Chuyện vua Lê Thánh Tông dưỡng liêm và tinh giản đội ngũ quan lại

Phòng chống tham nhũng có nhiều biện pháp khác nhau nhưng trước hết là phòng để giảm thiểu tính tham lam và cơ hội tham nhũng của quan lại.

Chuyện vua Lê Thánh Tông dưỡng liêm và tinh giản đội ngũ quan lại

Tinh giảm đội ngũ và dưỡng liêm là các biện pháp mà các triều đại phong kiến Việt Nam đã sử dụng, đặc biệt là vua Lê Thánh Tông.

“Khảo khóa” sát hạch để tinh giản đội ngũ

Bộ máy nhà nước cồng kềnh, quan lại quá đông dẫn đến nạn quấy nhiễu dân chúng, hối lộ, tham nhũng là tình trạng của nhiều triều. Triều Lê (sơ), tình trạng này vẫn tiếp diễn. Sau khi lên ngôi (1460), cùng với việc tuyển chọn nhân tài, Lê Thánh Tông không những duy trì nền nếp chế độ khảo khóa, khảo công đã có từ các triều đại trước mà còn xây dựng thành quy chế hoàn chỉnh và áp dụng đối với toàn bộ đội ngũ quan lại các cấp, kể cả con cháu các công thần. Tháng 12 năm Mậu Thân (1488), Lê Thánh Tông ban hành lệ khảo khóa, quy định rõ cứ “ba năm tiến hành một lần sơ khảo, sáu năm thì tái khảo và chín năm thì thông khảo mới thi hành thăng chức người có công và truất chức kẻ có tội”.

Khảo khóa là xét duyệt những công trạng, thành tích và tinh thần trách nhiệm của quan lại, phân loại chất lượng quan chức, từ đó mà quyết định các hình thức, mức độ thưởng phạt, thăng giáng, chuyển đổi hoặc bãi nhiệm. Việc khảo khóa do các trưởng quan phụ trách ty, viện thực hiện nhằm nhận xét, đánh giá với các quan lại dưới quyền theo 3 nội dung: Một là, có được Nhân dân yêu mến hay không; hai là, có lòng thương yêu Nhân dân hay không; ba là, trong hạt, Nhân dân có trốn đi nơi khác không. Điều đặc biệt là Lê Thánh Tông đã lấy việc bằng lòng dân hay không để đánh giá năng lực, phẩm chất và hiệu quả công việc của người làm quan.

Năm 1478, Lê Thánh Tông sắc chỉ cho ba ty Đô, Thừa, Hiến các xứ: “Xét quan lại trong bộ thuộc của mình, người nào liêm khiết hay tham ô, chuyên cần hay lười biếng, cùng các quan nho học dạy dỗ nhân tài, hàng năm có người được sung cống sĩ hay không, nhiều hay ít đều ghi tên tâu lên để định việc thăng hay giáng”. Đến năm 1485, khẳng định lại “Thừa ty, Hiến sát là những phương diện quan, trách nhiệm đã tôn, quyền uy cũng trọng, trong khi tuyên bổ phải dùng người tốt… Nếu dám lấy tình riêng, tuyên bổ bậy những kẻ phẩm trật thấp, tại chức ít ngày để đến nỗi dư luận không hay, việc dân sinh tệ thì Lại khoa xét hỏi trị tội”.

Người đương thời là Nguyễn Trực đã đánh giá tác dụng của việc khảo khóa như sau: “Nay các quan trong triều đình, kẻ sĩ chốn hoang dã, đã thực có thể lựa chọn kỹ, sử dụng chuyên, tin cậy chắc. Lại ban phép khảo xét công trạng, trải đủ kỳ khảo xét kỹ rồi mới quyết định thăng hay giáng, khen hay chê. Người nào tốt kẻ nào xấu, người nào liêm khiết, tài giỏi, siêng năng, mẫn cán, kẻ nào ngu dốt tham lam, lơ là, lười biếng, giữ ghế ăn hại, không đức bất tài, gian ngoan chứa ác, đều bộc lộ rõ ràng. Như vậy thì hàm quan đông đảo đều giữ phong cách người quân tử, có đáng lo gì bọn tiểu nhân!”.

Không chỉ khảo khóa, Lê Thánh Tông còn duy trì việc luân chuyển quan lại vốn đã có từ nhà Lý, nhà Trần với mức độ và quy mô lớn hơn bằng một chính sách rõ ràng và có thể điều chỉnh tùy vào tình hình thực tiễn. Năm 1467, Lê Thánh Tông quy định: “Người nhận chức ở tại nơi biên giới xa phải đủ 9 năm mới được đổi về các huyện dưới kinh”. Đến đầu năm sau (1468), được sửa lại, theo đó, những quan viên nhậm chức biên cương xa xôi, nếu hoàn thành nhiệm vụ thì “đủ hạn 6 năm thì cho chuyển về nơi đất lành” còn nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì “lại phải bổ đi miền biên cương xa, đủ 6 năm nữa mới được quyết định lại”. Nhưng cũng có những nghề, chức nghiệp có tính chất chuyên môn như giáo thụ thì ít luân chuyển hơn vì vua cho rằng, càng giữ chức lâu, càng có điều kiện đào tạo nhân tài.

Việc luân chuyển quan địa phương nhằm bảo đảm chính sách đãi ngộ, đề phòng sự cát cứ lộng hành, làm vững mạnh, trong sạch bộ máy quan lại.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ quan lại, Lê Thánh Tông còn có lệ bãi quan viên được ban bố vào năm 1478: “Trưởng quan theo đạo công xét kỹ những quan viên dưới quyền, giản hoặc có người hèn kém bỉ ổi không thể làm việc được giao Bộ Lại xét thực đều bắt về hưu. Lại chọn người từng trải làm được có tài khí kiến thức thông thạo mà bổ thay vào”. Đối với chức xã trưởng cũng không ngoại lệ: “Quan phủ huyện châu theo phép công mà phúc khám, không câu nệ là xã chính, xã sử hay xã tư cứ người nào làm việc cẩn thận chu đáo nên giữ lại, còn người nào gian tham bỉ ổi không biết chức đều tinh giản cho về, các hạng già lão ốm đau đều hoàn làm dân”. Những ai đã từng phạm tội, hối lộ, đã bị xử biếm, giáng… mà còn đang đương chức thì cho thôi việc, để triệt quan tham nhũng, cho bớt lộc: “…Các quan viên văn võ làm việc đến 65 muốn nghỉ việc, các lại điển, giám sinh, nho sinh, sinh đồ tuổi từ 60 trở lên muốn về làm dân, thì đều cho người đó nộp đơn ở Lại Bộ”.

Đề cao liêm khiết và chế độ dưỡng liêm

Lê Thánh Tông rất chú trọng đề cao quan lại liêm khiết và lấy đó làm một tiêu chí để ưu tiên lựa chọn thăng chức. Nhà vua đã ra sắc lệnh: “Từ nay, Cấp sự trung trong Lục khoa và Giám sát ngự sử nếu có khuyết ngạch thì Bộ Lại chọn các quan trong kinh sư, ngoài các đạo… là người liêm khiết, cần mẫn, cứng rắn, ngay thẳng, có thành tích về chính trị, thì cất nhắc lựa bổ”. Nhà vua chỉ thị: “Phàm các quan viên giữ việc nơi biên viễn, lam chướng, người nào hết lòng vỗ về thương yêu Nhân dân, không nhũng nhiễu về việc thúc giục tô thuế mà thuế vẫn đủ số, thì khi mãn hạn 6 năm chuẩn cho được đổi về chỗ thủy thổ lành”.

Các quan lại liêm khiết không chỉ được ban cho các chức vụ xứng đáng, được ban nhiều bổng lộc mà còn được nhà vua khen thưởng cho sự thanh liêm của mình. Ngự sử quan Nguyễn Thiện đã được Lê Thánh Tông bổ nhiệm làm thừa chính phó sứ Thanh Hóa vì “hết lòng lo việc nước, thường dâng lời nói phải, có lúc trẫm dùng uy quyền để trấn áp cũng chưa thấy nhà ngươi nao núng”.

Dưới thời Lê Thánh Tông, việc lựa chọn quan lại bên cạnh chế độ khoa cử còn đặt thêm lệ bảo cử và tiến cử. Theo đó, bảo cử hoặc tiến cử là việc “lấy người tài đức hơn hẳn mà không cứ thân phận, hai là bảo cử thì lấy người danh vọng rõ rệt mà phải theo tư cách” nhưng người tiến cử, bảo cử phải chịu trách nhiệm về người mà mình tiến cử hay bảo cử. Nếu tiến cử, bảo cử đúng thì được trọng thưởng, nếu sai sẽ bị trừng phạt.

Để dưỡng liêm quan lại, Lê Thánh Tông đã đặt ra chế độ lương bổng hợp lý. Theo ông, “Người làm quan có đầy đủ thì mới bắt đầu làm điều thiện” và triều đình “có gia ơn cho người làm quan thì người làm quan mới gia ơn cho dân”; đặt quan để làm việc “tất phải có lương bổng để nuôi, rồi sau mới bắt phải thanh liêm được”.

Năm 1473, Lê Thánh Tông định chế độ bổng lộc cho quan lại theo nguyên tắc những nơi ít việc và nơi rất ít việc, những chức thong thả và những chức rất thong thả tiền bổng có khác nhau. Đối với các quan cùng phẩm hàm nhưng giữ các trọng trách ở địa phương số tiền lương cũng không có sự khác biệt so với các quan trong triều nhằm khuyến khích các quan làm việc ở lộ, phủ và để quan lại không vì lương bổng quá thấp so với quan trong kinh mà sinh ra nhũng lạm vơ vét của dân.

Ngoài lương bổng, Lê Thánh Tông còn ban cấp cho quan lại nhiều loại lộc rất hậu như: Lộc điền, huệ lộc, dân lộc… Việc phân cấp bổng lộc đã “cân nhắc được người khó nhọc, người tài năng mà quyết định được bổng lộc cho đích đáng” để khuyến khích người làm quan công tâm hết lòng vì công việc, từ đó mà phần nào giảm bớt tệ tham ô, tham nhũng trong quan trường.

Theo VĨNH KHÁNH / KINH TẾ ĐÔ THỊ

Tags: , , , ,