Định kiến của con người: Bản chất, hậu quả và cách xóa bỏ

Định kiến luôn tồn tại và phổ biến, điều quan trọng là phải thừa nhận sự tồn tại của nó, để quản lý và tránh gây hại cho những người thuộc nhóm yếu thế.

Định kiến của con người: Bản chất, hậu quả và cách xóa bỏ

Sau gần một thế kỷ nghiên cứu, các nhà tâm lý học đã chứng minh hầu như tất cả mọi người đều có những định kiến một cách vô thức, vô hại hoặc gián tiếp.

Tuy nhiên, những định kiến này thường là cơ sở của những kỳ thị thậm chí phân biệt đối xử: chỉ cảm thấy thoải mái với những người thuộc “nhóm của mình”, và né tránh hoặc loại bỏ những người thuộc “nhóm của họ”. Những định kiến kiểu này thường do những khác biệt về văn hóa mang lại. Bên cạnh đó, có một nhóm nhỏ có những kỳ thị trực tiếp, cực đoan thậm chí gây hại, bao gồm cả các hành vi tội ác. Những kỳ thị loại này thường xuất phát từ định kiến về xung đột lợi ích và giá trị trong một xã hội đầy biến động.

Về bản chất, conngười luôn tìm kiếm và cảm thấy thoải mái khi ở bên những người được cho là giống họ, hoặc thuộc một nhóm xã hội với họ. Từ việc cảm thấy thoải mái và an toàn với những người trong nhóm của mình, họ có thể e ngại, lo lắng hoặc thậm chí có thái độ và hành vi tiêu cực với những người được cho là không thuộc nhóm với họ. Trong những nền dân chủ phương Tây, khoảng 80% người dân không có vấn đề gì liên quan đến việc tiếp xúc với các nhóm xã hội khác với họ, nhưng vẫn có khoảng 10% có thái độ công khai khá thù địch với những nhóm bị cho là đe dọa giá trị của họ.

Về cơ bản, định kiến thường tồn tại một cách ngầm và ẩn. Ngay đối với những người được cho là không có định kiến về chủng tộc, nhưng nhiều thí nghiệm cho thấy, trong những hoàn cảnh bột phát, định kiến chủng tộc vẫn bị bộc lộ. Ví dụ, trong một thí nghiệm với cảnh sát Mỹ, họ cho các khuôn mặt tội phạm và không tội phạm lần lượt xuất hiện theo tần suất khá nhanh. Nếu tội phạm xuất hiện, cảnh sát sẽ bắn ngay lập tức. Kết quả cho thấy, tỉ lệ khuôn mặt người da đen bị bắn nhầm cao hơn rất nhiều so với khuôn mặt da trắng. Điều này cho thấy có một sự định kiến cho rằng người da đen gắn với tội phạm. Cho dù khi nói chuyện, không cảnh sát nào tự nhận mình có định kiến với người da đen.

Về cơ bản, dù là ẩn hay công khai, các nhóm thường chấp nhận các hành vi, đặc tính và giá trị chuẩn (nguyên mẫu) gắn với thành viên nhóm mình. Đây chính là cơ sở để tạo ra sự phân chia “chúng ta” và “họ”. “Chúng ta” thường chiếm ưu thế và “cao quý” hơn “họ” vì chúng ta có những đặc điểm vượt trội. Ví dụ, một người có các đặc điểm là “đàn ông”, “da trắng” và “dị tính” có các đặc tính “thống trị” nên không gặp khó khăn gì trong việc phát triển lòng tự tôn cao. Một người là “phụ nữ”, “châu Á” và “đồng tính” thuộc nhóm thiểu số nên gặp khó khăn trong quá trình phát triển lòng tự tôn cao, phải đối mặt với phản ứng tiêu cực của các nhóm khác. Trong xã hội có những nhóm đặc biệt, ví dụ như người đồng tính da đen ở Mỹ chịu sự kỳ thị cao nhất vì họ phải đối mặt với sự kì thị người da đen trong cộng đồng đồng tính đa phần da trắng, và sự kỳ thị đồng tính trong cộng đồng người da đen đa phần dị tính.

Những người có đặc tính thống trị/phổ biến không gặp khó khăn gì trong việc có lòng tự tôn cao. Ngoài ra, họ dùng quyền lực sẵn có để duy trì hiện trạng có lợi. tiếp cận nguồn lực xã hội và định ra luật chơi. Ngược lại, những nhóm thiểu số gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình xây dựng lòng tự tôn cho mình. Họ phải đối mặt với những định kiến kỳ thị của các nhóm đa số, và phải trải nghiệm những bất công trong công việc, tiếp cận dịch vụ và cơ hội phát triển.

Để dần xóa bỏ định kiến nhóm, việc tạo cơ hội cho các nhóm xã hội giao lưu, tìm hiểu, và làm việc cùng nhau rất quan trọng. Khi các thành viên từ các nhóm khác nhau, với những quá khứ trải nghiệm, điều kiện kinh tế, đặc điểm xã hội, và niềm tin tôn giáo khác nhau làm việc cùng, họ sẽ có cơ hội tìm hiểu và bổ trợ cho nhau về cách nhìn, cũng như đóng góp giải quyết vấn đề. Từ đó, nó xóa bỏ những định kiến sẵn có, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm.

Nhưng để xóa bỏ những định kiến đã được thể chế hóa gây ra những bất công trong việc tiếp cận nguồn lực, cơ hội phát triển hay quá trình xây dựng lòng tự tôn, thì luật pháp phải can thiệp, và luật pháp phải được xây dựng dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, và bảo vệ nhóm yếu thế. Có như vậy, thì những định kiến, kỳ thị và bất công dựa trên sự khác biệt mới được xóa bỏ hoàn toàn.

Định kiến luôn tồn tại và phổ biến, điều quan trọng là phải thừa nhận sự tồn tại của nó, để quản lý và tránh gây hại cho những người thuộc nhóm yếu thế.

Theo LÊ QUANG / DIENNGON.VN

Tags: , , ,