Cuộc bút chiến nảy lửa đầu thế kỷ 20 về giá trị của Truyện Kiều

Những năm đầu thế kỷ 20, khi nhóm Nam Phong gây nên phong trào tôn sùng truyện Kiều đã dẫn đến cuộc bút chiến với lớp Nho gia chống đối việc sùng bái quá đáng một tác phẩm văn chương đưa nó lên hàng quốc hoa, quốc hồn, quốc túy, thánh thư và vận mệnh của cả một dân tộc.

Cuộc bút chiến đầu thế kỷ 20 về giá trị của Truyện Kiều

Ngôn từ nhóm Nam phong dùng để đề cao truyện Kiều vì sử dụng trên báo chí, trên diễn đàn có mục đích cổ võ nên đôi khi quá “thậm xưng” và “khoa trương” cũng không có gì quá đáng. Nhưng trong hoàn cảnh đất nước đang có phong trào giải phóng dân tộc từ Duy tân, Đông du tới các cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến khiến nhiều bậc quốc sĩ cảm thấy bất bình, phải lên tiếng. Tại sao? Vì kẻ sĩ nghĩ tới vận nước ngả nghiêng nên bất an trước bả văn chương diễm tình, còn nhà nho theo truyền thống của Hàn Dũ trong bài Tiến học giải nối chí thầy Mạnh bài bác Dương Chu và Mặc Địch (cho là tà thuyết).

Đó là trường hợp một số nho gia từng chống đối guồng máy bảo hộ, từng bị án “quốc sự phạm”, lại có báo trong tay, cho rằng nhóm Phạm Quỳnh đã dấy lên một “tà thuyết” có hại cho tiền đồ đất nước nên họ có bổn phận phải mang “chính học” ra để bài trừ. Đại diện cho nhóm này là cụ nghè Ngô Đức Kế, chủ bút tờ Hữu Thanh, một tờ báo nhỏ ở Hà nội.

Ngô Đức Kế sinh năm 1878, hiệu Tập Xuyên, người làng Trảo Nha, huyện Thạch Hà, phủ Hà Thanh, tỉnh Hà Tĩnh, xuất thân từ một gia đình quyền quý.

Năm Tân Sửu (1901), ông dự thi Đình, đỗ tiến sĩ nên được gọi là cụ nghè Ngô. Tuy nhiên, ông không ra làm quan ở nhà dạy học, đọc tân thư, liên hệ với Phan Bội Châu và đứng ra đề xướng lối học mới và bài xích cái học từ chương và cử nghiệp. Đồng thời, ông cùng các đồng chí lập ra Triều Dương thương điếm ở Vinh với mục đích thực hiện việc duy tân.

Năm Mậu Thân (1908), ông bị bắt và bị đày ra Côn Đảo cho đến năm 1921 mới được phóng thích.

Năm sau (1922), ông làm Chủ bút báo Hữu thanh của Hội Công thương tương tế, đồng thời sáng tác thơ vǎn. Trên báo Hữu thanh, ông đã viết một số bài “đả kích thơ văn lãng mạn và quyết liệt bài xích nhóm Nam Phong vì đã đề xướng việc sùng bái Kiều”. Năm 1927, Hữu thanh bị đóng cửa, Ngô Đức Kế mở Giác quần thư xã, để xuất bản một số sách có tư tưởng cách mạng trong số đó có “Phan Tây Hồ di thảo” của Phan Chu Trinh.

Ngô Đức Kế qua đời ở Hà nội ngày 10 tháng 12 năm 1929.

Trong bài “Luận về chánh học cùng tà thuyết” (đăng trên báo Hữu thanh, tháng 9/1924), ông đã kịch liệt chống lại chủ trương đề cao Truyện Kiều của PQ. Vì theo ông, tác phẩm ấy đã làm cho các thanh niên “say đắm trong trời tình biển ái mà mềm nhũn cái lòng sắt đá, bỏ mất cái chí nguyện cao xa”.

Sau đây là một phần của bài Chính học và Tà thuyết của Ngô Đức Kế:

Chính học và Tà thuyết (trích)

Vận nước thịnh hay suy, quan-hệ tại đâu? — Tại nhân tâm thế đạo. Nhân tâm thế đạo xấu hay tốt, cỗi gốc tại đâu? — Tại học-thuyết tà hay chính.

Rộng xét năm châu, trải xem lịch-sử, dọc ngang mấy vạn dặm, trên dưới mấy nghìn năm, từ đông đến tây, từ xưa đến nay, hễ nước nào khi vận nước cường tất là khi ấy trong nước chính-học sáng rệt, nước nào khi vận nước suy đốn, tất là khi ấy trong nước tà-thuyết lưu hành; chính-học sáng rệt thì thế-đạo nhân-tâm phải tốt, mà vận nước cũng theo chính học nổi lên, tà-thuyết lưu hành thì nhân-tâm thế đạo phải hư mà vận nước cũng theo tà thuyết mà đắm mất.

