Chiến lược quân sự của Tướng Giáp qua góc nhìn Robert O’Neill

Với cuốn Tướng Giáp – Chính trị gia, chiến lược gia (General Giap Politician and Strategist) xuất bản năm 1969, thiếu tá Hoàng gia Australia Robert O’Neill được xem là người khởi đầu cho xu hướng nghiên cứu lãnh đạo quân sự tối cao của “phía bên kia” trong chiến tranh Đông Dương.Chiến lược quân sự của Tướng Giáp qua góc nhìn Robert O’Neill

Để viết sách, O’Neill đã tham khảo sách của ba mươi tác giả phương Tây và Việt Nam, viết bằng tiếng Pháp, Anh, Việt. Dưới đây là tóm tắt chương 10. “Chiến tranh Đông Dương lần 2”, và một phần chương Kết luận của sách. Các đầu đề nhỏ là của người dịch.

——————————————

Học thuyết về Tổng khởi nghĩa (nguyên văn – tổng nổi dậy / general uprising) trở thành trụ cột trong chiến lược của miền Bắc cho tới 1963, khi ngay cả sự sụp đổ của Diệm không dẫn tới cuộc giành chính quyền của cộng sản, và sự viển vông (nguyên văn: hollowness – trống rỗng) của lý thuyết này đã được chứng thực. Cho dù Đảng Lao Động đặt lòng tin và tổng nổi dậy, và tiếp tục cung cấp các cán bộ và các phương tiện để huấn luyện (học thuyết về Tổng khởi nghĩa) cho những người cách mạng (nguyên văn rebels – nổi loạn) ở miền Nam, họ đã cẩn thận để không ra mặt chống lại người Nga (Khrushev chủ trương hòa hoãn với Mỹ dưới thời tổng thống Kennendy) qua việc không thực hiện thêm bất kì một sự tham chiến trực tiếp nào vào cuộc chiến (ở miền Nam). Sức ép của Trung quốc đòi (Việt Nam) phải tăng cường lực lượng chi viện cho cuộc chiến đã tăng vào năm 1960, đặc biệt trong thời kỳ Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động vào tháng 9 năm đó, nhưng Bộ chính trị (Đảng Lao động VN) đã không đi quá xa khỏi lĩnh vực chính trị – (do Bộ chính trị ) tin tưởng rằng, về căn bản, một sự ủng hộ về chính trị đã là tất cả những gì cần thiết cho phép những người cộng sản Miền Nam thay thế Diệm[1].

Đánh bại chiến tranh cục bộ

… Việc quan điểm Tổng khởi nghĩa rõ ràng đã không thể thành hiện thực[2]  trở thành nhân tố đáng kể làm quyền lực chuyển vào tay Giáp vào năm 1964, cho dù những người cốt cán (của quan điểm Tổng khởi nghĩa ) vẫn cố gắng gia tốc chương trình của Giáp theo hướng phải trải qua đủ ba giai đoạn của cuộc chiến đánh du kích lâu dài. Trong năm 1964, cấp độ của cuộc chiến tranh đã đạt tới mức tác chiến của cấp trung đoàn (Quân giải phóng), với quân số 2000 người, tiến công các đồn bốt và đường giao thông của chính phủ (Sài Gòn). Và tổng lượng vật liệu, thiết bị tiếp tế (cho tác chiến cấp trung đoàn) đâu chỉ còn trông chờ vào đồ chiến lợi phẩm từ các kho của Nam Việt Nam bị đánh chiếm, mà đã được vận chuyển từ miền Bắc. Quân Việt Cộng ở thời kỳ này chủ yếu gồm người miền Nam, đã được biên chế thành một vài khung sư đoàn, trong đó có những đơn vị đã kiện toàn được đủ ba trung đoàn bộ binh.  Các đơn vị chủ lực này được yểm trợ bởi các đơn vị chính quy khác: các tiểu đoàn cơ động của tỉnh, và bởi các đại đội du kích trực thuộc tỉnh, các trung đội du kích cấp xã, và các tiểu đội du kích cấp thôn ấp.

