Chuyện nhà Lê sơ ban tiền dưỡng liêm, bổng lộc, ruộng… biệt đãi quan viên

Để quan lại toàn tâm phục vụ thể chế, chính quyền thời Lê sơ đã có chế độ đãi ngộ cả về vật chất và tinh thần với quan lại đáng lưu ý.

Chuyện nhà Lê sơ ban tiền dưỡng liêm, bổng lộc, ruộng… biệt đãi quan viên

Lăng vua Lê Thái Tổ ở Cố đô Lam Kinh, Thanh Hóa.

Chế độ đãi ngộ quan viên thời Lê sơ thực hiện rất quy củ, bài bản được tạo thành điển chế, thậm chí trong Quốc triều hình luật cũng có những ưu ái.

Biệt đãi công thần, quan lại cao cấp

Đội ngũ công thần gồm những khai quốc công thần đầu triều đại, hoặc những công thần có công trung hưng sau loạn Lê Nghi Dân. Mới lập triều đại năm Mậu Thân (1428), các công thần đã được vua Lê Thái Tổ ban nhiều lộc vị. Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết vua thực hiện “Ghi chép công trạng những công thần đã theo khởi nghĩa từ đất Lũng Nhai. Cho họ được phong tước có thứ bậc hơn kém khác nhau và được lấy theo họ Lê”. Cũng năm này Việt sử cương mục tiết yếu chép: “Định thứ bậc các công thần hàng đầu. Gia phong Nguyễn Trãi (đại hành khiển) làm quan phục hầu; Trần Nguyên Hãn (tư đồ) làm tả tướng quốc; Phạm Văn Xảo (khu mật đại sứ) làm thái uý”…

Sau loạn Lê Nghi Dân, vua Lê Thánh Tông ban thưởng cho những công thần có công dẹp loạn. Năm Canh Thìn (1460), theo Cương mục, vua “định thứ tự trên dưới những bầy tôi có công: tiến phong Á quận hầu Lê Xí tước Quỳ quận công, Lê Liệt tước Lân quận công, Đình thượng hầu Lê Niệm tước Kỳ quận công, còn bọn Lê Lăng đều tuỳ theo công trạng lớn nhỏ được phong tước cao thấp khác nhau”.

Đầu triều Lê công thần khai quốc được phong thưởng ruộng đất rất hậu, Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI – XVIII nghiên cứu cho hay: “Diện tích ruộng đất phong thưởng cho từng người là từ 400 – 500 mẫu”. Vua Lê Thánh Tông theo Toàn thư đã “Cấp ruộng thế nghiệp cho 30 viên công thần, số mẫu có thứ bậc khác nhau”. Chính sách lộc điền áp dụng cả với quan viên hàm tứ phẩm trở lên. Theo GS Lê Thành Khôi “lộc điền là đặc quyền dành cho hoàng tộc và hàng quan lại cao cấp nhất”. Loại “bất động sản” này được cấp trọn đời.

Quan lại cao cấp còn được hưởng một phần công điền như cấp dưới. Việt Nam sử lược cho biết năm Kỷ Dậu (1429), vua Lê Thái Tổ thực hiện phép quân điền “chia cho mọi người, từ quan đại thần cho đến những người già yếu cô quả, ai cũng có một phần ruộng”. Vua Lê Thánh Tông năm Đinh Dậu (1477) định lệ cấp ruộng cho quan viên.

Đãi ngộ vật chất

Quan lại còn được chia ruộng công theo chính sách quân điền. Hạng tam phẩm được 11 phần, tứ phẩm 10 phần… Thấp nhất là dân đinh (người tàn phế, mồ côi, đàn bà góa, vợ tù chịu tội đồ, lưu) 3 phần. Vậy là ruộng đất công của quan lại luôn hơn dân thường.

Trong Việt Nam văn minh sử còn liệt kê nhiều loại ruộng thể hiện sự ân sủng của nhà nước đối với quan lại: Ruộng chế lộc, ruộng dân lộc, ruộng dưỡng lộc, ruộng huệ dưỡng, ruộng huệ lộc, ruộng tế điền, ruộng liêm lộc, ruộng ngụ lộc… Tuy nhiên, nhiều loại ruộng không phân biệt rõ thuộc thời Lê sơ hay thời Lê trung hưng, như ruộng liêm lộc, liêm điền hay ruộng dưỡng liêm Lịch triều hiến chương loại chí ghi năm Tân Tỵ (1761) thời vua Lê Hiển Tông cấp ruộng liêm cho quan văn. Nhưng theo Kiến văn tiểu lục, ở phần về quan Ngô Tuấn Kiệt thời vua Lê Chiêu Tông đã nói đến việc ban tiền gạo dưỡng liêm liên quan đến loại ruộng này.

Đồng thời nhà nước có chính sách về điền trạch, đất ở cho quan lại. Theo Lịch triều hiến chương loại chí năm Mậu Thân (1428) ban cho công hầu, các quan đất làm nhà ở nhiều ít khác nhau: “Ở vào chỗ đất Thiết đột đóng chỉ có 5 sào trở xuống, còn ngoài ra được từ 2 mẫu trở xuống đến 1 mẫu”. Ở địa phương, quan lại được cấp 80 thước làm đất ruộng vườn.

Chế độ lương bổng cũng được thực hiện mà Cương mục cho là “nuôi gây đức tính thanh liêm, lại có pháp luật chung để mọi người tuân giữ”. Thời vua Lê Nhân Tông năm Ất Hợi (1455) cấp tiền bổng hàng năm cho quan văn võ theo thứ bậc… Chế độ lương bổng được thực hiện theo Việt sử cương mục tiết yếu ghi “nhằm làm cho người hưởng lộc không nhũng lạm”. Trong chế độ quan lộc, việc cấp lộc cho quan trong kinh, ngoài trấn khác nhau. Ở kinh thành, hàng tôn thất được cấp nhiều nhất với hoàng thái tử là 500 quan. Ở địa phương, cao nhất là quan Chánh tứ phẩm hưởng 48 quan, thấp nhất là quan rất ít việc 10 quan.

Ngoài ra nhà nước cấp hộ ăn lộc và tiền bổng dành cho tôn thất, đại thần văn võ theo phẩm trật, số hộ ăn lộc dao động 50 – 100 hộ, thu thuế từ những hộ đó cho bản thân. Cùng với đó là tiền bổng hàng năm. Thời Lê sơ có loại tiền đặc biệt ít quan lại được hưởng – tiền dưỡng liêm. Theo Việt Nam văn hóa sử cương “tiền dưỡng liêm cấp cho các quan địa phương những khi họ túng thiếu để họ khỏi nhũng lạm của dân”. Dịp Tết Nguyên đán, quan lại còn được ban tiền Tết. Toàn thư chép ngày 27 tháng 12 (tháng Chạp) năm Ất Mão (1435), vua Nhân Tông “ban tiền Tết cho các quan văn võ theo thứ bậc khác nhau”.Tiền Tết là loại tiền dưỡng liêm không chính thức, ngăn ngừa tệ hối lộ, tham ô thông qua việc biếu xén trá hình ngày Tết.

Đãi ngộ tinh thần, danh vị

Theo chuyên luận Nhà Lê sơ (1428 – 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân mọt nước”, nhà Lê sơ còn tạo nên vị thế của quan lại về mặt tinh thần cao đẹp hơn hẳn so với bách tính. Đó là lệ tập ấm cho con cái quan viên, điển chế vinh phong cho thân thích, cha mẹ người làm quan. Họ cũng được miễn chế độ thuế khóa, quân dịch, lao dịch.

Vị thế, danh phận và thậm chí cả thân thể của họ được pháp luật bảo vệ. Đến xưng hô cũng có sự phân biệt giữa quan với dân như nhà nghiên cứu Đào Duy Anh dẫn chứng: “… Công Hầu Bá cùng Phò mã và quan nhất phẩm thì gọi là Các hạ. Quan nhị tam phẩm thì gọi là Mô hạ, tứ ngũ lục phẩm gọi là Đại phu”. Ai xưng hô sai bị phạt 50 roi và 16 quan tiền.

Phẩm trật quan lại chia làm 9 bậc (cửu phẩm) cùng hệ thống phẩm tước “công, hầu, bá, tử, nam” tạo động lực để quan viên ra sức làm việc hòng mong được cất nhắc chức tước, được vinh phong, rạng danh. Đó là mô hình chóp nón về phẩm tước khơi gợi chí tiến thủ của đội ngũ mặc áo dài, đai rộng.

Thực tế tiến thân của nhiều quan viên thời Lê sơ đã chứng thực điều này như trường hợp Bùi Xương Trạch (1451 – 1529) xuất thân con nhà nông thi đậu tiến sĩ, bước chân vào chốn quan trường. Đại Việt lịch triều đăng khoa lục cho biết với tài năng của mình, ông được làm Hiệu thư Đông các, rồi Thiêm đô ngự sử, sau thăng lên Thượng thư bộ Binh, giữ việc sáu bộ, kiêm chức Đô ngự sử, được ban tước Quảng Văn hầu. Khi mất được truy tặng Thái phó, Quảng quận công.

Theo TRẦN ĐÌNH BA / TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: ,