Đô thị bền vững và một số vấn đề môi trường

Bài báo này mở đầu loạt bài của nhóm nghiên cứu đến từ các trường Đại học và Viện Khoa học Quốc gia, trước hết là nhằm làm rõ những khái niệm, nội dung liên quan đến phát triển bền vững, đô thị bền vững, đô thị xanh… Những vấn đề liên quan đến hạ tầng môi trường đô thị xanh như cấp nước, nước thải, chất thải sinh hoạt, năng lượng xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng sẽ lần lượt được giới thiệu sau.

Đô thị bền vững và một số vấn đề môi trường

Tác giả:

– Cao Thế Hà, Vũ Ngọc Duy – Phòng CN, TTNC Công nghệ MT & Phát triển BV – Trường ĐHKHTN – ĐHQG HN
– Nguyễn Thị An Hằng, Trần Thị Việt Hà – Chương trình Kỹ thuật môi trường – Trường ĐH Việt Nhật – ĐHQG HN
– Trần Quang Trung – Khoa Kiến trúc Xây dựng trường Đại học Đại Nam
– Cao Thế Anh – VIT Binhan GmbH, Germany

Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2019.

Đặt vấn đề

Khoảng gần chục năm trở lại đây, kiến trúc xanh (KTX) đã trở thành định hướng chung phát triển kiến trúc Việt với sự ra đời của “Tuyên ngôn KTX Việt Nam” do Hội KTS Việt Nam khởi xướng ngày 24.7.2011. Ở Việt Nam, hàng loạt các đô thị xanh, tòa nhà xanh, ngôi nhà xanh đã ra đời và được sự hưởng ứng nhiệt tình của xã hội. Mặc dù có những thành công nhất định, trong 5 tiêu chí cơ bản của KTX trong Tuyên ngôn KTX của Hội KTS Việt Nam, khái niệm “môi trường”, “bền vững” (về mặt môi trường), đặc biệt là ở quy mô lớn (khu đô thị, thành phố) có lẽ là còn thiếu những nội dung và các giải pháp cụ thể. Những giải pháp liên quan đến các chất thải (thu gom, vận chuyển, xử lý…) không có đột phá, thậm chí trong đó có những công nghệ đã được phát triển và áp dụng từ trên 100 năm trước. Nhìn vào các văn bản/quyết định mang tính định hướng về phát triển Đô thị và phát triển Xanh của nhà nước (các QĐ 445/QĐ-TTg về điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (07.04.2009), QĐ 1393/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (25.09.2012)) thì các nội dung phát triển xanh về mặt nguyên lý đã được đề cập, tuy nhiên về mặt giải pháp còn cần sớm được bổ sung những nội dung cụ thể.

Sự phát triển của đô thị thế giới và đô thị hóa ở Việt Nam

Việc tập trung cư dân trong một không gian hữu hạn thiên về các hoạt động trao đổi hay mua bán hàng hóa (nay gọi là “thương mại, dịch vụ”), đã có từ rất lâu, đây chính là hiện tượng “đô thị hóa” và là bước phát triển tất yếu của xã hội loài người. Cùng với Cách mạng công nghiệp 1.0, bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 ở Anh, quá trình đô thị hóa đã diễn ra như vũ bão, kéo dài suốt thế kỷ 19 ở châu Âu và đã lan ra toàn thế giới. Ở Anh và xứ Wales, năm 1801 tỷ lệ dân số sống trong các đô thị có trên 20.000 người từ 17% đã vọt lên 54% vào năm 1891. Tuy nhiên, với định nghĩa rộng hơn về đô thị, mức độ đô thị hóa ở Anh và xứ Wales năm 1891 được cho là 72%. So sánh cùng thời điểm, có Pháp = 37%, Đức-Phổ = 41% và Mỹ mới = 28% [3]. Đầu thế kỷ 20, trên thế giới đô thị mới chiếm 15% dân số, tới 2007 dân cư đô thị thế giới đã đạt 50% [3]. So với Việt Nam, ta thấy năm 1990 tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam mới đạt dưới 20%, đến năm 2015 mới đạt 35,7% [4], thực ra theo kết quả Tổng điều tra dân số 2019 mới công bố, con số này mới đạt 34,4% [5], trong khi đó theo World Bank năm 2018 mức độ đô thị hóa trung bình của Thế giới đã là 55%. Các số liệu dự báo về đô thị hóa của Việt Nam thường lạc quan hơn thực tế.

