Đạo đức sinh thái và sự phát triển bền vững của con người

Đạo đức sinh thái giữ vai trò quan trọng trong hoạt động khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Nội dung của bài viết đề cập đến một số vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn của đạo đức sinh thái như: nguyên tắc của quan hệ lợi ích trong đạo đức sinh thái; những chuẩn mực của hành vi đạo đức sinh thái; những cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng các chuẩn mực đạo đức sinh thái mới; những chuẩn mực đạo đức sinh thái mới và sự biểu hiện cụ thể của chúng trong đời sống xã hội hiện nay.

Đạo đức sinh thái và sự phát triển bền vững của con người

Tác giả: PGS-TS Phạm Thị Ngọc Trầm, Trưởng phòng Triết học trong khoa học, công nghệ và môi trường, Viện Triết học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Triết học, số 12 (175), tháng 12/2005.

1. Nguyên tắc của quan hệ lợi ích trong đạo đức sinh thái

Cũng như đạo đức xã hội, đạo đức sinh thái bao gồm một hệ thống những quan điểm, quan niệm, tư tưởng, tình cảm, những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực… quy định, điều chỉnh hành vi của con người trong quá trình biến đổi và cải tạo tự nhiên nhằm phục vụ cho sự sống của con người, sự tồn tại và phát triển không ngừng của xã hội, trong những điều kiện sinh thái – xã hội nhất định. Đạo đức sinh thái là một dạng thức đặc biệt của đạo đức xã hội. Vì rằng, như C.Mác đã viết: “Bản chất con người của tự nhiên chỉ tồn tại đối với con người xã hội; vì chỉ có trong xã hội, tự nhiên đối với con người mới là một cái khâu liên hệ con người với con người;… chỉ có trong xã hội, tự nhiên mới biểu hiện ra là cơ sở của tồn tại có tính chất người của bản thân con người. Chỉ có trong xã hội, tồn tại tự nhiên của con người mới là tồn tại có tính chất người của con người đối với con người và tự nhiên mới trở thành con người đối với con người…”(1).

Đạo đức sinh thái còn được gọi là đạo đức môi sinh hay môi trường. Nó được hình thành trong quá trình con người quan hệ và tác động lên tự nhiên nhằm khai thác ở đó những nguồn vật chất, năng lượng, thông tin cần cho sự sống của con người, sự tồn tại và phát triển của xã hội. Đạo đức sinh thái mang tính lịch sử cụ thể, phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội.

Nói đến đạo đức là phải nói đến quan hệ giữa chủ thể và khách thể đạo đức. Trong các quan hệ đạo đức xã hội nói chung, con người (cả cá nhân lẫn cộng đồng) có thể vừa là chủ thể, vừa là khách thể. Nhưng trong quan hệ đạo đức sinh thái, con người bao giờ cũng là chủ thể đạo đức, còn tự nhiên bao giờ cũng chỉ là khách thể. Ở đây, con người luôn chủ động quan hệ và tác động lên tự nhiên một cách có ý thức, có mục đích là mang lại lợi ích về cho mình. Trong khi đó, sự tác động của tự nhiên đối với con người và xã hội, dù ít hay nhiều, đều chỉ là sự tác động mù quáng, không có ý thức hay chỉ là “sự phản xạ tự nhiên”. Do vậy, đặc trưng cơ bản của mối quan hệ đạo đức sinh thái so với đạo đức xã hội là ở chỗ, nó chỉ đi theo một chiều: từ con người và xã hội đến tự nhiên (từ quan niệm cho đến cách ứng xử cụ thể).

