‘Chùm nho phẫn nộ’ – bức tranh sinh động về nông thôn nước Mỹ đầu thế kỷ 20

Với nội dung phản ánh những biến đổi sâu sắc trong nông thôn nước Mỹ những năm đầu thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của thời đại công nghiệp hóa, tiểu thuyết “Chùm nho phẫn nộ” của nhà văn nổi tiếng người Mỹ John Steinbeck, xuất bản lần đầu tiên vào ngày 14/4/1939 đã ngay lập tức gây tiếng vang lớn, và trở thành tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ. Giải Pulitzer (năm 1940) là một phần thưởng xứng đáng mà John Steinbeck nhận được từ tác phẩm này. Còn bản thân tác giả sau đó được nhận giải thưởng Nobel văn học.

‘Chùm nho phẫn nộ’ – bức tranh sinh động về nông thôn nước Mỹ đầu thế kỷ 20

Chùm nho phẫn nộ (The grapes of wrath) được viết với giọng tường thuật rất tự nhiên, cuốn hút và đầy hấp dẫn. Dù là câu chuyện hư cấu song nó lại phản ánh được chân thực một thời kỳ lịch sử của nước Mỹ thông qua bối cảnh xã hội mà nhà văn đã đưa vào trong tác phẩm. Đây là một tiếng nói phản kháng lại xã hội Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế những năm 30 của thế kỷ XX, khi thân phận người nghèo bị coi rẻ, họ bị biến thành những công cụ lao động.

Không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn chương, “Chùm nho phẫn nộ” còn là một tài liệu lịch sử có giá trị về xã hội kinh tế của thời khủng hoảng với đầy đủ dữ kiện chân thực và sống động. Mặc dù chỉ phản ánh một giai đoạn ngắn ngủi trong lịch sử Mỹ và trên địa điểm cụ thể là bang California, nhưng tác phẩm đã vượt xa hơn khi mang ý nghĩa của một sử thi bi kịch về nhân dân Mỹ.

Câu chuyện kể về sự thăng trầm trong hành trình của gia đình Joad từ vùng đất quê nghèo khó ở vùng hoang hóa Dust Bowl của bang Oklahoma, phải chuyển đến miền đất hứa California. Họ là những nông dân làm thuê, vì nạn đói kém đã phải bán đất để gia nhập vào đám đông tiến về miền tây đi kiếm sống. Trong hành trình đó, có nhiều gia đình đã bị chết vì mệt mỏi, đói khát, bệnh tật… Gia đình Joad cùng những người trong chuyến hành trình phải thiết lập một xã hội nhỏ. Khi tới California, họ nhận ra rằng những gian khổ của họ không thể chấm dứt. Họ bị bóc lột đến cùng cực, bị chà đạp về tinh thần. Gia đình Joad phải chịu đựng sự lạm dụng sức lao động của các ông chủ nông trại – những kẻ giàu có và quyền thế và sự bóc lột của tổ chức thương mại. Mâu thuẫn này lên đến cực điểm và bùng nổ bằng phản kháng của Tom – cậu con trai trong gia đình Joad không kiềm chế được đã phạm tội giết người…

Bằng tính chân thực và tính sâu sắc to lớn, tác phẩm đã lôi cuốn người đọc ngay từ khi được xuất bản lần đầu tại Oklahoma với lượng phát hành đạt kỷ lục thời đó. Tuy nhiên, ngay từ khi ra đời nó đã gây nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, nhiều người hết lòng ca ngợi, nhưng cũng nhiều người phê phán tác phẩm này. Nhưng với tính khái quát cao cho một thời kỳ lịch sử của Mỹ, “Chùm nho phẫn nộ” đã trở thành tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ và văn học thế giới hiện đại nói chung. Tác phẩm cũng được đưa vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.

John Steinbeck sinh ngày 27 tháng 2 năm 1902, trong một gia đình chủ xưởng bột mì ở bang California của nước Mỹ. Sau khi theo học khoa Văn học Anh và Sinh vật học Hải dương ở Đại học Standford, John Steinbeck đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống, như công nhân nông nghiệp, phóng viên và một số nghề khác. Chính những công việc này đã giúp ông tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm cho những sáng tác sau này.

Với vốn sống phong phú Steinbeck sớm bước vào con đường văn học và liên tiếp cho ra mắt một loạt các tác phẩm viết về số phận của những “kẻ lạc loài”, những người lớp dưới của xã hội Mỹ và các công nhân tham gia đình công đã bị đẩy vào tình thế tuyệt vọng. Tiêu biểu như: “Cốc vàng” (Cup of Gold, 1929), “Đồng cỏ thiên đường” (Pastures of Heaven, 1932), “Gửi vị thần chưa biết” (To a God unknown, 1933),”Tortills Flat” (1935) và “Trong trận đánh bất ngờ” (In dubious battle, 1936) …

Tiếp đó, ông đã cho ra đời một loạt các tác phẩm khẳng định những giá trị giản dị của con người trong cuộc sống, như “Của chuột và người” (Of mice and men), “Chùm nho phẫn nộ”, “Phía đông vườn địa đàng”… Những tác phẩm này đã đưa tên tuổi của ông trở thành bậc thầy văn xuôi, một tên tuổi lớn của nền văn học Mỹ thế kỷ XX, có thể sánh ngang với bậc đàn anh mà ông rất kính trọng là Ernest Hemingway.

Theo nhận xét của Ủy ban Nobel, John Steinbeck được trao giải Nobel Văn học năm 1962 vì những tác phẩm văn xuôi hiện thực chủ nghĩa và thơ ca kết hợp nhuần nhuyễn tính hài hước phê phán nhẹ nhàng với cái nhìn xã hội sắc sảo. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lớn về cuộc Đại Suy Thoái ở Mỹ, nhưng vẫn phản ánh niềm hi vọng của những người bị áp bức vào tương lai tốt đẹp hơn và xác định vai trò của họ trong sự phát triển xã hội.

Vào ngày 20/12/1968, đại văn hào của nước Mỹ John Steinbeck đã qua đời tại thành phố New York, hưởng thọ 66 tuổi.

“Chùm nho phẫn nộ” đã được Tạp chí Time của Mỹ bình chọn trong danh sách 100 cuốn tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 tới nay. Năm 1940, tác phẩm này đã được hãng 20th Century-Fox chuyển thể thành phim. Bộ phim cũng thành công vang dội khi đoạt 2 giải Oscars và được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại của Mỹ.

Theo NGUYỄN QUỐC

Tags: , , ,