Cuộc đời vĩ đại và hồi kết bi kịch của ông hoàng nhạc rap Tupac Shakur

Không chỉ là một rapper, Tupac còn có biệt danh “nhà thơ đường phố” khi gửi gắm các thông điệp tới người trẻ thay đổi lối sống tích cực và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn. Thế nhưng, sự nghiệp của anh đã sớm kết thúc bằng 5 phát súng nghiệt ngã…

Cuộc đời vĩ đại và hồi kết bi kịch của ông hoàng nhạc rap Tupac Shakur

Ngày nay, thật không khó để có thể thấy sự ảnh hưởng to lớn của Hip-hop tới nền văn hóa đại chúng: Thời trang, âm nhạc, lối sống… Có thể nói, Rap/Hip-hop giống như một bộ môn để giới trẻ có thể thể hiện được nhiệt huyết của mình.

Bắt nguồn từ những bữa tiệc Disco với tổ đội MC và DJ tràn đầy năng lượng, dần dà Hip-hop đã tìm thấy cho mình màu sắc riêng khi dung hòa được yếu tố nhịp điệu trong âm nhạc và sự phá cách trong tư duy.

Thời điểm đó, đa phần mọi người cho rằng Hip-hop chỉ nên thuộc về những người da màu và vẫn còn đâu đó những định kiến liên quan tới sắc tộc. Thế nhưng, điều không ai ngờ là chỉ vài thập kỉ tiếp theo, thứ âm nhạc tới từ khu ổ chuột này sẽ thống trị các BXH âm nhạc và khiến cả thế giới phải điên cuồng vì nó …

Vào ngày 16/06/1971, cậu bé Lesane Parish Crooks ra đời. Nhưng đến năm cậu 1 tuổi, bà Afeni Shakur (mẹ của Crooks đã) đặt lại tên của cậu theo một vị lãnh tụ cách mạng ở thế kỉ 18 với mong muốn rằng sau này cậu sẽ là người có sức mạnh thay đổi cả thế giới. Từ đó, Lesane Parish Crooks sở hữu một cái tên mới, đó là Tupac Shakur.

Tupac Shakur sinh ra trong một gia đình mang hàng trăm cáo buộc về “âm mưu chống lại chính phủ Mỹ” vì cha và mẹ anh đều là thành viên của đảng Black Panther, một tổ chức chính trị không được lòng chính phủ thời bấy giờ.

Tuổi thơ của Tupac không mấy dễ dàng khi phải sống trong cảnh nghèo đói, cha mẹ bị bắt đi tù. Năm 1984, gia đình anh quyết định rời bỏ New York để chuyển tới sinh sống tại thành phố Baltimore. Tại đây, Tupac bắt đầu học diễn xuất, thơ, nhạc jazz và múa ballet tại trường Nghệ thuật Baltimore. Tài năng của Shakur được phát hiện sau khi anh giành được nhiều giải thưởng rap và beatbox, đồng thời trở nên nổi tiếng trong trường nhờ khiếu hài hước và khả năng hòa nhập.

Khởi nghiệp trong vai trò một vũ công dự bị và làm MC cho nhóm Digital Underground, một ban nhạc không mấy tên tuổi lúc bấy giờ. Tháng 10/1991, Tupac phát hành album solo đầu tay 2Pacalypse Now thông qua hãng đĩa Interscope. Ngay lập tức, anh đã được truyền thông chú ý khi bán được 500.000 bản – một con số không phải lớn nhưng đủ để các nghệ sĩ Hip-hop khác phải ngưỡng mộ. Đặc biệt, bài hát Brenda’s Got A Baby đã khắc họa về cuộc sống khổ sở của một cô gái da đen trong khu ổ chuột đã lập tức khiến Tupac được giới mộ điệu kiêng nể.

Thành công thì đi cùng tai tiếng: Sau khi bị bắn 5 phát vào năm 1994, Shakur tiếp tục bị kết án 4 năm rưỡi tù vì tội tấn công tình dục vào năm 1995. Album thứ ba của anh, Me Against The World, đã trở thành album quán quân đầu tiên được phát hành bởi một nghệ sĩ trong thời gian ở tù và đã bán được hơn 3 triệu bản.

Cuối tháng 11 năm 1994, Tupac đến phòng thu ở Times Square để ghi âm cho bài rap. Tại đây, Tupac đã bị một nhóm xã hội đen đạp ngã, bắn, và cướp hết đồ trang sức. Chính sự việc này đã dẫn tới cuộc hiểu nhầm định mệnh giữa Tupac và Biggie – một rapper có tiếng thời đó, sự việc này cũng góp phần khiến cuộc chiến “bờ Đông – bờ Tây” trở nên căng thẳng.

Tháng 10/1995, Tupac được tài trợ 1,4 triệu đô la để bảo lãnh ra khỏi tù. Ngay khi bước chân ra khỏi nhà giam, Tupac đã đặt bút kí tên vào bản hợp đồng với hãng đĩa Death Rows – một hãng đĩa tai tiếng với nhiều cáo buộc pháp lý nhưng lại chính là những kẻ đã bỏ khoản tiền khổng lồ để đưa Tupac ra khỏi chốn ngục tù.

Suge Knights – người thành lập Death Rows, vốn xuất thân là một vệ sĩ hết thời, nổi tiếng với tính cách bạo lực và máu lạnh đã đưa Tupac về với đế chế của mình dưới tư cách là “gà đẻ trứng vàng”. Tên này đã cố gắng xây dựng Tupac với hình ảnh một rapper ngông nghênh, không sợ trời đất và đặc biệt là mối thâm thù với hãng đĩa Bad Boys.

Những trận đấu khẩu căng thẳng, những lời xúc phạm trên các phương tiện truyền thông đã đẩy cuộc chiến nhạc rap trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Và đỉnh điểm là cái chết của Tupac…

Ngày 7/9/1996, vào lúc 11h15 theo giờ địa phương, sau khi rời khỏi trận đấu của tay đấm Mike Tyson, khi chiếc xe của Shakur đang dừng đèn đỏ tại đường East Flamingo giao Koval Lane, một kẻ thủ ác đã đi ô tô vượt lên, bắn 4 phát đạn từ khẩu Glock vào ngực, cánh tay và đùi của Tupac Shakur.

Anh nhanh chóng được đưa đến bệnh viện của Đại học Southern Nevada gần đó, nhưng vì vết thương quá nặng nên Shakur đã qua đời sau đó vài ngày vì suy hô hấp dẫn đến ngừng tim. Khi đó, Shakur mới 25 tuổi.

Cho tới nay, cái chết của Tupac vẫn còn làm đau đầu rất nhiều người yêu âm nhạc nói chung và giới chức trách nói riêng. Rất nhiều người tin rằng cuộc chiến “bờ Đông – bờ Tây” đã khiến Tupac làm phật lòng các rapper miền Đông và khiến họ phải nặng tay. Nhưng cũng có người lại tin chính Suge Knight, kẻ sẵn sàng cứu vớt Tupac, đã lên kịch bản để ám sát sau khi thấy hãng đĩa Death Rows và Tupac không còn tầm nhìn chung nữa.

Theo PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC

Tags: ,