Quan hệ đạo đức được thể hiện cụ thể qua quan hệ lợi ích. Về mặt đạo đức, lợi ích phải thoả mãn cả nhu cầu của chủ thể, lẫn khách thể, nếu không sẽ không thể nói gì đến đạo đức. Tuy nhiên, trong các mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, từ xưa đến nay, con người hầu như chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, mà quên mất lợi ích của tự nhiên. Điều đó có nghĩa là con người quên mất rằng, tự nhiên là một cơ thể, một hệ thống sống; rằng, nó cũng cần phải được chăm sóc, bảo vệ để tồn tại, và đó chính là lợi ích của tự nhiên. Vì vậy, trong quá trình tác động, cải biến tự nhiên phục vụ cho nhu cầu của mình, con người đã vi phạm nhiều đến đạo đức sinh thái và mức độ vi phạm đó càng ngày càng trầm trọng hơn theo đà phát triển của xã hội. Hậu quả của sự vi phạm đó đã dẫn đến “sự trả thù của tự nhiên” – điều mà F. Engels đã từng nhắc nhở cách đây hơn một thế kỷ.

Về cơ bản, lợi ích gắn liền với giá trị, bởi vì giá trị được coi là những gì thoả mãn nhu cầu và mang lại lợi ích. Tuy nhiên, trong đạo đức sinh thái, mối quan hệ giữa lợi ích và giá trị có tính đặc thù riêng. Đối với con người, các khách thể tự nhiên có hai loại giá trị: một là giá trị nội tại, vốn có, do bản chất khách quan của chúng quy định và hai là giá trị sử dụng và cả thực dụng.

Có thể hiểu giá trị nội tại của các khách thể tự nhiên là toàn bộ những thuộc tính khách quan vốn có, tạo thành bản chất khách quan của chúng, được thể hiện ở đặc trưng cơ bản là sự sống và phục vụ cho sự sống. Các khách thể tự nhiên từ vô cơ đến hữu cơ, từ vi mô đến vĩ mô như ánh sáng mặt trời, đất, nước, không khí, động, thực vật, tài nguyên khoáng sản, v.v. đều có giá trị nội tại của chúng ngay từ khi chúng mới xuất hiện và cũng đã trải qua một quá trình vận động, biến đổi tiến hoá liên tục, lâu dài và phức tạp. Các giá trị đó tồn tại độc lập trong bản thân các khách thể tự nhiên, quy định bản chất khách quan của chúng, phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của giới tự nhiên, mà không phụ thuộc vào sự có mặt hay không có mặt của con người và xã hội loài người. Như vậy, giá trị nội tại của các khách thể tự nhiên phù hợp với lợi ích hay cũng chính là lợi ích của chúng và về cơ bản không có sự thay đổi lớn trong suốt thời gian tồn tại của chúng, nếu như không có tác động của con người và xã hội loài người.

Giá trị sử dụng và cả thực dụng của các khách thể tự nhiên là tất cả các tính năng của chúng đã được con người nhận thức, khai thác và đưa vào sử dụng trong sản xuất và đời sống. Vì thế, giá trị sử dụng của các khách thể tự nhiên như thế nào không chỉ do bản chất khách quan, tức là giá trị nội tại, vốn có của chúng quyết định, mà chủ yếu là do chủ thể, tức là con người đã có những hiểu biết gì, có nhu cầu gì và muốn đạt được những lợi ích gì từ các khách thể tự nhiên đó.

Một khách thể tự nhiên được coi là có giá trị sử dụng khi nó được sử dụng như một phương tiện nhằm thoả mãn nhu cầu và mang lại một lợi ích nào đó cho chủ thể tức là cho con người. Đặc điểm của giá trị sử dụng của các khách thể tự nhiên là hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu và lợi ích của con người; một khi nhu cầu của con người thay đổi thì giá trị sử dụng của các khách thể tự nhiên cũng thay đổi theo. Trong nhiều trường hợp, để thoả mãn nhu cầu của mình, con người không những đã khai thác, tận dụng triệt để các giá trị sử dụng của tự nhiên, mà còn xâm hại sâu sắc đến giá trị nội tại của các khách thể tự nhiên, gây nên những tổn thương nghiêm trọng cho chúng, như nạn cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên: như đất, nước, rừng, động thực vật, các tài nguyên khoáng sản và nạn ô nhiễm nặng nề môi trường sống.

