Chuyện về mứt Tết – thức quà không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền

Trong ngày Tết, mứt là một lễ vật trang trọng được đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Đây không chỉ là món ăn ngon, hấp dẫn mà việc thưởng thức mứt đã trở thành một thú ẩm thực Tết của người Việt.

Từ xưa đến nay, mứt được xem là một trong những món quà quý của người Việt trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Nay có thể thiếu thịt mỡ, dưa hành nhưng bánh chưng xanh và mứt tết thì khó có thể thiếu trong hương vị Xuân của mỗi gia đình.

Trong ngày Tết, mứt là một lễ vật trang trọng được đặt lên bàn thờ để cúng ông bà tổ tiên. Đây không chỉ là món ăn ngon, hấp dẫn với mọi lứa tuổi mà việc thưởng thức mứt đã trở thành một thú ẩm thực trong phong tục Tết của người Việt.

Trên bàn trà bao giờ cũng có một khay bánh kẹo và mứt, trước là để tiếp đãi khách đến chúc Tết, sau là để gia đình cùng quây quần thưởng thức bên nhau trong những ngày sum họp dịp Tết cổ truyền.

Một khay mứt ngày Tết với màu vàng của mứt gừng, mứt sen thể hiện sự đầy đủ viên mãn; màu đỏ của mứt hồng bì, mứt atiso thể hiện sự sung túc và mong ước điều may mắn; màu cam của mứt quất, mứt cà rốt mang lại sự thịnh vượng; màu xanh của mứt bí đại diện cho niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến, màu trắng của mứt dừa, mứt trứng chim thể hiện sự quây quần, sum vầy, trường thọ.

Việt Nam quanh năm có nhiều hoa trái, có bao nhiêu loại quả thì có thể chế biến thành bấy nhiêu loại mứt.

Mứt đặc trưng ở vị ngọt và màu sắc. Mỗi loại mứt có hương thơm và vị ngọt khác nhau. Kể tên mứt thì rất đa dạng và thú vị.

Trước đây, vào dịp Tết, mỗi nhà thường tự làm mứt tết với bí quyết chế biến, gia giảm riêng khiến cho hương vị mứt của mỗi nhà đều không giống nhau.

Gần gũi, thân quen có mứt dừa, mứt bí, cà rốt, me, quất, mứt trứng chim… sang trọng một chút có mứt sen, mứt dâu tây, mứt hồng, mứt mãng cầu…

Với màu sắc tự nhiên của các loại củ quả, mỗi loại mứt đem đến các hương vị chua, cay, ngọt, bùi khác nhau, thể hiện một phần trong cuộc đời mỗi con người để đi đến thành công cũng đã trải qua niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn vất vả vừa tượng trưng cho năm màu trong Ngũ hành của trời đất có tương sinh, tương khắc cùng hỗ trợ, tạo điều kiện cho vạn vật phát triển.

Để chế biến được những loại mứt, người ta làm phải rất công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến, sấy khô, đóng gói. Các loại quả được chọn phải to và tươi ngon.

Sau khi sơ chế và để ráo nước nguyên liệu sẽ được tẩm, ướp, hay ngâm với dung dịch đường nóng cô đặc và đun nhỏ lửa trên bếp tới khi đường quyện lại, cho vani vào, đảo đều tay tới khi đường bám vào bề mặt củ, quả tạo thành lớp bột màu trắng là được.

Không chỉ thơm ngon, tinh khiết nhiều loại mứt còn có công dụng rất tốt cho sức khoẻ . Trong những này Tết không tránh khỏi tiệc rượu và ăn uống chúc tụng dịp đầu xuân khiến cơ thể mệt mỏi, cảm giác khó tiêu thì mứt được coi là vị thuốc quý trong nhà.

Mứt gừng có tác dụng giải độc, chống nôn mửa, bụng đầy trướng, đau bụng; dùng phòng bệnh viêm đường hô hấp (viêm họng, ho mất tiếng)

Mứt sen được chế từ hạt sen đã bóc vỏ có tác dụng an thần, người già và trẻ em có thể coi đây như một loại thuốc chữa bệnh. Mứt quất vàng ươm, chua ngọt quyện hòa có thể dùng làm thuốc ho, giúp tiêu hoá tốt.

Mứt dừa là những sợi dừa trắng nhỏ, ăn vừa dai, ngọt nhẹ nhàng, chống nóng sốt. Rồi mứt đu đủ, mứt dứa, mứt lạc, mứt mận, mứt bí, mứt cà chua… tất cả đều có hương vị và công dụng riêng.

Khó có thể nói hết được cảm giác của người xa xứ khi tìm thấy mứt Việt Nam trong các siêu thị. Có người rơm rớm nước mắt, chạnh lòng nhớ quê nhà, nhớ những hương vị hoa trái thân quen, mùi vị trong từng miếng mứt nồng nàn ngọt ngào đọng lại trong ký ức.

Mứt Tết được làm từ đôi bàn tay của người phụ nữ Việt Nam đã trở thành một trong những món ăn linh hồn của Tết cổ truyền dân tộc. Sự ngọt ngào của đường sên với những thứ nguyên liệu tươi ngon đã làm nên một món ăn không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về.

Mứt Tết và hương vị thân quen sẽ giúp chúng ta tìm thấy sự gần gũi, ấm cúng trong mỗi gia đình Việt Nam.

Theo VIETNAM PLUS

Tags: , ,