Điều gì khiến những đứa trẻ mắc ‘hội chứng con nhà giàu’?

Hội chứng con nhà giàu đề cập đến những đứa trẻ được nuông chiều và ỷ lại quá mức, thay vì nói tới tầng lớp xã hội. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ kiêu ngạo, luôn dựa dẫm vào cha mẹ.

Hội chứng con nhà giàu

Theo các chuyên gia, trở thành cha mẹ trong xã hội hiện đại là điều không dễ dàng. Thậm chí, điều khó khăn nhất là phải dành quá nhiều thời gian cho công việc và ít ở bên con.

Do đó, không ít trẻ có thể trở nên kiêu ngạo, ỷ lại vào cha mẹ khi được sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả. Tình trạng này được coi là hội chứng con nhà giàu.

Hội chứng này không chỉ ảnh hưởng đến những trẻ lớn lên trong gia đình giàu có. Tình trạng như vậy có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em thượng lưu và tầng lớp trung lưu.

“Con nhà giàu” được tạo ra bởi đặc điểm nuôi dạy con của cha mẹ, thay vì tầng lớp kinh tế xã hội. Bởi, từng có câu: “Đừng dạy con bạn trở nên giàu có. Hãy dạy chúng hạnh phúc để biết giá trị của mọi thứ, thay vì giá cả”.

Hội chứng con nhà giàu dùng để chỉ một đứa trẻ hư, kiêu ngạo và luôn “cậy” có cha mẹ đứng sau. Đó cũng là hậu quả của việc nuôi dạy một đứa trẻ bằng sự bao bọc, nuông chiều quá mức. Vì vậy, hội chứng này không phải là một tình trạng liên quan đến tầng lớp xã hội. Đó là cách cha mẹ nuôi dạy đứa trẻ và mối quan hệ giữa phụ huynh – con.

Hội chứng con nhà giàu được định nghĩa là hàng loạt rối loạn xảy ra ở một đứa trẻ khi chúng “dư thừa” mọi thứ. Có lẽ “mọi thứ” không hoàn toàn chính xác.

Thực tế, những trẻ này có “tất cả” chúng yêu cầu. Ngoài việc có được những gì chúng muốn, những đứa trẻ mắc hội chứng này còn được cha mẹ ban cho đặc quyền. Thậm chí, chúng có cơ hội tiếp cận với những trải nghiệm giáo dục bổ sung…

Tuy nhiên, yếu tố đáng quan ngại là cách cư xử của cha mẹ. Cho dù họ bao bọc quá mức hay cho con nhiều vật chất, hành động đó đều mang lại hậu quả đối với sự phát triển cảm xúc của trẻ.

Ralph Minear – Giáo sư Nhi khoa tại Đại học Harvard (Mỹ) đã đưa ra một loạt câu hỏi để đánh giá, liệu một đứa trẻ có đang được nuôi dưỡng theo hội chứng con nhà giàu hay không.

Một số câu hỏi bao gồm: Phụ huynh có thường mua cho con những món quà đắt tiền, ngay cả khi đó không phải là một dịp đặc biệt? Các khoản chi tiêu tại nhà có nhằm phục vụ nhu cầu bất chợt của trẻ không? Đứa trẻ có được phép xem tivi hơn hai giờ mỗi ngày?

Hoặc, liệu trẻ có đăng ký tham gia các hoạt động ngoại khóa dù không được yêu cầu? Cha mẹ có thưởng cho trẻ tiền hoặc quà khi con làm việc tốt không?

Trẻ có thường xuyên kêu chán không? Liệu, trẻ không biết làm thế nào để giải trí, ngay cả trong một căn phòng đầy đồ chơi?

Nếu bất kỳ câu hỏi nào trong số này nhận về câu trả lời là “có”, đứa trẻ có khả năng mắc hội chứng con nhà giàu. Điều này, trong hầu hết các trường hợp, là do cha mẹ không có đủ thời gian để dành cho con.

Cha mẹ có xu hướng bù đắp bằng cách cho con quá nhiều sự tự do, đưa ra các quy tắc linh hoạt hơn. Nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con đồ chơi và tiền bạc bất cứ khi nào trẻ yêu cầu. Bởi, họ hy vọng điều này sẽ mang lại cho trẻ “cuộc sống tốt hơn” hoặc chuẩn bị cho con “tốt hơn” so với những người khác.

Áp lực và không hài lòng

Hầu hết, những cha mẹ này không làm gì khác ngoài việc cho con một cuộc sống đầy đủ. Họ cho rằng, đó là những gì trẻ muốn: Những món đồ đắt tiền, không đặt ra giới hạn và nhiều hoạt động vui chơi để thời gian trôi qua nhanh.

Họ tin rằng, một con người càng “đầy đủ” với mọi thứ, người đó sẽ càng hạnh phúc. Trong khi đó, bất kỳ ước muốn nào chưa được thực hiện, hay sự thiếu thốn nào, đối với họ đều dẫn đến đau khổ và bất hạnh.

Những phụ huynh này cũng muốn đưa trẻ đến con đường thành công toàn diện càng sớm càng tốt. Họ muốn nâng trẻ lên trên mức trung bình. Đó là lý do ngày nay, nhiều cha mẹ đăng ký cho con tham gia nhiều khóa học và hoạt động ngoại khóa.

Thậm chí, phụ huynh có thể không cho phép trẻ làm những gì chúng thích hoặc tốt cho bản thân, hay để con phát triển một cách tự nhiên. Những đứa trẻ này có xu hướng phải sống trong thế giới của người trưởng thành, dù vẫn còn nhỏ.

Trẻ em ngày nay không quá khác so với xưa. Trong thâm tâm, trẻ cũng có những nhu cầu giống như bạn cùng lứa ở 20 năm trước. Trẻ muốn chơi, cười, tương tác với thiên nhiên và động vật.

Trên tất cả, bất kỳ trẻ nào cũng muốn được yêu thương. Sự hiện diện của cha mẹ mang lại cho trẻ niềm tin và cảm giác hạnh phúc. Đó là điều không gì có thể thay thế.

Một số cha mẹ không hiểu tại sao con họ có thể bực bội, khó chịu và ốm yếu, hoặc gặp một số nỗi ám ảnh đáng sợ. Phụ huynh có ý định tốt, nhưng không thấy sự khác biệt giữa việc giúp một đứa trẻ phát huy hết tiềm năng và hỗ trợ để làm hài lòng cũng như thúc đẩy trẻ.

Bác sĩ nhi khoa Ralph Minear đã đưa ra một số lời khuyên khi nuôi dạy trẻ. Cụ thể, khi trẻ có quá nhiều tự do, chúng dễ dàng mất phương hướng về đạo đức và không có kỷ luật. Trong khi đó, việc được nhận quá nhiều món quà vật chất từ cha mẹ có thể thường làm “lu mờ” sự đồng hành cũng như tình cảm chân thành của phụ huynh.

“Nếu có quá nhiều áp lực khiến chúng phải nổi trội, trẻ thường phản ứng bằng sự căng thẳng và khó xác định mục tiêu của bản thân. Quá nhiều thông tin có thể dẫn đến nhầm lẫn. Ngoài ra, quá nhiều sự bảo vệ sẽ ngăn cản con chuẩn bị cho những thử thách của cuộc sống”, Chuyên gia nhấn mạnh.

Do đó, điều quan trọng là cha mẹ phải hiểu rằng, sự phát triển lành mạnh của một đứa trẻ phụ thuộc lớn vào việc cân bằng giữa những mong muốn đã hoàn thành và thất vọng. Đó cũng là sự cân bằng giữa những cuộc chinh phục tự do cá nhân và giới hạn được đề ra. Bởi lẽ, sự giáo dục tốt dựa trên tình yêu thương chân thành sẽ có khả năng dạy một đứa trẻ biết trân trọng mọi thứ và trải nghiệm.

Theo GIÁO DỤC & THỜI ĐẠI / EXPLORING YOUR MIND

Tags: , ,