Chuyện cứu hỏa ở nước Việt thời phong kiến

Thủy, hỏa, đạo, tặc luôn là 4 mối lo của người dân mọi thời. Thời xưa, nhà dân nước ta đều làm bằng tranh tre, nứa lá, rất dễ xảy ra hỏa hoạn, do đó triều đình cũng luôn phải đối phó với giặc lửa.

Chuyện cứu hỏa ở nước Việt thời phong kiến

Vì vậy mới có chuyện ghi trong “Đại Việt sử ký toàn thư” rằng năm 1278, kinh thành Thăng Long thường bị cháy về ban đêm, Vua Trần Thánh Tông đích thân ra ngoài thành xem chữa cháy, để rồi chứng kiến tài trí của viên quan Nội thư gia là Đoàn Khung khi ông này lần lượt sờ đầu những người tham gia chữa cháy xem đầu ai ướt hơn, nhiều tro bụi hơn mà biết ai là người đến trước, đã cố sức dập lửa.

Sử sách nước ta đã ghi lại rất nhiều vụ cháy lớn ở kinh thành. Đến đầu thế kỷ 19, tại thành Thăng Long và kinh đô Huế vẫn còn có những lần hỏa hoạn gây cháy đến trên 1.400 ngôi nhà.

Các điều luật về phòng cháy, chữa cháy đã xuất hiện trong hình luật nước ta từ xưa. Như trong bộ hình luật triều Lê mang tên “Quốc triều hình luật“, hay còn gọi là Luật Hồng Đức, trong chương Tạp luật, Điều 617 quy định: “Trong kinh thành mà để xảy ra hỏa hoạn, cháy nhà mình thì xử phạt 80 trượng, cháy lan sang nhà người, thì xử phạt 80 trượng, bêu trước dân chúng 3 ngày và phạt tiền 10 quan sung công. Ở hương thôn thì được giảm tội một bậc. Ở trong cấm thành nếu cháy lan đến tôn miếu, cung điện và các kho tàng thì xử tội lưu. Cố ý đốt nhà thì xử tội như cướp”.

Về phòng hỏa, Điều 609 Luật Hồng Đức quy định: “Trong các kho tàng cấm đốt lửa, trái luật xử tội biếm (giáng chức) hay tội đồ (nhốt làm lao dịch)”. Còn về chữa cháy, Điều 610 viết rằng: “Người thấy lửa bốc cháy, nên đi báo mà không đi báo, nên đến cứu mà không đến cứu, thì xử nhẹ hơn tội đánh cháy 2 bậc. Những quan quân canh giữ cung điện, kho tàng và viên giữ tù, đều không được rời khỏi chỗ mà đi cứu lửa; trái luật thì xử phạt 80 trượng”.

Sử sách thời Lê không ghi chi tiết các hiệu lệnh cứu hỏa, nhưng sang đến thời Nguyễn, từ khi chúa Nguyễn Ánh còn ở Gia Định, qua hiệu lệnh cứu hỏa ban hành năm 1797, ta biết có ban ngày hiệu lệnh là cờ, còn ban đêm là đèn. Các quân lính cứu hỏa, khi thấy lệnh cờ hay đèn thì đánh 3 tiếng trống đến nơi cháy mà chữa cháy, lửa tắt mới được về.

Năm 1799, khi chúa Nguyễn Ánh ở Bình Định đã ban hành lệnh phòng hỏa ở chốn hương thôn. Mỗi thôn phải lập một điếm canh, có tích sẵn những đồ cứu hỏa. Ban đêm, khi đầu trống canh hai, trưởng thôn và dân trong thôn đều đến điếm canh để điểm danh rồi chia nhau đi tuần. Nếu xảy ra cháy thì nghe mõ báo hiệu phải giục nhau đi cứu. Người chủ nhà cháy phải giải lên quan trừng trị. Nếu có kẻ vì thù hằn mà đốt nhà thì lập tức bắt giải nộp, bắt được một tên phạm thì thưởng tiền 50 quan. Kẻ phạm tội đốt nhà sẽ bị chém bêu đầu.

Sau khi Vua Minh Mạng lên ngôi, ngay mùa hạ năm 1820, xảy ra vụ cháy nhà quân Tiền Phong cháy, nhà vua đích thân đem quân thị vệ đến dập lửa. Sau đó vua dụ hai viên quan Tôn Thất Dịch và Võ Viết Bảo rằng: “Từ nay về sau, phàm gặp cháy thì người trực ở Tả vu phải lập tức đánh thanh la, thổi tù và làm hiệu, đóng các cửa thành lại, quân thị vệ đều chỉnh đội ngũ để đợi mệnh lệnh ở hai bên tả hữu điện Thái Hòa. Khi lửa tắt, đánh chiêng thì thôi”.

