Chính quyền Cách mạng đã xóa sổ xe kéo tay thời Pháp thuộc như thế nào?

“Nhiều nước trong Đông Á này, trong đó có Việt Nam ta có cái nghề “người làm ngựa kéo người”, tôi muốn nói cái nghề kéo xe tay. Tai hại của nghề đó về phương diện xã hội và chính trị, không phải là nhỏ, nó đã gây nên cả một chế độ bóc lột tàn ác và dã man giữa chủ, cai và phu xe…”.

Chính quyền Cách mạng đã xóa sổ xe kéo tay thời Pháp thuộc như thế nào?

Theo các tư liệu nhà nghiên cứu Lê Nguyễn nêu trong sách Nhà Nguyễn những vấn đề lịch sử (NXB Công an nhân dân, 2018), xe kéo xuất hiện lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật vào cuối thập niên 1860 như một phương tiện tự chế cho những phú ông không còn đủ sức lực đi bằng chính đôi chân của mình.

Dấu ấn thời Pháp thuộc

Từ cái nôi đó, nó nhanh chóng có mặt tại các nước Trung Quốc, Ấn Độ… và du nhập vào Việt Nam vào những năm 1880. Tại đây, xe kéo tên tiếng Anh là rickshaw được thực dân Pháp chuyển ngữ gọi thành pousse – pousse. Kể từ đây, Hà Nội và các tỉnh phụ cận hình thành một đội ngũ những người công nhân được người Việt gọi là phu kéo xe, còn thực dân Pháp gọi là coulies – pousse.

Có tư liệu cho rằng việc nhập xe kéo vào Việt Nam là sáng kiến của một viên chức Pháp tên là Boannal, sau là Thống sứ Bắc kỳ (1886-1887). Lúc đầu, việc khai thác loại phương tiện này được dành độc quyền cho những người có “máu mặt”, song tại Hà Nội, việc độc quyền này bị bãi bỏ từ ngày 31/12/1890.

Cũng từ ấy, người ta ít thấy nhưng chiếc xe tồi tàn, những bác phu xe ăn mặc nhếch nhác. Thay vào đó, là những chiếc xe mới tên là Les Tonkinois, cao ráo, bánh sơn đỏ, thùng xe sơn xanh, có một ô sơn trắng để kẻ tên và số đăng ký màu đỏ. Những nhà giàu có sắm hẳn một chiếc xe kéo, nuôi luôn người phu xe trong nhà để điều động mỗi khi cần đi đâu.

Tại Nam Kỳ, xe kéo xuất hiện muộn hơn sau 5 năm. Trong bức thư đề ngày 20/1/1888, một người tên Fabre xin với viên Đốc lý Sài Gòn (thị trưởng) và Hội đồng thành phố cho được khai thác xe kéo tại thành phố. Bức thư cũng cho biết tại Chợ Lớn, một Hoa kiều vừa được viên Đốc lý cho phép khai thác loại xe mới mẻ này. Tháng 3/1888, Hội đồng thành phố quy định giá một cuốc xe là 5 xu, mỗi giờ chạy là 12 xu. Đến tháng 8/1892, một người Nhật tên Tokamath lại được khai thác độc quyền xe kéo trong 4 năm.

Từ đây xe kéo trở thành phương tiện kiếm sống cho nhiều người Việt được xếp vào thành phần coulie (cu-li, phu, người lao động không có tay nghề). Họ cũng bị coi là một trong những giai tầng thấp kém nhất trong xứ thuộc địa và từ cu-li xe kéo khiến nhiều người liên tưởng đến sự dốt nát, nghèo nàn, cùng cực trong xã hội.

Đầu thập niên 1910 những “xe kéo tự động” (pousse – pousse automobiles) ra đời nhưng vẫn không làm mất đi hình ảnh chiếc xe kéo chạy bằng sức người trên đường phố Hà Nội và Sài Gòn. Những năm đầu thập niên 1930, xe xích lô ra đời, nhưng vẫn không thay thế được xe kéo. Lúc này xuất hiện cụm từ “xích lô – xe kéo” để chỉ những người dân ít học, đem mồ hôi đổi lấy miếng cơm. Nhưng năm 1940 trở đi, xe kéo ít nhiều bị mai một song vẫn tồn tại.

Bị loại khỏi đời sống xã hội

Sau Cách mạng tháng Tám, bằng các chính sách tiến bộ, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã loại bỏ và chấm dứt xe kéo, nghề phu xe, dấu ấn của một thời nô lệ. Theo các tài liệu lưu trữ đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quá trình loại bỏ này diễn ra như sau:

Ngày 29/4/1946, Bộ Xã hội đã có Tờ trình Chủ tịch Chính phủ Việt Nam đề cập đến việc phải bỏ nghề phu xe. Văn bản này viết: “Nhiều nước trong Đông Á này, trong đó có Việt Nam ta có cái nghề “người làm ngựa kéo người”, tôi muốn nói cái nghề kéo xe tay. Tai hại của nghề đó về phương diện xã hội và chính trị, không phải là nhỏ, nó đã gây nên cả một chế độ bóc lột tàn ác và dã man giữa chủ, cai và phu xe. Nó chứng tỏ rõ rệt sự phân cấp giữa đồng bào, sự bất bình đẳng giữa người ngồi và người kéo. Hạ mình xuống làm thân bò, thân ngựa người kéo xe cảm thấy tất cả sự đê hèn của mình, không còn biết tự trọng, và nhiều khi làm những việc tổn hại đến luân lý.

Nghề kéo xe lại là một nghề rất vất vả khiến cho người phu xe dễ trở nên là nạn nhân của vi trùng lao. Sau hết về phương diện quốc tế, cái cảnh xe kéo rất có tổn hại cho quốc thể nhất là khi người ngồi trên xe lại là người ngoại quốc.

Bộ Xã hội thiết tưởng cần phải bỏ nghề ấy đi, càng chóng ngày nào càng hay”…

Căn cứ vào đề nghị của Bộ Xã hội, ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 84 quy định: “Bắt đầu từ ngày 01 tháng Giêng năm 1948, tại tất cả các thị xã và các tỉnh lị kể cả ngoại ô trong toàn cõi Việt Nam, cấm các xe kéo (xe tay), bất luận là của chủ cho thuê hay của tư gia, không được chạy nữa. Ngoài các thành phố và tỉnh lị trên đây sẽ thi hành kể từ ngày 01 tháng Giêng năm 1949”.

Tuy nhiên, vì tình thế kháng chiến và tình hình giao thông vận tải đương thời, Bộ Nội vụ nhận thấy hầu hết chủ xe kéo chưa có phương tiện để thay thế những xe kéo tay trước ngày 01/01/1948 nên Bộ Nội vụ đã đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh xét ký gia hạn thêm một năm và cho phép các xe kéo được lưu hành tới 01/01/1949 ở thành phố, tỉnh lị, ngoại ô và từ ngày 1/1/1950 ở thành phố và tỉnh lị.

Ngày 14/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 176 – SL gia hạn thêm một năm hạn cấm chạy xe kéo, xe tay. Việc gia hạn thêm thời gian một năm này, nhằm mục đích cho những tư nhân có xe kéo có đủ thời giờ để chuẩn bị tuân hành và giúp cho giao thông vận tải trong nước hiện thời được thêm phần thuận lợi.

Đây là những văn bản quan trọng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có ý nghĩa chấm dứt hoàn toàn phương tiện “bóc lột sức lao động con người” sau một thời gian dài tồn tại ở Việt Nam.

Theo MINH CHÂU & LUYỆN THỦY / TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , ,