Cơ sở hình thành mốt và chu trình của mốt – thời trang

Trải qua nhiều thế kỷ, trong dòng biến đổi của thời trang đã không ngừng xuất hiện các cuộc “cách mạng mốt”.

Cơ sở hình thành mốt và chu trình của mốt – thời trang

Có những mốt kéo dài vài chục năm, có những mốt chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, khi hệ thống hóa các kiểu mặc khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định, chúng ta thấy mốt thống nhất trong một phong cách. Bởi xã hội đều hướng tới một thị hiếu thẩm mỹ chung, một “tâm hồn” của xã hội. Kiểu này hay kiểu kia chỉ là những biểu hiện cụ thể khác nhau của tâm hồn chung đó, điều này phản ánh chân thực đặc tính của dân tộc.

Mốt trong tiếng Pháp là “mode”, tiếng Anh là “model” và tiếng Latinh là “modus”; nghĩa là cách thức, phương pháp, quy tắc, mức độ theo chuẩn mực chung đã được công nhận. Do đó, mốt bao gồm tất cả các mặt của cuộc sống như: tôn giáo, văn hóa nghệ thuật, chính trị,… Trong mỗi lĩnh vực khác nhau thì mốt có những xu hướng riêng phụ thuộc vào đặc thù của từng lĩnh vực đó, xu hướng thẩm mỹ này xuất hiện cả trong vǎn hoá vật thể, ví dụ như trong: cưới hỏi, sinh nhật, lễ nghi,…

Cở sở hình thành mốt

Mốt được hiểu theo nghĩa rộng là xu hướng thẩm mỹ mới nhất trong lĩnh vực hoạt động của con người. Mốt phải phù hợp với thời đại, nó phản ánh sự tiến bộ của xã hội. Nói đến mốt, chúng ta nghĩ ngay đến một xu hướng nào đó xuất hiện và biến đi nhanh chóng. Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về mốt: mốt là sự kỳ khôi, kỳ dị, lạ lẫm; mốt là sự đỏng đảnh, tức thời, dễ thay đổi theo thị hiếu người tiêu dùng; mốt là hiện tượng xảy ra và tồn tại cùng với thời trang, được lưu truyền rộng rãi và được số đông người biết đến trong một khoảng thời gian và không gian nhất định; mốt là xu hướng tự nhiên khi con người mong muốn sự cải tiến, cải thiện hay đổi mới dáng vẻ bề ngoài của mình.

Theo nghĩa hẹp, mốt là sự thay đổi đột biến của các hình thức, kiểu cách trang phục cụ thể. Sự “mới lạ” là đặc tính cơ bản nhất của mốt và hình thành nên mốt. Xu hướng quần, áo nào muốn trở thành mốt thì phải có tính thời sự và cần có sự “mới lạ” đủ để thu hút sự chú ý của mọi người, nói cách khác là phải đặc biệt, khác thường. Nhờ có sự biến đổi mốt, chúng ta cảm nhận được “dòng chảy của thời gian” và đây cũng là khía cạnh đặc biệt tạo nên hiện tượng mốt. Mốt nảy nở và lan truyền khi được nhiều người sử dụng. Đó là khía cạnh tâm lý-xã hội của mốt. Không có kiểu cách nào trở thành mốt khi chỉ do một người tạo ra. Hay nói đúng hơn, mốt chỉ thực sự trở thành mốt khi nó được số đông chấp nhận. Có những mốt tồn tại trong thời gian dài, dần dần trở thành cổ điển. Có những mốt tồn tại không lâu nhưng dữ dội. Các mốt thuộc loại sau xuất hiện nhanh, thu hút sự chú ý của nhiều người, rồi đột ngột biến mất, song thực tế đã kịp hòa nhập với thời trang cổ điển, trở thành một phần tử của tổ hợp trang phục đó.

