Giao hưởng số 8 – một bức chân dung tự họa của Beethoven

“Giao hưởng số 8, có lẽ hơn bất kỷ bản nào trong số 9 bản, là bức chân dung tác giả trong cuộc sống hàng ngày của mình, thói quen trong cuộc sống của ông, càng nghiên cứu và lắng nghe, chúng ta càng tìm thấy ở đó tính cách đặc trưng và tự nhiên nhất của ông”.

Giao hưởng số 8 – một bức chân dung tự họa của Beethoven

Tác giả: Ludwig van Beethoven.

Tác phẩm: Giao hưởng số 8 giọng Pha trưởng, Op. 83

Thời gian sáng tác: Năm 1812.

Công diễn lần đầu: Ngày 27/2/1814 tại Redoutensaal, Vienna dưới sự chỉ huy của chính tác giả.

Độ dài: Khoảng 28 phút.

Tác phẩm có 4 chương:

Chương I – Allegro vivace e con brio (Pha trưởng)
Chương II – Allegretto scherzando (Si giáng trưởng)
Chương III – Tempo di menuetto (Pha trưởng)
Chương IV – Allegro vivace (Pha trưởng)

Thành phần dàn nhạc: 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây.

.Sir George Grove, người sáng lập ra Từ điển bách khoa toàn thư về âm nhạc và nhạc sĩ Grove (Grove’s Dictionary of Music and Musicians) đã nhận xét về Giao hưởng số 8 của Beethoven: “Giao hưởng số 8, có lẽ hơn bất kỷ bản nào trong số 9 bản, là bức chân dung tác giả trong cuộc sống hàng ngày của mình, thói quen trong cuộc sống của ông, càng nghiên cứu và lắng nghe, chúng ta càng tìm thấy ở đó tính cách đặc trưng và tự nhiên nhất của ông”. Cũng giống như hai bản giao hưởng số 5 và 6, các bản số 7 và 8 được Beethoven sáng tác đồng thời. Nếu như bản số 7 là một tác phẩm rực rỡ thì bản số 8 có vẻ khiêm nhường hơn nhiều và mang phong cách “tân cổ điển”. Đầu tháng 6/1815, trong bức thư gửi cho người tổ chức biểu diễn Johann Peter Salomon ở London với đề nghị Salomon hỗ trợ xuất bản một số tác phẩm của mình tại đây, Beethoven đã nhắc đến bản giao hưởng lớn giọng La trưởng (một trong những bản giao hưởng hay nhất của tôi) và bản giao hưởng nhỏ giọng Pha trưởng. Có thể hàm ý “nhỏ” ở đây của Beethoven là để phân biệt với bản giao hưởng số 6 có cùng giọng hoặc nói về quy mô tác phẩm (đây là bản giao hưởng ngắn nhất của ông) nhưng cũng có lẽ là để nhấn mạnh vào tính cách của tác phẩm: âm nhạc hài hước, vui vẻ và giản dị.

Tính cách của tác phẩm hoàn toàn không phản ánh tâm trạng của nhà soạn nhạc. Thời điểm này, Beethoven đang bực tức vì mối quan hệ của em trai mình Johann với một cô gái mà ông hoàn toàn không muốn họ kết hôn. Thật không may, ý nguyện của ông không được em trai chấp nhận. Bên cạnh đó, thông qua bức thư gửi “người yêu bất tử”, ta có thấy được niềm tin của Beethoven rằng ông sẽ không bao giờ được thoả mãn về mặt tình cảm. Giao hưởng số 8 được hoàn thành vào tháng 10/1812 nhưng chỉ được biểu diễn lần đầu vào ngày 27/2/1814 tại Redoutensaal, Vienna.

Trong bức thư gửi cho người bạn thân, nhà văn nữ Bettina Brentano vào ngày 15/8/1812, Beethoven cho biết: “Âm nhạc phải thổi bùng lên ngọn lửa từ tâm hồn của một người đàn ông”. Theo đúng tinh thần đó, chương I Giao hưởng số 8 của ông không bắt bắt đầu với những đoạn nhạc giới thiệu chậm rãi, mơ hồ mà bắt đầu ngay với một chủ đề đầy phấn khích, sôi động ở nhịp 3/4. Âm nhạc phảng phất bóng dáng của Haydn, người thầy giáo đáng kính trọng của Beethoven. Tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của thời kỳ Cổ điển, chương nhạc được viết ở hình thức sonata. Ngay sau đó, chủ đề thứ hai có tính vũ khúc xuất hiện, mượt mà, mềm mại ở giọng Rê trưởng nhưng sau đó nhanh chóng ổn định ở giọng Đô trưởng. So với các bản giao hưởng khác của Beethoven, chương nhạc này hơi khác thường một chút khi phần cao trào không xảy ra trong phần phát triển mà ở đầu của phần tái hiện. Âm nhạc là một đoạn dài có cường độ tăng dần và đạt đỉnh điểm ở fff (fortississimo, rất, rất mạnh), một điều từng được Beethoven áp dụng trong hai bản giao hưởng số 6 và 7 trước đó. Chương nhạc trở nên yên tĩnh hơn trong phất kết của chương được Beethoven sử dụng lại chính xác ô nhịp trong phần bắt đầu, điều mà trước đó Haydn đã từng sử dụng.

Bản giao hưởng không có một chương chậm thực sự. Chương II Allegretto scherzando hóm hỉnh khi âm nhạc đều đặn vang lên như tiếng “tích tắc” mà Beethoven đã mô phỏng theo tiếng máy đếm nhịp mà người bạn của ông Johann Nepomuk Maelzel vừa mới cải tiến. Hoặc đó cũng có thể đó là sự tái hiện phong cách trong bản giao hưởng số 101 “Đồng hồ” của Haydn. Âm nhạc nhanh bất thường đối với một chương chậm theo truyền thống. Chương nhạc có hai chủ đề. Chủ đề 1 có giai điệu tương đồng với bản canon “Ta ta ta… Lieber Maelzel” WoO 162 còn chủ đề 2 là một chuỗi các nốt móc tứ vô cùng nhanh. Motif được cả dàn nhạc chơi ở phần cuối coda.

Chương III là một hoài niệm về một Minuet cũ kỹ đã lỗi thời vào thời điểm bản giao hưởng được sáng tác. Minuet cuối cùng trước đó của ông là trong một tứ tấu đàn dây vào năm 1806. Giống như chương I, âm nhạc là sự kết hợp của sự quyến rũ du dương và sự sôi động, nhiệt tình ở nhịp 3/4. Giống như hầu hết các Minuet khác, chương nhạc có dạng 3 đoạn, trong đó phần trio ở giữa tương phản có một giai điệu đồng quê với hai horn kết hợp với clarinet trên nền đệm nhẹ của bè trầm.

Chương IV là chương nhạc đại diện tiêu biểu cho sự vui tươi và sức sống tràn đầy năng lượng. Về mặt hình thức, đây là một sonata-allegro, với sự lặp lại của chủ đề chính để đưa nó tới gần hơn với rondo. Sự hài hước, dí dỏm là trung tâm của chương nhạc. Chương nhạc này cũng sở hữu một trong những coda dài và ấn tượng nhất trong các bản giao hưởng của Beethoven. Nó duy trì năng lượng mạnh mẽ và tinh thần hăng hái của tác phẩm cho đến tận cuối cùng. Tchaikovsky đã gọi chương nhạc này là: “Một trong những kiệt tác giao hưởng vĩ đại nhất của Beethoven”.

Theo Carl Czerny, học trò của Beethoven, khi được hỏi tại sao bản giao hưởng số 8 của ông sau khi ra mắt tại Vienna thì được đón nhận thờ ơ và bị bản giao hưởng số 7 che khuất, Beethoven đã bực bội quát lên: “Đó là vì [bản số 8] hay hơn rất nhiều”. Mặc dù đó có thể chỉ là phản ứng nhất thời của Beethoven trong lúc cáu giận nhưng qua năm tháng, Giao hưởng số 8 của ông đã chứng minh được sự hấp dẫn và sức mạnh lâu bền của mình.

Theo COBEO / NHACCODIEN.VN 

Tags: , ,