Tại Việt Nam trong tương lai, hai câu hỏi: “Việt Nam sẽ phát triển đô thị như thế nào?” và “Quan hệ với xây dựng Nông thôn mới như thế nào?” rất quan trọng. Bản thân phía Chính phủ cũng có thay đổi: QĐ số 10/QĐ-TTg (1998) ban hành Chiến lược Phát triển và Hệ thống Đô thị đến năm 2020 ưu tiên quy mô nhỏ, phân tán; đến QĐ số 445/QĐ-TTg (2009) cập nhật nội dung của QĐ(1998) và mở rộng tầm nhìn đến 2050 lại chấp nhận khả năng phát triển của các siêu đô thị trên 10 triệu dân? Thực tiễn tới nay cho thấy, với các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, sẽ rất khó khăn trong việc đảm bảo nhu cầu xã hội (trường học, bệnh viện, năng lượng…), an toàn (giao thông, cháy nổ, thực phẩm, nước ăn uống), hạ tầng giao thông, dịch vụ cấp nước, vệ sinh môi trường (rác sinh hoạt, nước thải, bụi, tiếng ồn ) ….

Các vấn đề môi trường nổi bật của đô thị là cấp nước an toàn, thu gom và xử lý rác sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, bụi và ô nhiễm không khí. Ngoài ra, còn vấn đề quan hệ với vành đai cung ứng thực phẩm tức là vùng nông thôn ngoại ô hay là các tỉnh lân cận. Theo Chiến lược phát triển xanh của Thủ tướng Chính phủ [8] thì đô thị hóa bền vững, theo đó yếu tố xanh được nhấn mạnh, là giải pháp số 11 trong số 17 giải pháp để đạt mục tiêu phát triển xanh. Khi đó, việc phát triển đô thị mới sẽ quan hệ với phát triển nông thôn mới với lối sống hòa hợp với môi trường (giải pháp 12) sẽ như thế nào? Đô thị về bản chất là nơi có mật độ dân số cao hơn nhiều so với nông thôn, vậy làm sao để đảm bảo yếu tố xanh như mong muốn? Phải chăng sự kết hợp quy hoạch / kiến trúc đô thị mới với nông thôn mới sẽ là giải pháp?

Các mô hình đô thị mới trên thế giới

Đô thị hóa tất nhiên sẽ kéo theo hàng loạt những nhu cầu xã hội về hạ tầng, những thách thức về mặt môi trường mà để đô thị có thể phát triển bền vững loài người phải vượt qua (sẽ trình bày ở các bài sau). Từ đây, xuất hiện các khái niệm “đô thị xanh” hay “đô thị bền vững”.

Theo các lý thuyết về đô thị hóa, về mặt không gian đô thị có thể là “hướng tâm”, “nhiều vùng” hay “đa tâm” [9]. Các mô hình này được đề xuất và lý luận hóa từ 1923 đến 1945. Tuy nhiên, khái niệm “đô thị bền vững” (sustainable cities) hay “thành phố/đô thị sinh thái”, “đô thị xanh” hay “thành phố thông minh” … lại có xuất phát điểm từ khái niệm “thành phố (trong) vườn” (garden city) có từ rất sớm. Ý tưởng về “Garden City”, hay phương pháp quy hoạch đô thị mà ở đó đô thị đông đúc sẽ được hòa trong “vành đai xanh” cung cấp thức ăn, các khu công nghiệp, nông nghiệp với tỷ lệ phù hợp, được Ngài Ebenezer Howard (UK) nêu lên ngay từ 1898, nghĩa là khi mà London đã được coi là trung tâm kinh tế, chính trị, thành phố lớn nhất thế giới thời đó. Danh mục các “Garden City”, nơi mà đô thị đông đúc gần như được hòa quyện với vành đai xanh-nông thôn, xem thêm ở [10].

Mặc dù vẫn còn những khiếm khuyết, mô hình “Garden Cities” kiểu mới, khi mà các yếu tố môi trường được coi trọng hơn rất được khuyến khích ở Anh và phát triển ra khắp toàn cầu, kể cả ở Châu Á đông đúc, đặc biệt là ở xứ sở đông dân nhất – Trung Quốc.