Khi chính-học đang quang minh, thì tà thuyết không có chỗ nào xen vào được; tà-thuyết lưu-hành trong nước như gió lướt cỏ, như nước vỡ đê; không ai ngăn cản, thì thường vào lúc chính-học đã suy đồi, mà nhất là lúc việc đời biến cải, việc nước đổi thay, quốc thị mơ màng, nhân tâm bỡ-ngỡ, nền cũ đã đổ, nhà mới chưa thành bậc hiền nhân quân-tử, thì kín tiếng dấu tăm, nằm co ở nơi thảo dã, mà bọn bỉ-phu tục tử thì khua chuông gõ mõ, nhảy-nhót ở trên vũ đài; lúc ấy chính là lúc tà thuyết thừa cơ mà lấn lướt chính-học.

Truyện “Thanh tâm tài nhân” (tức là truyện Kiều) là một bộ tiểu thuyết tầm thường không có giá trị gì. Xem bộ “Tình sử” của Tàu, biết bao nhiêu chuyện li-kỳ hơn nữa. Và dù sự tích ấy mà có thiệt đi nữa, thì một đôi thiếu niên nam nữ, đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hóa đạo-đức là việc bất chính, mở đầu quyển sách như thế, dù sau có tô vẽ hiếu nghĩa gì đâu nữa, cũng không đủ làm gương tốt cho đời.

Nói về văn chương quốc âm của ông Nguyễn Du, thì vẫn là hay thiệt, song cái lối văn vận, ngâm nga ngợi hát, chỉ là một lối trong đạo văn chương. Văn tuy hay, mà truyện là truyện phong tình, thì có vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi, tám chữ ấy không tránh đàng nào cho khỏi. Cái bản ý ông Nguyễn Du làm truyện “Đoạn-Trường tân-thanh” ấy (tức là truyện Kiều) chỉ là mượn văn chương mà ngụ chút tâm sự mình; cho nên ông đã có câu: “Lời quê góp nhặt nên bài, mua vui cũng được một vài trống canh”. Xem thế thì biết truyện ấy chỉ là một thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời, để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển, chứ không phải một thứ văn chương chính đại theo đường chính học, mà đem ra dạy đời được đâu.

Ngày trước, các cụ tiền bối thường cấm con em xem truyện Kiều: trong xã hội, ai hay đọc Kiều nghêu ngao, thì cho là kẻ đàng điếm. Ý các cụ nghĩ rằng: các gã thiếu niên chí khí chưa định, tình dục đang nồng, xem truyện thì mê, rồi sinh cái tư tưởng trộm ngọc cắp hương, khêu hoa ghẹo nguyệt, say đắm trong trời tình bể ái, mà mềm nhũn cái gan lòng sắt đá, bỏ mất cái chí nguyện cao xa. Cái phép gia đình giáo dục của các cụ như thế, thiệt phải lắm. Vì cái tính trộm ngọc cắp hương, say hoa đắm nguyệt, người sinh ra không dạy cũng biết, vẫn cấm mà không được, huống chi lại thấy trong sách trong truyện, ngâm nga ngợi hát, thành ra một việc rất phong nhã rất hào hoa.

Thế mà ngày nay “đức” văn-sĩ giả dối ta biểu dương truyện Kiều lên, để khai hóa cho quốc dân, đem truyện Kiều làm sách “quốc văn giáo khoa” (sách dạy) làm sách “sư phạm giảng nghĩa” (sách thầy). Văn-sĩ thường nói rằng: “học Hán văn là học mượn, học Pháp văn là học mượn; học Quốc văn mới là học nhà: truyện Kiều tức là sách nhà đó”.

Ôi! Học làm quốc văn thì học thế nào? — Bài này chưa có thể nói kỹ được: song có phải là học nghĩa-lý, danh từ, về các khoa học, luân lý, cách-trí, chính-trị, cùng là phép luân lý, phép ký-sự, để xem các sách về ngôn luận của ta cho hiểu, để đem tư tưởng sở đắc trong Pháp-học mà phát ra làm trước thuật ngôn luận của ta cho thông không? hay là học cái lối thơ phú ca ngâm, nắn một chữ cho hay, dùng những điển cho lạ, rung đùi lắc gối như lối học ngày xưa đã vì thế mà người ngu nước yếu nay lại đổi ra chữ nôm? hay là những cái danh từ tài tử giai nhân, ba sinh duyên nợ, gương thề quạt ước, liễu dựa hoa kề, rày ước mai ao, thầm yêu trộm nhớ, xưa nay không ai dạy mà không mấy ai không thuộc lòng, trong các bức hoa tình không câu nào không Kiều, mà nay còn phải dạy nữa cho thêm hay thêm giỏi, thế là học quốc văn ư? Một anh giả dối lóp lép, đứng đầu sùng bái Kiều, mà một bọn u mê hờ hững gào hơi rán sức để họa theo, còn một lớp người chỉ nghe lóm nhìn mồm thì về tay tán thưởng, khiến người phải bịt tai bưng mũi, phải nhức đầu long óc vì những tiếng to “quốc văn… Kim-Vân-Kiều… Nguyễn Du…”

