Chuyến đi sứ lâu nhất trong lịch sử Việt Nam

Đó là chuyến đi của sứ thần Lê Quang Bí vào năm 1548 thời nhà Mạc, kéo dài tới 18 năm trời. Trường hợp Lê Quang Bí thật giống Tô Vũ nhà Hán trước đây, vì vậy người đương thời cũng gọi ông là Tô Công.

Chuyến đi sứ lâu nhất trong lịch sử Việt Nam

Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn.Ngày xưa, để tiến hành công việc bang giao, các triều đại phong kiến nước ta đều cử các đoàn sứ thần sang Trung Hoa. Các đoàn sứ thần thường có một chánh sứ, một hoặc hai phó sứ và các thành viên khác. Nhiệm vụ của các sứ đoàn có thể là triều cống, báo tang, cầu phong…

Do đường sá xa xôi, núi sông cách trở, phương tiện đi lại chủ yếu là đôi chân (các vị chánh phó sứ được đi võng, tức có người khiêng), những đoạn thuận tiện đường thủy thì được đi bằng thuyền, vì vậy, mỗi chuyến đi và về thường kéo dài 1 – 2 năm. Chuyến đi sứ lâu nhất trong lịch sử là chuyến đi của sứ thần Lê Quang Bí vào năm 1548 thời nhà Mạc, kéo dài tới 18 năm trời.

Lê Quang Bí sinh năm 1506, quê ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương). Năm 1527 ông 21 tuổi, thi đỗ Hoàng giáp rồi làm quan dưới triều nhà Mạc. Năm 42 tuổi (1548), ông được cử đi sứ nhà Minh.

Nhiệm vụ của sứ đoàn chỉ là nộp cống, thế nhưng nhà Minh gây khó dễ, khiến chuyến đi sứ của ông kéo dài đến 18 năm trời, mãi đến năm 1566 Lê Quang Bí mới được trở về nước. Khi đi, ông đang còn ở tuổi tứ thập, mái tóc còn xanh, khi trở về, ông đã trở thành một ông lão đầu râu tóc bạc.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi về sự kiện này một cách vắn tắt: “Ngày 25, họ Mạc sai bọn Lại bộ thượng thư kiêm Đông Các Đại học sĩ Kế Khê hầu Giáp Hải và Đông Các Hiệu thư Phạm Duy Quyết lên đầu địa giới Lạng Sơn đón tiếp sứ thần Lê Quang Bí về nước. Quang Bí phụng mệnh đi sứ năm Gia Tĩnh thứ 27, bị nhà Minh giữ lại 18 năm, đến nay trở về” ( Sđd, NXB Văn hóa – Thông tin, 2003, Tập 3, tr.217).

Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn ghi sự kiện này cụ thể, chi tiết hơn: “Quang Bí đi sứ sang nhà Minh lo việc cống hiến thường niên, từ năm Mậu Thân, niên hiệu Gia Tĩnh thứ 27 (1548) ông đến Nam Ninh, bị nhà Minh ngờ là quan giả mạo, bắt phải chờ để tra xét minh bạch đã, rồi mới cho dâng lễ phẩm. Thế rồi họ gửi văn thư đi tra xét, nhưng chẳng có hồi âm, Quang Bí cứ phải lưu lại sứ quán chờ mệnh lệnh. Phúc Nguyên (tức vua Mạc lúc bấy giờ – PDK chú thêm) vì lúc ấy trong nước nhiều nạn, bỏ khiếm khuyết việc cống hiến đã mấy năm liền, nên cũng không dám tâu xin.

Đến năm Quý Hợi, niên hiệu Gia Tĩnh thứ 42 (1563), quan quân Lưỡng Quảng nhà Minh mới sai người đưa Quang Bí tới Bắc Kinh. Nhân dịp đó, Phúc Nguyên cũng sai quan hầu mệnh gửi cho Quang Bí 25 lượng bạc để thưởng lạo. Khi Quang Bí tới kinh đô, lại bị lưu ở sứ quán. Đến lúc này, viên Đại học sĩ nhà Minh là Lý Xuân Phương, thương hại Quang Bí (bị giữ lâu ở quán đợi, mà vẫn kính cẩn giữ được mệnh của chúa), nên tâu lên vua Minh nhận cống phẩm mà cho về. Quang Bí ở trong nước Minh đã 18 năm. Lúc ra đi tóc mây xanh mướt, khi trở về râu tuyết bạc phơ! Người Minh ví ông như Tô Vũ đi sứ khi xưa, đến lúc bạc đầu mới được trở về. Khi Quang Bí trở về tới Đông Kinh, Phúc Nguyên tỏ lời an ủi, thấy việc đi sứ của ông giống hệt Tô Vũ, bèn phong cho tước Tô quận công” (Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, NXB Văn hóa – Thông tin, 2007, tr. 390, 391).



Tô Vũ là sứ thần nhà Hán, đi sứ Hung Nô, bị Hung Nô bắt đày lên Bắc Hải, bắt chăn dê đực, hẹn bao giờ dê đực đẻ con thì mới được về. Tô Vũ chăn dê suốt 18 năm trời mới được về nước. Khi đi đầu tóc xanh mượt, khi về râu tóc bạc phơ. Trường hợp Lê Quang Bí thật giống Tô Vũ nhà Hán trước đây, vì vậy, người đương thời cũng gọi ông là Tô Công và có sáng tác chuyện Nôm “Tô Công phụng sứ” gồm 24 bài thơ luật Đường, lấy nhân vật chính là Tô Vũ nhà Hán nhưng thực chất là để ca ngợi tiết tháo trung trinh của Lê Quang Bí.

Tại sao một vị sứ thần, đã đã cất bước ra đi thì phải có đầy đủ giấy tờ, công văn của triều đình, có ấn triện đầy đủ của vua Mạc, có khai rõ tên tuổi chánh phó sứ, thành phần sứ đoàn và kê cứu đầy đủ các cống vật, lại bị “nhà Minh nghi ngờ là giả mạo”? Thực chất thì bọn vua quan bỉ lậu của nhà Minh muốn gây khó dễ để vòi vĩnh thêm. Mặt khác, cũng vì nhà Mạc mấy năm liền khốn đốn trong cuộc chiến tranh liên miên với nhà Lê ở phía Nam, nên bỏ bê trễ cống phẩm, vì vậy nhà Minh mới giam sứ giả lại (thực chất là bắt làm con tin) để đòi cho đủ số mà thôi. Khi triều đại suy vi thì người đi sứ khổ nhục như thế đấy.

Theo KIẾN THỨC

Tags: ,