Chùm ảnh: Trường Dục Thanh – nơi nhà giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học

Trong thời gian làm giáo viên ở trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn.

Nằm ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Trường Dục Thanh hay Dục Thanh Học hiệu (Dục Thanh là viết tắt của Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một di tích lịch sử đặc biệt gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng thời trẻ của Bác Hồ.

Ngôi trường này do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ.

Tháng 8/1910, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành được ông nghè Trương Gia Mô – vốn là bạn đồng liêu cũ của cụ Nguyễn Sinh Sắc – giới thiệu đến Phan Thiết dạy học tại ngôi trường này.

Trong thời gian dạy ở trường, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn, ngoài ra còn kiêm nhiệm môn thể dục.

Ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh.

Đến tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn với giấy thông hành tên Văn Ba do các cụ Trần Lệ Chất và Hồ Tá Bang lo giúp. Ngày 05/6/1911, Người rời cảng Nhà Rồng để ra đi tìm đường cứu nước. Vì nhiều lý do khác nhau mà trường Dục Thanh đóng cửa vào năm 1912.

Di tích Trường Dục Thanh hiện tại là công trình được phục dựng theo mô tả của các học trò cũ của trường vào thời điểm thầy giáo Nguyễn Tất Thành tham gia giảng dạy.

Công trình kiến trúc nguyên bản duy nhất còn tồn tại của ngôi trường lịch sử này là giếng nước mà nhà giáo Nguyễn Tất Thành lấy nước tưới cây mỗi ngày.

Vào năm 1986, trường Dục Thanh đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , , , ,