Chùm ảnh: Văn hóa xăm Nhật Bản – giữa kỳ thị và phản kháng

Bất chấp định kiến tiêu cực của xã hội về việc xăm mình, nhiều người Nhật bày tỏ niềm đam mê với loại hình nghệ thuật này bằng những tác phẩm tô vẽ trên chính cơ thể họ.

Tại Nhật Bản, việc xăm mình có lịch sử bị kỳ thị trải dài suốt gần 400 năm. Định kiến tiêu cực của phần lớn người dân Nhật Bản đối với loại hình nghệ thuật này xuất phát từ các giá trị của Nho giáo về lòng hiếu thảo. Theo đó, con người phải tránh gây thương tích lên cơ thể mà cha mẹ đã ban cho.

Ở xứ sở hoa anh đào, hình xăm thường được gán cho mối liên hệ với tội ác và những hoạt động của các băng đảng phi pháp như yakuza. Những người sở hữu hình xăm bị cấm đến các spa, khu nghỉ dưỡng suối nước nóng, một số bãi biển, thậm chí một số phòng tập thể dục và hồ bơi cũng không đón khách xăm mình.

Trong những năm gần đây, cộng đồng những người yêu mến nghệ thuật xăm mình tại Nhật Bản ngày càng phát triển, cả về số lượng lẫn lòng nhiệt thành đối với loại hình này. “Ngôi nhà của bạn có thể cũ đi, bố mẹ bạn có thể già yếu và qua đời, người yêu có thể chia tay bạn, con cái có thể rời đi khi đã trưởng thành. Nhưng hình xăm sẽ theo bạn cho đến khi về với đất hoặc được hỏa táng. Đó là ma lực của hình xăm”, nữ nghệ nhân 52 tuổi Shodai Horiren chia sẻ.

Những người theo đuổi văn hóa xăm mình hy vọng sự có mặt của những vận động viên và khách du lịch phương Tây đến Nhật Bản để tham dự Thế vận hội Tokyo vào năm 2021 sẽ phần nào giảm bớt định kiến của xã hội nước này về nghệ thuật xăm mình. Theo bà Horiren, trong khi những cầu thủ bóng rổ và ngôi sao nhạc rock nước ngoài luôn tự tin phô diễn hình ảnh được tô vẽ bằng mực trên cơ thể, các võ sĩ tại Nhật Bản thậm chí còn dùng phấn nền để che đi hình xăm.

“Một số người phủ mực lên cơ thể vì những lý do sâu sắc, nhưng tôi chọn xăm mình vì yếu tố thẩm mỹ, tương tự như việc của một chiếc áo xinh xắn vậy”, bà Mari Okasaka, 48 tuổi, chia sẻ.

Các tín đồ xăm mình tại Nhật Bản cũng dần trở nên cởi mở hơn. Họ gặp gỡ nhau tại các bữa tiệc lớn để giao lưu và chia sẻ về những hình vẽ trên cơ thể của nhau.

“Chúng tôi có thể có hình xăm nhưng chúng tôi là những người vui vẻ và yêu đời,” người tổ chức sự kiện kiêm công nhân thu gom phế liệu Hiroyuki Nemoto nói.

Bất chấp sự nở rộ của loại hình nghệ thuật phủ mực trên cơ thể, những người sở hữu hình xăm tại Nhật Bản vẫn chịu nhiều ánh nhìn kỳ thị từ gia đình và xã hội. Rie Yoshihara, làm việc trong một cửa hàng bán quần áo kimono cho khách du lịch, cho biết cha cô đã bày tỏ sự ngạc nhiên và không hài lòng khi nhìn thấy những hình xăm phủ kín trên lưng con gái.

Vận động viên lướt sóng kiêm nhà sản xuất chương trình truyền hình Takashi Mikajiri cho biết ông thường bị chặn lại và yêu cầu che hình xăm trên cơ thể khi xuất hiện tại các bãi biển công cộng. “Ở Mỹ, chẳng ai thực sự quan tâm nếu bạn sở hữu hình xăm cả”, ông Mikajiri nói.

Không chỉ Nhật Bản, nhiều nước châu Á khác bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có ánh nhìn không thiện cảm đối với việc xăm mình.

Bất chấp những định kiến với lịch sử kéo dài hàng trăm năm, các tín đồ xăm mình tại Nhật Bản vẫn luôn thể hiện sự nhiệt thành đối với loại hình này một cách bền bỉ, tương tự như sự tồn tại của những hình xăm trên cơ thể họ.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / REUTERS

Tags: , ,