Bối cảnh chính trị hỗn độn ở Sài Gòn kéo theo cuộc đảo chính lật Diệm đã làm suy yếu nặng nề các cố gắng của (chính quyền) Nam Việt Nam, và quân lực Nam Việt Nam – một quân đội chưa từng bao giờ được huấn luyện và tổ chức tốt, bắt đầu sụp đổ (crumble). Chiến thắng đã trở thành một triển vọng rõ ràng đối với phe cách mạng (nguyên văn: insurgents, những người nổi loạn), miễn là viễn cảnh này không kích ứng một cuộc can thiệp tổng lực về quân sự của Mỹ. Giáp dấn lên về nhịp độ hoạt động tác chiến nhằm cắt miền Nam làm đôi để thuận cho giải quyết (giải phóng). Các lực lượng Việt Cộng ở Tây Nguyên bắt đầu mũi thọc từ các dãy núi thuộc cao nguyên Trung phần ra phía bờ biển ở vùng lân cận Pleiku và An Khê – một dàn cảnh mới (tái hiện) nỗ lực chia miền Nam (làm đôi) mà quân Cộng sản đã thực hiện 10 năm về trước (chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954). Nếu Việt Cộng có thể đạt được những thành quả nhanh hơn nữa[3], sẽ xuất hiện thay đổi lớn đến mức việc có đưa một lực lượng lớn quân Mỹ vào tham chiến đi nữa cũng trở nên quá muộn. Tuy nhiên, điều này không đạt được, dù các thành quả của Việt Cộng ngày một cao lên, nhưng chưa đạt được cấp độ làm cho quân đội Nam Việt Nam tan rã tới mức Việt Cộng giành thắng lợi ở thời điểm kết năm 1964. Cùng lúc, các tín hiệu báo nguy đã vang lên trong nhiều cơ quan đầu não ở Washington, và tổng thống Johnson được ủy quyền đưa một số lượng lớn lục quân Mỹ vào giải tỏa tình hình, và tạo cho (chính quyền, quân đội) Nam Việt Nam một chút thời gian để lấy lại hơi sức, Vụ Vịnh Bắc Bộ xảy ra và Bắc Việt Nam trở thành mục tiêu ném bom, không kích dữ dội của Không lực Mỹ. Tới đây, sự sáng suốt trong chiến lược của Giáp về cách tiến hành kháng chiến lâu đài đã rõ nét. Mất cơ hội tốt nhất để giành thắng lợi, Việt Cộng không có gì nhiều để nhìn về phía trước, ngoài một cuộc chiến dằng dai chống lại các lực lượng của Mỹ.

Chiến tranh cục bộ

Giáp tin tưởng rằng Bắc Việt Nam không hoàn toàn bất lợi khi so đọ với Mỹ trong một cuộc xung đột như vậy. Bắc Việt Nam dĩ nhiên yếu hơn Mỹ rất nhiều về mặt phương tiện chiến tranh, về các hệ thống hỏa lực và tiếp tế, nhưng về mặt chính trị, họ (Việt Nam) có một lợi thế nổi trội: năng lực kiểm soát công luận (trong nước, quốc tế). Giáp từng chứng kiến Pháp, bị kéo lê theo (cỗ máy) của  cuộc chiến tranh với Việt Minh năm này qua năm khác, đã ngày một kiệt quệ, còn hôm nay, ông nhận thức đầy đủ rằng các lực lượng ngấm ngầm trong xã hội Mỹ rồi sẽ liên hiệp với nhau để chống lại cuộc viễn chinh dài hạn của quân Mỹ trong một cuộc chiến không có hồi kết. Giáp từng nhấn mạnh niềm tin của ông về lực lượng (tiến bộ) trong công luận (quốc tế nói chung, Mỹ nói riêng) trong sách Thắng lợi to lớn, nhiệm vụ vĩ đại[4]…

Ngoài những gặt hái về chính trị nhờ kháng chiến lâu dài chống một đất nước cho phép được bất mãn công khai với chính sách của chính phủ (Mỹ), điều có vẻ rất gần thực tế là Giáp đã nhận thấy, nhờ kinh nghiệm thời chống Pháp, rằng yếu tố kinh tế sẽ áp đặt những hạn chế ghê gớm đối với sự ủng hộ của Mỹ dành cho chính phủ Nam Việt Nam. Đối với các công dân Mỹ hạng trung, việc ai đang cầm quyền ở nam Việt Nam đâu có được gì hệ trọng đến mức phải cảm thấy bận tâm. Cân nhắc, tinh chỉnh điều này trên cán cân về lực, sẽ nhận thấy dù người Mỹ có chấp nhận (cuộc chiến tranh) về đại thể, nhưng chỉ ở mức độ là cộng đồng dân Mỹ sẽ không phải đáp ứng bất kỳ một gánh nặng tài chính nào nhiều hơn là một sự tăng thuế một vừa hai phải. Bởi vậy, nếu Giáp có thể ngăn chặn những sự cố sẽ chọc giận quá đáng đối với công luận Mỹ, như sự tham chiến của quân đội Trung quốc vào chiến tranh Việt Nam, thì ông có thể tin rằng sẽ chọi được một nước Mỹ không động viên hết năng lực.

