Đôi nét về lịch sử hòn đảo Đài Loan

Năm 1594, một tàu Bồ Đào Nha đã trông thấy hòn đảo Đài Loan và đặt tên cho nó là Formosa, có nghĩa là “Hòn đảo xinh đẹp”. Năm 1624, người Hà Lan thành lập một cơ sở giao thương tại Đài Loan và bắt đầu đưa những lao công người Hán từ Phúc Kiến và Bành Hồ đến và nhiều người trong số họ đã định cư tại đảo.

Đôi nét về lịch sử Đài Loan

Thời tiền sử và những những người Hán định cư đầu tiên

Bằng chứng khảo cổ cho thấy con người đã có sự hiện diện của ở Đài Loan đã có từ 30.000 năm trước, mặc dù những cư dân đầu tiên của Đài Loan có thể đã không có chung nguồn gốc với bất kỳ nhóm dân tộc nào hiện nay trên đảo. Khoảng 4.000 năm trước, tổ tiên của thổ dân Đài Loan ngày nay đã định cư tại đảo. Những người này có đặc tính di truyền gần gũi với các dân tộc Nam Đảo và có họ hàng với người Mã Lai, người Indonesia hay người Philippines và với cả những người Polynesia ở phía đông châu Đại Dương hiện nay, và các nhà ngôn ngữ học phân loại các ngôn ngữ của họ thuộc về Ngữ hệ Nam Đảo.

Có nhiều khác biệt trong thư tịch từ thời cổ Trung Quốc cho thấy người Hán có thể đã biết đến sự tồn tại của đảo chính Đài Loan kể từ thời Tam Quốc (230 CN), và phân chia các đảo xa bờ biển Trung Hoa này thành Đại Lưu Cầu (Đài Loan) và Tiểu Lưu Cầu (có thể là Quần đảo Ryukyu của Nhật Bản ngày nay). Người Hán bắt đầu định cư tại quần đảo Bành Hồ trong những năm 1200, nhưng họ đã gặp phải sự chống đối của các bộ tộc bản địa, thêm vào đó là thổ dân trên đảo không có các mặt hàng tốt hay sản vật đặc sắc để có thể giao thương, thế nhưng “thỉnh thoảng vẫn có người mạo hiểm hay các ngư dân đến trao đổi hàng hóa” cho đến thế kỷ thứ 16.

Thực dân châu Âu

Năm 1594, một tàu Bồ Đào Nha đã trông thấy hòn đảo Đài Loan và đặt tên cho nó là Formosa, có nghĩa là “Hòn đảo xinh đẹp”. Năm 1624, người Hà Lan thành lập một cơ sở giao thương tại Đài Loan và bắt đầu đưa những lao công người Hán từ Phúc Kiến và Bành Hồ đến và nhiều người trong số họ đã định cư tại đảo. Người Hà Lan đã xây dựng Đài Loan thành một thuộc địa với thủ phủ là thành Tayoan (nay là An Bình, Đài Nam). Cả Tayoan và tên đảo Taiwan đều xuất phát từ một từ trong tiếng Siraya, ngôn ngữ của một trong các bộ tộc thổ dân Đài Loan. Quân đội Hà Lan tập trung trong một pháo đài gọi là Pháo đài Zeelandia. Những người thực dân Hà Lan cũng bắt đầu việc tìm kiếm hươu sao (Cervus nippon taioanus) trên đảo và cuối cùng đã làm cho loài này bị tuyệt chủng tại Đài Loan. Tuy vậy, việc này đã góp phần nhận diện danh tính của các bộ tộc bản địa trên đảo. Năm 1626, người Tây Ban Nha đặt chân lên đảo và chiếm đóng Bắc Đài Loan và lập một cơ sở thương mại. Thời kỳ thuộc địa của người Tây Ban Nha kéo dài 16 năm cho đến 1642.
Vương quốc Đông Ninh