Cứ như ý họ, thì nước ta ở thế kỷ này, mà muốn chế cái tễ thuốc “thập toàn đại bổ” cho dân cho nước, thì không chi bằng quyển sách “trăm năm trong cõi người ta”. Cứ như lời họ, thì từ lúc Gia-long lại nay, nước Nam ta có cái của rất quí báu, mà người mình ngu dại không biết là quí, nay nhờ đức văn-sĩ có cái đại-nhãn đại-thức mà phát-minh cái của báu ấy cho dân cho nước được nhờ: kể cái công phát kiến không kém gì ông Kha-Luân-Bố tìm được Mỹ-châu vậy!

Vậy cho nên, trong nước ngày nay, nào là bình phẩm văn chương Kiều, nào là phê-bình Kiều, nào là chú-thích Kiều, nào là thơ vịnh Kiều, cho đến hát tuồng Kiều, diễn kịch Kiều, chớp ảnh Kiều, trong nhà ngoài đường, trên trời dưới đất đâu đâu cũng Kiều. Cứ xem hiện trạng ấy, thì nước Việt-Nam ngày nay gọi tên là Kim-Vân-Kiều quốc, nòi giống Việt-Nam ta mà gọi là đại Kim-Vân-Kiều tộc cũng đúng lắm chứ không sai!

Thậm chí sùng bái truyện Kiều mà nói rằng: “truyện Kiều là quốc hoa, là quốc hồn, là quốc túy của Việt-Nam”: — Không biết có còn quốc gì không? — Xưng tụng ông Nguyễn Du mà nói rằng: Nguyễn Du đổ máu làm mực, làm vẻ vang cho giống nòi”. Ông Nguyễn Du dịch Kiều từ đời Gia-long; thế thì từ Gia-long về trước, chưa có truyện Kiều, thì nước ta không quốc-hoa, không quốc-túy, không quốc-hồn; thế thì cái văn-trí vũ-công mấy trào Đinh, Lý, Trần, Lê, sáng chói rực rỡ đó, đều là ở đây đem đến cho bọn “học thuê viết mướn” ấy mà thôi; thế thì những bậc đại hào kiệt, đại huân nghiệp, cứu dân giúp nước, tái tạo giang-sơn, mở mang bờ cõi cho nước ta ngày xưa, không ai làm được vẻ vang cho nòi giống, không ai đáng kỷ niệm cả; mà chỉ ông văn-sĩ làm sách “trăm năm trong cõi” là làm vẻ vang giống nòi, là đáng kỷ niệm mà thôi? Giống nòi ta vẻ vang ra thế nào?!…

Thậm nữa lại nói rằng “truyện Kiều quan hệ văn hóa Việt-Nam, truyện Kiều quan hệ quốc-văn Việt-Nam nếu không có truyện Kiều thì tình trạng dân tộc Việt-Nam chưa biết đến thế nào”: thiệt là con oanh học nói, xằng xiên bậy bạ, dồ dại điên cuồng, tà thuyết vu dân đến thế là cực! Mà có ai cho là tà-thuyết đâu; nay đã nhà treo một bức, cửa yết một tờ, kèn trống rước vào, hương hoa cúng lễ rồi: “truyện Kiều là văn hóa Việt-Nam; truyện Kiều là sách học quốc-văn”, in vào trong óc, thấm vào trong lòng, tỉ như ngoại tà đã nhập đến ngũ tạng, quỉ-tà đã ám mất linh hồn, thì dù lang-y hay giỏi đến đâu, pháp sư cao tay đến đâu, tưởng cũng không cứu được nữa.

