Đôi nét về bộ luật thành văn đầu tiên của người Việt

Theo quy định của luật Hình thư, 10 tội nặng nhất, người phạm tội sẽ bị xử lý rất nặng, không được chuộc tội, đứng đầu tà tội mưu phản làm nguy xã tắc…

Đôi nét về bộ luật thành văn đầu tiên của người Việt

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, bộ luật thành văn đầu tiên của người Việt là bộ luật Hình thư, được ban hành dưới thời trị vì của vua Lý Thái Tông. Ông là vị vua thứ hai của triều đại nhà Lý, trị vì từ năm 1028-1054.

Theo “Lịch triều hiến chương loại chí”, Luật Hình thư gồm 3 quyển, có những quy định về tổ chức của triều đình, quân đội, hệ thống quan lại; quy định biện pháp trừng trị đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội; quy định một số vấn đề về sở hữu và mua bán đất đai, tài sản; quy định về thuế… Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, bộ luật Hình thư được ban hành để khẳng định quyền lợi, địa vị của nhà nước phong kiến và giai cấp quý tộc quan liêu, đồng thời là công cụ để ổn định xã hội, giữ gìn kỷ cương, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Theo quy định của Luật Hình thư, ai trộm lúa của dân sẽ bị đánh 100 trượng; nếu không lấy được mà làm bị thương người khác sẽ bị tội lưu. Quân lính lấy của cải của dân sẽ bị đánh 100 trượng và thích 30 chữ.

Theo quy định của bộ luật này, 10 tội nặng nhất, người phạm tội sẽ bị xử lý rất nặng, không được chuộc tội gồm: Mưu phản làm nguy xã tắc; Mưu đại nghịch làm nguy tông miếu, cung khuyết; Mưu bạn nghịch nổi loạn theo giặc; Ác nghịch đánh giết ông bà cha mẹ; Bất đạo giết người vô tội; Đại bất kính dùng những đồ dành riêng cho vua, trộm và giả mạo ấn vua; Bất hiếu mắng chửi hay không để tang ông bà cha mẹ; Bất mục đánh giết những người thân thuộc gần; Bất nghĩa dân giết quân, trò giết thầy, lính giết tướng, con giết cha; Nội loạn thông dâm với họ hàng thân thiết, thiếp của ông hay cha.

Dưới thời Lý, để bảo vệ sức kéo, triều đình cấm việc dân chúng mổ trộm trâu bò để giết thịt, ai phạm tội sẽ bị xử rất nặng. Theo đó, người giết trâu bò bừa bãi không theo quy định bị xử tội nặng, có thể bị phạt gậy lẫn phạt tiền.

Pháp luật nhà Lý phản ánh rõ sự phân biệt đẳng cấp xã hội. Đẳng cấp của quý tộc quan liêu được hưởng đặc quyền, trang phục, nhà cửa cũng có sự phân biệt giữa vua quan và dân. Thợ thuyền làm công cho triều đình không được chế các đồ dùng kiểu nhà quan mang ra bán cho nhà dân. Con cái nhà dân không được bắt chước theo cách trang sức trong cung. Pháp luật nhà Lý coi nô tỳ là những người thấp kém nhất, không được lấy con gái nhà dân, không được xăm mình rồng, người nào phạm tội sẽ bị sung công.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,