Trong mối quan hệ đạo đức của con người đối với tự nhiên, chỉ có con người chủ động quan hệ và tác động lên tự nhiên, và cũng chỉ có con người mới biết mình đạt đến lợi ích gì. Và, mặc dù các lợi ích mà con người có được từ mối quan hệ với tự nhiên là trái ngược với những giá trị hay các lợi ích của các khách thể tự nhiên, nhưng tự nhiên lại không thể có được những “phản ứng” tức thời như trong mối quan hệ đạo đức giữa con người với con người trong xã hội. Do vậy mà mâu thuẫn giữa con người với tự nhiên cứ dần dần được tích luỹ, đến một lúc nào đó sẽ vượt quá ngưỡng chịu đựng của các khách thể tự nhiên và khi đó tự nhiên bắt đầu sự “trả thù” của mình. Các cuộc khủng hoảng sinh thái cục bộ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, cũng như nguy cơ của một cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu đang đe doạ sự sống trên toàn bộ hành tinh Trái đất chúng ta là những minh chứng rõ ràng cho sự “trả thù” của tự nhiên đối với con người và xã hội loài người. Điều đó cũng chứng tỏ rằng, hiện nay, việc xây dựng đạo đức sinh thái trở thành một trong những nhu cầu cấp bách và thiết thực trong hoạt động khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.

2. Về chuẩn mực hành vi đạo đức sinh thái

Đạo đức sinh thái cũng như đạo đức nói chung gồm có ba thành tố: ý thức đạo đức sinh thái (quan niệm, tư tưởng, tình cảm…); quan hệ đạo đức sinh thái (quan hệ lợi ích trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên); thực tiễn đạo đức sinh thái (hành vi đạo đức sinh thái).

Hành vi đạo đức là hệ quả của một quan niệm đạo đức và một quan hệ đạo đức nhất định. Nó là biểu hiện cao nhất của đạo đức, là sự thể hiện đầy đủ các thành tố của đạo đức. Hành vi đạo đức được điều chỉnh bởi một hệ chuẩn mực đạo đức nhất định. Hệ các chuẩn mực đạo đức, một mặt, phụ thuộc vào quan niệm đạo đức; mặt khác, bị quy định bởi mối quan hệ đạo đức, trước tiên là quan hệ lợi ích. Chúng ta sẽ vận dụng những điều này vào xem xét đạo đức sinh thái.

Hành vi đạo đức sinh thái là sự biểu hiện cao nhất đạo đức sinh thái, nó được hình thành trên cơ sở một hệ tư tưởng hay quan niệm nhất định của con người về tự nhiên và đồng thời, còn phải tương ứng với một hệ thống chuẩn mực (tiêu chuẩn) đạo đức sinh thái, dựa trên sự điều chỉnh một cách có ý thức của con người trong mối quan hệ lợi ích giữa con người và tự nhiên. Nói một cách khái quát hơn, hành vi đạo đức sinh thái thể hiện sự thống nhất trong thực tế những nhu cầu khách quan của xã hội về việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường với những hoạt động tích cực, tự giác của con người trong lĩnh vực này; phù hợp với những điều kiện lịch sử – cụ thể của mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong từng đất nước, nhằm mục tiêu phát triển bền vững chung của toàn nhân loại.

Chuẩn mực của hành vi đạo đức sinh thái là những nguyên tắc, quy tắc quy định về phương thức ứng xử của con người đối với tự nhiên. Chuẩn mực này thường được coi là một giá trị chi phối rộng rãi và được tuân theo một cách phổ biến. Việc thực hiện các chuẩn mực hành vi đạo đức sinh thái vừa dựa vào sự tự nguyện (sự tự ý thức) của con người; đồng thời, cũng cần phải áp đặt, trừng phạt đối với người có hành vi vi phạm đến các chuẩn mực đó dưới nhiều hình thức, mức độ nặng nhẹ khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi đó để lại cho môi trường và con người. Chẳng hạn, việc khai thác rừng đúng quy cách, đúng thời hạn quy định, đảm bảo cho rừng vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, không xâm hại đến giá trị của rừng mà con người vẫn đạt được lợi ích của mình thì đó là một chuẩn mực của hành vi đạo đức sinh thái đúng đắn. Chuẩn mực hành vi đạo đức sinh thái này được hình thành từ sự nhận thức đúng đắn của con người về vai trò quan trọng đặc biệt không thể thay thế được của rừng đối với sự sống và những lợi ích to lớn mà rừng mang lại cho con người và cho xã hội.

