Đôi nét về nghệ thuật múa rối cạn của người Tày

Các màn trò rối cạn luôn tạo nên những bất ngờ, thu hút đông đảo người xem, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Tày.

Múa rối cạn là một nét nghệ thuật độc đáo của văn hóa dân tộc Tày. Rối cạn hay còn gọi là rối que thường được người Tày biểu diễn vào dịp đầu năm, trong ngày lễ Lồng tồng (lễ xuống đồng),vừa nhằm mục đích mua vui, vừa thể hiện ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, ước nguyện về cuộc sông yên bình, qua các tiết mục rối cũng nhằm vinh danh sự đỗ đạt học vấn của người dân.

Múa rối cạn của người Tày có ở nhiều nơi, những nổi tiếng nhất phải kể đến múa rối cạn ở thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên và thôn Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đây là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày đã có từ hơn hai trăm năm trước và tồn tại cho đến ngày nay. Trải qua 13 đời nghệ thuật rối cạn ở đây vẫn dòng họ Ma Quang gìn giữ và tiếp nối. Theo ông Ma Quang Nhanh trưởng tộc dòng họ cho biết: các con rối có cách đây 200 năm vẫn được dòng họ giữ gìn, khởi đầu bộ rối chỉ có 6 con, trong đó có 2 con rối nam và nữ, theo thời gian bộ rối phát triển thành 12 con rồi thành 33 con rối như ngày nay. Ông Ma Quang Nhanh, kể: Nếu nói về lịch sử múa rối của dòng họ, thì chúng tôi là thế hệ sau và phường rối của chúng tôi được tái thiết lập lại từ năm 2000 trở lại đây thôi. Chúng tôi giờ đã luống tuổi, cũng đến lúc trao truyền nghệ thuật rối này cho con cháu.

Nét độc đáo của nghệt thuật rối cạn xuất phát từ cách thức làm ra con rối. Vật liệu làm rối thường bằng gỗ thừng mực, một loại cây thân gỗ phổ biến ở miền núi, vừa dễ chế tác lại không bị mối mọt. Các con rối chủ yếu mô phỏng hình ảnh vua quan, lão nông, muông thú. Để tạo ra một con rối cỡ trung bình, các nghệ nhân cần thời gian từ 2 đến 3 ngày, trải qua các công đoạn như lựa chọn vật liệu, tạo hình bằng tay (đây là công đoạn cần sự khéo léo, cầu kỳ và mất nhiều thời gian nhất), phơi khô, sơn mầu và may quần áo cho nhân vật. Tuy nhiên, khâu quan trọng nhất vẫn là chọn loại gỗ để tạo hình con rối.

Ông Ma Quang Nhanh cho biết thêm: “Trước tiên gỗ phải có đặc tính nhẹ và phải có độ bền, nên phường rối chúng tôi thường chọn loại gỗ “Thừng mực”. Chúng tôi tự tạo ra con rối mà chưa từng trải qua lớp đào tạo nào về điều khắc cả. Gia đình tôi làm nghề mộc, nhưng việc tạc các con rối cũng phải có năng khiếu, phải có mắt thẩm mỹ để nhìn vào điểm cao điểm thấp, tạc hình hài của con rối”.

Những tiết mục rối cạn ở Thẩm Rộc còn gọi là rối que vì phần lớn các con rối ở đây đều được điều khiển bằng những thanh tre gắn vào thân, đầu, tay và chân của nhân vật. Trong khi các nam giới đảm nhận vai trò điều khiển rối, thì phái nữ trong thôn sẽ cất cao giọng hát và đọc lời thoại cho nhân vật. Đôi khi có người phải thủ đến ba bốn vai một lúc. Dụng cụ biểu diễn rối que rất đơn giản, gồm một tấm phông căng lên làm sân khấu, một bộ rối khoảng 13 con, thêm chiếc đàn tính, cây sáo và một vài bài giáo.

Tất cả hòa quyện tạo nên một vở kịch độc đáo, hấp dẫn người xem. Bằng những động tác đơn giản nhưng thuần thục những tiết mục múa rối đã thể hiện khá sinh động cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân như làm ruộng, leo cây…Ông Ma Khắc Dũng nghệ sỹ biểu diễn tâm sự: “Tôi biểu diễn ở phường rối đến nay đã được 18 năm rồi, nhưng vẫn cảm thầy yêu nghề. Múa rối khó nhất là làm sao biểu diễn cho thuần thục. Thời gian đầu cũng phải mất mấy năm học hỏi. Bây giờ chỉ mong thế hệ trẻ tiếp tục học nghề để lưu giữ cho con cháu sau này”.

Trong buổi biểu diễn còn có các nghệ sỹ đứng sau phông màn gõ trống, phách, thanh la đọc lời giáo minh họa cho các tiếp mục. Chính họ đã tạo nên không khí sôi động trong từng tiết mục diễn. Trước đây, một buổi biểu diễn rối Tày truyền thống gồm 8 trò, trong các trò biểu diễn đó không thể thiếu tiết mục khép màn là trò người leo cây bắt tắc kè. Đây cũng là cách thể hiện ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Bởi theo quan niệm dân gian, tắc kè có khả năng dự báo thời tiết rất chính xác, giúp con người đối phó kịp thời, mùa vụ bội thu. Đây cũng là tiết mục được nhiều người yêu thích nhất, đặc biệt là các em nhỏ. Được chứng kiến các vở diễn, nhiều người không khỏi tấm tắc khen ngợi đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Thẩm Rộc, đã biến hóa những khúc gỗ thô kệch, đơn sơ trở nên linh hoạt và sống động lạ thường.

Trong những lần biểu diễn, các màn trò rối cạn luôn tạo nên những bất ngờ, thu hút đông đảo người xem, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Tày.

Theo TÔ TUẤN / VOV5

Tags: , ,