Sau khi nhà Minh sụp đổ, nhà Thanh chiếm đóng Trung Nguyên, một thủ lĩnh quân sự người Hán là Trịnh Thành Công đã tập hợp lực lượng trung thành với nhà Minh ở miền nam Phúc Kiến, đã đánh bại và đuổi người Hà Lan khỏi Đài Loan vào năm 1662. Ông xây dựng nơi đây thành một lãnh địa riêng không chịu quyền kiểm soát của nhà Thanh, thường được biết dưới tên gọi Vương quốc Đông Ninh. Trịnh Thành Công đã lập thủ phủ tại Đài Nam và dùng Đài Loan như một căn cứ, những người kế vị ông là Trịnh Kinh và Trịnh Khắc Sảng vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc thâm nhập vào vùng bờ biển đông nam Trung Quốc đại lục nhằm lật đổ nhà Thanh. Năm 1683, hạm đội quân Thanh dưới sự chỉ huy của đô đốc Thi Lang đã đánh bại quân của họ Trịnh, Đài Loan chính thức sáp nhập vào Đại Thanh.
Thời kỳ nhà Thanh cai trị

Nhật Bản đã tìm cách kiểm soát Đài Loan từ năm 1592 khi Hideyoshi Toyotomi bắt đầu mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản ra hải ngoại. Năm 1609, Mạc phủ Tokugawa đã cử Harunobu Arima thực hiện sứ mệnh thám hiểm. Năm 1616 Toan Murayama đã dẫn đầu một cuộc xâm lược hòn đảo, tuy nhiên điều này đã không thành công.

Năm 1871, một tàu của Okinawa bị đắm ở đỉnh phía nam của Đài Loan và toàn bộ thủy thủ với khoảng 54 người đã bị thổ dân Paiwan chém đầu. Khi Nhật Bản đòi hỏi bồi thường từ phía nhà Thanh, nó đã không được chấp nhận bởi nhà Thanh coi vụ việc xảy ra là công việc nội bộ. Nhà Thanh cho rằng Đài Loan là một châu thuộc tỉnh Phúc Kiến của mình và Vương quốc Lưu Cầu (vương quốc trên quần đảo Okinawa lúc bấy giờ) là một chư hầu của nhà Thanh. Khi bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản Taneomi Soejima trả lời rằng nhà Thanh phải bồi thường cho 4 nạn nhân là công dân Nhật Bản đến từ tỉnh Okayama trên tàu, nhà Thanh đã chính thức bác bỏ yêu cầu này với lý do đó là hành động của các thổ dân “man di” và chưa được chinh phục và hành động đó nằm ngoài quyền hành của họ. Nhiều thổ dân Đài Loan đã bị đối xử vô cùng cay nghiệt; Lãnh sự Hoa Kỳ J.W. Davidson đã mô tả cách người Hán ở Đài Loan ăn và mua bán thịt của những người thổ dân. Việc từ bỏ chủ quyền ở Đài Loan đã dẫn tới việc Nhật Bản xâm lược hòn đảo. Năm 1874, một đội quân viễn chinh gồm ba nghìn lính đã được cử đến đảo. Cuộc chiến kết thúc với 30 người Đài Loan và 543 người Nhật thương vong (12 trong chiến trận và 531 vì dịch bệnh bên phía Nhật Bản).

Nhật Bản cai trị

Nhà Thanh đã thất bại trong Chiến tranh Thanh-Nhật (1894-1895) và phải nhượng toàn bộ chủ quyền Đài Loan cùng Bành Hồ cho Đế quốc Nhật Bản. Những người mong muốn vẫn được làm thần dân của nhà Thanh có 2 năm chuyển tiếp để bán các tài sản của mình và chuyển về đại lục. Chỉ có rất ít người Đài Loan thực hiện được điều này.

Vào ngày 25 tháng 5 năm 1895, một nhóm quan chức cấp cao trung thành với nhà Thanh đã tuyên bố thành lập Đài Loan Dân chủ Quốc để chống lại sự kiểm soát sắp tới của người Nhật. Các lực lượng Nhật Bản đã tiến vào thủ phủ Đài Nam và dập tắt sự kháng cự này vào ngày 21 tháng 10 năm 1895.