Chuẩn mực hành vi đạo đức sinh thái cũng được thể hiện qua các phạm trù tốt – xấu, thiện – ác, lương tâm – vô lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ, v. v. của con người trong cách ứng xử với tự nhiên. Các chuẩn mực hành vi đạo đức sinh thái mang tính lịch sử – cụ thể, phụ thuộc vào quan niệm, sự hiểu biết của con người về tự nhiên, về mối quan hệ của con người đối với tự nhiên. Chẳng hạn, các chuẩn mực của hành vi đạo đức sinh thái truyền thống Việt Nam chủ yếu dựa trên những tri thức kinh nghiệm, để làm sao con người có thể sống nương nhờ, thuận theo thiên nhiên và ứng phó kịp thời với những biến đổi thất thường của thiên nhiên, phù hợp với phương thức canh tác lúa nước còn kém phát triển. Giờ đây, trong điều kiện phát triển mới, khi xã hội đang đồng thời tiến hành các quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, thị trường hoá nền kinh tế, toàn cầu hoá và hội nhập, trước hết là hội nhập về kinh tế… thì những chuẩn mực đạo đức sinh thái truyền thống cần phải có những sự chuyển đổi sâu sắc, cần xây dựng một hệ chuẩn mực đạo đức sinh thái mới nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử của con người trong mối quan hệ qua lại và tác động lẫn nhau giữa con người với tự nhiên.

3. Những cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng các chuẩn mực đạo đức sinh thái mới

Trong những lý do đã dẫn đến hiện trạng tiêu cực của môi trường sinh thái nhân văn nước ta: hiện nay có một phần đáng kể là do việc không quan tâm đúng mức đến đạo đức sinh thái. Sự quản lý của Nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường chủ yếu chỉ mới dừng lại ở góc độ pháp luật và kinh tế, còn góc độ văn hoá, đặc biệt là đạo đức và lối sống văn hoá, sinh thái hầu như còn bỏ ngỏ.

Những chuẩn mực đạo đức sinh thái truyền thống không còn phù hợp, hoặc nói đúng hơn là đã bị che mờ và bị vượt qua bởi sự tấn công của cơ chế lợi ích trong kinh tế thị trường và bởi sự du nhập, phát triển của khoa học và công nghệ. Trong khi đó, đạo đức sinh thái mới, cụ thể là những chuẩn mực đạo đức sinh thái mới chưa được hình thành.

Về mặt lý luận, để xây dựng các chuẩn mực đạo đức sinh thái mới, con người cần phải dựa vào những nguyên lý cơ bản của mối quan hệ giữa con người và tự nhiên sau đây:

Thứ nhất, nguyên lý về tính thống nhất vật chất của thế giới. Cần phải nhận chân rằng, con người và xã hội loài người là sản phẩm, là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của giới tự nhiên; là một dạng vật chất đặc thù trong thế giới vật chất thống nhất; là một yếu tố, một mắt khâu quan trọng của hệ thống “Tự nhiên – con người – xã hội”.

Thứ hai, sự thống nhất vật chất của thế giới được bảo đảm bởi cơ chế hoạt động của chu trình sinh học hay chu trình trao đổi vật chất, năng lượng, thông tin giữa xã hội và sinh quyển theo nguyên tắc tự tổ chức, tự điều khiển, tự cân bằng, tự làm sạch, tự bảo vệ theo một trật tự, liên hoàn chặt chẽ. Bởi vậy, việc khai thác các giá trị sử dụng của các khách thể tự nhiên để thoả mãn những  nhu cầu về sản xuất và đời sống của con người cần phải tuân thủ nghiêm túc theo cơ chế hoạt động thống nhất của chu trình sinh học. Với tư cách là phương thức trao đổi chất giữa xã hội và tự nhiên, nền sản xuất xã hội phải thật sự trở thành một mắt khâu liên hoàn của chu trình sinh học.

