Giuseppe Tartini và bản Sonata Âm láy ma quỷ

Có lẽ tác phẩm nổi tiếng nhất của Tartini là sonata giọng Sol thứ, thường được biết đến nhiều hơn với cái tên Sonata Âm láy ma quỷ (Devil’s Trill Sonata), viết cho violon cùng phần đệm basso continuo. Rất nhiều giai thoại được dựng lên xung quanh cái tên và nguồn gốc ra đời tác phẩm. Nhưng giai thoại nào cũng cho rằng bản Sonata này khởi nguồn từ một giấc mơ.

Giuseppe Tartini và bản Sonata Âm láy ma quỷ

Giuseppe Tartini sinh ngày 8 tháng 4 năm 1692 tại Pirano, một thị trấn nhỏ trên bán đảo Istria, thuộc Cộng hòa Venice (ngày nay là Piran, Slovenia). Cha mẹ ông dự tính tương lai cho con trai mình là trở thành một linh mục dòng Francis và nhờ thế Tartini đã được đào tạo âm nhạc cơ bản. Ông học luật tại Đại học Padua, nơi ông trở nên điêu luyện trong môn đấu kiếm. Sau cái chết của người cha năm 1710, ông kết hôn với một học trò của mình là Elisabetta Premazone. Mối quan hệ của ông với Elisabetta trước đây không được cha ông tán thành, phần vì cô ở tầng lớp dưới, phần vì sự khác biệt quá lớn về tuổi tác giữa hai người. Thật không may cho Tartini, Elisabetta cũng lọt vào mắt xanh của Cardinal Cornaro đầy quyền lực. Cornaro ngay lập tức buộc cho Tartini tội bắt cóc Elisabetta. Tartini phải trốn khỏi Padua tới tu viện Assini dòng Thánh Francis, nơi ông có thể thoát khỏi truy tố và tiếp tục chơi violon.

Có một giai thoại kể rằng khi Tartini được nghe nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ violon Ý Francesco Maria Veracini (1690 – 1768) chơi đàn vào năm 1716, ông đã bị ấn tượng mạnh đến nỗi vì quá thất vọng với kĩ năng chơi đàn của chính mình, ông đã trốn đến Ancona và tự nhốt mình trong một căn phòng để luyện tập.

Kĩ năng chơi violon của Tartini được cải thiện một cách khác thường. Vào năm 1721 ông được bổ nhiệm vị trí Kapellmeister (chỉ huy dàn nhạc) tại Il Santo ở Padua, với một hợp đồng cho phép ông chơi đàn cho cả các tổ chức khác nữa nếu ông muốn. Ở Padua, ông đã gặp gỡ và kết thân với nhà soạn nhạc, nhà lý luận âm nhạc Francesco Antonio Vallotti (1697 – 1790).

Năm 1726, Tartini mở một trường dạy violon và đã thu hút được học viên từ khắp châu Âu. Dần dần ông cũng trở nên hứng thú với lý thuyết về hòa âm. Từ năm 1750 đến cuối đời, ông đã xuất bản nhiều chuyên luận âm nhạc.

>> Không như những nhà soạn nhạc cùng thời, Tartini không viết opera hay bất kỳ một thể loại âm nhạc nhà thờ nào. Là một nghệ sĩ violon nên hầu hết tác phẩm của Tartini được viết cho đàn violon. Ông đã viết hàng trăm trio sonata, sonata, concerto cho violon và các nhạc cụ khác. Trong các concerto, ông đi theo những nguyên tắc hình thức của Vivaldi nhưng viết nên thứ âm nhạc có thể phô diễn được kỹ thuật chơi đàn đỉnh cao của mình. Trong các bản sonata của ông, mọi chương nhạc đều ở cùng một giọng, hình thức nhịp đôi rõ ràng và chiếm ưu thế.

Các học giả và nhà biên tập gặp nhiều khó khăn khi nghiên cứu tác phẩm của Tartini vì ông không bao giờ đề ngày tháng sáng tác lên bản thảo. Thêm vào đó, ông cũng hay sửa chữa những tác phẩm đã được xuất bản hay được hoàn thành từ những năm trước. Điều này gây khó khăn cho việc xác định thời điểm tác phẩm được viết, sửa chữa cũng như việc xác định mức độ sửa chữa. Các học giả Minos Dounias và Paul Brainard đã cố chia các tác phẩm của Tartini thành hai giai đoạn, hoàn toàn dựa trên đặc trưng phong cách âm nhạc. Charles Burney (1726-1814) nhận xét rằng phong cách của Tartini thay đổi vào khoảng năm 1744 từ “cực khó chơi sang duyên dáng và diễn cảm”.