Những người Nhật sau đó đã công nghiệp hóa hòn đảo; họ mở rộng đường sắt và các mạng lưới giao thông khác, xây dựng một hệ thống bảo vệ sức khỏe trải rộng và xây dựng hệ thống trường công. Trong thời kỳ này, cả sản lượng lúa gạo và mía đều tăng lên. Năm 1939, Đài Loan là nơi sản xuất đường lớn thứ bảy trên thế giới. Tuy nhiên, người Đài Loan và thổ dân chỉ được xếp là công dân hạng hai và hạng ba. Các vụ đấu tranh lớn tiếp tục diễn ra trong thập kỷ đầu, Nhật Bản đã tiến hành trên 160 trận chiến để hủy diệt các bộ tộc thổ dân Đài Loan trong suốt 51 năm cai trị hòn đảo Khoảng năm 1935, Nhật Bản bắt đầu kế hoạch đồng hóa trên phạm vi toàn đảo để quản lý vững chắc hòn đảo và người dân được dạy là phải tự coi mình là người Nhật. Trong Thế chiến II, hàng chục nghìn người Đài Loan đã phục vụ trong quân dội Nhật Bản. Chẳng hạn, anh trai của cựu Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Lý Đăng Huy đã phục vụ trong hải quân Nhật Bản và chết trong khi làm nhiệm vụ tại Philippines vào tháng 2 năm 1945.

Hải quân Đế quốc Nhật Bản hoạt động chủ yếu bên ngoài Đài Loan. “Nhóm bổn phận phương Nam” có căn cứ bên ngoài Trường Đại học Đế quốc Taihoku (Taihoku nghĩa là Đài Bắc). Nhiều lực lượng Nhật Bản tham gia vào trận Không chiến Đài Loan-Okinawa đặt căn cứ tại Đài Loan. Các căn cứ quân sự và trung tâm công nghiệp quan trọng của Nhật Bản ở khắp nơi tại Đài Loan, như Cao Hùng, đã trở thành mục tiêu của các vụ ném bom ác liệt của Hoa Kỳ.

Nhật Bản mất quyền kiểm soát Đài Loan sau khi bại trận trong Thế chiến II và Văn kiện Đầu hàng của Nhật Bản được ký vào ngày 14 tháng 8 năm 1945. Nhưng sự kiểm soát của Nhật Bản đã có tác động lâu dài đối với Đài Loan, nhất là văn hóa Đài Loan. Nhiều cơ sở hạ tầng của Đài Loan được bắt đầu xây dựng dưới thời Nhật quản lý. Dinh Tổng thống hiện nay cũng được xây trong thời kỳ này. Năm 1938, có khoảng 309.000 người Nhật định cư tại Đài Loan, hầu hết họ đã hồi hương sau chiến tranh.

Thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc

Thời kỳ thiết quân luật Quốc Dân Đảng

Hội nghị Cairo diễn ra từ 22 đến 26 tháng 11 năm 1943 tại Cairo, Ai Cập đã xác định lập trường của phe Đồng Minh chống lại Nhật Bản trong Thế chiến II, và giải quyết các vấn đề hậu chiến ở châu Á. Một trong ba điều khoản chính của Tuyên bố Cairo là “Tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm đoạt từ Trung Quốc, bao gồm Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, sẽ được hoàn trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc”. Tuy nhiên, nhiều thay đổi đã diễn ra khiến cho văn kiện này đơn thuần chỉ là một phát biểu với mục đích soạn thảo một Hiệp ước Hòa bình sau chiến tranh.

Vào ngày 25 tháng 10 năm 1945, Hải quân Hoa Kỳ đã chở binh lính Trung Hoa Dân Quốc đến Đài Loan để tiếp nhận việc đầu hàng của lực lượng quân sự Nhật Bản tại Đài Bắc (trước đó gọi theo cách đọc tiếng Nhật là Taihoku). Toàn quyền Ando Rikichi và các chỉ huy cấp dưới của tất cả các lực lượng trên đảo đã ký vào văn kiện đầu hàng và trao cho đại diện Trung Hoa Dân Quốc. Trung Hoa Dân Quốc đã tuyên bố đây là ngày “Ngày Trao lại Đài Loan”. Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan được thiết lập một cách miễn cưỡng và không ổn định, cộng vào đó là những khó khăn về kinh tế, đặc biệt là nạn lạm phát cao. Hơn nữa, xung đột văn hóa và ngôn ngữ giữa người Đài Loan và người đại lục nhanh chóng dẫn đến việc mất đi sự ủng hộ rộng rãi cho chính quyền mới. Điều này lên đến cực điểm trong một chuỗi các xung đột ác liệt giữa quân Trung Hoa Dân Quốc và người Đài Loan, gồm 228 vụ việc với ước tính 20.000-30.000 dân thường đã bị Quân đội Trung Hoa Dân Quốc hành quyết trong Bạch sắc khủng bố. Cùng với đó là một trong những thiết quân luật được áp đặt lâu nhất trên thế giới với trên 38 năm, với kết quả là hàng nghìn người Đài Loan đã bị bắt giữ, tra tấn, bỏ tù và hành hình vì các hành vi chống đối Quốc Dân Đảng. Những người này chủ yếu thuộc tầng lớp trí thức và tầng lớp có địa vị xã hội. Năm 2008, một lời xin lỗi chính thức đã được đưa ra cho các hành động này, tuy nhiên vẫn chưa hề có một sự bồi thường hay đền bù nào cho các nạn nhân hay gia đình của họ.