Ở Anh, năm 2014 Thống đốc vùng Exchequer George Osborne công bố các kế hoạch xây dựng “garden city” mới ở Ebbsfleet Valley, Kent, và mở rộng ở Bicester, Oxfordshire. [11,12]. Năm 2015, Chính phủ Anh đã công bố các kế hoạch phát triển các thành phố vườn kiểu mới, Chính phủ hỗ trợ cả các công tác phát triển các khu thành phố vườn mới ở North Essex lẫn các thành phố sinh thái ở Didcot, Oxfordshire [13]. Năm 2016, thành phố vườn “Black Country Garden City” được công bố với kế hoạch xây 45.000 nhà ở West Midlands trên mặt bằng của khu xử lý chất thải tước đó [14]. Ngày 2.1.2017, Chính phủ UK đã công bố kế hoạch xây dựng những thành phố-vườn mới, theo đó các cụm dân cư với 1.500 và 10.000 nhà và các thành phố vườn với hơn 10.000 nhà sẽ được xây dựng [15].

Nhiều dự án nhỏ hơn cũng đang được xem xét để giải quyết những vấn đề liên quan đến “sự lộn xộn đô thị” (urban sprawl) trong các dự án Thành phố-vườn, cũng như để đáp ứng nhu cầu mở rộng của chúng. Danh mục các Dự án được Chính phủ thông qua có thể thấy trên các website [16]. Hơn thế nữa, năm 2018 Thủ tướng Anh Theresa May đã ký văn bản chiến lược 150 trang “25 Years Environment Plan”, theo đó nhấn mạnh các tiêu chuẩn cho nhà mới, tăng cường vành đai xanh cho đô thị (tr.35), tăng cường kiểm soát chất thải từ nông nghiệp, nhất là từ chăn nuôi (tr.38), hạ mức sử dụng nước cấp (tr.70), tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm chôn lấp rác thải, giảm phát thải tới Zero vào 2050 để đảm bảo phát triển bền vững (tr.83), giảm phát thải từ chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm (tr.89), giảm rác thải, thải rác vào biển (tr.91), tăng cường thu hồi từ chất thải (tr.94), tăng cường công nghệ xử lý, giảm thiểu tác động MT từ nước thải (tr.96) … Ở tầm Cộng đồng châu Âu (EC) hàng loạt chính sách và kế hoạch hành động theo hướng tương tự cũng đã, đang và sẽ được thực hiện [17].

Trong thực tế, các mô hình phát triển đô thị kiểu mới đã được phổ biến khắp năm châu và không ngừng được hoàn thiện [18].

Đặc biệt là ở Trung Quốc, một đại diện cho các nước đang phát triển, vấn đề phát triển các đô thị bền vững đã được nâng lên tầm quốc sách [19-22].

Theo [21] từ 2007 tới 2011 Trung Quốc đã thông qua hàng loạt chính sách như Chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) (National Development and Reform Commission (NDRC), 2007), Sách trắng về chiến lược và hành động thích ứng với BĐKH năm 2009 do Hội đồng Nhà nước (State Council) công bố: mục tiêu 2020 giảm cường độ phát thải carbon trên đơn vị GDP 40–45% so với mức 2005 (State Council, 2009). Mục tiêu này lần đầu đã được đưa vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 với chỉ tiêu cụ thể là giảm 17% phát thải CO2 trên một đơn vị GDP từ 2011 tới 2015 (National People’s Congress, 2011). Về khía cạnh phát triển đô thị sinh thái (Eco-City) NDRC và Bộ Bảo vệ Môi trường (MEP) 13.12.2003 đã khởi động kế hoạch xây dựng các thị trấn, thành phố và vùng sinh thái nằm trong “Chương trình phát triển các chỉ số sinh thái quốc gia cho các thị trấn, thành phố và tỉnh (thử nghiệm)”, Chương trình này đã được MEP hiệu chỉnh vào 2005. Tám thành phố từ 2008 đến 2012 đã lần lượt được đưa vào Chương trình thử nghiệm “Thành phố thấp carbon” là: Baoding, Hangzhou, Xiamen, Tianjin, Guiyang, Nanchang, Shenzhen và Chongquing. Nội dung xây dựng các thành phố sinh thái (Eco) được giao cho Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn (MOHURD). Lĩnh vực này có “Chương trình Quốc gia về Thành phố-Vườn 1992-2010”; MOHURD đã chọn 13 nhóm Thành phố-Vườn Quốc gia (National Garden Cities) với tổng số 184 thành phố tham gia chương trình này. Tháng 06.2004, MOHURD quyết định khởi động việc xây dựng các thành phố-vườn sinh thái trong Chương trình Quốc gia về Thành phố-Vườn.