Có lẽ tác phẩm nổi tiếng nhất của Tartini là sonata giọng Sol thứ, thường được biết đến nhiều hơn với cái tên Sonata Âm láy ma quỷ, viết cho violon cùng phần đệm basso continuo. Đây là một tác phẩm nổi tiếng vì đòi hỏi không chỉ kỹ thuật chơi violon cực khó, ngay cả với thời nay, mà còn cả mức độ biểu cảm nội tâm sâu sắc – một của hiếm vào thời Tartini.

Sonata Âm láy ma quỷ được xuất bản lần đầu năm 1798, hai mươi tám năm sau khi tác giả qua đời. Rất nhiều giai thoại được dựng lên xung quanh cái tên và nguồn gốc ra đời tác phẩm. Nhưng giai thoại nào cũng cho rằng bản Sonata này khởi nguồn từ một giấc mơ.

Nào là trong một giấc mơ của Tartini khi ông ẩn náu tại tu viện Assini, quỷ sứ đã hiện lên ở chân giường ông và chơi một bản sonata. Lúc thức dậy, ông đã sáng tác một bản sonata cho đàn violon, mô phỏng tác phẩm mà ông đã nghe quỷ sứ chơi trong giấc mơ. Theo một giai thoại khác thì chính Tartini đã kể với nhà thiên văn học Jérôme Lalande rằng ông mơ thấy quỷ sứ hiện ra và đề nghị được làm người phục vụ ông. Cuối những bài học giữa họ, Tartini trao cho quỷ sứ cây đàn violon của mình và kiểm tra kĩ năng chơi của nó – ngay lập tức qủy sứ chơi đàn với một trình độ bậc thầy khiến Tartini như nghẹt thở. Khi Tartini thức dậy, ông lập tức chép lại bản sonata, cố gắng nắm bắt được những gì ông nghe được trong giấc mơ.

Phần lớn bản sonata mang những đặc trưng hoàn toàn theo thông lệ sonata thời bấy giờ. Tấn bi kịch nội tâm được thể hiện qua những giai điệu bóng bẩy, những nốt láy duyên dáng ngập tràn trong tác phẩm. Dường như một bức tranh mô tả nụ cười của một người con gái hồng nhan bạc phận đang hiện dần lên. Nụ cười tươi tắn không che giấu nổi nội tâm giằng xé: giữ gìn thiên lương hay buông mình cho quỷ sứ? Yếu tố âm nhạc liên quan đến cái tên của tác phẩm xuất hiện ở đoạn cadenza chói sáng gần cuối tác phẩm. Trong đoạn cadenza này, kĩ thuật láy/rung (trill) rất khó vì đòi hỏi người biểu diễn phải rung trên một dây đàn trong khi phải lướt nốt thật nhanh trên một dây khác. Ngay cả nghệ sĩ vĩ cầm có tiếng là Leopold Mozart (cha của Wolfgang Amadeus Mozart vĩ đại) cũng đánh giá: “những nét lướt đó đòi hỏi một kĩ xảo không xoàng”. Sau đoạn cadenza khá dài, bè basso continuo tham gia trở lại trong ít nhịp cuối cùng đầy kịch tính. Cao trào đấu tranh nội tâm vừa mới qua nhưng câu trả lời cuối cùng vẫn chưa hề xuất hiện.

Tuy rất thành công khi biểu diễn Sonata Âm láy ma quỷ trước các thính giả của mình nhưng Tartini vẫn khẳng định: “còn thua xa so với những gì tôi đã được nghe” và “nếu tôi có thể kiếm sống bằng phương tiện khác, tôi đã đập cây đàn violon và từ bỏ âm nhạc mãi mãi”. Trái tim Tartini ngừng đập vào ngày 26 tháng 2 năm 1770. Cũng trong năm đó tại thành Bonn, nước Đức, một trái tim khác bắt đầu đập trong lồng ngực của một vĩ nhân sau này. Đó là Ludwig van Beethoven – người viết nên những tác phẩm ngợi ca sức mạnh tinh thần của con người mà trong đó đoạn coda thường là một khúc khải hoàn. Nếu trong giấc mơ, Tartini được nghe trước một đoạn coda như vậy của Beethoven thì hẳn cuộc đời và sự nghiệp của ông sẽ khác đi nhiều lắm.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: ,