Có vẻ như Giáp chưa từng hy vọng rằng Mỹ, như người Pháp, sẽ tránh sử dụng lính quân dịch Mỹ ở (Nam) Việt Nam, nhưng ngay cả với chế độ quân dịch (cưỡng bách tòng quân), thì Mỹ cũng sẽ khó đưa một lực lượng nhiều hơn quân số 600 ngàn sang (miền Nam) tham chiến. Với khoảng 500 ngàn lính Nam Việt Nam thêm vào đó, thì cán cân (lực lượng) quân sự này vẫn là chịu đựng được đối với Giáp. Với gần 200 ngàn Việt Cộng được  vũ trang ở miền Nam, và khoảng 500 ngàn quân (miền Bắc) nữa dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông, Giáp có thể điều khoảng 100 ngàn quân đến các địa bàn chiến dịch. Dù vẫn phải đối đầu với một ưu thế về lực lượng (thuộc về phe Mỹ) là 3:1, tỉ lệ này, theo kinh nghiệm của chính ông Giáp, sẽ là khá thích đáng để trải qua một cuộc chiến lâu dài bằng chiến tranh du kích. Ngay cả khi quân lính và chỉ huy đối đầu với ông là hạng nhất, (nếu làm được) điều cốt yếu, là tìm cách trụ được lâu hơn người Mỹ (trên chiến trường) nhờ vào sức mạnh to lớn của sự kiểm soát của miền Bắc đối với phong trào cộng sản ở Việt Nam, thì triển vọng này rõ ràng sẽ cung cấp được những cơ may đáng kể để thành công.

Cho dù trọng tâm trong chiến lược của miền Bắc là dựa trên một cuộc chiến tranh dài ngày, điều này không hề nghĩa là Giáp sẽ không tạo nền móng cho bất kỳ cơ hội nào xuất hiện để khai thác những yếu huyệt và những sai sót của địch thủ. Thất bại (của phe cách mạng) trong nỗ lực cắt đứt Nam Việt Nam thành đôi, và cuộc đổ quân Mỹ ồ ạt (influx) vào năm 1965 đã áp đặt một lựa chọn về loại hình hoàn toàn khác về mục tiêu. Rời khỏi các vùng trung tâm của miền Nam, Giáp chuyển sự chú ý của mình về khu vực gần Khu phi quân sự (ý nói Trị – Thiên), rồi khu vực liền kề với nó về phía nam (ý nói Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), và Sài Gòn – đô thành, trung tâm của những phiền muộn xé lòng, những nỗi đau vì chịu đựng cuộc chiến tranh ở miền Nam. Khu vực phía Bắc của Nam Việt Nam được biết đến như Quân Khu I (còn gọi là Vùng chiến thuật I), đã được Giáp lựa chọn, bởi nó dễ dàng liên lạc trực tiếp với miền Bắc. Ở Vùng chiến thuật I này, Giáp có thể duy trì vài sư đoàn tác chiến trong các trận đánh quan trọng. Dù có ưu thế về không lực và về cơ động, phía Mỹ không thể đạt được ưu thế quân số áp đảo so với quân Bắc Việt Nam tại đây, nếu không làm yếu một cách đáng kể sự chiếm đóng của họ (phía Mỹ) tại những khu vực khác ở miền Nam.

Các kế hoạch cho một cuộc tiến công vào Sài Gòn đã được suy tính đến từ trước, và ba sư đoàn Việt Cộng đã được kiện toàn chỉ cách Đô thành (Sài Gòn) khoảng 50 dặm, trú quân ở các chiến khu C (Dương Minh Châu) và Đ, và tại tỉnh Phước Tuy (nay thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu). Giáp và Bộ chỉ huy cấp cao Việt Cộng (Bộ tư lệnh Miền và Trung ương Cục) hy vọng, trong thời hạn hai năm, các sư đoàn này sẽ nhanh chóng được cách ly Sài Gòn với các vùng nông thôn bao quanh. Sau đó họ sẽ dấy lên một cuộc tiến công ba mũi vào Đô thành để đuổi cổ chính phủ Nam Việt Nam ra, và đưa Mặt trận Giải phóng vào nhiệm sở.