Năm 1949, trong Nội chiến Trung Quốc, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo đã triệt thoái khỏi Nam Kinh để di chuyển đến Đài Bắc, thành phố lớn nhất Đài Loan khi đó. Trung Hoa Dân Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên toàn “Trung Quốc”, theo định nghĩa của Trung Hoa Dân Quốc là bao gồm Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Ngoại Mông (tức Mông Cổ) và các khu vực khác. Các lãnh thổ duy nhất không thuộc Đài Loan vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Trung Hoa Dân Quốc là Kim Môn và Mã Tổ. Tại Trung Quốc đại lục, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập và tuyên bố mình là đại diện hợp pháp duy nhất cho cả Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) và Trung Hoa Dân Quốc không còn tồn tại

Khoảng 2 triệu người, gồm chủ yếu là quân nhân, các thành viên Quốc dân đảng và các thành phần trí thức và doanh nhân quan trọng, đã di tản từ Trung Quốc đại lục và di chuyển đến Đài Loan trong thời gian đó. Cộng thêm vào đó, chính quyền Quốc dân đảng đã chuyển đến Đài Bắc nhiều tài sản quốc gia như dự trữ vàng và ngoại tệ. Từ thời kỳ này cho đến những năm 1980, Đài Loan được dưới thiết quân luật. Không có sự khác biệt nào dù là nhỏ giữa Quốc dân đảng và chính quyền, tài sản công, tài sản nhà nước, và sở hữu của đảng đều có thể chuyển đổi cho nhau. Nhân viên chính quyền và đảng viên không thể phân biệt được, với nhiều công chức, viên chức được kết nạp là đảng viên Quốc dân đảng.

Trung Hoa Dân Quốc vẫn duy trì là một nhà nước độc đảng trên thực tế theo thiết quân luật theo “Điều khoản Tạm thời có hiệu lực trong thời kỳ Phiến loạn Cộng sản” từ 1948 đến 1987. Sau đó, Tổng thống Tưởng Kinh Quốc và Lý Đăng Huy đã dần dần tiến hành một hệ thống tự do hóa và dân chủ hóa. Với việc chuyển sang chế độ dân chủ, vấn đề vị thế chính trị Đài Loan lại nổi lên là một vấn đề tranh cãi (trước đây những ý kiến không phải là thống nhất dưới quyền của Trung Hoa Dân Quốc đều bị cấm đoán).

Do Nội chiến Trung Quốc không hề có thỏa thuận ngừng bắn, Trung Hoa Dân Quốc đã củng cố các căn cứ quân sự của mình trên khắp Đài Loan. Trong nỗ lực này, quân đội Quốc Dân đảng trước đây đã xây dựng Quốc lộ Ngang Trung tâm đảo (Trung hoành công lộ) qua hẻm núi Taroko (Thái Các Lỗ) vào thập niên 1950. Hai bờ eo biển Đài Loan vẫn tiếp tục giao chiến lẻ tẻ và hiếm khi công khai chi tiết ra bên ngoài cho đến thập niên 1960 với cực điểm là Cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ hai vào tháng 9 năm 1958 khi tên lửa Nike Hercules đã từng được triển khai. Hiện các thế hệ tên lửa đạn đạo thế hệ mới nhất đã được thay thế cho hệ thống Nike Hercules trước đây trên khắp hòn đảo.