Song song với hai Chương trình quốc gia nói trên do Chính phủ tài trợ và hai Bộ thực hiện ở cấp Trung ương, các nội dung tương tự cũng được triển khai ở cấp tỉnh. Về khía cạnh khoa học kỹ thuật, hiệu quả của các Chương trình trên được đảm bảo thông qua nhiều hợp tác quốc tế với các cơ quan rất uy tín, đó là Quỹ Rockefeller Brothers Fund từ 2007 (nghiên cứu và xây dựng lộ trình thực hiện nền kinh tế carbon thấp cho tỉnh Guangdong và Hong Kong), WWF từ 2008 (các dự án pilot về “phát triển thành phố thấp” và chọn các thành phố Baoding và Thượng Hải, hai đối tượng thụ thưởng và sẽ làm mô hình trình diễn cho các địa phương khác), từ 10.2008 UNDP và Chính phủ Nauy và EU triển khai các dự án thích ứng với BĐKH cho các tỉnh. Ngoài ra, Quỹ Chương trình chiến lược UK (United Kingdom Strategic Programme Fund-SPF) hỗ trợ các thành phố Jilin, Nanchang, Chongqing và tỉnh Guangdong nghiên cứu và lên kế hoạch giảm phát thải carbon. Quỹ Chương trình năng lượng bền vững Trung Quốc (Energy Foundation’s China Sustainable Energy Program), Đại học Tinh Hoa và các Viện nghiên cứu Suzhou và Shandong đã tiến hành các nghiên cứu tiền khả thi về phát triển chiến lược phát triển ít carbon cho Suzhou. Tháng 06.2010, Dự án Thụy Sỹ-Trung Quốc về quản lý đô thị, kinh tế và giao thông ít carbon và nhà xanh được khởi động ở Yinchuan, các quận Dongcheng, Dezhou và Meishan ở Bắc Kinh.

Đô thị bền vững và hạ tầng đô thị bền vững

Phát triển bền vững là kết quả kết hợp hai yếu tố phát triển với bền vững của Ủy ban Brundtland (the Brundtland Commission, tên của Thủ tướng Nauy)-được thành lập bởi Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) vào tháng 12/1983 khi Đại Hội đồng LHQ nhận thấy môi trường sống của loài người và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất đã đạt tới trạng thái suy thoái nghiêm trọng. Phát triển bền vững được hiểu là khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện nay mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của các thế hệ tương lai [23].

Đô thị hóa tất yếu sẽ kéo theo nhu cầu phát triển hạ tầng đô thị (HTĐT). HTĐT là khái niệm đa diện vượt xa một tập hợp các thiết bị, tiện ích và hệ thống được thiết kế. Theo các quan điểm hiện nay, để phát triển hạ tầng đô thị bền vững (HTĐTBV) phải dựa trên ba trụ cột, rất gần với triết lý phương Đông “kiềng ba chân” phổ biến ở Việt Nam, ba trụ cột đó là Xã hội, Kinh tế và Môi trường với vòng tròn liên kết là Hệ thống quản lý để tạo sự cân bằng, độ bền vững chỉ có khi ba trụ cột này phải cân bằng, không thiên lệch [24].

Về khía cạnh kỹ thuật, HTĐT là các hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cung cấp nước sạch, năng lượng, giao thông, vệ sinh môi trường (thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải, rác thải), thông tin, nhà cửa và hệ thống thủy lợi. Ngoài ra còn phải kể đến các hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, các trung tâm thương mại, văn hóa, giải trí. Tóm lại: hạ tầng đô thị là toàn bộ cơ sở vật chất đầy đủ, lành mạnh cho một quần cư đô thị tồn tại và phát triển.

Với yêu cầu phát triển bền vững, HTĐT sẽ cần thay đổi để đáp ứng yếu tố bền vững. Bền vững là yếu tố mới, khi đó ngoài các thành phần kinh tế, xã hội, kỹ thuật còn có sự tham gia của khoa học và công nghệ môi trường [25]. Yếu tố môi trường trong cái “kiềng ba chân” ngoài các nội dung đảm bảo môi trường trong lành còn là sự bảo vệ tài nguyên. Theo [26] “một thành phố sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững có thể được hiểu là một thành phố được tách rời đáng kể khỏi các tác động do khai thác tài nguyên và tác động lên hệ sinh thái và đó là sự bền vững về kinh tế và xã hội trong dài hạn”.