Cả hai kế hoạch này đều tạo lợi thế chiến lược cho Giáp cả trong phân tán các nỗ lực của Mỹ lẫn buộc Mỹ dính líu sâu vào tác chiến rừng núi, nơi quân Mỹ sẽ phải mặt đối mặt với quân Việt Cộng trên mặt đất, tại một địa bàn mà Việt Cộng lựa chọn trước. Nhờ đó sẽ đạt tổn thất của quân Mỹ tăng cao nhất, nhờ đó, sẽ vô cùng nhanh chóng làm tăng sức ép của công luận Mỹ đòi kết thúc chiến tranh. Khi quân Mỹ bị hút vào tác chiến cơ động trên các vùng hẻo lánh của miền Nam Việt Nam, sẽ để ngỏ đường cho Việt Cộng xúc tiến triển khai vũ khí quan trọng nhất của họ – các cán bộ thâm nhập vào các làng xóm, thị trấn để khích động sự bất mãn của dân chúng và giành sự ủng hộ của quần chúng cho các mục tiêu của Mặt trận giải phóng. Nếu để cho các cán bộ này tiếp tục công tác, cơ hội để lực lượng Việt Cộng trưởng thành được tăng cường. Còn nếu loại được họ, thì các trung đoàn và tiểu đoàn Việt Cộng sẽ không có lực lượng bổ sung, thiếu hụt về mặt cung cấp hậu cần và tin tức, và nhà cầm quyền (chế độ Sài Gòn) tại các làng xã và thành thị sẽ ít bị thách thức hơn. Tuy nhiên, khi lực lượng chính của quân Đồng minh tham gia vào các chiến dịch nhằm tiêu diệt các đơn vị chủ lực Việt Cộng, các cán bộ Việt Cộng sẽ có khả năng hoạt động và làm mất hiệu lực các thành quả mà quân Đồng minh đạt được qua các chiến dịch càn quét.

Lý thuyết về ba giai đoạn của chiến tranh du kích đã chi phối hoạt động của Việt Cộng từ 1965 đến 1967[5].Còn Giáp thì cẩn trọng điều chỉnh cấp độ cuộc chiến tranh sao cho phù hợp điều kiện tại chỗ của từng vùng chiến thuật. Trong Vùng chiến thuật 1, các đơn vị của Giáp tiến hành tác chiến ứng với giai đoạn ba (các chiến dịch lớn), bao gồm cả những trận công kiên vào các căn cứ và cứ điểm kiên cố của quân Mỹ và quân Nam Việt Nam. Tại Vùng chiến thuật II, mức độ tác chiến được kìm ở mức của giai đoạn hai, với phương thức du kích vận động chiến. Tại Vùng chiến thuật III, khu vực bao gồm cả Sài Gòn, tác chiến của Việt Cộng áp dụng linh hoạt, hoặc giai đoạn ba, hoặc giai đoạn hai, phụ thuộc vào việc các chiến dịch có được yểm hộ trực tiếp bởi các căn cứ chính yếu (của cách mạng), hay chúng được tiến hành xa khỏi các căn cứ này, với nguồn tiếp tế ít ỏi. Cuộc chiến tại Vùng chiến thuật IV được tiến hành chủ yếu ở mức giai đoạn hai, vì không có các đơn vị Bắc Việt nam đóng ở trong địa bàn này, Đồng bằng sông Cửu Long; cũng có những địa phương nơi cuộc kháng chiến phải tiến hành ở mức ứng với giai đoạn một: phòng ngự chiến lược kết hợp với đấu tranh chính trị.

Trong hai năm 1965 – 1966, các lực lượng Đồng minh (phe Mỹ) đã chú trọng nhiều đến chiến khu Đ nằm ở đông – bắc Sài Gòn, và vào năm sau, các trung đoàn chủ lực Việt cộng đã bị đẩy ra khỏi vùng  chiến khu C (Dương Minh Châu), ở phía Bắc Sài Gòn trong địa phận tỉnh Tây Ninh, và tại tỉnh Phước Tuy. Hai chiến dịch có được hiệu quả đáng nói tới lên Việt Cộng là Cedar Fall và Junction City. Chiến dịch Cedar Fall nhằm tiêu diệt các sở chỉ huy Việt cộng của khu vực Sài Gòn – Gia Định nằm trong khu Tam giác sắt, một khoảnh rừng rậm nằm khoảng 20 dặm bắc Sài Gòn. Cedar Fall diễn ra vào tháng 1 – tháng 2 năm 1967, gây thiệt hại cho Việt cộng ở mức 2000 người bị giết hoặc bắt sống, và mất hàng trăm tấn đố tiếp tế từng được vận chuyển mất nhiều thời gian từ miền Bắc vào tới tận đây. Junction City đã đưa vào Chiến khu C một lực lượng bằng ba sư đoàn Mỹ và đạt kết quả là buộc Bộ Chỉ huy cao cấp của Việt Công ở miền Nam, Trung ương Cục (COSVN) phải rút sang Campuchia một thời gian ngắn, cùng với khoảng một sư đoàn, hoặc hơn, bộ đội chủ lực (Quân giái phóng)[6].



Nghi binh chiến lược

Có như là thành công của hai chiến dịch ở vùng chiến thuật III đã khiến Giáp phải “đặt cược” vào cuộc chiến bằng cách táo bạo mở một loạt các đòn tấn công mới, vô cùng ác liệt ở vùng I, buộc tướng Westmoreland phải điều chuyển đến các tỉnh phía Bắc (của miền Nam bị tạm chiếm) phần lớn các sư đoàn và lữ đoàn vốn là lực lượng xung kích cơ động của Mỹ ở các tỉnh phía Nam (Nam Bộ). Sự tăng đột biến tỉ lệ các đơn vị Bắc Việt đột nhập vào Nam Việt Nam buộc (Mỹ) phải triển khai những (cụm) cứ điểm mạnh như Cồn Tiên, Khe Sanh  mà xung quanh các căn cứ này đã diễn ra rất nhiều những cuộc giao tranh trong các năm 1967 và đầu 1968. Việc tập trung ưu thế binh lực tại vùng này (Vùng chiến thuật 1) đã tạo nên một hiệu quả tương tự như hiệu ứng mà Giáp đã tạo được trong giai đoạn đầu của trận Điện Biên Phủ (chiến cuộc 1953 – 1954): các đồn bốt của quân Mỹ (ở Vùng chiến thuật 1) đã “quây” được một quân số lớn (lính Mỹ) đến mức các căn cứ của Mỹ đã không còn hỗ trợ được các hoạt động tuần tiễu trên một khu vực rộng lớn (trên toàn miền Nam), và chúng trở nên quá bận rộn với việc tự bảo vệ chính mình (các căn cứ này) chống lại vòng vây. Tuy nhiên, chiến lược của Westmoreland là hoàn chỉnh hơn của Navarre, và khả năng của Không lực Mỹ yểm trợ cho Khe Sanh cả về tiếp tế và hỏa lực là đầy đủ tới mức quân phòng thủ (Mỹ) có thể chịu trận được. Có một số nguồn lan truyền một tin gây ấn tượng là chính Giáp đã tới gần Khe Sanh để chỉ đạo trận đánh cấp chiến thuật này. Nếu xét trên cấp độ một Tổng tư lệnh, có lẽ khó có chuyện ông Giáp có thể rời Tổng hành dinh, nơi ông có thể kiểm soát toàn bộ hoạt động của toàn quân, tới một khu vực khá nhỏ so với quy mô toàn chiến trường để đích thân (chỉ huy). Ngoài việc sự thiếu tin tưởng vào cấp dưới có thể dẫn đến một chuyến đi chiến trường như vậy, cũng còn có những vấn đề nghiêm trọng về uy tín và địa vị bị lung lay. Thứ nhất, Westmoreland đã sẵn lòng giao phó việc điều hành trận đánh cho các chỉ huy Lính thủy đánh bộ Mỹ tại chỗ (vùng chiến thuật I); thứ hai, nếu khả năng thất bại chiến dịch Khe Sanh của Miền Bắc xảy ra, thì uy tín của Giáp sẽ bị giảm đi tới mức bằng người thường, tại nhiều khu vực đóng quân mà sự sống còn của chúng là cần thiết để tiếp tục suy tôn sự đúng đắn tuyệt đối kiểu Giáo hoàng  của Giáp trong lĩnh vực học thuyết quân sự. Nhưng tình hình đã cho thấy Khe Sanh đã không phải là một thắng lợi của Bắc Việt nam, và nỗ lực để thắng đã làm cho quân của Giáp tổn thất nhiều. Cũng không có tin thêm về việc Giáp đã có mặt ở chiến trường (Đường 9 – Khe Sanh). Chắc là nếu một khải hoàn của miền Bắc (ở Khe Sanh) xảy ra, thì chúng ta đã được nghe một điều khác về việc Giáp đã ở đâu, lúc đó.

Tới lúc này (1967), cấp độ của chiến tranh cách mạng ở Tây Nguyên và ở vùng chiến thuật II đã đạt đến giai đoạn 3, vì ông Giáp đã mở những cuộc tiến công vào các bãi đổ bộ đường không trên cao nguyên Trung phần này, và vào căn cứ Đắk Tô. Cú đấm bạt (swing – thuật ngữ quyền Anh) làm tăng tầm quan trọng của một địa danh ở cách vùng có chiến sự ở phía Bắc (quân khu Trị Thiên) cho thấy Giáp đâu có quên sử dụng yếu tố bất ngờ và linh hoạt (về cách đánh) để giữ chắc quyền chủ động trong tay mình. Bất chấp các kết quả “không sinh lợi” một cách tương đối cho miền Bắc tại các tỉnh phía bắc (của Nam Việt Nam), và trung tâm (của Nam Việt Nam), các trận đánh này đã có tác dụng dàn cảnh (set the stage) cho thành công lớn nhất của Giáp trong cuộc chiến tranh – Cuộc tiến công Tết.

Bước ngoặt

Tới tháng Giêng 1968, quân Mỹ và quân VNCH đã bị căng ra trong các cuộc triển khai sớm để chặn cả các cuộc tiến công mà Giáp đã dấy lên từ trước, và cả những cuộc tiến công được dự đoán Giáp có thể sẽ dấy lên. Để thực hiện được các cuộc thay đổi vị trí đóng quân này, quân đội (phe Mỹ) đã bị hút ra khỏi các nhiệm vụ thông thường: tuần tra tại nơi thành thị, càn quét các làng mạc, các cuộc tuần tiễu tại các khu vực đông dân. Nhiều thị xã, thị trấn chưa từng là mục tiêu của các cuộc tiến công lớn, vì thế chúng đứng thấp trong bảng ưu tiên (mục tiêu cần chú trọng bảo vệ) của Mỹ. Tuy nhiên, tầm quan trọng của chúng (các đô thị) trong chiến lược chiến tranh (của Mỹ) vẫn được nhấn mạnh, vì hoạt động của Việt Cộng tại những nơi này. Một vài nhà quan sát (của năm 1968 – 1969) vừa khẳng định rằng một loạt các cuộc tiến công (trước tết 1968) được dấy lên nhằm nhử quân Mỹ nống ra đóng quân ở các vị trí mới, để các đòn tiến công chính (trong Tết 1968) có thể xảy ra tại các vùng dân cư đông, nhằm gây ấn tượng lên mọi người, cả ở trong lẫn ở ngoài lãnh thổ Nam Việt Nam,  cả về thế lẫn về lực ngày càng mạnh lên của các lực lượng vũ trang Cộng sản. Cách lý giải như thế choán một khoảng quá rộng về thời gian, và chứa quá nhiều điều Giáp khó mà dự liệu trước được, để ông lấy đó (hoạt động nghi binh chiến lược) làm lý do chính của loạt đòn tấn công được tung ra (trước Tết 1968) tại các tỉnh phía bắc (Vùng chiến thuật I) và các tỉnh khu vực trung tâm (Vùng chiến thuật II). Điều thích hợp hơn sẽ là: Giáp, một người biết nắm bắt thời cơ tốt, giống như bất kỳ nhà chiến lược giỏi nào, biết  cách khai thác một loạt những đòn tiến công bất thành ở cấp chiến dịch, xoay chuyển chúng thành một thắng lợi về mặt chiến lược.

Ngọn sóng tiến công tuôn trào tại trên khắp các thành phố, thị trấn ở miền Nam Việt Nam trong tháng 2 (1968), trong dịp Tết âm lịch, đã trở thành vô cùng đắt giá đối với quân của Giáp, dù ông chắc cũng đã dự liệu trước. Các tài liệu bắt được cho thấy những chứng cớ rõ ràng là quân đội Bắc Việt Nam đã quay lại với học thuyết về nổi dậy, hy vọng rằng (tổng nổi dậy) sẽ bùng lên nhờ những cuộc tiến công trực diện vào các cơ quan, công sở chính của chính quyền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, không hề có một cuộc nổi dậy nào xảy ra, hay ít nhất, đa số những ai không tham gia vào các cuộc tiến công, đã tỏ ra trung thành với Chính quyền (Sài Gòn). Đặc biệt, quân đội Sài Gòn đã không bắt đầu (quá trình) tan rã giống như các đơn vị người Việt từng  chiến đấu bên cạnh người Pháp những năm 1953 – 1954. Hoặc là ban lãnh đạo ở Hà Nội đã hành động trên cơ sở các đánh giá quá lạc quan về sự ủng hộ dành cho họ (phe cách mạng), hoặc tổng nổi dậy chỉ là một loại công cụ tuyên truyền, dùng để thúc đẩy những người phải thể hiện sự hy sinh cần có.

Thật khó để tìm cách đánh giá cái nào trong hai nhân tố trên là chủ đạo. Chắc là cả hai đều  tác động mạnh, nhưng dĩ nhiên các nhà lãnh đạo Hà Nội phải đối diện với một vấn đề thường xuyên, là phải hành động trên cơ sở những thông tin được phóng đại. Thỉnh thoảng, các báo cáo về chiến sự được gửi về Hà Nội mà (phe Mỹ) bắt được (chặn ngang, nghe trộm – intercept) đã tuyệt nhiên không phản ánh những thất thiệt mà quân Cộng sản phải gánh chịu. Có thể nhận thấy rằng Bộ Tổng tư lệnh (Việt Nam) hoàn toàn thấu hiểu vấn đề này, và không tin tưởng vào mọi chi tiết mà các chỉ huy cấp dưới báo cáo lên, nhưng điều đó đâu giúp được Giáp chia đôi, hay chia mười các con số nhận được để tiếp cận sự thật.

Tuy nhiên, những suy luận như trên chắc gì đã liên quan rõ ràng đến những vấn đề quyết định các mục tiêu của Giáp trong cuộc tiến công Tết. Cuối năm 1967, quân đội Bắc Việt Nam đã dấy lên những trận đánh dữ dội với quân Mỹ, mà kết quả tác chiến chưa thật khích lệ. Để tránh lập luận nước đôi, một luận điểm lô gich sẽ là: Giáp đã hướng chiến lược của ông theo nhắm vào điểm yếu nhất của đối phương – công luận Mỹ – với hy vọng đạt được những thay đổi căn bản trong lập trường của dân Mỹ đối với cuộc chiến tranh. Còn một điều nữa, đơn giản là Giáp chọn cách nhắm vào mục tiêu nào vừa tầm với của các nguồn nhân tài vật lực của ông, đủ gây được ấn tượng không phải với các nhà quan sát quân sự, mà với những dân thường (Mỹ)  – những người không biết gì hơn về cuộc chiến ngoài những gì vẫn chiếu trên màn ảnh truyền hình. Từ đó, cái ông Giáp cần là những gì đủ sức thao túng, giúp ông chiếm lĩnh sức thu hút nhờ truyền hình đủ lâu, đủ mạnh đối với công luận (Mỹ), nhưng không kéo dài quá, tới mức làm bộc lộ chỗ yếu của phía ông. Bằng việc chiếm thành thị, Giáp đoạt được sự chú ý của toàn thế giới, và làm đổ vỡ niềm tin của nhiều người (trước Tết 1968) rằng năng lực như của Mỹ thừa sức chiến thắng ở Việt Nam. Dĩ nhiên là Giáp cũng bị ám ảnh một mạo hiểm, là phản ứng của người Mỹ đối với thành quả (Tết Mậu thân) của ông biết đâu lại là sự dính líu thêm của Mỹ vào cuộc chiến, một nguy cơ không dễ gì không nghĩ tới.

Sau cuộc tiến công Tết, tổng thống Johnson tuyên bố ông sẽ về hưu sau khi nhiệm kỳ của mình kết thúc, còn tướng Westmoreland bị thay thế bởi tướng Abrams. Có vẻ như Giáp đã không dự liệu rằng ông sẽ thực sự tổng cổ (eject) được Johnson khỏi phủ tổng thống Mỹ. Nhưng rõ ràng là nếu cuộc tiến công Tết không xảy ra, thì Johnson chắc vẫn cứ chạy đua vào Nhà Trắng, còn Westmoreland vẫn thì thống lĩnh tại Sài Gòn. Hiệu quả của sự thay đổi này trong nền chính trị Mỹ làm cho quan niệm về một thắng lợi quân sự của Mỹ ở Việt Nam trở nên khó hình dung được, và làm mạnh lên trong lòng nước Mỹ lực lượng thỏa hiệp và nhân nhượng (với lực lượng cách mạng Việt Nam)…

Giáp – một đánh giá

Trong chương Kết luận, O’Neill đưa ra đánh giá chung về tướng Giáp, tại thời điểm cuối thập kỷ 60:

“Đời hoạt động của Giáp nổi bật với tầm quan trọng đặc biệt đến thế là nhờ ông có biệt tài kết hợp vai trò của một chính khách cấp cao với bản lĩnh của người lính số 1 (top soldier). Nhờ khai thác được những năng khiếu của mình trên hai mặt trận này một cách tài tình, Giáp từng đóng vai trò quan trọng có tính sống còn đối với Hồ Chí Minh. Đối với Đảng Lao động Việt Nam, Giáp quả là người hết sức khó thay thế, vì khó tin cậy được một ai khác ngoài Giáp – vừa biết lãnh đạo toàn quân (theo hướng) vừa phối kết hợp với thực hiện chủ trương của Đảng, một cách khéo léo và trung kiên đến thế? Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị, có người Bộ trưởng Nội vụ nào áp đặt được mục tiêu chính trị kiên định lên tình trạng náo loạn tràn lan, nhờ áp dụng mức tới hạn về vũ lực? Trong tất cả các bài học rút ra được nhờ nghiên cứu thân thế của nhân vật này, điều đáng kể nhất chính là, Giáp là (hiện thân) hợp chất của hai lĩnh vực mà xã hội phương Tây thường tách riêng (ý nói quân đội đứng ngoài nền chính trị phương Tây). Việc tách biệt trọng trách về chính trị khỏi quyền lực về quân sự là đặc tính cơ bản của chế độ cai trị kiểu tự do (liberal system of government). Nhưng một khi một chính phủ phương Tây điều quân đi đánh Giáp, nó nhận thấy những người lính viễn chinh của nó khởi sự sứ mạng này với một bất lợi tới mức sẽ không mấy ai (quân viễn chinh) sống sót.” (hết trích)

Lê Đỗ Huy (trích dịch)

———————————————————–

Chú thích:

[1]Về đại thể, tác giả cho rằng học thuyết của Việt Nam là sự pha trộn của thuyết ba giai đoạn chiến tranh du kích kiểu Mao, với lý thuyết tổng nổi dậy tại các thành phố dựa trên các mô hình (cách mạng Pháp và Nga). Chỉ khi các hình thái trên tỏ ra không thành công thì các chiến lược dựa trên quy luật chiến tranh áp dụng vào điểu kiện Việt Nam (kháng chiến kiểu “lấy ít địch nhiều”) của Võ Nguyên Giáp mới đóng vai trò nổi bật.
[2]do sự đàn áp của Mỹ và chính quyền Diệm gây ra, tác giả O’Neill viết ở đoạn trước, tr. 189 – 190.
[3]Tác giả có ý cho rằng nếu việc xây dựng quân đội chính quy được đẩy nhanh hơn trong nửa đầu những năm 60 (như ông Giáp chủ trương) mà không bị ảnh hưởng bởi các quan điểm nổi dậy, cách mạng Miền Nam có thể thắng kịp trước khi Mỹ đổ quân vào, năm 1965.
[4]Tác giả dẫn bản tiếng Anh của sách này, do NXB A. Praeger phát hành năm 1968, trang 119 minh họa cho ý trên.
[5]Các tác giả như George Boudarel (trong Lời giới thiệu sách cuốn Ngọn cờ chiến tranh nhân dân và đường lối quân sự của Đảng, bản tiếng Anh của NXB Praeger, Hoa Kỳ, 1970), và John Prados trong cuốn Con đưòng huyết mạch mang tên Hồ chí Minh trong cuộc chiến Việt nam/ The Blood road: The Ho Chi Minh Trail and the Vietnam war; NXB John Wiley & Sons. Inc, 1998)… đề cập một loạt trên ấn phẩm lý luận của Đảng tạp chí Học Tập trong năm 1966 đến đầu 1967 của một tác giả là Trường Sơn (bút danh), tranh luận quyết liệt với tướng Võ Nguyên Giáp về chiến lược kháng chiến, trên đường tới Nghị quyết 13 (tháng Giêng 1967).
[6]Nhưng trên The Sunday Times magazine, 12/11/1972 (bài: Giap — war against America: the triumphs and failures of North Vietnam’s military leader since the withdrawal of the French), không cho là Mỹ đã “thắng” giai đoạn trước Tết Mậu Thân, James Fox viết: “Tuy nhiên cũng chính vào lúc này (sau hai cuộc phản công mùa khô 1966 – 1967), tư lệnh Mỹ Westmoreland lại rơi vào thế trận “mâu thuẫn” kinh điển của Giáp, bị kẹp giữa mưu đồ tập trung binh lực để thực hiện đòn tiến công với thực trạng phân tán binh lực để giữ đất nhằm “bình định”. James Fox cho rằng tướng Giáp đã khai thác thắng lợi mâu thuẫn giữa tập trung và phan tán của quân đối phương trong cả chiến tranh chống Pháp, chiến tranh cục bộ của Mỹ, và giai đoạn Việt Nam hóa…

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Tags: , ,