Thứ ba, con người là chủ thể tích cực điều khiển một cách có ý thức mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Mọi khách thể tự nhiên từ vô cơ đến hữu cơ đều có giá trị nội tại là sự sống, phục vụ cho sự sống và giá trị sử dụng, phụ thuộc vào nhu cầu và lợi ích của con người. Trong quá trình khai thác, biến đổi các giá trị sử dụng của các khách thể tự nhiên thành những phương tiện để thoả mãn nhu cầu sản xuất của sản xuất và đời sống, con người cần phải tính đến sự hài hoà giữa việc phục vụ lợi ích của mình với việc bảo vệ những giá trị của tự nhiên. Điều đó có nghĩa là sự tác động của con người lên tự nhiên không chỉ nhằm đem lại lợi ích riêng cho con người và xã hội, mà còn phải biết bù đắp lại cho tự nhiên, nắm bắt được cái “ngưỡng chịu đựng” của từng loại tài nguyên, để đảm bảo khả năng tái tạo và tự hồi phục của chúng, tức là đem lại lợi ích cho tự nhiên.

Thứ tư, trong điều kiện phát triển mới của xã hội ta hiện nay với các quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt là với cơ chế kinh tế thị trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị đe doạ nghiêm trọng. Đây thực chất là vấn đề của sản xuất, của sự phát triển kinh tế, vì tài nguyên thiên nhiên là nguồn vốn vô cùng cần thiết và quý giá của sản xuất. Vấn đề quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường lâu nay thường chỉ sử dụng các công cụ pháp luật và kinh tế. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải bất kỳ hành vi vi phạm nào của con người đối với tự nhiên cũng đạt đến mức độ phải xử lý bằng pháp luật và xử phạt về kinh tế. Do vậy, trong lĩnh vực môi trường ngày nay rất cần đến đạo đức sinh thái mới được xây dựng trên cơ sở hiểu biết một cách khoa học về thiên nhiên, về nghĩa vụ và trách nhiệm của con người trong việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Thứ năm, các nguyên tắc của phát triển bền vững ngày nay là cơ sở chung nhất cho việc xây dựng các chuẩn mực của đạo đức sinh thái mới (có 7 nguyên tắc chính).

Để xây dựng đạo đức sinh thái mới, cụ thể là những chuẩn mực hành vi đạo đức sinh thái mới, trước tiên cần phải thay đổi tư duy của con người, thay đổi các quan niệm về tự nhiên, về vị trí của con người và về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, về nghĩa vụ và trách nhiệm của con người trong việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững của xã hội hiện đại.

4. Những chuẩn mực đạo đức sinh thái mới

Một là, đối với tự nhiên – phải đảm bảo khả năng tái tạo và tự hồi phục của các khách thể tự nhiên có khả năng tái tạo và hồi phục được, như đất, động, thực vật…; đối với những tài nguyên không tái tạo được, như các loại nhiên liệu, khoáng sản phải khai thác, sử dụng hợp lý, kịp thời, không “để dành” nhưng cũng không lãng phí và cố gắng tận dụng triệt để các tính năng của chúng. Mục tiêu cuối cùng của xã hội về mặt sinh thái – môi trường là phải đưa nền sản xuất xã hội – phương thức trao đổi vật chất, năng lượng, thông tin giữa xã hội và tự nhiên, – gia nhập thật sự và trở thành một mắt khâu liên hoàn trong chu trình sinh học của sinh quyển; bảo đảm sự cùng tồn tại hài hoà giữa xã hội và tự nhiên, giữa lợi ích của con người với lợi ích của các khách thể tự nhiên. Chuẩn mực này đòi hỏi ở con người một sự hiểu biết rất sâu sắc, toàn diện về tự nhiên, đặc biệt là các quy luật về sự tồn tại và vận động của tự nhiên; nắm vững những nguyên lý cơ bản của mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên.

