Chủ nghĩa xã hội trong tôi là gì?

Tôi tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa xã hội, hay ít ra là có tư tưởng thiên về chủ nghĩa xã hội. Lý do ban đầu tôi trở nên “màu đỏ” có lẽ là vì kết quả của sự “nhồi sọ”, “tẩy não” qua 12 năm học “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”.

Tác giả: Nguyễn Hữu Bảo Trung.

Nhưng đến thời điểm này, sau khi đã tiếp xúc với một số luồng suy nghĩ và thông tin khác nhau, tôi có thể khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội là một lý tưởng mà tôi đã tự mình lựa chọn, nếu không phải là với tư cách một triết lý rõ ràng, thì ít ra cũng là với tư cách một niềm tin và mơ ước. Trong bài này tôi xin trình bày một số suy nghĩ lặt vặt của bản thân mới nảy ra trong thời gian gần đây. Bài viết chủ yếu nhằm mục đích viết suy nghĩ thành lời, chứ không phải nhằm tranh luận hay chứng minh điều gì cả.

Chủ nghĩa xã hội và thư viện

Vài tháng trước, trong một lần đi chơi với bạn bè, tôi có tình cờ bắt gặp một “thư viện cộng đồng” trong một khu mua sắm tại Nhật Bản. Đó là nơi những người dân trong vùng đã tự nguyện đem những cuốn sách của mình góp lại và tạo nên một phòng đọc sách tự do. Ở đó tất cả mọi người đều có thể đến để góp sách, đọc sách và mượn sách. Tôi cũng không để ý thấy có ai làm nhiệm vụ quản lý cả. Khi nghe thầy giáo người Nhật của tôi giới thiệu như vậy, tôi đã buột miệng nói rằng, “đây chính là chủ nghĩa xã hội”, và thầy tôi cũng tán thành mà nói rằng “đúng là nó rất có tính xã hội”. Nó cũng làm cho tôi nhớ đến phòng đọc mở do những đồng chí tôi quen thời sinh viên xây dựng và vận hành tại địa chỉ 39 Lý Thường Kiệt (Hà Nội), dành cho những người có hứng thú với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và chính trị nói chung.

Chuyển sang một câu chuyện khác, gần đây tôi cũng lại tình cờ xem một chương trình truyền hình trên VTV về một ngôi làng nào đó ở Việt Nam mà người dân và nhất là học sinh lập nên đội tự nguyện làm vệ sinh môi trường làng, với một lý do rất đơn giản: “làng chúng tôi thì chúng tôi quét”. Không ai trả công cho họ, và cũng không ai bắt ép hay quản lý họ cả. Nó cũng giống như nhóm tình nguyện viên thu nhặt rác quanh Hồ Gươm mà một thầy giáo người Nhật khác của tôi là thành viên thường xuyên. Họ làm việc đó đều đặn hàng tuần cho đến nay chắc ít nhất cũng đã 5 năm, thi thoảng còn rủ nhau cùng đi du lịch, và thành viên thì có từ trẻ con bé tí cho đến các cựu thanh niên xung phong đầu đã bạc tóc.

Trở lại đề tài chính, nếu nhìn theo tiêu chí “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, và giới hạn phạm vi chỉ trong lĩnh vực đọc sách ở câu chuyện đầu và vệ sinh môi trường ở câu chuyện sau, thì cả hai ví dụ đều có thể được xem là biểu hiện của chủ nghĩa xã hội. Trong ví dụ đầu, tất cả mọi người đều được tự do lựa chọn có góp sách hay không, góp bao nhiêu, góp sách gì (làm theo năng lực). Đồng thời tất cả mọi người đều có thể tự do đến đọc và mượn sách (hưởng theo nhu cầu). Trong ví dụ sau, ít ra ở trường hợp nhóm nhặt rác Hồ Gươm, mọi người cũng đều được tự do lựa chọn có tham gia không, tham gia đều đặn ở mức nào, và làm việc đến mức nào (làm theo năng lực). Trong khi đó, tất cả mọi người đều có thể được hưởng một môi trường sạch đẹp chung như nhau (hưởng theo nhu cầu).