Trịnh Khải ở đời Đường, vì tiếng hay thơ, mà làm quan Tể-tướng (cụ lớn); anh ta lấy làm ái ngại mà tự nói rằng: “Trịnh-Khải mà làm Tể-Tướng thì cuộc đời chẳng nói cũng biết rồi”, Ôi! than ôi! Kim vân Kiều mà cai trị nước Việt Nam, thì xã hội Việt Nam không nói cũng biết rồi!…”

Bài Chính học và Tà Thuyết tuy không chỉ đích danh Phạm Quỳnh nhưng ai cũng hiểu rằng cụ Ngô chỉ trích ông Quỳnh. Ông Quỳnh giữ thái độ im lặng không hồi đáp. Nhưng 5 năm sau trên Phụ nữ Tân văn, ông Phan Khôi, một cây bút nhà nho sắc sảo và nổi tiếng là “ngự sử văn đàn”, gợi lại chuyện cũ (trong bài Cảnh cáo các nhà học phiệt) và chất vấn tại sao Phạm Quỳnh không trả lời Ngô Đức Kế hoặc nhận thua lý hoặc vì có thái độ học phiệt coi thường đối phương. Lúc đó Phạm Quỳnh buộc phải lên tiếng. Trên Phụ nữ tân văn số 67 ra ngày 28/8/1930 có đăng bài trả lời cho ông Phan Khôi về câu chuyện “học phiệt”. Ông chủ bút NPH biện minh rằng ông không trả lời Ngô Đức Kế vì bài trên Hữu thanh là “câu chuyện cá nhân, câu chuyện quyền lợi, không quan hệ đến học vấn tư tưởng gì cả…”. Trong phần trả lời, Phạm Quỳnh cho rằng cụ Ngô có thủ đoạn cạnh tranh bất chính (rằng Hữu thanh của cụ Ngô ghen Nam Phong của Phạm Quỳnh) và gán cho đối thủ là “hàng thịt nguýt hàng cá”, “thỏa lòng ác cảm”, “đạo đức hương nguyện”.

Một nhà nho thành danh khác (lúc đó cũng là một nhà báo chủ bút tờ Tiếng dân ở Huế) là Hoàng giáp Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) vào cuộc bênh cụ nghè Ngô trong bài Chiêu tuyết những lời bài báng cho một chí sĩ mới qua đời. Cụ Huỳnh đã viết trên Phụ nữ tân văn phản đối thái độ của Phạm Quỳnh:

“Những lời nói trên mà xuất tự một người văn sĩ xằng nào thì không đủ trách; song tự lỗ miệng và ngòi bút một người tân nhân vật, nghiễm nhiên tự nhận cái gánh gầy dựng một nền văn hóa mới cho nước nhà, lại chủ trương một cái cơ quan ngôn luận trong nước mười mấy năm nay, mà có lời thô bỉ tỏ cái tâm sự hiềm riêng, nói xấu cho một người thiên cổ, thì không thể bỏ qua được.”

Cuộc tranh luận đến đó tạm kết thúc.

Ngày nay xét lại cuộc bút chiến giữa hai nhà báo Phạm Quỳnh (của Nam Phong) và Ngô Đức Kế (của Hữu thanh) người ta cảm thấy cả hai đều có thiện chí. Phạm Quỳnh có thể thực tâm muốn cổ động cho việc học chữ quốc ngữ, muốn tạo sự độc lập về văn hóa cho quốc gia, nên suy tôn truyện Kiều. Còn Ngô Đức Kế cũng như Huỳnh Thúc Kháng vốn có thành kiến Phạm Quỳnh thân Pháp, nên e rằng chủ trương của họ Phạm đã khiến thế hệ trẻ lạc đường vì say đắm văn chương ủy mị quên bổn phận canh tân và nhụt chí tiến thủ. Ý hướng của cả hai đều tốt nhưng vì đường lối khác nhau trong hoàn cảnh nước ta còn trong vòng đô hộ của ngoại bang, kẻ quốc sĩ phải náu mình, kín tiếng, nên khó tránh mâu thuẫn và ngộ nhận.

Ngoài ra, cuộc bút chiến về Truyện Kiều trong thế hệ 1913-1932 nhuốm màu sắc lập trường chính trị chứ không còn là cuộc tranh luận về giá trị văn học của một tác phẩm.

Riêng chủ trương bảo thủ của Ngô Đức Kế nếu thích hợp với hiện tình đất nước những năm đầu thế kỷ 20 khi chúng ta còn băn khoăn giữa ngã ba đường cũ và mới, giữa tồn cổ và Âu hóa thì ngày nay chỉ còn là những tài liệu dùng để tham khảo trong cuộc canh tân văn hóa theo trào lưu dân-chủ-hóa sau hơn một thế kỷ chiến tranh.

Vào thập niên 1960, ở Sài gòn Giáo sư Nguyễn văn Trung lật lại Vụ án truyện Kiều và cho rằng Nam Phong là công cụ văn hóa của thực dân và việc suy tôn truyện Kiều cũng là một sách lược văn hóa của chính quyền bảo hộ. Cuộc tranh luận về chính trị và văn học, Nam phong và Phạm Quỳnh, lại nổi lên khá sôi nổi nhưng sau đó nhạt dần trước tình hình chiến sự mỗi lúc một khốc liệt.

Theo HOÀNG YẾN LƯU / VĂN HỌC NGUỒN CỘI

Tags: ,