Mốt còn là trang phục đương thời, tập hợp thói quen và thị hiếu thẩm mỹ phổ biến nhất trong cách ăn mặc. Xu hướng mốt được lan truyền nhanh chóng và rộng rãi là do có sự ganh đua giữa người này và người khác. Con người vốn có đặc điểm tâm lý tự nhiên là so sánh với người khác trong cùng một tổ chức tập thể. Trong quá trình so sánh đó, họ nhận ra sự khác biệt trong trang phục. Nếu sự thay đổi trong trang phục không phù hợp với mình, họ sẽ bỏ qua. Ngược lại, nếu phù hợp, họ sẽ tiếp tục sử dụng nó. Sự sao chép này có thể giống hoặc khác nhau, cứ như thế, mốt sẽ được lan truyền một cách nhanh chóng đến khi mốt mới xuất hiện. Tuy nhiên, việc nhận thức một mốt nào đó có phù hợp với từng cá nhân thì còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức thẩm mỹ của cá nhân đó.

Sự thay đổi của mốt luôn gắn liền với sự thay đổi của chi tiết đặc trưng, đó chính là đặc điểm chủ yếu và quan trọng nhất. Một sản phẩm có thể được tạo thành từ nhiều chi tiết riêng biệt, trong số đó sẽ có những chi tiết nổi lên với vai trò quyết định hình thức sản phẩm. Như vậy sự biến đổi của mốt phụ thuộc vào sự biến đổi các chi tiết điển hình. Trong quá trình tiến hóa chung của xã hội, đòi hỏi các hình thức thể hiện mới, xu hướng mốt không ngừng được biến đổi và hoàn thiện dần theo sự thay đổi của lối sống và thị hiếu.

Các hình thức thay đổi của mốt thường là các đặc điểm trang trí, hoa văn, chất liệu vải, trong khi kiểu bóng về kết cấu không thay đổi. Ví dụ như: Mốt bèo dún, mốt vải hoa chấm bi, mốt thổ cẩm, mốt quân đội,

* Mốt được chia thành các giai đoạn như sau:

– Giai đoạn 1: Khởi đầu

+ Các nhà thiết kế hàng đầu giới thiệu mốt mới.
+ Thường là các mẫu đặc sắc, kỳ dị, có sở hữu bản quyền
+ Mẫu mới rất đắt tiền, chỉ lan truyền trong giới báo chí và giới chuyên môn
+ Mọi người săn lùng mốt, tìm đến mốt mới

– Giai đoạn 2: Tăng trưởng

+ Nhà sản xuất vào cuộc, bắt đầu thay đổi mốt sao cho phù hợp với phong cách và thương hiệu.
+ Tính chất kỳ dị, đặc sắc giảm xuống
+ Chất lượng được quan tâm và đắt tiền
+ Người tiêu dùng biết đến mốt qua các tạp chí
+ Các cá nhân theo đuổi thời trang bắt đầu mặc mốt.

– Giai đoạn 3: Đỉnh điểm

+ Mốt được nhân rộng và sản xuất hàng loạt khắp mọi nơi
+ Chất lượng giảm xuống
+ Người tiêu dùng biết đến mốt thông qua các báo giấy, internet
+ Nhiều người bắt chước mốt
+ Những người săn lùng mốt không quan tâm đến mốt nữa và mong chờ mốt mới

– Giai đoạn 4: Kết thúc

+ Những người thích thời trang chán mốt
+ Các nhà sản xuất không sản xuất thêm, số lượng giảm dần và ngưng hẳn
+ Giá giảm mạnh, việc mua bán quần áo theo mốt chấm dứt
+ Mốt tụt dốc nhanh chóng

– Giai đoạn 5: Sự giao thoa của các mốt

+ Trong cùng thời điểm, có thể có nhiều loại mốt tồn tại. Một số loại ở giai đoạn đỉnh điểm, có loại ở giai đoạn tăng trưởng, có loại ở giai đoạn khởi điểm, có mốt ở giai đoạn kết thúc. Đôi khi, tất cả các loại mốt ở cùng một giai đoạn.