Như vậy, khẩu hiệu quen thuộc của chủ nghĩa xã hội mà nhiều người chế giễu là phi hiện thực và “đã bị vứt vào sọt rác từ lâu”, trong thực tế ở một hình thức này hay hình thức khác, và ở một phạm vi hạn hẹp hơn, vẫn đang diễn ra hàng ngày. Tất nhiên, điều đó không minh chứng cho việc một cộng đồng xã hội chủ nghĩa lý tưởng như nhiều người vẫn nghĩ tới có thể được xây dựng thành công ở thời điểm hiện tại. Nhưng ít nhất nó cho thấy chủ nghĩa xã hội, ở một dạng nhất định nào đó, không phải là điều bất khả thi về nguyên lý. Vậy điều gì đã dẫn đến thành công của những mô hình “chủ nghĩa xã hội” như trên?

Lý do trước hết rõ ràng nằm ở mức độ quan trọng của thành quả làm ra. Dù cho thư viện cộng đồng có biến mất hay đường làng với Hồ Gươm có không được quét dọn, thì mọi người cũng sẽ chỉ thấy bất tiện hay khó chịu, chứ cuộc sống về cơ bản không bị ảnh hưởng lớn. Ngược lại, nếu nền kinh tế của một xã hội ngưng sản xuất hay sản xuất không đủ đáp ứng những nhu cầu ăn mặc ở cơ bản của các thành viên thì sẽ là cả một thảm họa cho toàn xã hội đó. Bởi vậy, nếu suy nghĩ một cách bình thường chúng ta sẽ thấy việc để cho mọi người trong xã hội tự do quyết định có lao động hay không và lao động bao nhiêu, trong khi vẫn được nhận lại theo nhu cầu là một điều nguy hiểm và khó có thể duy trì được lâu dài.

Lý do tiếp theo nằm ở giá trị lao động mà mỗi người cảm thấy mình đang bỏ ra. Những cuốn sách được góp vào thư viện cộng đồng kia hầu hết là sách cũ. Thêm vào đó giá trị của một cuốn sách nằm chủ yếu ở thông tin chứa trong nó, chứ không phải nằm ở bản thân việc sở hữu cuốn sách. Và do đó đối với những người góp sách, việc cho đi cuốn sách không phải là một tổn thất đáng kể. Đối với nhóm nhặt rác, tôi không dám nói rằng sức lao động họ bỏ ra là nhỏ bé, nhưng họ chỉ làm một tuần một lần, trong một khoảng thời gian vài tiếng đồng hồ. Nếu đem điều đó so với lượng lao động mỗi người trong xã hội hiện nay phải bỏ ra để có cơm ăn áo mặc hàng ngày thì rõ ràng có một khoảng cách rất lớn. (Chú ý rằng “lượng lao động” ở đây mang tính tương đối: một nhà tỷ phú có thể dễ dàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để làm từ thiện, nhưng một người nông dân bình thường thì một vài triệu đã là to.)

Hai điều trên dẫn chúng ta đến một tiền đề đã được Karl Marx đưa ra làm điều kiện dẫn đến chủ nghĩa xã hội: ấy là khi lực lượng sản xuất phát triển đến mức độ cao, lượng của cải sản xuất trên lượng lao động bỏ ra trở nên rất lớn, khiến cho con người có thể vô cùng dễ dàng đáp ứng được nhu cầu hàng ngày của bản thân, và lao động trở thành một nhu cầu chứ không phải một gánh nặng bắt buộc nữa. Tuy rằng tại hầu như tất cả các cộng đồng người hiện nay điều này vẫn chưa thể đạt được, nhưng nếu nhìn vào lịch sử, có thể thấy rằng năng suất lao động của con người nhìn chung là tăng liên tục và gần đây có xu hướng tăng nhanh hơn. Chúng ta ngày càng làm việc ít giờ hơn, trong khi đó lại hưởng một mặt bằng mức sống ngày càng cao hơn. Cá nhân tôi tin rằng việc đạt tới ngưỡng năng suất cần thiết cho việc hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội ở quy mô quốc gia là điều không sớm thì muộn.

Chúng ta đứng ở thời điểm hiện tại, trong môi trường hiện tại, quen với năng suất lao động hiện tại của con người, thì có thể thấy rằng việc “làm cho thằng khác ăn” là một cái gì đó rất ngớ ngẩn và phi lý. Nhưng chúng ta cũng đồng thời đang làm điều tương tự, tuy rằng ở một quy mô nhỏ hơn nhiều, thông qua các hoạt động từ thiện và tình nguyện. Nếu như tưởng tượng rằng trong tương lai, khi mỗi người chỉ cần bỏ ra một lượng lao động tương tự như một buổi đi thu gom rác mỗi tuần hiện nay là đã có thể tạo ra đủ của cải cho bản thân trong vòng một tháng, thì có lẽ chủ nghĩa xã hội sẽ mang màu sắc hiện thực hơn nhiều. Điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu như xu hướng tự động hóa vẫn tiếp diễn như ngày nay.

Chủ nghĩa xã hội và ích kỷ

Hiện tại, có một lý do rất thường được đưa ra để phủ nhận tính thực tế của chủ nghĩa xã hội, ấy là “bản năng ích kỷ của con người” sẽ khiến cho mọi người lợi dụng khẩu hiệu kia, chỉ hưởng mà không làm, dẫn đến hệ thống sụp đổ. Tôi xin hỏi ngược lại, vậy tại sao tất cả mọi người trong xã hội hiện nay đều không cùng đồng loạt cướp bóc chém giết lẫn nhau? Tại sao con người chúng ta lại tạo nên xã hội, luật pháp, nhà nước? Tại sao lại vẫn có những thư viện cộng đồng mở và những nhóm tình nguyện viên như tôi và chúng ta đều đã thấy?

Bản thân tôi là người hoàn toàn ủng hộ việc theo đuổi lợi ích cá nhân, nếu không muốn nói là tôi nghĩ mỗi người nên đặt lợi ích bản thân lên hàng đầu. Nhưng có hai điểm những người đưa ra lý luận trên dường như chưa tính đến. Thứ nhất, lợi ích của con người mang tính chủ quan, và không phải bao giờ cũng là vật chất hay hữu hình. Thứ hai, nếu một người nhận ra rằng việc tự nguyện đóng góp theo lý tưởng của chủ nghĩa xã hội đem lại lợi ích lớn nhất cho mình, thì khi đó chủ nghĩa xã hội và sự ích kỷ của cá nhân không còn mâu thuẫn nữa.

Đối với điểm thứ nhất, ngay từ xa xưa giá trị mà lao động của con người đem lại đã không chỉ thuần túy ở của cải vật chất làm ra. Việc cảm thấy rằng mình đang làm một việc gì đó có ý nghĩa, rằng mình đang làm thay đổi được thế giới, rằng mình đang trưởng thành và phát triển trong tư cách một con người,… tự bản thân nó đã mang lại một lợi ích về mặt tinh thần, mà đối với nhiều người là rất quan trọng. Đó là chưa kể, con người là một sinh vật có tính xã hội, và do đó việc cảm thấy rằng mình đang được xã hội chấp nhận, rằng mình đang là một phần của một cái gì đó to lớn hơn, cũng là một nguồn động lực lớn không thể bỏ qua.

Đối với những người xây dựng thư viện và thu nhặt rác nói trên, chỉ cần nhu cầu sống cơ bản không bị ảnh hưởng, thì tự bản thân những việc họ làm đã đủ mang lại lợi ích mà không cần bất cứ sự đền bù nào khác. Lợi ích ấy cụ thể ấy là gì thì tùy thuộc vào giá trị quan của mỗi người. Vì vậy, có thể nói rằng những người làm từ thiện hay tình nguyện đều làm vậy đơn giản vì họ cảm thấy những việc ấy đem lại cho họ lợi ích lớn hơn công sức bỏ ra. Nói cách khác, họ đều “ích kỷ” cả. Tương tự như vậy, trong một xã hội tương lai, khi mà lượng của cải vật chất làm ra trở nên thừa thãi, thời gian lao động cần thiết trở nên ngắn ngủi, và việc hưởng thụ đơn thuần trở nên nhàm chán, thì nhu cầu của con người cũng sẽ chuyển dần từ lợi ích vật chất sang những lợi ích tinh thần khác mà lao động mang lại. Khi đó, chính sự “ích kỷ” sẽ thúc đẩy con người làm việc dù không được trả công, chỉ để đi tìm sự thỏa mãn trong lao động và sản phẩm mình làm ra.