Trong thập kỷ 1960 và 1970, Đài Loan đã phát triển một cách nhanh chóng và công nghiệp hóa mạnh đất nước với một nền kinh tế bền vững và năng động, trở thành một trong bốn con hổ châu Á trong khi vẫn duy trì thiết quân luật và dưới sự cầm quyền độc đảng của Quốc Dân đảng. Vì lợi ích trong Chiến tranh lạnh, hầu hết các quốc gia phương Tây và Liên Hiệp Quốc coi Trung Hoa Dân Quốc là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc cho đến thập niên 1970, khi hầu hết các nước bắt đầu chuyển sang công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Hậu thiết quân luật

Người kế nghiệp của Tưởng Giới Thạch là con trai Tưởng Kinh Quốc. Sau khi thay thế cha mình, ông đã bắt đầu tự do hóa nền chính trị Đài Loan. Năm 1984, ông đã lựa chọn Lý Đăng Huy, một nhà kỹ trị người Đài Loan làm phó tổng thống. Năm 1986, Đảng Dân Tiến (DPP) được thành lập và được coi là đảng đối lập đầu tiên ở Đài Loan. Một năm sau, Tưởng Kinh Quốc đã nới lỏng thiết quân luật.

Sau khi Tưởng Kinh Quốc qua đời, Tổng thống Lý Đăng Huy đã trở thành Tổng thống người Đài Loan đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc. Ông tiếp tục dân chủ hóa chính quyền và giảm sự tập trung của chính phủ vào vấn đề Trung Quốc đại lục. Dưới thời ông cầm quyền, Đài Loan đã trải qua một thời kỳ địa phương hóa mà trong đó văn hóa và lịch sử Đài Loan được coi trọng trong lòng văn hóa Trung Hoa tương phản với chính sách ban đầu của Quốc Dân đảng là coi trọng tính đồng nhất của Trung Hoa. Những cải cách của Lý Đăng Huy bao gồm chuyển việc in giấy bạc từ Ngân hàng tỉnh Đài Loan sang Ngân hàng Trung ương và chuyển hầu hết các công việc của chính quyền tỉnh Đài Loan cho chính quyền Trung ương. Chế độ đại diện cho các tỉnh tại Đại lục trước đây cũng bị bãi bỏ, phản ánh thực tế là Trung Hoa Dân Quốc không quản lý Trung Quốc đại lục. Hạn chế việc sử dụng tiếng Phúc Kiến Đài Loan trong truyền thông đại chúng và trường học cũng đã được nới lỏng. Trong những năm sau đó, Lý Đăng Huy vướng vào một vụ rắc rối về vấn đề tham nhũng về đất đai và mua bán vũ khí mặc dù đã không có vụ luận tội nào được diễn ra.

Thập kỷ 1990, Trung Hoa Dân Quốc tiếp tục các cải cách dân chủ, Tổng thống Lý Đăng Huy đã tái cử trong lần bầu cứ phổ thông đầu tiên được tổ chức vào năm 1996. Năm 2000, Trần Thủy Biển thuộc Đảng Dân Tiến (DPP) đã trở thành tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc không phải là thành viên Quốc Dân đảng, ông đã tái cử trong cuộc bầu cử năm 2004. Tình trạng phân cực chính trị nổi bật tại Đài Loan với sự hình thành các đảng trong Liên Hiệp Lam (Phiếm Lam), dẫn đầu là Quốc Dân đảng, chủ trương thống nhất Trung Quốc và các đảng thuộc Liên Hiệp Lục (Phiếm Lục) do Đảng Dân Tiến lãnh đạo với chủ trương Đài Loan độc lập.

Vào ngày 30 tháng 12 năm 2007, Đảng Dân Tiến đã phê chuẩn một nghị quyết yêu cầu tách rời tính đồng nhất với Trung Quốc và kêu gọi ban hành một hiến pháp mới của một “quốc gia bình thường”. Đảng này cũng kêu gọi hoàn toàn sử dụng từ ‘Đài Loan’ và loại bỏ tên gọi Trung Hoa Dân Quốc. Trần Thủy Biển đã tổ chức 2 cuộc trưng cầu dân ý về phòng thủ đất nước và gia nhập Liên Hiệp Quốc vào các năm 2004 và 2008 nhưng đều thất bại vì số người đi bỏ phiếu dưới 50%. Ông sau đó đã phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và phải ngồi tù.

Quốc Dân đảng đã trở thành đa số trong cuộc bầu cử Nghị viện tháng 1 năm 2008 và ông Mã Anh Cửu cũng đã đắc cử tổng thống cùng năm, chính sách của ông là chấn hưng kinh tế và thiết lập mối quan hệ tốt hơn với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 20 tháng 5 năm 2008. Một phần của chính sách là tận dụng sức mạnh phát triển kinh tế của CHNDTH. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng xung đột quân sự với CHNDTH vẫn sẽ không giảm nhiệt.

S.T

Tags: