‘Gloomy Sunday’ – sự ám ảnh của bài hát ‘buồn thảm nhất mọi thời đại’

Ra đời vào thập niên 1930, ca khúc Gloomy Sunday – “Ngày Chủ Nhật u sầu” đã liên quan trực tiếp đến cái chết của hơn 100 người, trong đó có chính tác giả và người yêu cũ của ông.

Gloomy Sunday – lời nguyền chết chóc của bài hát buồn thảm nhất mọi thời đại

Nỗi u sầu của nhạc sĩ Rezso Seress

Vào một buổi chiều cuối năm 1932 tại thủ đô Pari (Pháp) trong không khí nặng nề, u ám, lạnh lẽo của một chiều mưa, nhạc sĩ dương cầm gốc Hunggari, Rezso Seress ngồi chơi đàn bên cửa sổ. Chính ngoại cảnh u buồn ấy đã gợi cảm hứng cho những giai điệu đầu tiên trong một bản nhạc mới của anh. Đó chính là tác phẩm “Szomorú Vasárnap”.

Chàng nhạc sĩ đã dành trọn tình yêu cho một người phụ nữ nhưng lại bị cô cự tuyệt. Trong nỗi thất vọng, anh đã đặt bút viết nên bản nhạc sầu thảm nhất trong cuộc đời mình. Nhưng anh đâu ngờ, chính “đứa con tinh thần” ấy lại reo giắc tai họa trong những năm sau đó.

“Szomorú Vasárnap” đã không gây ấn tượng gì nhiều lúc ra mắt. Bản nhạc này đủ hay để các hãng thu âm thời bấy giờ có thể nhận lời phát hành đĩa nhưng không một hãng nào đồng ý vì “nhạc và lời quá buồn thảm, rợn người”. Phải đến năm 1935, phiên bản có lời đầu tiên bằng tiếng Hungary của “Szomorú Vasárnap”, do một người bạn của Reszo là Jávor viết lời và Pál Kalmár thể hiện, mới được ghi âm.

Bản nhạc đã nhanh chóng được các nhà sản xuất nước ngoài quan tâm. Nhạc sĩ Sam M. Lewis (người Mỹ) và Desmond Cater (người Anh) đều đã viết ca từ tiếng Anh cho “Szomorú Vasárnap” với tựa là “Gloomy Sunday”.

Phiên bản của Lewis, được Hal Kemp ghi âm vào năm 1936, có ca từ như sau: “Ngày chủ nhật u sầu, tôi chìm trong bóng tối. Trái tim tôi và tôi quyết định chấm dứt tất cả. Tôi biết, tiếp theo rất nhanh sẽ là nến và những người cầu nguyện. Đừng để họ phải khóc, hãy để họ biết rằng tôi vui sướng được ra đi. Cái chết không phải là giấc mộng, vì trong cái chết, tôi được âu yếm em. Còn lại hơi thở cuối cùng của linh hồn mình, tôi sẽ ban phước lành cho em”.

Ngay trong tuần “Gloomy Sunday” trở thành best-seller và tác giả Seress cũng đã gửi thư tới người yêu cũ với mong muốn nối lại tình xưa. Nhưng ngay ngày hôm sau, cô gái đó tự vẫn bằng thuốc độc, bên giường là một mẩu giấy có hai chữ: “Gloomy Sunday”.

Những cái chết lạ lùng

Phiên bản của Pál Kalmár ngay lập tức trở nên nổi tiếng tại Hungary, nhưng đó cũng là lúc nhiều sự việc lạ lùng bắt đầu xảy ra.

Tại Budapest, một người đàn ông ngồi trong quán cà phê đông đúc, yêu cầu nhạc công chơi bản “Szomorú Vasárnap”. Ông vừa nhấm nháp sâm panh, vừa thưởng thức bản nhạc. Bản nhạc chấm dứt, vị khách trả tiền, rời khỏi quán, vẫy một chiếc taxi, nhưng khi vừa bước lên xe, ông ta liền lôi ra một khẩu súng và tự kết liễu cuộc đời bằng một viên đạn.

Tại Berlin, một nữ nhân viên bán hàng đã treo cổ tự tử. Bên trong giày của cô là một tờ giấy ghi bản “Gloomy Sunday”. Tại New York, một cô thư ký xinh đẹp tự tử bằng khí gas trong căn hộ chung cư của mình. Tại hiện trường, người ta tìm thấy mẩu giấy nhỏ ghi lại tâm nguyện cuối đời của cô: Mong muốn được chơi bản nhạc “Gloomy Sunday” trong lễ tang.

Nhiều người cho rằng, bản nhạc thất tình buồn thảm là nguyên nhân của các vụ tự tử. Nhưng vấn đề này cũng gây tranh cãi, bởi sau đó, nó đã gây ra những cái chết lạ lùng cho những người nghe, không phân biệt tuổi tác, tầng lớp.

Một người đàn ông 80 tuổi tự kết liễu cuộc đời bằng cú nhảy từ cửa sổ tầng 7 xuống đất trong khi đang nghe bản nhạc này. Một cô bé 14 tuổi nhảy xuống sông tự tử khi trong tay còn đang cầm một bản copy của “Gloomy Sunday”. Kỳ lạ hơn, tại Italy, một cậu bé đang đi trên đường bỗng gặp một người đàn ông đang chơi bản nhạc “Gloomy Sunday”. Cậu dừng lại, dốc sạch tiền trong túi ra cho người ăn xin đó, rồi chẳng nói chẳng rằng đi tới một cây cầu, nhảy xuống sông …tự tử. Tại nhiều buổi biểu diễn, các ca sĩ chết trong lúc hát, khán giả đột tử trong lúc nghe “Gloomy Sunday”. Có tới 15 quốc gia có người đâm đơn kiện, buộc tội Rezso liên quan đến những cái chết này.

Dù đã được chỉnh sửa lại, “lời nguyền” chết chóc vô hình trong bản nhạc vẫn tiếp tục gây tai họa. Cái chết của một người phụ nữ khi đang nghe phiên bản hợp tấu của “Gloomy Sunday” tại căn hộ của mình ở Luân Đôn đã mở đầu cho chuỗi dài những cái chết tiếp nối sau đó, buộc cơ quan quản lý truyền thông Anh lại phải tái ban hành lệnh cấm đặc biệt đối với “Gloomy Sunday”. Đến tận ngày nay, lệnh cấm này vẫn chưa được dỡ bỏ.

“Buồn thảm nhất mọi thời đại”

Mặc dù mang tiếng xấu, nhưng “Gloomy Sunday” đã không ngừng được các ca sĩ khắp thế giới thể hiện lại, trong đó có những ngôi sao như Elvis Costello, Sinead O’Connor, Sarah McLachlan hay Heather Nova…. Danh ca Bjork cũng đã biểu diễn bài hát này tại đám tang của nhà thiết kế thời trang Alexander McQueen tại Nhà thờ St Paul (Luân Đôn) vào tháng 9/2010.

Bài hát “tử thần” cũng là nguồn cảm hứng cho bộ phim “The Kovak Box” (năm 2006), viết về một nhà văn bị mắc kẹt trên đảo Mallorca (Tây Ban Nha) cùng với những người bị gắn một loại vi chip khiến họ tự tử khi nghe “Gloomy Sunday”. “Ngày Chủ nhật u sầu” cũng bị liệt vào vị trí số 2 trong danh sách những ca khúc buồn thảm nhất mọi thời đại do trang âm nhạc Spinner bình chọn.

Từ góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu đã tìm cách giải thích nguyên do của những cái chết khó hiểu liên quan đến bản nhạc “tử thần”. Họ cho rằng vào thời điểm bản nhạc ra đời, Mỹ và châu Âu đang trải qua một thời kì khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng sau Chiến tranh Thế giới thứ I. Một xã hội công nghiệp hóa đang khiến cuộc sống quay cuồng hơn, nạn thất nghiệp gia tăng, cảnh chết chóc, thương vong do di chứng từ chiến tranh…Tất cả đã tác động mạnh đến tâm lý con người và đưa họ rơi vào trạng thái mất phương hướng, trầm cảm, bi quan về cuộc sống. Bản nhạc “Gloomy Sunday” với giai điệu sầu thảm, ma mị có thể chính là “giọt nước tràn ly”. Hơn nữa, những câu chuyện thêu dệt của dư luận, khiến bài hát càng trở nên “ma quái” hơn cũng đã góp phần tạo nên xu hướng “tự tử dây chuyền” vào thời điểm đó.

Chính tác giả Rezso cũng treo cổ tự tử

Với Rezso, khi được hỏi ông đã suy nghĩ gì khi viết ca khúc, người nhạc sĩ bất hạnh nói: “Sự nổi tiếng kiểu này khiến cho tôi bị tổn thương. Tôi đã trút mọi nỗi niềm thất vọng, đổ vỡ của trái tim mình vào bài hát, và dường như những người khác, có cảm xúc giống tôi, cũng tìm thấy sự tổn thương của họ trong đó”.

Khi báo chí thống kê số lượng khổng lồ những vụ tự tử bắt nguồn từ bản nhạc này, người nhạc sĩ thất tình thực sự hoảng loạn. Anh chẳng hiểu vì sao “đứa con tinh thần” ra đời trong giây phút tâm trạng u ám, sầu thảm ấy lại gây ra nhiều tai họa đến như vậy. Rezso tìm cách thu hồi lại bản nhạc, nhưng mọi nỗ lực của anh đều vô nghĩa.

Không biết có phải do “lời nguyền” bí ẩn từ “Gloomy Sunday”, chính tác giả của nó Rezső Seress cũng đã tìm đến cái chết. Trong Thế chiến thứ II, do mang dòng máu Do thái, Rezso bị bắt vào trại tập trung của Đức quốc xã. Sống sót sau địa ngục trần gian này, ông trở thành một nghệ sĩ nhào lộn cho một nhà hát và rạp xiếc. Sau đó, Rezso quay trở lại với sáng tác nhạc nhưng không bao giờ có một tác phẩm nào gây tiếng vang như “Gloomy Sunday”.

Tháng 1/1968, Rezso nhảy khỏi cửa sổ căn hộ của mình ngay sau sinh nhật lần thứ 69 nhưng không chết. Sau đó, tại bệnh viện, người nhạc sĩ bất hạnh đã treo cổ để tìm đến sự giải thoát cuối cùng.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: ,