, phụ thuộc tình cảm vào người khác là một việc gây hỗn loạn và thật đáng sợ khi nghĩ tới. Tuy nhiên, việc một người tận sâu bên trong muốn được kết nối và thấu hiểu nhưng lại luôn chạy trốn khỏi tình yêu khi gặp nó, có thể dẫn đến những cảm xúc đau khổ và cô độc cùng cực.

Đôi khi, họ chọn cách ở lại trong một mối quan hệ dù họ không còn muốn tiến xa hơn nữa, khi mối quan hệ ấy đã đến “ngưỡng” đủ và không nên chia sẻ thêm, họ vẫn ở lại vì không muốn cô đơn hay không muốn người kia rời bỏ mình. Hoặc như, vì những giá trị xã hội rằng “không thể rời bỏ người kia đau khổ dù họ không làm gì sai” khiến họ quyết định ở lại trong một mối quan hệ như một cách đúng nhất nên làm trong tình huống đó, dù họ không còn nhu cầu biểu hiện tình cảm và sự quan tâm nữa. Đôi khi, sự lạnh lùng của họ khiến người kia đau khổ và buồn bã, nhưng người mang tính cách tránh né không thể rời đi vì tiếc nuối thời gian và công sức đã bỏ ra cho mối quan hệ, cũng như họ nghĩ rằng “mình đã đi đến đây rồi, sao lại có thể từ bỏ mối quan hệ như vậy được”?. Dù bên trong họ đã không còn muốn tiếp tục mở lòng thêm nữa.

QUÁ KHỨ THIẾU VẮNG SỰ GẮN KẾT VỚI NGƯỜI THÂN

Ngoài các nguyên nhân về di truyền thì những trải nghiệm cảm xúc tiêu cực như bị lạm dụng cảm xúc và thân thể, bị bỏ rơi, bị bỏ mặc cảm xúc hay những thất bại cảm xúc tương tự, thường liên quan đến dấu hiệu của các rối loạn nhân cách trong tương lai (Jeffrey, 2016). Và “nỗi sợ bị bỏ rơi” đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành xu hướng tính cách né tránh này ( Ingeborg et al, 2015). Và tất nhiên, bài viết này lại phải nhắc lại thuyết gắn bó của John Bowlby một lần nữa, vì tầm quan trọng của mối quan hệ từ nhỏ giữa một đứa trẻ và người chăm sóc. Rằng chất lượng mối quan hệ tiêu cực/tích cực đó có thể cấu tạo tương tự lên các mối quan hệ trong tương lai của đứa trẻ.

Mình đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về ảnh hưởng của sự thờ ơ từ bố mẹ khi họ chọn cách đối xử tàn nhẫn với cảm xúc của con cái hay lơ là khi đứa trẻ cần họ bên cạnh khi nó sợ hãi, đau ốm hay tổn thương cảm xúc. Bố mẹ của những đứa trẻ này thường nuôi dưỡng nó bằng sự dạy dỗ rằng không nên biểu hiện cảm xúc và nhu cầu của mình ra ngoài, và không khuyến khích nó khóc khi buồn hoặc ồn ào khi vui. Họ thậm chí có thể mang những mong muốn xa vời về sự độc lập cần thiết mà con cái họ phải luôn có trong cuộc sống. Những việc làm đó có thể kể đến như: Liên tục phủ nhận nỗi buồn và tiếng khóc của con họ khi còn nhỏ khi chúng thể hiện sự buồn bã và tủi hổ, sợ hãi; họ muốn đứa trẻ phải kiềm chế cảm xúc và cứng rắn hơn khi tức giận; hoặc họ rời đi nơi khác hoặc cứ bỏ mặc đứa trẻ khi chúng đang có dấu hiệu sợ hãi hay mong cầu được chú ý;..

Nghiên cứu cho thấy những người mang xu hướng tính cách né tránh này thường có xu hướng rất độc lập, ít khoan dung và cũng khó tha thứ hơn người khác. Đôi lúc họ chọn những mối quan hệ ít ràng buộc vì những trải nghiệm ở các mối quan hệ trong quá khứ, bởi những người tình từng cho họ thấy sự phụ thuộc quá nhiều của người đó vào họ. Bởi quá khứ từng bị người thân xa cách quá mức, người họ cần không có mặt, không phản hồi lại sự mong cầu yếu ớt của họ khiến họ học cách tự săn sóc bản thân và có xu hướng không muốn chấp nhận những người quá phụ thuộc vào người khác. Họ có thể nhìn nhận những đối tượng yêu đương trong tương lai là những người không đáng tin cậy, do đó, không nên gắn bó lâu dài.

Như trong trường hợp trị liệu của Andrea, việc mang xu hướng tính cách này không phải là một điều quá đáng sợ hay bất thường, trừ khi nó ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến cuộc sống của một người. Và lựa chọn sống như thế nào là việc cùa mỗi người.

Nếu bạn hay người bạn biết đang trải qua một mối quan hệ như thế, hãy thử tìm kiếm các bài về nỗi sợ bị bỏ rơi, các mối gắn kết trong quá khứ và tính cách của hiện tại, cũng như đọc về các bài trị liệu tâm lý để hiểu hơn về bản thân.

———————

Tài liệu tham khảo:

Tatkin, S. (2009). I want you in my house, just not in my room…unless I ask you. New Therapist, 62, July/August.
Eikenæs, I., Pedersen, G. and Wilberg, T. (2016), Attachment styles in patients with avoidant personality disorder compared with social phobia. Psychol Psychother Theory Res Pract, 89: 245-260. https://doi.org/10.1111/papt.12075
The Talking Cure of Avoidant Personality Disorder: Remission through Earned-Secure Attachment: https://www.ingentaconnect.com/…/0000…/00000003/art00001
Etchverry, P. E., Le, B., Wu, T. & Wei, M. (2013). Attachment and the investment model: Predictors of relationship commitment, maintenance, and persistence. Personal Relationships, 20, 546-567. DOI: 10.1111/j.1475-6811.2012.01423.x
Meyer, B., & Carver, C. S. (2000). Negative childhood accounts, sensitivity, and pessimism: A study of avoidant personality disorder features in college students. Journal of Personality Disorders, 14(3), 233-248. Retrieved from https://guilfordjournals.com/…/10.1521/pedi.2000.14.3.233
https://www.psychologytoday.com/us/conditions/avoidant-personality-disorder?fbclid=IwAR0dIKL21rKi9MnU2dTR6WOoCRlcjzSL5hz2JGyzZ64GxH-KPE8InUgJPUM
https://www.nimh.nih.gov/health/statistics/prevalence/avoidant-personality-disorder?fbclid=IwAR3xF3QWwldscp2cUPTDGoU0U4Q9Cy_NJ8l6qu_E11B4CL7d8zPJwPEXO5g
https://psychcentral.com/blog/caregivers/2015/07/understanding-avoidant-attachment-disorder?fbclid=IwAR2SJ7dnCqbG3Dc0Pveg_J9VjpzKIEtTujMlMpsq7jwxaI8g_am2dECZAJk#3
https://www.psychologytoday.com/us/blog/insight-is-2020/202102/how-deal-avoidant-personality-in-romantic-relationships?fbclid=IwAR1jY8t44Ao8_WQbEMUtDl4MLburW03bYMd99sDMnX8RODnZJGYtEb22ZCw

Theo NGUYEN LE HOAI THUONG / PRYCHOLOGICAL FACTS – TÂM LÝ HỌC VÀ XÃ HỘI HỌC VIỆT NAM

Tags: