Đông Timor và hành trình giành độc lập từ cuộc xâm lược của Indonesia

Với nền độc lập được khôi phục từ ngày 20/5/2002, Đông Timor là một trong những quốc gia non trẻ nhất trong cộng đồng thế giới. Nền độc lập đánh dấu sự chấm dứt cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của người dân trên hòn đảo ở Thái Bình Dương này để giành quyền tự quyết cũng như các quyền cơ bản khác của con người.

Đông Timor và hành trình giành độc lập từ cuộc xâm lược của Indonesia

Timor là thuộc địa của Bồ Đào Nha từ thế kỷ 16. Mẫu quốc lấy vùng đất này làm thị trường tiêu thụ hàng hóa và làm nơi cung cấp gỗ đàn hương. Năm 1749, Timor tách ra thành hai phần sau cuộc chiến tranh giành đất giữa Bồ Đào Nha và Hà Lan. Bồ Đào Nha nhận khu vực phía đông hòn đảo. Hai thế kỷ sau, cuộc cách mạng chống phát xít ở Bồ Đào Nha thắng lợi năm 1974 đã mang lại cam kết giải phóng thuộc địa từ phía chính quyền trung ương.

Tuy nhiên, ngày 7/12/1975 – chưa đầy một năm sau khi Đông Timor đơn phương tuyên bố độc lập – Indonesia đã xâm chiếm vùng lãnh thổ này bằng đường không và đường thủy. Rất nhiều cư dân bản xứ bị giết, làng mạc bị thiêu trụi. Một số người chạy trốn vào vùng núi ở miền trung hòn đảo và tổ chức phong trào kháng chiến. Tra tấn, cưỡng hiếp và giết người trở thành chuyện cơm bữa đối với người Maubere (dân bản xứ ở Đông Timor).

Bất chấp một số nghị quyết của Liên Hợp Quốc về quyền tự quyết của người dân Timor (Liên Hợp Quốc chưa bao giờ công nhận việc Indonesia sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ của mình), cộng đồng quốc tế vẫn làm ngơ trước cuộc đấu tranh của cư dân tại đây. Chỉ từ ngày 12/11/1991, khi hơn 250 thanh niên bị giết trong cuộc thảm sát tại một nghĩa trang ở thủ phủ Dili, thế giới mới bắt đầu lên án Indonesia. Tuy nhiên, những lời lẽ đó chỉ mang tính hình thức vì nhiều quốc gia lại bán vũ khí cho Jakarta.

Năm 1996, giải Nobel hòa bình được trao cho giám mục Dominica-Belo – nhân vật ủng hộ cư dân Maubere ở Dili, cùng Jose Ramos Horta, chính trị gia và nhà hoạt động đại diện cho lãnh đạo kháng chiến Xanana Gusmao. Sự kiện này làm cho thế giới quan tâm hơn đến cuộc đấu tranh giành độc lập của người dân Đông Timor và đem lại hy vọng mới cho cuộc chiến của người dân trên đảo.

Năm 1998, tổng thống Indonesia Suharto từ chức. Người kế nhiệm Habibie thông báo Jakarta có thể cho vùng lãnh thổ hưởng quy chế đặc biệt. Tháng 1/1999, Indonesia ra tuyên bố sẽ để Đông Timor được độc lập nếu người dân ở đây không muốn chế độ tự trị.

Từ tháng 2 đến tháng 4/1999, lãnh đạo Phong trào Kháng chiến Timor Xanana Gusmao được chuyển từ nhà tù sang chế độ quản thúc tại nhà riêng. Trước tình trạng lực lượng phản đối độc lập ngày càng tiến hành nhiều hoạt động bạo lực, Gusmao kêu gọi các dân quân nối lại cuộc đấu tranh. Ông nói: “Tôi hứa, khi được tự do, tôi sẽ làm tất cả để đem lại hòa bình cho Đông Timor”

Ngày 5/5/1999, ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas và người đồng nhiệm Bồ Đào Nha Jaime Gama ký thỏa thuận trước Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan. Các bên nhất trí trưng cầu dân ý quyết định độc lập sẽ diễn ra vào ngày 30/8. Bất chấp bước đi chính trị – ngoại giao này, tình hình ở Đông Timor ngày càng tồi tệ. Quân đội Indonesia trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân, gây ra hỗn loạn và bạo lực ở vùng nông thôn. Liên Hợp Quốc buộc phải cử đại diện tới Dili để giám sát tiến trình đăng ký cử tri và bỏ phiếu.

Ngày 30/8/1999 đánh một dấu mốc trong lịch sử Đông Timor: 98,6% cử tri thực hiện quyền dân chủ của mình tại cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hợp Quốc tổ chức, và Chính phủ Indonesia coi đây là biểu hiện của “tự do và bình đẳng”. Mặc dù bị các dân quân ủng hộ Indonesia đe dọa suốt 8 tháng, dân chúng vẫn xếp thành hàng dài tại các điểm bỏ phiếu, dưới cái nắng chói chang, sau khi đi bộ nhiều km tới điểm bỏ phiếu gần nhất.

5 ngày chờ đợi kết quả chính thức là những ngày căng thẳng. Dân quân thường xuyên tấn công Dili và các địa điểm khác trên lãnh thổ. Sáng 4/9, Ian Martin, Chủ tịch Phái đoàn Trợ giúp Đông Timor của Liên Hợp Quốc (UNAMET), công bố kết quả: 21,5% cử tri chấp nhận quyền tự trị đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Indonesia, trong khi có tới 78,5% lựa chọn độc lập cho vùng lãnh thổ.

Lễ mừng không diễn ra ở Đông Timor mà lại được tổ chức ở nước ngoài, như Australia, Bồ Đào Nha, Mỹ, Ireland, Anh, Mozambique, và thậm chí cả Indonesia. Còn tại hòn đảo này, chỉ vài giờ sau khi kết quả chính thức được công bố, các băng nhóm dân quân thân Indonesia đã dìm Đông Timor trong khói lửa. Nhiều hãng truyền hình trên thế giới phát đi những hình ảnh chỉ thấy trong chiến tranh – tiếng súng tự động nổ chói tai, nhà cửa bị đốt phá, thường dân vô tội chạy tìm nơi cư trú trong trường học, nhà thờ và các dãy núi gần đó. Riêng ở Dili, 145 người thiệt mạng chỉ trong vòng 48 giờ. Từ ngày 5 đến ngày 6/9, hầu hết các quan sát viên quốc tế, nhà báo và nhân viên nhân sự của UNAMET phải sơ tán bằng máy bay thuê của không lực Australia. Chiều 5/9, 4 bộ trưởng Indonesia, trong đó có bộ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng, đã ở thăm Dili trong 4 giờ. Tuy nhiên, họ không đi đâu được mà chỉ ở sân bay vì lý do an ninh.

Đêm cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp phiên khẩn cấp ở New York. Chính quyền Indonesia tuyên bố sẽ lập lại trật tự. Tuy nhiên, 20.000 lính đã có mặt ở đó từ trước không thể hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí có tin họ còn trực tiếp tham gia vào các cuộc thảm sát từ hôm 4/9. Chính vì vậy, Hội đồng Bảo an quyết định gửi phái đoàn tìm hiểu sự thật tới Jakarta.

Sáng 6/9, nhà của người đoạt giải Nobel Ximenes Belo bị thiêu cháy. Ông đành xin cư trú ở Baucau và bất lực trước việc hàng trăm người tị nạn tập trung trước cửa nhà mình có nguy cơ bị chết hoặc phải chạy tới Tây Timor. Hơn 1.000 người tị nạn phải sống nhờ trong trụ sở của UNAMET ở Dili; các đoàn xe của Liên Hợp Quốc thì bị nã đạn trên đường tới sân bay. Trong thời gian này, khoảng 1.000 người bỏ mạng.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Australia tới Đông Timor và dần lập lại trật tự. Nhiều dân quân được Jakarta hậu thuẫn chạy sang Tây Timor để khỏi bị bắt. Quốc hội Indonesia công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý.

Tháng 10/1999, Gusmao được trả tự do. Chính quyền chuyển tiếp Đông Timor do Liên Hợp Quốc bảo trợ được thành lập. Tháng 12 năm đó, các nhà tại trợ quốc tế tham dự hội nghị tại Tokyo nhất trí cung cấp 250 triệu USD viện trợ để tái thiết Đông Timor.

Tháng 9/2000, Liên Hợp Quốc rút nhân viên khỏi Tây Timor sau khi các băng nhóm dân quân ủng hộ Indonesia giết 3 nhân viên của họ tại Atambua. Hàng vạn người tị nạn ở đây không nhận được sự trợ giúp quốc tế. Tòa án Indonesia kết án 6 đối tượng tham gia vụ giết người với mức cao nhất là 20 tháng tù. Cộng đồng quốc tế hết sức thất vọng vì án đó quá nhẹ.

Tháng 8/2001, người dân Đông Timor đi bỏ phiếu bầu quốc hội 88 thành viên. Cơ quan này sẽ viết ra hiến pháp của nước Đông Timor độc lập. Đảng Fretilin giành thắng lợi với 55 ghế. Tháng 2/2002, Quốc hội thông qua dự thảo hiến pháp thiết lập chính phủ mới. Indonesia và Đông Timor đã ký hai thỏa thuận nhằm mục đích làm dịu quan hệ song phương.

Tháng 4/2002, Xanana Gusmao giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống. Trong chuyến thăm Jakarta ngày 2/5/2002, ông Gusmao đã mời Tổng thống Indonesia Megawati Sukarnoputri tới dự lễ độc lập vào ngày 20/5/2002. Cùng với niềm vui ngày độc lập, nhân dân Đông Timor còn đón nhận một tin tốt lành khác: Đại diện 27 quốc gia và tổ chức quốc tế đã cam kết viện trợ cho hòn đảo trên Thái Bình Dương 440 triệu USD trong 3 năm, trong đó 360 triệu USD sẽ được cung cấp ngay để chính phủ non trẻ có thể bù đắp thâm hụt ngân sách và giải quyết các vấn đề xã hội, như giáo dục và y tế.

Ủy ban Tiếp nhận, Sự thật và Hòa giải ở Đông Timor ước tính số người chết trong khi bị chiếm đóng từ nạn đói và bạo lực là từ 90.800 đến 202.600, bao gồm từ 17.600 đến 19.600 người chết hoặc mất tích bạo lực, trong tổng số 1999 khoảng 823.386. Ủy ban này cho rằng các lực lượng Indonesia chịu trách nhiệm cho khoảng 70% các vụ giết người bạo lực.
.

Theo VNEXPRESS / TỔNG HỢP

Tags: , ,