Chu trình của mốt – thời trang

Mốt là sự phát triển đột biến của lịch sử thời trang. Mốt và thời trang là hai hiện tượng, hai cách gọi ở cùng một quá trình nhận thức của con người về cách mặc. Thời trang phản ánh tập quán mặc của cộng đồng người trong một thời kỳ lịch sử dài, còn mốt là hiện tượng đặc biệt mang tính mới lạ và xuất hiện ở thời gian ngắn, được truyền bá trong cơ sở giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Thời trang thường bó hẹp trong phạm vi không gian nhất định, có khuynh hướng gắn với một bộ phận xã hội, một địa phương, một dân tộc hay một vùng của thế giới. Mốt được truyền bá trong phạm vi không gian lớn, thường được lan truyền khắp thế giới. Cả mốt và thời trang đều phản ánh thói quen và thị hiếu thẩm mỹ trong cách mặc được xã hội quan tâm và chấp nhận, nhưng giữa chúng có điểm giống và khác nhau.

Chu trình mốt thể hiện tính gia tăng nhanh dần ở đỉnh điểm tới sự ổn định và suy thoái đột ngột, nhường chỗ cho mốt mới xuất hiện. Chu trình của mốt – thời trang dài hay ngắn còn phụ thuộc vào từng loại, từng xu hướng khác nhau, nhưng khuynh hướng chung ngày càng rút ngắn về thời gian. Một chu kỳ mốt trung bình trên thế giới kéo dài khoảng 7- 9 năm. Nhưng với tốc độ thay đổi nhanh như hiện nay có những chu kỳ của mốt – thời trang chỉ tồn tại trong vòng một tháng, vài tháng, hoặc trong 1 mùa. Trong khi phong cách thời trang cổ điển vẫn kéo dài trên 20 năm hoặc nhiều hơn nữa. Đóấy chính là sự mâu thuẫn của mốt và thời trang. Tuy nhiên “mâu thuẫn” giữa mốt và thời trang luôn là động lực thúc đẩy sự phát triển sáng tạo nghệ thuật. Sự mâu thuẫn này nảy sinh giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân và tập thể. Trong thời trang, mốt được hình thành do nhàm chán với sự vật hiện tượng xảy ra giống nhau một cách thường xuyên và đều đặn. Sự nhàm chán sẽ thúc đẩy con người đi tìm cái mới và tạo ra sự khác biệt, trong thời trang người ta gọi đó là mốt.một vài cá nhân sáng tạo ra khác biệt, tạo khác biệt trong thời trang chính là tạo ra mốt. Sáng tạo lúc này sẽ mang tính đột biến, không nhiều người dùng, lúc này mốt tồn tại tùy theo tính đặc trưng của từng kiểu cách. Nếu mốt được tầng lớp văn hóa xã hội đánh giá cao, sẽ tồn tại lâu dài và rộng rãi. Còn ngược lại, Nếu mốt không được xã hội chấp nhận sẽ bị dập tắt khi vừa mớinhen nhóm. Chính vì vậy, mốt là hiện tượng xã hội vô cùng phức tạp, tính xã hội được thể hiện rất rõ trong vòng tròn biểu diễn của chu trình mốt. Ở đây bài báo chỉ nghiên cứu một nửa vòng tròn (mảng Haute Couture – hình 4), bắt đầu bằng sự tẻ nhạt và mờ ảo trong phong cách đến trang phục được mặc bởi những người theo dấu chân của mốt.

Sự tẻ nhạt trong phong cách thời trang bắt nguồn khi xu hướng mốt bắt đầu giảm xuống bởi người tiêu dùng cảm thấy nhàm chán, đơn điệu, không còn lạ và thú vị như trước nữa, đã đi đến sự lạm dụng. Khi đó, mọi thứ trở nên chán ngắt, mọi người sẽ đổ xô đi tìm những cái mới mẻ hơn. Tâm lý chung của con mọi người sẽ hướng đến việc săn lùng những mốt mới, lạ. Mà các nhà tạo mẫu là những người đưa ra định hướng, hướng dẫn thị hiếu, thẩm mỹ cho công chúng. Cho nên để áp dụng nhu cầu đó, bắt buộc nhà thiết kế thời trang phải tạo ra những mẫu mới. Công việc tìm kiếm, sáng tạo những mốt mới của nhà thiết kế phải tiến hành trước khi người tiêu dùng cảm thấy nhàm chán. Họ phải tìm cảm hứng, ý tưởng sáng tạo cho mùa mới, dựa trên những định hướng thời trang trong năm, nhằm kích thích sự ham muốn của người tiêu dùng. Khi quá trình sáng tạo hoàn tất, người tiên phong về thời trang nhập cuộc để tìm ra khuynh hướng mới và chu trình mốt – thời trang lại phát triển từ đầu.

