Chùm ảnh: Tượng đài Mẹ Tổ quốc – biểu tượng đức tin của nước Nga

Tượng đài Mẹ Tổ quốc gắn liền với Trận Stalingrad có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhắc người Nga về những hy sinh xương máu của cả một lớp người đã ngã xuống để gìn giữ mảnh đất quê hương.

Chùm ảnh: Tượng đài Mẹ Tổ quốc – kỳ quan lịch sử của nước Nga

Hơn 6 năm sau ngày lần đầu tiên đưa con người vào vũ trụ, người Nga lại tiếp tục khiến thế giới phải ngưỡng mộ khi tạo nên tượng đài Mẹ Tổ quốc vào năm 1967, công trình tượng đài phi tôn giáo lớn nhất thế giới.

Tượng đài Mẹ Tổ quốc tại thành phố Volgograd (trước là Stalingrad) có lý do ra đời rất đặc biệt. Đồi Mamayev, nơi tượng đài tọa lạc, là địa điểm diễn ra Trận Stalingrad – một trong những trận đánh ác liệt và đẫm máu nhất trong Thế chiến II. Ngọn đồi này là một cao điểm quan trọng, mắt xích then chốt nhất trong phòng tuyến bảo vệ thành phố Stalingrad khi đó.

Năm 1942, phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô giao tranh tại đồi Mamayev, với mục tiêu giành được chiến thắng để tạo bước ngoặt quan trọng trong cả cuộc chiến. Từ ngày 17/7/1942 tới 2/2/1943, gần 3 triệu người của cả hai phe tham gia giao tranh quanh khu đồi Mamayev và thành phố Stalingrad. Sau khi chiến cục ngã ngũ với thắng lợi thuộc về Hồng quân Liên Xô, tổn thất về người của cả hai bên lên tới gần hai triệu người, tức là khoảng 2/3 số binh sĩ tham chiến.

Thắng lợi của Hồng quân tạo nên một bước ngoặt làm xoay chuyển cục diện của Thế chiến II, đồng thời đánh dấu thất bại nặng nề nhất của phát xít Đức. Hai năm rưỡi sau đó, người Nga giành chiến thắng trong cả cuộc chiến khi tiến về giải phóng Berlin buộc phát xít Đức phải đầu hàng.

Ý tưởng xây dựng một tượng đài lớn để tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại được người Nga nhen nhóm ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, phải mất 22 năm thì ý tưởng này mới trở thành hiện thực. Ngày 15/10/1967, tượng đài Mẹ Tổ quốc sừng sững ngự trên đỉnh đồi Mamayev sau một quá trình được thai nghén và xây lắp công phu bởi những bộ óc xuất sắc.

Tượng đài Mẹ Tổ quốc là một tổ hợp nhiều tác phẩm điêu khắc, với trung tâm là bức tượng Mẹ Tổ quốc cao 85 m (tính từ mũi kiếm trên tay trái của bức tượng tới bệ tượng). Phần tượng mô tả bà mẹ Nga cao 52 m, phần thanh kiếm dài 33 m. Để đi từ chân đồi lên bức tượng khổng lồ, người ta sẽ phải bước qua 200 bậc thang, tượng trưng cho 200 ngày khốc liệt của Trận Stalingrad.

Nhà điêu khắc chính trong công trình tượng đài Mẹ Tổ quốc là Yevgeny Vuchetich, cha đẻ của nhiều tác phẩm điêu khắc nổi tiếng khác. Ông đã dựa vào hình dáng của Valentina Izotova, một nữ công dân của thành phố Volgograd, để tạo nên bức tượng trung tâm của tổ hợp tượng đài. Bức tượng khắc họa một người mẹ trong tư thế tiến lên phía trước, với thanh kiếm trong tay, tượng trưng cho lời kêu gọi của Tổ quốc thúc giục những người con ra mặt trận đánh đuổi quân thù. Chính vì thế mà bức tượng khổng lồ này còn có tên gọi khác tạm dịch là Tiếng gọi Tổ quốc.

