Diễn biến của khủng hoảng bong bóng hoa tulip Hà Lan thế kỷ 17

Bong bóng hoa tulip Hà Lan thế là khủng hoảng bong bóng đầu cơ tài sản đầu tiên được ghi nhận, khi giá không ngừng tăng vọt rồi sau đó lao dốc một cách thảm hại. Nhưng tại sao ngày nay chúng ta vẫn chưa thể quên bong bóng tài sản này?

Diễn biến của khủng hoảng bong bóng hoa tulip Hà Lan thế kỷ 17

Bài viết sử dụng tư liệu từ cuốn sách “Hội chứng cuồng hoa Tulip” (Tulipmania) của sử gia Anne Goldgar xuất bản năm 2007.

Theo các thông tin cổ xưa, hoa tulip có nguồn gốc từ Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Một vị đại sứ châu Âu nhận thấy hoa tulip rất phổ biến ở Constantinople (Istanbul), thủ phủ của đế chế Ottoman. Cuối những năm 1500, ông gửi hạt giống hoa tulip này cho một người bạn ở Hà Lan là nhà thực vật học Carolus Clusius.

Khi giá hoa tulip bắt đầu bùng nổ, thì thực ra việc sưu tập từ tác phẩm nghệ thuật cho đến vỏ sò cũng đã phát triển rất rộng rãi ở châu Âu. Clusius yêu cầu thương nhân đi biển đem về cho ông những mẫu cá lạ, giống cây quý hiếm và ông sẽ đổi bằng huy chương hay đặc sản thủ công mỹ nghệ.

Và giao dịch hàng hoá cũng đã nở rộ ở Amsterdam. Năm 1602, Sở giao dịch chứng khoán Amsterdam ra đời. Hoạt động mua bán ngũ cốc vùng Baltic cũng đã tồn tại hàng thập kỷ trước đó, như là những giao dịch hợp đồng hàng hóa tương lai không chính thức, và thúc đẩy sự ra đời của Công ty Hà Lan – Đông Ấn (Dutch East India Company).

Sang thế kỷ 17, hoa trở thành loại hàng hóa thu hút sự chú ý. Và nhu cầu về hoa tulip là lớn nhất, bởi đây là loại hoa không chỉ đẹp mà còn có rất nhiều chủng loại để nghiền ngẫm.

Nhưng mọi thứ đã đi quá xa ra ngoài “mỹ học”. Một học giả thời đó đã viết: “Bạn bè không còn là bạn, và mọi người không còn đi tìm thứ gì ngoài chuyện chỉ quan tâm đến lợi nhuận”.

Đến những năm 1630 đã xuất hiện một số nhà môi giới hoa tulip. Việc buôn bán loài hoa này có sức hút đặc biệt không thể cưỡng lại được. Một nhà thơ thời đó viết: “Nếu nhìn vào lợi nhuận từ hoa tulip thì người ta sẽ tin ngay là trên đời chẳng có thuật giả kim nào là hấp dẫn hơn mặt hàng này”.

Hoa tulip nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên khắp cả nước. Hàng xóm, đồng nghiệp trong công ty truyền tai nhau, chủ cửa hàng, hiệu sách, thợ làm bánh, bác sỹ rỉ rả với khách hàng… khiến tất cả tin rằng đất nước Hà Lan đang đổ xô vào hoa tulip và bị lợi nhuận từ mặt hàng nông sản này mê hoặc.

Năm 1637, giá hoa tulip lên đến đỉnh điểm. Giá của Switsers, một loại củ hoa tulip phổ biến, tăng hơn gấp 10 lần từ mức 125 florin/pound ở thời điểm ngày 31/12/1636 lên đến lên 1.500 florin vào ngày 03/02/1637.

Đỉnh điểm của bong bóng là cuộc đấu giá huyền thoại diễn ra tại thị trấn Alkmaar vào ngày 05/02/1637. Cuộc đấu giá này được tổ chức để quyên góp tiền cho trẻ mồ côi. Ở cuộc đấu giá này, một củ tulip Viceroy được bán với giá 4.203 florin và một củ Admirael Van Enchuysen được bán với giá lên tới 5.200 florin.

Theo Goldgar, chúng ta vẫn chưa biết đâu là nguyên nhân thực sự khơi mào việc bán tháo hoa tulip. Trên thực tế, các bong bóng tài sản khác cũng “xì hơi” theo cách tương tự như vậy.

Có tài liệu cho rằng việc bán tháo có thể bắt đầu từ một thương vụ không thành công ở Haarlem. Người khác thì cho rằng người mua cuối cùng cũng đã bắt đầu nhận thấy mức giá hoa tulip cao một cách quá vô lý.

Bong bóng hoa tulip tan vỡ cũng trùng hợp với một đợt dịch bệnh càn quét qua đất nước Hà Lan.

Goldgar thì cho rằng có những bằng chứng cho thấy, lúc đó lượng cung đã bắt đầu vượt quá nhu cầu. Các thương nhân nhỏ lẻ thậm chí cũng tự trồng hoa tulip.

Chỉ sau một đêm, giá củ hoa tulip mùa đó lao dốc, khiến người mua, người bán cũng như các nhà môi giới và bảo hiểm mất trắng.

Ngày 27/4, chính phủ liên bang Hà Lan buộc phải can thiệp, nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình hình. Theo Goldgar, lúc đó chính phủ Hà Lan đã ra một thông báo rất yếu ớt là các quan tòa địa phương sẽ chịu trách nhiệm đưa ra phán quyết cho các tranh chấp.

Đến tháng 1/1838 thì tình trạng bế tắc mới bị phá vỡ, khi các thành phố bắt đầu lập ra các uỷ ban độc lập để giải quyết tranh chấp.

Haarlem lập Ủy ban các vấn đề về hoa (Commissarissen van de Bloemen Saecken, tức là Commissioners for Flower Affairs), họp hàng tuần vào các ngày thứ 4 và thứ 7, từ 9h đến 11h sáng và 2h đến 4h chiều, để xét xử các tranh chấp trong giao dịch hoa. Những người vắng mặt sẽ bị phạt 30 stuiver cho lần đầu và 12 florin cho lần vi phạm thứ 3.

Giải pháp được đưa ra là hủy tất cả các hợp đồng và đánh phí 3,5% vào bên mắc nợ.

Goldgar cũng chỉ ra hai nhận thức sai lầm liên quan đến bong bóng hoa tulip.

Thứ nhất, không phải toàn bộ tầng lớp thương nhân Hà Lan đều lao đao. Như đề cập ở trên, phần lớn giao dịch tập trung ở một số ít người thuộc tầng lớp giàu có.

Thứ hai, không phải cuộc khủng hoảng hoa tulip này đã phá hủy toàn bộ nền kinh tế Hà Lan. Thực tế, hầu hết các ngành kinh tế của Hà Lan vẫn tiếp tục tăng trưởng cho đến giữa thế kỷ 17.

Vậy tại sao chúng ta vẫn nhớ đến bong bóng hoa tulip này? Thứ nhất, cuộc khủng hoảng bong bóng hoa tulip tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội Hà Lan. Thứ hai, và cũng là lý do chính, là các bong bóng tài sản khác vẫn đang tiếp diễn và hầu như không ai rút ra được bài học.

Một bằng chứng là bong bóng cổ phiếu công ty South Sea vào thế kỷ 18 mà ngay cả nhà bác học Issac Newton cũng bị mất gần hết gia tài.

Theo PACE.EDU.VN

Tags: , ,