Ngày nay, những người tiên phong về thời trang có thể là những nhà thiết kế, ngôi sao điện ảnh, ngôi sao nhạc Rock, nhà lãnh đạo chính trị và văn hóa, giới thời trang, … Họ là những ngườic. Có ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách ăn mặc của công chúng. Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mặc những bộ trang phục độc nhất vô nhị, lạ mắt. Đó cũng là lần đầu tiên mốt mới xuất hiện trên thị trường. Tiếp theo, mốt này sẽ được “lăng- xê” khi những người mặc nó xuất hiện trước các phương tiện thông tin đại chúng. Qua các phương tiện này, thì mẫu sẽ được mặc bởi những người tìm kiếm mốt. Sau thời gian nổi tiếng, phạm vi mẫu sẽ nhân rộng hơn trên tạp chí thời trang và đến với những người theo dấu chân thời trang. Họ thấy những mẫu trang phục mới xuất hiện trên các  bảng quảng cáo, những ô cửa kính các cửa hàng, trong tạp chí hay thấy bạn bè họ mặctrang phục đó. Dần dần khi quen mắt, với họ những mốt đó đã trở thành quen thuộc cả về màu sắc, hình dáng lẫn chi tiết thiết kế. Họ sẽ bắt đầu tưởng tượng rằng chính họ cũng sẽ mặc những bộ đồ đó, nên sẽ mua chúng, từ đó mốt mới xuất hiện, cho đến khi thích nghi được. Có thể phong cách đó sẽ bị thay đổi ít nhiều hoặc bổ sung thêm vài nét chấm phá mới làm cho sản phẩm đa dạng, tinh tế hơn. Sự phát triển này được xem như là thuyết giảm dần, bởi khi xu hướng nào lên đến đỉnh cao cũng sẽ bắt đầu giảm dần do tác động của xã hội. Đôi khi chúng ta tự đặt câu hỏi: “Tại sao những phong cách được xem là hấp dẫn quyến rũ từng đạt đến đỉnh cao của sự thông dụng thế mà bây giờ trông có vẻ lạ lẫm và không còn hấp dẫn”. Bởi vì nó không còn hợp thời nữa, khi một xu hướng nào đó còn mới, được coi là đáng sợ, thậm chí kỳ quặc do chúng ta chưa từng sử dụng chúng. Nhưng khi chúng ta chấp nhận và sử dụng quen thuộc thì lại nghĩ nó hợp thời trang, đó chính là bản chất và chu trình của mốt –  thời trang.

 Mốt –  thời trang theo góc độ của xã hội

Tính xã hội của mốt – thời trang, thể hiện ở chỗ mọi người đều có xu hướng tiến tới một hình thức chung. Song cái chung ở đây là một khái niệm tương đối, nói về cái chung của mốt –  thời trang, không có nghĩa là mất đi cái riêng trong trang phục của từng người. Đôi khi mâu thuẫn giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân và xã hội luôn là động lực cho sự phát triển của mốt – thời trang. Ở mức độ nào đó, cách mặc thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người trong cộng đồng xã hội, con người không thể thoát ly thị hiếu của thời đại mình. Vì lẽ đó, có thể nói mốt – thời trang là phương tiện văn hóa liên kết mọi người trong xã hội với nhau. Mặt khác, mốt – thời trang lại là nghệ thuật gắn liền giữa với cái đẹp. Cái đẹp thời trang không phải ở trong ý niệm trừu tượng mà ở cách thể hiện cụ thể.

Trong một xã hội hiện đại khi nhu cầu ăn, mặc, ở và trình độ nhận thức thẩm mỹ ngày càng cao, thì nghề thiết kế thời trang (fashion designer) đang được xem như một trong những nghề thời thượng được nhiều người chọn lựa. Lý do cũng chính bởi sức hấp dẫn và khả năng sáng tạo tối đa trong thiết kế thời trang. Thiết kế thời trang được xem như là một môn nghệ thuật ứng dụng đòi hỏi nhà thiết kế phải có tài năng và óc sáng tạo không ngừng. Sự sáng tạo không chỉ đơn thuần là về kiểu dáng trang phục mà còn bao gồm các phụ kiện thời trang sao cho phù hợp với nền văn minh xã hội và thời đại. Tuy nhiên, khái niệm về thiết kế thời trang được hiểu khá rộng. Người thiết kế có thể là người trực tiếp đứng ra thiết kế hoặc cũng có thể là người quản lý một đội ngũ thiết kế ở một công ty thời trang, hay tự gây dựng một thương hiệu riêng. Trong các loại mốt, thì mốt – thời trang được nhiều người quan tâm nhất. Để tìm hiểu xu hướng mốt – thời trang trong giai đoạn hiện nay, trước tiên phải xem xét về những yếu tố ảnh hưởng của xã hội.

– Sự phát triển toàn diện và sâu sắc của nhân loại cùng với cách mạng xã hội và cách mạng khoa học kỹ thuật ở phạm vi toàn thế giới làm nảy sinh và thay đổi nhiều vấn đề mới với tốc độ chưa từng có. Mốt của thế kỷ 21, tất nhiên cũng trong guồng quay đó là sự thay đổi về quan niệm và tư tưởng ảnh hưởng lớn nhất đến mốt. Ví dụ ở Châu Á, những thế kỷ trước khi tư tưởng tự do bình đẳng còn chưa lan truyền, thì trang phục ở khu vực này đơn thuần là trang phục truyền thống. Nhưng nay thì khoảng cách với thế giới không còn là quá lớn. Trong quá trình giao tiếp, sự lan truyền của mốt đã làm thay đổi cách nhìn nhận về cái đẹp của một bộ phận lớn người trong xã hội. Mục đích phổ biến quan niệm mới về cái đẹp thời đại của các nhà tạo mốt được thực hiện nhanh chóng với sự hỗ trợ của hệ thống thông tin toàn cầu. Về phía những người tiếp nhận mốt đã có một trình độ thẩm mỹ cao và nhạy bén với mốt. Mốt đã mang được những dấu ấn riêng của mỗi cá nhân. Khi nhiều cá nhân có chung một xu hướng thị hiếu thì mốt đã mang tính xã hội.

– Mốt không chỉ phản ánh những mặt tốt đẹp của xã hội mà đôi lúc cả những mặt trái của nó. Trong một thế giới bất ổn định về an ninh, chính trị, nạn khủng bố, nghèo đói, bệnh tật và các thảm họa môi trường đang gia tăng. Mốt không tránh khỏi xu hướng tiêu cực. Những xu hướng mốt quá khích như hippy, phát xít,… xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của mốt ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển, thì ảnh hưởng của mốt đối với những nước nghèo, chậm phát triển là rất ít ỏi. Phần lớn ở các nước này thời trang không có gì thay đổi so với trước đây. Điều này có nguyên nhân trực tiếp là sự khó khăn về kinh tế và sự bảo thủ trong tư tưởng. Ngoài ra, một số nước Hồi giáo ở Trung Đông hoặc các quốc gia Châu Phi, việc ăn mặc phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt khó có thể thay đổi.