Nguyên mẫu Izotova được lựa chọn bởi Lev Maistrenko, một nghệ sĩ làm việc tại Volgograd đầu những năm 60 thế kỷ trước. Suốt một thời gian dài sau khi tượng đài Mẹ Tổ quốc được khánh thành, Izotova vẫn được những người xung quanh nhận ra vì những nét tương đồng với bức tượng khổng lồ. Cũng có nguồn tin cho rằng Vuchetich còn lấy một phần cảm hứng từ bức tượng thần chiến thắng Samothrace của Hy Lạp.

Trong khi đó, người chịu trách nhiệm về kết cấu của công trình điêu khắc bằng bê tông cốt thép nặng tới 7.900 tấn là kỹ sư Nikolai Nikitin, người thiết kế nên tháp truyền hình Ostankino ở thủ đô Moskva (từng là công trình cao nhất thế giới từ năm 1967 tới 1976). Cũng giống như tháp Ostankino, tượng đài Mẹ Tổ Quốc được buộc bằng các dây thép ở bên trong, rồi được dựng trên một phần móng không lớn, theo kiểu của một tòa tháp.

Dưới sự chỉ đạo của Nikolai Nikitin, bức tượng trung tâm được lắp ráp từ các khối bê tông cốt sắt riêng biệt. Trong khi đó, các bộ phận lớn và phức tạp như phần đầu hay phần tay được lắp riêng dưới đất, sau đó được đưa lên lắp ghép bằng cần cẩu.

Nikitin cùng với Vuchetich và các cộng sự đã cùng nhau tạo nên một công trình vĩ đại được bình chọn là một trong 7 kỳ quan của nước Nga. Một tổ hợp điêu khắc kỳ vĩ đã được dựng lên trên nền đất từng thấm đẫm máu người, nơi mà chẳng loại cây cỏ nào mọc được vì những mảnh đạn vẫn còn dày đặc suốt một thời gian dài sau chiến tranh. Chính niềm tự hào về tổ hợp tượng đài này đã khiến tỉnh Volgograd quyết định đưa hình ảnh tượng đài vào lá cờ và huy hiệu của mình.

Ngoài việc được coi là ngôi mộ tập thể của hàng triệu người Nga đã ngã xuống trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, khu vực tượng đài Mẹ Tổ quốc còn là nơi yên nghỉ của không ít nhân vật lỗi lạc. Nguyên soái Vasily Ivanovich Chuikov lừng lẫy của nước Nga được chôn cất tại đây. Ông chính là người đóng vai trò cố vấn chính của Khu tưởng niệm chiến thắng Stalingrad, bao gồm tổ hợp tượng đài Mẹ Tổ quốc. Vasily Zaytsev, tay súng bắn tỉa thiện xạ của Hồng quân Liên Xô, người đã tiêu diệt 242 lính Đức trong Trận Stalingrad cũng yên giấc ngàn thu tại đồi Mamayev, dưới chân bức tượng khổng lồ.

Thế chiến II đã đi qua được hơn 7 thập kỷ nhưng những ký ức đau thương của nó vẫn hằn sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ người Nga. Trong dòng ký ức ấy, tượng đài Mẹ Tổ quốc gắn liền với Trận Stalingrad có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhắc người Nga về những hy sinh xương máu của cả một lớp người đã ngã xuống để gìn giữ mảnh đất quê hương.

Vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 hàng năm, một biển người lại đổ về chân bức tượng khổng lồ trên đồi Mamayev ở thành phố Volgograd để đặt những bó hoa tưởng niệm. Họ trầm trồ chiêm ngưỡng kỳ quan điêu khắc vĩ đại tại nơi từng là trận địa khốc liệt nhất Thế chiến II, và nhớ về những người đã ngã xuống.

Tượng đài Mẹ Tổ quốc thực sự trở thành một biểu tượng của tinh thần Nga, tính cách Nga, ý chí Nga.

Theo VNEXPRESS

Tags: , , , , ,