Đế chế Assyria – vinh quang của vị chúa tể trên chiến trường

Đế chế Assyria là một nền văn minh cổ đại,tồn tại từ năm 2.500 đến 605 TCN, nằm ở phía Bắc của vùng Mesopotamia – có nghĩa là “Nằm giữa những con sông” (ngày nay là Iraq), dọc theo sông Tigris.

Đế chế Assyria được thành lập sau khi đế chế Sumerian ở phía Nam sụp đổ nên thành phố, chính trị và con người cũng ảnh hưởng phần nào đó từ người Sumerian.

Người Assyria đi đến đâu cũng trở thành sự thách thức số một với toàn bộ kẻ thù và được coi là đội quân hùng mạnh nhất đã từng được biết đến thời bấy giờ. Sự mạnh mẽ và tàn bạo của đế chế Assyria đã trở thành mộ truyền thuyết. Người cổ đại ví rằng: Đội quân Assyria như những con sói dạo bước trên khe núi.

Về kinh tế, do nằm trên trục lộ giao thông chính chắn ngang những con đường buôn bán then chốt, người Assyria rất thông minh khi họ biết cách thu thuế của nhà buôn khi qua con đường này.Từ đó, họ thu lợi rất nhiều cho ngân sách chiến tranh của mình và trở nên trù phú. Tuy vậy, nghề nghiệp chính của dân cư thời kỳ này chủ yếu là nông nghiệp, chăn nuôi.

Về tổ chức bộ máy chính quyền, Vua là người cầm quyền cao nhất, được hỗ trợ bởi các thủ lĩnh của các địa phương. Cung điện Hoàng gia là nơi đặt bộ máy chính quyền trung ương. Những cố vấn trao đổi về các vấn đề trước khi những quyết định quan trọng được đưa ra.

Về Quân sự, những đội quân đầu tiên của người Assyria là các nông dân cầm giáo. Tuy nhiên, sau một loạt những sự thay đổi về mặt quân sự, họ đã tạo nên 1 đội quân thường trực, tinh nhuệ ở độ tuổi đi lính – một dạng sơ khai của Nghĩa vụ Quân sự.

Đội quân này được vũ trang và cung cấp đầy đủ hơn hẳn những đạo quân khác của các nước đối địch, tạo ra những lợi thế quan trọng cho người Assyria. Người Assyria là một trong những dân tộc đầu tiên chấp nhận ý tưởng về một đội quân tổng hợp với bộ binh là nòng cốt trong những cuộc chiến lớn, được hỗ trợ bởi cung thủ hạng nhẹ và một cánh quân di động bao gồm xe ngựa, lạc đà và kị binh.

Khi giáp chiến, những cỗ xe ngựa cơ động sẽ phá tan đội hình quân địch giúp bộ binh dễ dàng mang lại chiến thắng. Họ thường xuyên mở những chiến dịch chinh phục về phía Bắc và phía Đông, đẩy lui những bộ lạc man rợ vốn luôn là một nỗi đe dọa. Tinh hoa của quân đội Assyria trong suốt nhiều năm là những cỗ xe ngựa với những lưỡi liềm móc gắn ở trục bánh xe, sau đó là kị binh khi mà xe ngựa không còn nhiều tác dụng.

Trong thời hoàng kim của mình (1.392–1.056 TCN), đội quân Assyria với những trang bị tốt, huấn luyện tinh nhuệ cũng như chiến thuật hiệp đồng hợp lý đã càn quét trong khu vực, xóa sổ Đế chế Hittite, lật đổ Vương triều Ai Cập và xâm chiến một vùng rộng lớn của người Babylon.

Nhưng tới giai đoạn cuối thời kỳ đồ đồng (1.055–936 TCN), đế chế Assyria rơi vào “Thời kỳ đen tối”, gặp khủng hoảng nặng nề, diện tích lãnh thổ bị thu hẹp lại còn một khu vực ở Iraq và Syria hiện nay.

Đến những năm 911–627 TCN, đế chế Assyria phục hưng lại mạnh mẽ. Thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ “Tân Assyria”. Người Assyria lại tiến hành chinh phạt mạnh mẽ những vùng lãnh thổ xung quanh, đẩy lùi người Ai Cập, Scythian, xâm chiếm 1 phần Babylon, Phoenicia, tiêu diệt nhiều bộ lạc, tiểu quốc trong khu vực. Dưới thời kỳ của vua Ashurbanipal (669–627 TCN), lãnh thổ Assyria trải dài khắp nơi: Caucasus (Armenia, Georgia & Azerbaijan), Nubia, Ai Cập, Libya, Bán đảo Arabia, Cyprus, Antioch, Persia (Ba Tư), Cissia và tới tận biển Caspian.

Nhưng sau khi Ashurbanipal băng hà, nội bộ Assyria chia rẽ sâu sắc, các vương thân, quý tộc tranh giành quyền lực với nhau, các dân tộc, bộ lạc thiểu số nổi dậy, các vương quốc láng giêng tiến quân xâm lấn. Năm 612 TCN, liên quân Babylon – Chaldean – Mede–Ba Tư – Scythian – Cimmerian tấn công thủ đô Harran của đế chế Assyria. Một thời gian sau đó, người Ai Cập tham chiến giúp đỡ Assyria nhưng cũng không giúp đỡ được là mấy. Đế chế Assyria hùng mạnh ngày nào giờ đã bị xé vụn.

Trận đánh quyết định tại Carchemish giữa liên quân và Assyria-Ai Cập vào năm 605 TCN đã quyết định đến số phận của Assyria. Quân Babylon đè bẹp quân Assyria và quân Ai Cập phải rút lui. Các cánh quân thất bại trong việc tái chiếm Harran và bị phản công dữ dội. Vua Ashur-uballit II của Assyria phải trốn chạy và sau đó không còn được đề cập đến trong sử sách nữa. Đế chế Assyria sụp đổ.

Theo LỊCH SỬ CÓ GÌ HAY

Tags: , ,