Hai là, về mặt xã hội, các chuẩn mực hành vi đạo đức sinh thái được biểu hiện cụ thể ở chất lượng sinh thái của các sản phẩm sản xuất và tiêu dùng trên thị trường. Hiện nay, bộ tiêu chuẩn quốc tế ISO 14000 đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng trong lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường, nhằm đánh giá chất lượng sinh thái của các sản phẩm. Các sản phẩm do con người sản xuất, chế biến nếu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sẽ được dán các nhãn mác sinh thái công nhận sự an toàn đối với người sử dụng và môi trường. Trong những năm gần đây, nước ta đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này, nhất là đối với những sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề đánh giá chất lượng sinh thái của các sản phẩm sản xuất và tiêu dùng ở nước ta hiện nay vẫn còn rất phức tạp, khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực vệ sinh, an toàn lương thực, thực phẩm.

Do vậy, việc lấy bộ tiêu chuẩn ISO 14000 để đánh giá chất lượng sinh thái của các sản phẩm cũng như làm căn cứ xây dựng các chuẩn mực của đạo đức sinh thái nhằm điều chỉnh hành vi của con người trong sản xuất và tiêu dùng là rất cần thiết. Vì rằng, một khi các sản phẩm được đưa ra thị trường tiêu thụ thì chất lượng của chúng không chỉ biểu thị giá trị sinh thái, mà còn nói lên phẩm chất đạo đức của người sản xuất, nghĩa là còn mang giá trị đạo đức xã hội rất rõ ràng.

Ba là, chuẩn mực của đạo đức sinh thái cũng cần phải căn cứ theo dư luận xã hội, nghĩa là dựa vào sự chấp nhận hay tẩy chay của người tiêu dùng đối với các sản phẩm đã được đưa ra thị trường. Để chuẩn mực này được vận dụng một cách chính xác vào việc điều chỉnh hành vi đạo đức sinh thái của con người, cần phải là nâng cao trình độ nhận thức và ý thức của người sản xuất trong việc đảm bảo chất lượng sinh thái của các sản phẩm; đồng thời, phải nâng cao sự hiểu biết của người tiêu dùng để họ có thể lựa chọn những sản phẩm hợp vệ sinh, an toàn, mà không bị “đánh lừa” bởi hình thức “đẹp mã” bề ngoài.

Bốn là, chuẩn mực đạo đức sinh thái phải căn cứ vào những biểu hiện của chất lượng môi trường. Chuẩn mực chất lượng môi trường được thể hiện qua các tiêu chí cơ bản như sau: 1) Tính đa dạng sinh học cao, chứng tỏ chất lượng môi trường tốt; 2) Sự bảo đảm các trị số tiêu chuẩn cho phép đối với những yếu tố, những hợp chất cơ bản có trong môi trường, như các khí SO2, CO, NO, CO2..; trị số nhu cầu ôxy sinh hoá (BOD); trị số nhu cầu ôxy hoá học (COD), v.v. cần phải nằm trong ngưỡng cho phép đối với sự sống của tự nhiên và con người; 3) Tình trạng sức khoẻ của dân cư sống trong môi trường: tính cả số lượng bệnh tật, lẫn số người bị bệnh. Chất lượng của môi trường càng xấu thì bệnh tật càng nhiều, số người ốm đau sẽ tăng lên. Bởi vậy, lấy chất lượng của môi trường làm chuẩn mực để điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với tự nhiên là hợp lý và khoa học.

Có thể còn nhiều cơ sở khác để xây dựng hệ chuẩn mực hành vi đạo đức sinh thái. Ở đây, chúng tôi chỉ mới nêu lên những chuẩn mực cơ bản làm nền tảng để điều chỉnh hành vi của con người trong quá trình tiếp tục khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường phù hợp với chiến lược phát triển bền vững.

———————————–

Chú thích:

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.42. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.170.

Theo TẠP CHÍ TRIẾT HỌC

Tags: , ,