Đôi điều về cây xanh và cảnh quan đô thị

Cây xanh đối với cư dân đô thị có một vai trò cực kỳ quan trọng, đến mức người ta nói một thành phố không cây xanh còn tệ hơn cả sa mạc.

Đôi điều về cây xanh và cảnh quan đô thị

Tác giả: TS Nguyễn Minh Hòa.

Cây xanh không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường, sức khỏe mà còn có giá trị thẩm mỹ. Một thành phố đẹp, ấn tượng không thể không có sự đóng góp rất lớn của cây xanh.

Mỗi đường mỗi sắc

Cây xanh ở các thành phố châu Âu và Bắc Mỹ thay áo theo từng mùa, mỗi mùa trong chu trình xuân, hạ, thu, đông cây xanh mang một vẻ đẹp rất khác nhau. Mùa đông cây mặc áo trắng óng ánh bởi tuyết phủ, mùa xuân mang một mầu xanh non mơn mởn đến nao lòng, mùa hạ lại có mầu xanh thẫm đằm thắm và vào mùa thu cây nhuôm mầu vàng và đỏ đẹp đến mê hồn. Ai đã một lần xem “Mùa thu vàng” của Levitan và nhìn màu vàng hiện thực trong chiều nước Nga thì suốt đời không bao giờ quên. Các thành phố ở khu vực nhiệt đới Đông Nam Á như Bangkok, Sài Gòn, Manila có ưu thế cây xanh quanh năm, nhưng lại chỉ có hai mùa khô và mùa mưa cho nên cây xanh không thay hình đổi dạng bất ngờ, do vậy mà khá đơn điệu.

TPHCM cũng trong một tình trạng tương tự. Cây xanh ở thành phố không nhiều so với các thành phố khác, tỷ lệ cây xanh trên đầu người rất thấp lại phân bổ không đều giữa các quận trung tâm và huyện ngoại thành và điều đáng lưu ý là chúng chưa đóng góp được gì nhiều cho khía cạnh thẩm mỹ. Cây xanh của thành phố hiện nay chủ yếu là đáng ứng nhu cầu tạo bóng râm, giảm khói bụi và tiếng ồn nhưng chưa đẹp, mặc dù mấy năm gần đây các đơn vị chức năng đã chú ý đến việc tạo thêm mảng xanh, thảm cỏ ở vỉa hè cho không gian sống bớt phần đơn điệu. Chúng ta có thể làm cho thành phố đẹp hơn bằng cây xanh được không? Hoàn toàn có thể được, thử hình dung có những con đường mà mỗi con đường mang một mầu sắc khác nhau. Có gì hấp dẫn hơn nếu chiều về chúng ta thả bộ theo dọc những con đường dài hun hút có màu vàng của điệp, màu tím của bằng lăng, phượng tím hay móng bò tím, màu đỏ của phượng vĩ, màu hồng đỏ của muồng hòa đào, đỏ rực rỡ của vông kê, vông nem. Những con đường như thế không chỉ thơ mộng mà còn là tạo ấn tượng cho khách nước ngoài. Ở thành phố này có một vài con đường như thế nhưng không đáng là bao như con đường “có lá me bay” là một ví dụ. Giá như các con đường ngắn trong khu dân cư Rạch Miễu hiện mang tên một loài hoa như Hoa Đào, Hoa Sứ mà được trang điểm bằng chính những loại hoa như thế với mật độ dày thì chắc chắn sẽ tạo ra ấn tượng về một khu dân cư đẹp.

Tuy nhiên chỉ cây xanh thôi cũng chưa tạo nên vẻ đep đô thị mà phải được kết hợp với các công trình kiến trúc, tượng đài, phù điêu, tiểu cảnh. Một thảm cỏ cần có thêm vài tảng đá tạo hình, một vườn cây có vài bức tượng, chúng sẽ kết hợp tôn nhau lên tạo ra cảm xúc thẩm mỹ. Trong hơn 500 thành phố, thị xã, thị trấn của Việt Nam thì việc trồng cây theo chủ đề không nhiều, một trong số thành phố ít ỏi đó là Đà Lạt. Hiện nay Đà Lạt đang cố gắng tạo ra những đoạn đường đặc trưng trồng cây hoa anh đào, phượng tím.

TPHCM cũng đến lúc phải thay dần những hàng cây có hàng trăm năm tuổi như sao, dầu ở trên các con đường trung tâm thành phố như ở Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương, Nguyễn Đình Chiểu. Khi tiền nhân trồng những hàng cây này không hình dung ra được bối cảnh ngay hôm nay. Khi thành phố có nhiều dãy nhà cao tầng sẽ tạo ra những cơn gió xoáy tập trung thành luồng rất mạnh mẽ có thể quật đổ những cây cổ thụ gây nguy hiểm cho người dân, cây cao thường có rễ sâu và ăn rộng nên làm hỏng các công trình ngầm dưới mặt đất mà các thành phố cũ không có những công trình này.

Tập trung hay phân tán

Xu hướng truyền thống của các thành phố châu Á là trồng cây phân tán dọc theo các vỉa hè và trong khuôn viên các nhà riêng, công sở. Xu hướng hiện nay của một số thành phố lớn trên thế giới là những cây phấn tán trồng trong các khuôn viên vẫn được chú trọng, nhưng cây xanh trồng theo vỉa hè không được cổ xúy nữa vì nó mang lại khá nhiều phiền toái.

Cách nay vài chục năm, các thành phố châu Á như Bangkok, Hà Nội, Sài Gòn có rất ít xe hơi và chưa có công trình ngầm. Nhưng khi xe hơi nhiều hơn thì người ta nhận thấy cây xanh thấp tầng, tán rộng làm cản tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông, còn cây xanh cổ thụ lại phá hỏng đường, nhà và công trình bên dưới, chưa kể có những loại cây trồng nơi công cộng với số lượng nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe của dân cư như cây hoa sữa, cây bông gòn. Do vậy mà xu hướng mới hiện nay là phát triển cây xanh tập trung với diện tích lớn. Có thể hình dung ra cứ một khu dân cư vài chục ngàn dân thay vì dành đất trồng cây phân tán thì nay gộp lại thành các rừng cây, công viên lớn. Những rừng cây, công viên này trở thành nơi nghỉ ngơi thư giãn cho các gia đình, nhóm bạn vào cuối tuần. TPHCM với hơn 8 triệu dân, nhưng rất thiếu chỗ chơi vào cuối tuần và cho các kỳ nghỉ ngắn. Cả khu vực trung tâm chỉ có công viên 23-9, công viên Tao Đàn, Thảo cầm viên nhưng chúng quá bé nhỏ và thường bị quấy rầy. Nếu một lần đến Công viên Trung tâm (Central Park) ở khu Manhattan của New York hay Hyde Park của London mới thấy thương dân mình sao thiệt thòi nhiều quá, chỉ một công viên nhiều cây xanh sao cũng thấy khó quá!

Theo ASHUI.COM

Tags: ,