Về điểm thứ hai, tất cả các xã hội loài người từ trước đến nay đều tồn tại và hoạt động dựa trên tiền đề là mỗi cá nhân sẽ cảm thấy việc sống trong xã hội và tuân thủ các nguyên tắc thành văn lẫn bất thành văn của xã hội đem lại lợi ích to lớn cho bản thân hơn việc sống đơn độc một mình hay có các hành vi vụ lợi phản xã hội như giết người, trộm cướp, lừa đảo,… Dù đôi khi những quy định và nguyên tắc của xã hội khiến chúng ta cảm thấy mất tự do, và vẫn có một tỷ lệ những cá nhân phản xã hội, nhưng nhìn chung tuyệt đại đa số con người vẫn muốn hy sinh một phần tự do cá nhân để duy trì một xã hội hợp tác và ổn định ở mức độ nhất định hơn là sống trong một sự hỗn loạn mạnh ai người nấy tự lo lấy thân.

Điều tương tự chắc chắn cũng sẽ diễn ra nếu như chủ nghĩa xã hội minh chứng được lợi ích to lớn mà nó đem lại đối với đại đa số các cá nhân trong xã hội so với những mô hình đang có. Lợi ích to lớn đó sẽ không đến từ lượng của cải vật chất được làm ra, mà chủ yếu đến từ lợi ích về mặt tinh thần, khi con người cảm thấy được kết nối với lao động, thấy được niềm vui trong lao động và sáng tạo, thay vì bị buộc phải lao động chỉ để sinh tồn. Khi đó, mọi người sẽ vì cái “ích kỷ” của bản thân mà cùng hợp tác để xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội như chúng ta đang bảo vệ xã hội hiện nay vậy.

Chủ nghĩa xã hội và tôi

Đến đây, tôi lại tự hỏi rằng “thế rốt cuộc chủ nghĩa xã hội nó là cái gì vậy?”. Nói một cách thẳng thắn, cá nhân tôi vẫn chưa có một mô hình kinh tế và xã hội cụ thể của chủ nghĩa xã hội. Những gì tôi đọc về chủ nghĩa xã hội và Karl Marx vẫn còn rất ít, phần lớn vì tôi không đọc nổi những triết lý quá trừu tượng và khó hiểu mà không phải do mình viết ra. Tôi cũng không quan tâm đến chuyện chủ nghĩa xã hội nó phải là như thế nào mới “đúng kiểu”, phải là như thế nào mới là “Mác Lê”. Đối với tôi, chủ nghĩa xã hội là một lý tưởng mà tôi hướng đến, tương tự như việc những người tu theo đạo Phật hướng tới một sự “giải thoát” mà bản thân họ cũng chẳng ai biết được cụ thể nó như thế nào cho đến khi họ đạt được. Những tư tưởng và lý thuyết về chủ nghĩa xã hội của những người đi trước, trong đó có Karl Marx, chỉ đóng vai trò là nguồn cảm hứng và nguồn ý tưởng tham khảo mà thôi.

Trong cái lý tưởng còn mù mờ mà tôi hướng đến ấy, có một số điểm mà tôi đã xác định khá rõ ràng. Chủ nghĩa xã hội trong tôi, trước hết, là một môi trường mà trong đó từng người lao động đều làm chủ, và cảm thấy được làm chủ, đối với lao động của bản thân. Điều đó rất có thể sẽ được thực hiện thông qua một mô hình hợp tác xã, trong đó sở hữu đối với mọi tư liệu sản xuất là sở hữu chung của mọi thành viên trong hợp tác xã, và các thành viên hợp tác với nhau dựa trên các mối quan hệ dân chủ, bình đẳng và tự nguyện. Điều này là hoàn toàn có thể thực hiện được ngay tại thời điểm hiện tại, với minh chứng là các hợp tác xã sản xuất, nhà ở và tiêu dùng đang phát triển và thành công trên thế giới, ở Việt Nam và nhất là ở cả những nước kinh tế phát triển cao như Mỹ hay Nhật Bản.

Bên cạnh việc làm chủ theo nghĩa đen đối với tư liệu sản xuất, còn là cảm giác được làm chủ về mặt tinh thần đối với lao động và sản phẩm của bản thân. Sự “làm chủ” ở đây còn có thể được hiểu là sự “có trách nhiệm”, cũng đồng nghĩa với một cảm giác “tự do”, hay còn có thể nói là “được là chính mình”. Người lao động thực sự cảm thấy mình đã tự do lựa chọn công việc mình đang làm, cảm thấy niềm vui và động lực tự nhiên xuất phát từ bản thân nội dung công việc, thay vì cảm thấy bị bắt buộc phải lao động để kiếm sống và tìm kiếm động lực từ lợi ích vật chất mà lao động mang lại. Chỉ khi đó thì con người mới thực sự dành mọi thứ mình có cho lao động, và tiềm năng lẫn sức sáng tạo của họ mới được sử dụng ở mức cao nhất.

Tất nhiên, điều này không phải là không thể đạt được ở mức độ nhất định trong một môi trường làm việc phi xã hội chủ nghĩa, và thực tế là ngay đến giới chủ tư bản ở các nước Âu Mỹ gần đây cũng phải công nhận và tìm cách khích lệ “tính làm chủ” (ownership) trong những người làm thuê cho mình. Nhưng thực tế là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, dựa trên mối quan hệ chủ tư bản – người làm thuê, tự nó về nguyên lý đã không khuyến khích và nhiều khi là làm thui chột đi tinh thần làm chủ của những người lao động. Đơn giản vì vai trò của họ trong phần lớn trường hợp thường không có hoặc có rất ít yếu tố “làm chủ”, cả về mặt sở hữu tư liệu sản xuất, ra quyết định sản xuất lẫn phân chia thành quả lao động.

Chủ nghĩa xã hội trong tôi, thêm vào đó, còn là một môi trường mà từng người sẽ có được tự do, và thậm chí là nhận được sự hỗ trợ, để thử nghiệm và sáng tạo trong phạm vi vẫn đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng. Những thử nghiệm và sáng tạo ấy có thể liên quan trực tiếp đến công việc sản xuất của mình, mà cũng có thể hoàn toàn là mang tính cá nhân. Đó có thể đơn giản chỉ là thử sức trong một công việc mới, thử nghiệm một sản phẩm hay phương pháp mới, mà cũng có thể những thí nghiệm khoa học hay sáng tạo nghệ thuật,… Sự “tự do” tôi nói đến ở đây không chỉ là theo nghĩa không bị ai ngăn cấm, mà còn theo nghĩa là có được cơ hội và công cụ để thực hiện, thay vì để cho tiềm năng bị chôn vùi bởi sự thiếu thốn về vật chất hoặc thời gian.

Tuy nhiên trên hết, có lẽ cái tôi hướng đến nhất trong suy nghĩ của mình về chủ nghĩa xã hội, ấy là một môi trường mà trong đó con người được cảm thấy “hoàn toàn”, được “là chính mình” kể cả trong lao động sản xuất lẫn khi tái sản xuất sức lao động, mà có lẽ theo lời Karl Marx thì đó là sự “giải phóng lực lượng sản xuất”. Cá nhân tôi hiểu từ “giải phóng” đó theo một nghĩa trừu tượng và thuộc về mặt tinh thần nhiều hơn là về mặt vật chất thực tế. Tất cả những lý thuyết khác chỉ là con đường để dẫn đến sự “giải phóng” ấy. Và vì một lý do nào đó, tôi cảm thấy rằng những lý thuyết của Marx về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản dường như là con đường đúng đắn nhất. Tôi sẽ, hay ít ra là có mơ ước sẽ sử dụng những lý thuyết ấy, và cả những lý thuyết khác nếu cần, để tìm cách xây dựng nên một “chủ nghĩa xã hội” của riêng mình.

Cái tôi xây dựng nên ấy có được gọi là chủ nghĩa xã hội hay không, là điều tôi không quan tâm lắm.

Theo NGUYENHUUBAOTRUNG.INFO

Tags: ,