Một đặc tính của mốt trong xã hội là sự luân chuyển theo chu kỳ. Đặc tính này ảnh hưởng lớn đến xu hướng của mốt. Mỗi lần xuất hiện theo một chu kỳ dài, mốt dường như không thay đổi nhiều, nhưng thực chất chỉ tiếp thu truyền thống của mốt cũ và có những biến đổi theo chiều hướng đi lên. Nói cách khác mốt đã được biến đổinâng cao cho phù hợp với thời đại. Chính điều này đã làm tạo ra cho mốt luôn có sự độc đáo mới lạ, không bao giờ nhàm chán. Theo tính toán của một số chuyên gia mốt thời trang, thì gần đây chu kỳ luân chuyển của mốt là khoảng 20 – 25 năm. Ước tính này tỏ ra khá chính xác của xu hướng Flash-Black ở những năm 70 của thế kỷ trước với hình dáng chung là hình chữ nhật, trang phục chủ yếu bó sát với chi tiết đơn giản, loại quần ống đứng đã quay trở lại và trở thành xu hướng chính trong 2 năm 1996, 1997. Xu hướng chung này phát triển theo hướng vô cùng đa dạng và mới mẻ. Tuy nhiên, trang phục nam giới không thay đổi về kiểu dáng, nhất là các trang phục có tính chất nghi lễ. Đáng chú ý là sự phong phú về chất liệu, màu sắc và sự kết hợp linh hoạt các loại trang phục tạo dáng vẻ hiện đại và phóng khoáng của thời trang nam giới.

Về trang phục công sở, môi trường làm việc hiện đại ngày nay đòi hỏi mỗi thành viên phải hoạt động một cách nhanh chóng chính xác, vì vậy trang phục nhìn chung đã trở nên gọn gàng, đơn giản, tiện dụng. Độ dài trang phục nữ giảm mạnh, phổ biến là váy dài ngang gối. Sự phát triển của ngành công nghiệp dệt đã cho ra đời những chất liệu vải mới, màu sắc phong phú và ưu việt hơn hẳn những sản phẩm trước đây. Điều này giúp cho các nhà mốt tạo ra những trang phục phù hợp với xu hướng “hiện đại hóa”.



 Xu hướng mốt thời trang ở góc độ nghệ thuật

Nhiều ý kiến cho rằng mốt và nghệ thuật là hai mặt đối lập. Nghệ thuật là nơi sáng tạo của mỗi cá nhân, nơi “cái tôi” thể hiện rõ nhất. Còn mốt là hình thức đặc biệt của hành vi ý thức đám đông. Mốt thể hiện những đặc điểm chung nhất của cá nhân trong cộng đồng. Tuy nhiên, mốt và nghệ thuật có một điểm chung rất quan trọng đều là hướng tới cái đẹp. Mốt là hiện tượng tích cực vừa mang tính thẩm mỹ vừa không tách rời khỏi cuộc sống. Tạo mốt thời trang là một môn nghệ thuật thực sự được xem xét dưới góc độ nghệ thuật và nghệ thuật tạo mốt thời trang đã có những thành công lớn trong những năm qua, xứng đáng là môn nghệ thuật làm đẹp cho cơ thể con người. Với phương tiện biểu đạt là hình thể, vật liệu, màu sắc, đường nét,… các nhà tạo mốt luôn tìm tòi cái mới, cái đẹp. Trong thời trang chúng ta luôn phân biệt hai phạm trù trang phục biểu diễn và trang phục thường ngày. Sự phân biệt này dựa theo hai chức năng: chức năng sử dụng và chức năng thẩm mỹ. Hai chức năng này thực chất là không thể tách rời, sự thống nhất giữa chức năng thẩm mỹ (hình thức) và chức năng sử dụng (nội dung) là mục đích của sản phẩm thời trang. Tuy nhiên với trang phục thường ngày chức năng sử dụng được đề cao hơn. Còn với trang phục biểu diễn thì chức năng thẩm mỹ lại được coi trọng. Riêng trang phục biểu diễn hay còn gọi là “thời trang cao cấp” thể hiện ý tưởng độc đáo, những quan niệm có tính khái quát của các nhà tạo mốt. Trang phục biểu diễn không được sử dụng trong đời thường nhưng không phải hoàn toàn không có giá trị sử dụng.

Tóm lại sự phát triển của mối quan hệ quốc tế, thương nghiệp và du lịch, trao đổi văn hóa, thông tin đại chúng,… có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành mốt và sự phát triển của mốt – thời trang. Sự thay đổi mốt ở tất cả các nước trên thế giới đều theo hướng chung này. Mốt – thời trang ngày càng đa dạng phong phú về thể loại và được phổ cập một cách rộng rãi theo chu trình chung của xã hội.

Theo KHOA NGHỆ THUẬT / ĐH SƯ PHẠM HÀ NỘI

Tags: