Chùm ảnh: Nơi vinh danh những liệt sĩ ngã xuống ở Gạc Ma 1988

Việc xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là nguyện vọng tha thiết của thân nhân các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma, cũng như của nhân dân cả nước.Chùm ảnh: Nơi vinh danh những liệt sĩ ngã xuống ở Gạc Ma 1988

Nằm ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là là một địa chỉ tâm linh đặc biệt, khơi dậy ý thức công dân về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong mỗi người Việt Nam.

Được xây dựng nhằm tri ân 64 anh hùng, liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma năm 1988, Khu tưởng niệm bắt đầu khởi công từ năm 2015, chính thức khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 15/7/2017, nhân lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam.

Khu tưởng niệm có khuôn viên rộng 2,5 ha, gồm 2 phần chính: Phần tượng đài Bảo tàng ngầm. Trong đó phần tượng đài mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là trái tim của Khu tưởng niệm.

Hình tượng bao quát của tượng đài là “Vòng tròn bất tử” cao 15,15m, tượng trưng cho thời khắc 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Trong Vòng tròn bất tử là cụm tượng các chiến sĩ Gạc Ma làm từ những phiến đá granite nguyên khối nặng hơn 14 tấn, cao 12 m, ngang 12 m, gồm 9 hình tượng khác nhau.

Hình tượng người chiến sĩ được tạo tác với những mảng khối rắn rỏi, thể hiện tinh thần hiên ngang bất khuất của những người con sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Phía sau tượng đài có lối dẫn xuống bảo tàng ngầm, là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma.

Bên trong bảo tàng nhiều di ảnh, bút tích của các chiến sĩ, cũng như diễn biến trận chiến rạng sáng 14/3/1988 và những tư liệu lịch sử về biển đảo Việt Nam được trưng bày.

Trung tâm bảo tàng là không gian tưởng niệm với hình ảnh, tên tuổi, quê quán của 64 chiến sĩ được khắc tạc trên hai bức tường đá hoa cương, ở giữa là hình ảnh đảo Gạc Ma cùng thông điệp “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Toàn bộ khu nhà bảo tàng bao quanh một khoảng sân tròn, giữa sân là một hồ nước tượng trưng cho Biển Đông. Trong hồ nước có 64 đóa hoa phong ba – tượng trưng cho 64 chiến sĩ Gạc Ma – tạo thành ba vòng tròn bao bọc lấy quốc kỳ Việt Nam.

Từ bảo tàng ngầm đi về phía sau có đài tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma, là nơi du khách dâng hương khi đến Khu tưởng niệm.

Trung tâm của đài tưởng niệm là tấm bia khắc ghi họ, tên, quê quán của các chiến sĩ.

Công trình phía trong cùng của Khu tưởng niệm là quảng trường Hòa Bình với tầm nhìn hướng về phía Biển Đông, tượng trưng cho ước nguyện hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Ngoài các hạng mục chính, Khu tưởng niệm còn có hệ thống cây xanh, thảm cỏ và ánh sáng được chăm chút kỹ lưỡng.

Ngược dòng lịch sử, vào sáng 14/3/1988, khi các chiến sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma – Len Đao – Cô Lin thì Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản.

Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi bảo vệ chủ quyền. Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị bắn cháy, chìm vào sáng 15/3/1988.

Chùm ảnh: Nơi vinh danh những liệt sĩ ngã xuống ở Gạc Ma 1988

Cuộc chiến không cân sức làm 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma, 9 người bị Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm từ đó.

Việc xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là nguyện vọng tha thiết của thân nhân các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma, cũng như của nhân dân cả nước.

Khu tưởng niệm sẽ tạo không gian cộng đồng cho cựu binh và thân nhân liệt sĩ Trường Sa, người dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài tới tưởng niệm.

Bên cạnh đó, đây còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ tổ quốc đầy ý nghĩa cho thế hệ trẻ.

Theo KIẾN THỨC

 

Tags: , , , ,