Mùa hạ Minh Mạng thứ 7 (1826), Đề đốc kinh thành là Đoàn Văn Trường thấy trời nắng quá, tâu vua xin dỡ nhà dân để phòng nạn cháy. Vua Minh Mạng trả lời rằng: “Phòng hỏa không gì bằng chứa nước. Cứ sai dân để ý gìn giữ thì lửa không thể hại được, hà tất phải dỡ nhà làm gì”.

Các chi tiết về cờ, đèn báo chữa cháy được Vua Minh Mạng ban hành đầu năm 1827. Theo đó, các cửa kinh thành, cầu Tả Thanh Long, cầu Hữu Thủy Quan đều dựng 2 cột cờ, ban ngày treo cờ, ban đêm treo đèn. Khi như nhà dân trong kinh thành bị cháy thì chỉ cần nhìn hiệu cờ, hiệu đèn trên các cột cờ sẽ biết đám cháy bắt đầu hay đã hết.

Mùa hạ năm đó, bốn phường Tuyên Hóa, Bắc Trường, Ninh Viễn, Hà Thanh trong kinh thành bị cháy, lan đến hơn trăm nhà. Vua Minh Mạng sai Bộ Hộ theo lệ phát chẩn, chi tiền tuất cho người chết, sau đó phê phán Đề đốc kinh thành rằng: “Lửa cháy ở bên cạnh công đường kinh doãn, lính hai vệ của Ty Binh mã dưới quyền của viên Đề đốc không phải là ít, thế mà để cho cháy lan ra đến thế, cứ đổ cho gió mạnh, lửa dữ mà được sao?”. Vua cho rằng, Đề đốc và lính hộ thành không để ý gì đến tai họa của dân nên giao Bộ Hình xử lý. Do đó, Đề đốc Nguyễn Văn Phượng, Phủ thừa Phủ Thừa Thiên Phan Huy Chú đều bị phạt.

Mùa hè năm 1827, nhà vua sai Phủ doãn Thừa Thiên tra xét các sở phủ đệ sảnh thự trong kinh thành, khắp các tường bao quanh và đường cái, chỗ nào có nhà tranh của thuộc viên và quân dân ở thì đều bắt dỡ đi, từ sau cấm không được dựng bậy. Đề đốc cùng Phủ doãn, Phủ thừa không tra xét được thì phạt bổng 6 tháng; các viên sai dịch mà trễ nải thì phạt 80 trượng.

Vua Minh Mạng cũng có chỉ dụ rằng mỗi khi trong thành, ngoài quách có nhà cháy, thì lính thị vệ và lính thượng tứ mỗi bên một người cùng đi kiểm soát xem những lính cứu hỏa người nào gắng sức hay không, cứ theo thực tế làm phiếu tâu lên để khen thưởng hay trị tội. Bộ Binh nhân đó tâu rằng, khi đi kiểm soát việc cứu hỏa là việc cần kíp, xin được chế cấp cho quân thị vệ và quân thượng tứ một lá cờ đỏ nhỏ viết chữ “Phi trì thám hỏa” (nghĩa là chạy nhanh xem xét việc cháy); hai lá cờ đỏ nhỏ viết chữ “Sát khán cứu hỏa” (nghĩa là xem xét và chữa cháy) và một lá cờ đỏ lớn viết chữ “Thừa Thiên cứu hỏa”. Khi có hỏa hoạn, một người lính vệ thượng tứ lưng cắm lá cờ đỏ “Phi trì thám hỏa”, một người lính thị vệ và một người lính thượng tứ, mỗi người lưng cắm lá cờ đỏ “Sát khán cứu hỏa”, đều đi ngựa chạy đi giám sát; một viên quan ở phủ Thừa Thiên đem lính phủ mang lá cờ đỏ “Thừa Thiên cứu hỏa” cũng phải lập tức tới hiện trường. Quan giữ cửa kinh thành thấy hiệu cờ này thì phải mở cửa cho họ đi ngay. Người lính thám hỏa về trước để tâu, những người lính cứu hỏa thì đợi lửa tắt mới về. Nếu đám cháy xảy ra ban đêm thì ngày hôm sau làm tờ tâu lên.

Theo ghi chép trong chính sử triều Nguyễn, bộ “Đại Nam thực lục“, sau vụ cháy kéo dài hơn 10 ngày ở Bắc Thành (Hà Nội ngày nay) làm cháy hơn 1.430 nóc nhà của 27 thôn phường, nhiều người bị thương chết, thì ngoài việc cấp tiền, thóc cho các gia đình bị cháy nhà, cấp tiền cho những nhà có người chết và bị thương, triều đình nhà Nguyễn đã trị tội nhà phát hỏa đầu tiên bằng cách bắt chủ nhà làm binh.

Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), khi nhà vua đi thăm kho ở kinh thành, thấy lính coi kho đem tranh tre che đậy chỗ bờ hè, đã sai quở mắng và dụ rằng từ nay các kho ở Nội vụ, Vũ khố, Nội tàng, kho Kinh thương, thuốc súng, diêm tiêu, cấm không được lấy tranh tre, lá dừa, củi khô là những thứ dễ cháy để gần bốn bên, làm trái phải trị tội nặng. Nếu xảy ra hỏa hoạn phải chém bêu đầu.

Lần xảy ra hỏa hoạn làm cháy nhà dân ở ngoài kinh mùa hạ năm Minh Mạng thứ 11 (1830), nhà vua đã ngự lên Nam đài để quan sát và sai Thống chế Nguyễn Tăng Minh đem quân đi chữa cháy, nhờ đó chỉ một lát lửa đã tắt. Nhà vua lập tức cho định lại lệ cứu hỏa trong, ngoài kinh thành. Theo đó, phàm nhà dân bị cháy, ở trong thành người ứng trực trên kỳ đài trông thấy thì lập tức lấy ống hiệu kêu gọi. Cột cờ trên kỳ đài, cũng như các cột cờ ở cửa thành đều chiếu theo hiệu lệnh ngày đêm mà kéo cờ treo đèn. Thấy hiệu lệnh này, viện Thượng tứ phải lập tức phái lính cưỡi ngựa đi thám thính, biền binh đi cứu hỏa và các cửa đều theo lệ cũ mà đóng mở. Nếu cháy ở ngoài thành, chỗ kho gỗ ở đầu quách, mặt trước thành, hoặc ở phụ quách chỗ xưởng đóng thuyền ở bờ bên Nam sông Hương đều chiếu theo lệ cứu hỏa trong thành. Cháy phụ quách ở 3 mặt tả, hữu, hậu thì trên kỳ đài chỉ cần đi thám thính theo lệ tâu lên, không phải kêu gọi hoặc kéo cờ, treo đèn và đóng kỹ cổng thành. Nếu trong thành hoặc phụ quách ngoài thành bị cháy thì quan phủ Thừa Thiên phải đích thân đốc sức dân binh chữa cháy. Nếu ở chỗ ngoài thành hơi xa thì phủ Thừa Thiên được phái phủ thuộc, quan phủ thừa không cần phải thân hành. Trong thành bị cháy 3 nhà trở lên thì phái viên của Thừa Thiên và thị vệ phái đi cứu hỏa đều phải làm phiếu tâu lên. Cháy không đến 3 nhà thì chỉ viết bài trình bày. Cháy ở ngoài thành lan ra nhiều nhà hoặc đến chết người thì mới phải làm phiếu tâu, còn hỏa hoạn nho nhỏ thì không cần.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), nhà vua định lại lệ cấm trong việc phòng hỏa ở kinh thành rằng: “Kinh sư là nơi người ở đông đúc, phải định rõ điều cấm về lửa để nghiêm chỗ kinh kỳ. Nay chuẩn định: Phàm trong kinh thành mà phát hỏa, nếu chỉ cháy nhà mình, không lan sang nhà khác, thì người gây nên hỏa hoạn phải đánh 100 trượng; cháy lan sang nhà khác chưa đến 100 nhà thì đóng gông 10 ngày, 100 nhà trở lên thì đóng gông 1 tháng, hết hạn đều đánh 100 trượng; nếu cháy lan đến nhà công và trại quân hay chỗ kho tàng thì chiếu luật nặng mà xử”. Các điều này đều được ghi làm mệnh lệnh.

Tuy nhiên, cuối năm này, khi có vụ nhà dân ở trong kinh thành bị cháy, do thị vệ theo lệ nổi trống hiệu, làm huyên náo ban đêm, Vua Minh Mạng bổ sung quy định rằng từ đó về sau, nếu trong kinh thành có nhà nào cháy thì lập tức Tấu sự xứ phải tâu lên và phải đợi được chỉ của vua ban mới được phép nổi trống báo hiệu.

Theo LÊ TIÊN LONG / AN NINH THẾ GIỚI 

Tags: ,