Theo nghiên cứu tổng quan 995 công trình [27], khái niệm hạ tầng đô thị bền vững là mới, điều này được thể hiện ở sự thay đổi các chủ đề nghiên cứu theo thời gian và về mặt nội dung. Theo đó, nếu xem xét theo khoảng thời gian, từ 1984 đến 2009 và từ 2010 đến 2015 các chủ đề nghiên cứu có sự thay đổi rõ rệt theo Hình dưới đây (Hình 6, [27]).

Sự tiến hóa của hệ thống các chủ đề nghiên cứu về HTĐTBV [27]

Theo Hình trên, 6 nhóm đề tài truyền thống trong nghiên cứu HTĐT ở giai đoạn 1984-2009 là Thành phố (Cities), Đầu tư (Investments), Vùng đô thị (Urban-Area), Các nước đang phát triển (Developing-Countries), Tác động môi trường (Environmental-Impact), Nước mưa gây ngập (Storm-Water). Sáu nhóm đề tài ở cột bên trái với đường kính hình tròn ứng với mức độ quan tâm của các tác giả (thông qua số lượng công bố đề cập). Tương tự, cột thứ hai bên phải cũng có 6 hình tròn đường kính khác nhau ứng với 6 nhóm đề tài trong giai đoạn gần đây (2010-2015). Các đường nối ngang, chéo, tùy vào độ đậm nhạt thể hiện mức độ liên hệ giữa hai nhóm đề tài cũ-mới. Ta thấy, các vấn đề mới nổi là Biến đổi khí hậu (Climate-Change), Hạ tầng đô thị (Urban-Infrastructure), Thành phố (Cities), Nước mưa gây ngập (Storm-Water), Chu trình-Đời sản phẩm (Life-Cycle), Tính dễ bị tổn thương (Vulnerability). So sánh các vấn đề được giới học thuật quan tâm, giai đoạn gần đây (từ 2010) khi mà vấn đề phát triển bền vững được quan tâm hơn ta thấy xuất hiện bốn chủ đề mới, đó là Biến đổi khí hậu, Hạ tầng đô thị, Chu trình-Đời sản phẩm, Tính dễ bị tổn thương (của đô thị), trong đó được quan tâm nhất là HTĐT, tiếp ngay sau là Biến đổi khí hậu. Một nhóm đề tài mới và tương đối độc lập là Tính dễ bị tổn thương (của đô thị).

Gần đây, chủ đề HTĐT trở nên được quan tâm số 1, trong khi ở trước đó không xuất hiện. Tại sao? Đó là vì từ trước tới nay (tới 2009) HTĐT được coi là thành phần tất yếu của các thành phố và gần như không thay đổi từ khi người Anh giới thiệu các mô hình hạ tầng đô thị như ta thấy ngày nay. Ví dụ phổ biến về một thành tố rất ít thay đổi trong hệ thống HTĐT môi trường thành phố là hệ thống xử lý nước thải đô thị. Được người Anh phát triển từ nămv 1914, từ đó hơn 100 năm nay công nghệ vi sinh để xử lý nước thải được phổ biến khắp thế giới và đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống vệ sinh môi trường và gần như rất ít thay đổi. Tuy nhiên, với yêu cầu phát triển bền vững, người ta nhận thấy công nghệ này quá tốn kém để xử lý và lãng phí tài nguyên (năng lượng, phân bón (N, P) và nước) và cần phải thay thế. Theo [28], mỗi công dân EU hàng năm phải chi 30-40 Euro chỉ để xử lý nước thải sinh hoạt và thải ra môi trường theo nước thải giá trị tài nguyên là 80 Euro!

Kết luận

Việt Nam đang ngày càng phát triển và phát triển nhanh, nhu cầu đô thị hóa và phát triển hạ tầng đô thị là tất yếu. Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chí phát triển xanh-phát triển bền vững thì không thể đi theo lối mòn cũ. Về khía cạnh hạ tầng môi trường cần thay đổi tư duy quy hoạch phát triển đô thị theo hướng xanh cả về hình thức, lẫn xanh cả về nội dung. Đó là con đường, bên cạnh các thiết kế tòa nhà xanh ( công trình áp dụng công nghệ xanh), cần kết hợp phát triển đô thị với nông thôn mới, kết hợp với các công nghệ xử lý chất thải theo hướng thu hồi năng lượng và tài nguyên. Con đường mới này sẽ được trình bày ở các bài tiếp theo.

–––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo:

1. KTS Trần Ngọc Linh, Kiến trúc, Số 4, 2019, tr.34.
2. KTS Lã Thị Kim Ngân, Kiến trúc, Số 4, 2019, tr.44.
3. Christopher Watson (1993). K.B. Wildey; Wm H. Robinson, eds. Trends in urbanisation. Proceedings of the First International Conference on Urban Pests. CiteSeerX 10.1.1.522.7409
4. Báo cáo Bộ XD 2016. Tổng kết thi hành pháp luật về quản lý phát triển đô thị ở VN.
5. http://tongdieutradanso.vn/cong-bo-ket-qua-tong-dieu-tra-dan-so-2019.html truy cập 12.07.19.
6. QĐ 445/2009/TTg về điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.
7. http://www. worldometers.info/world-population/, data by UN, Dep. of Economic and Social Affairs, Population Division. World Population Prospects: The 2017 Revision. (Medium-fertility variant), truy cập 16.04.2018.
8. QĐ 1393/QĐ-TTg Chiến lược phát triển xanh, ngày 25.09.2012.
9. https://studylib.net/doc/7245513/three-models-of-urban-structure truy cập 03.03.2019
10. https://en.wikipedia.org/wiki/Garden_city_ movement truy cập 03.03.2019.
11. Ebbsfleet: Britain’s first new garden city. The Telegraph. Archived from the original on 2016-09-20 (truy cập 03.03.2019).
12. Bicester chosen as new garden city with 13,000 homes. BBC News, BBC. Archived from the original on 2016-07-17 (truy cập 03.03.2019).
13. New garden towns to create thousands of new homes. Gov.uk. UK Government. Archived from the original on 2016-09-17 (truy cập 03.03.2019).
14. Black Country Garden City to get 45,000 new homes. BBC News, BBC. Archived from the original on 2016-10-01 (truy cập 03.03.2019).
15. Kate McCann. New garden towns and villages to provide 200,000 homes to ease housing shortage. https://web.archive.org/web/20180116151645/http:// www.telegraph.co.uk/news/2017/ 01/02/new-garden-towns-villages-provide-200000-homes-ease-housing/ truy cập 03.03.2019.
16. https://en.wikipedia.org/wiki/Garden_city_movement truy cập 03.03.2019.
17. Making our cities attractive and sustainable. How the EU contributes to improving the urban environment, Publications Ofce of the European Union, 2010.
18. Saffa Riffat, Richard Powell and Devrim Aydin (2016) Review: Future cities and environ-mental sustainability, Future Cities and Environment 2:1, 1-23pp.
19. J. Zhao (2010) Towards Sustainable Cities in China, SpringerBriefs in Environmental Science 1, DOI 10.1007/978-1-4419-8243-8_2, pp.15-36.
20. Nan Zhou, Gang He and Christopher Williams (2012) China’s Development of LowCarbon Eco-Cities and Associated Indicator Systems, Ernest Orlando Lawrence and Berkeley National Laboratory, 39pp.
21. Nina Zheng Khanna, Lixuan Hong and David Fridley (2014) Evaluating China’s pilot low-carbon city initiative: national goals and local plans, ECEEE Summer Study Proceedings, pp.649-660.
22. China Urban Development Review Special. Edition of Green Cities (2017) Editors: Kui Feng, Xuedong Yan, China Environment Science Press, 164pp.
23. WCED, 1987. Our common future. In: World Commission on Environment and Development. Oxford University Press, Oxford.
24. Elkington, J., 1994. Towards the sustainable corporation: win–win–win business strategies for sustainable development. Calif. Manag. Rev. 36 (2), 90–100.
25. El-Diraby, T., Osman, H., 2011. A domain ontology for construction concepts in urban infrastructure products. Autom. Constr. 20 (8), 1120–1132.
26. Martos, A., Pacheco-Torres, R., Ordóñez, J., Jadraque-Gago, E., 2016. Towards successful environmental performance of sustainable cities: intervening sectors. A review. Renewable Sustainable Energy Rev. 57, 479–495.
27. Ana Luiza Carvalho Ferrer, Antônio Márcio Tavares Thomé, Annibal José Scavarda. Sustainable urban infrastructure: A review, Resources, Conservation and Recycling 128 (2018) 360–372.
28. Willy Verstraete and Siegfried E. Vlaeminck, ZeroWasteWater: Short-cycling of Wastewater Resources for Sustainable Cities of the Future. Keynote Paper 2nd Xiamen International Forum on Urban Environment, 2010.

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC 

Tags: ,