Điều cần biết về quyền hạn của quốc gia ven biển

Với mỗi vùng biển, quốc gia ven biển sẽ có những quyền hạn nhất định và được quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Điều cần biết về quyền hạn của quốc gia ven biển

Tác giả: TS Trần Công Trục.

Chủ quyền quốc gia: Chủ quyền quốc gia là quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền của mình một cách tuyệt đối, đầy đủ, toàn vẹn ở trong vùng nội thủy và thực hiện chủ quyền một cách đầy đủ, toàn vẹn ở trong lãnh hải.

Nội thủy được coi là bộ phận đất liền như ao hồ, sông suối, các vùng nước nằm trong đất liền. Lãnh hải cũng được coi là lãnh thổ biển của quốc gia ven biển. Tuy nhiên, tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền “đi qua vô hại” trong lãnh hải của quốc gia ven biển, với những quy định chặt chẽ của quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS1982. Vì vậy, chủ quyền của quốc gia ven biển được thực hiện ở trong lãnh hải của mình là “đầy đủ và toàn vẹn”, chứ không “tuyệt đối” như ở trong nội thủy.

Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia ven biển. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất dưới đáy của lãnh hải. Mọi hoạt động của tự nhiên nhân hay pháp nhân của quốc gia khác, cũng như các phương tiện hoạt đông trên biển của họ ở trong nội thủy, lãnh hải của quốc gia ven biển, mà không tuân thủ luật pháp của quốc gia ven biển, cũng như Luật pháp quốc tế hiện hành, đều bị coi là hành động xâm phạm biên giới, lãnh thổ biển của quốc gia ven biển; quốc gia ven biển có quyền sử dụng mọi biện pháp, kể cả biện pháp quân sự để bảo vệ chủ quyền quốc gia trong phạm vi nội thủy và lãnh hải được xác lập theo đúng qui định của UNCLOS1982.

Trong Biển Đông, ngoài việc thực thi và bảo về chủ quyền ở vùng nội thủy, lãnh hải mà phạm vi của chúng được tính từ hệ thống đường cơ sở thẳng theo Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam năm 1982, Việt Nam còn thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với các đảo, quần đảo trong Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp hoàn toàn; quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc và một số quốc gia khác trong khu vực đã tranh chấp và đang chiếm đóng một số thực thể thuộc quần đảo này.

Quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia: Quyền chủ quyền là quyền riêng biệt của quốc gia được thực thi trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là quyền có nguồn gốc chủ quyền, mang tính chất chủ quyền. Quyền tài phán là hệ quả của chủ quyền và quyền chủ quyền, có tác dụng bổ trợ tạo ra môi trường để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền. Như vậy, quyền tài phán gắn bó chặt chẽ với lãnh thổ quốc gia.

Tuy vậy, quyền tài phán cũng có thể thực thi ở nơi mà quốc gia đó không có chủ quyền. Chẳng hạn, quyền tài phán có thể được áp dụng trên tàu thuyền, phương tiện treo cờ của quốc gia đó khi chúng đang hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia khác.

Quyền tài phán theo nghĩa rộng bao gồm: Thẩm quyền đưa ra các quyết định, quy phạm; Thẩm quyền giám sát việc thực hiện; Thẩm quyền xét xử của tòa án đối với một lĩnh vực cụ thể; theo nghĩa hẹp đó là thẩm quyền pháp định của tòa án khi xét xử một người hay một việc. Khi thực hiện các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình, quốc gia ven biển có nghĩa vụ tôn trọng quyền lợi của các quốc gia khác, không được có hành vi cản trở quyền tự do hàng hải và tự do hàng không của tàu thuyền và các phương tiện bay, quyền tự do đặt cáp và ông dẫn dầu ngầm; không được có hành vi phân biệt đối xử trong việc các quốc gia khác thực hiện các quyền được UNCLOS1982 quy định….

Lâu nay, trên các phương tiện thông tin, trong các văn bản chính trị, pháp lý… cụm từ “chủ quyền biển đảo” thường được sử dụng để thay cho thuật ngữ “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia” áp dụng cho các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo, với những quy chế pháp lý khác nhau khi xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, cũng như các quốc gia có biển hay không có biển khác. Điều này khiến cho nhiều người có nhân thức mơ hồ, lệch lạc về tính chất và mức độ bảo vệ và thực thi các quyền hợp pháp của quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo, quần đảo mà hậu quả có thể có tác động tiêu cực đến các hành xử của các cá nhân, cơ quan quản lý, của các tầng lớp nhân dân trước những sự kiện xảy ra trên từng khu vực khác nhau.

Vì vậy, trong các nội dung tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam gần đây về các vấn đề xảy ra trên Biển Đông đã sử dụng một cách chính xác các thuật ngữ “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán” thay vì cụm từ “chủ quyền biển đảo” đã được dùng theo thói quen và khá phổ biến trong cộng đồng. Cũng cần lưu ý rằng ngay trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2019, thuật ngữ pháp lý “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán” đã được sử dụng khi quy định nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam.

Theo THỜI ĐẠI

Tags: , ,