Cái nhìn biện chứng về vấn đề an ninh sinh thái

Vấn đề an ninh sinh thái được hiểu như thế nào trong mối quan hệ giữa Sinh học – Môi trường, giữa tăng trường kinh tế và phát triển bền vững xã hội?

Cái nhìn biện chứng về vấn đề an ninh sinh thái

Như chúng ta đều thấy con người là sản phẩm tinh tế của một quá trình phát triển lâu dài, từ động vật nguyên thủy đơn bào, rất giản đơn đã phải thích ứng với môi trường sống. Trải qua quá trình chọn lọc theo quy luật tiến hóa và đào thải một cách khắt khe hàng triệu thậm trí hàng tỷ năm, sự sống của các sinh vật và loài người mới có được bộ mặt như ngày nay. Mọi sinh vật kể cả con người đều sống hài hòa với nhau trong một môi trường sống trong lành để phát triển, mối quan hệ này đã đạt đến độ căn bằng tối ưu, đến mức nếu một thành viên nào đó trong mối quan hệ hữu cơ này thay đổi thì sẽ kéo theo sự phá vỡ cân bằng và hậu quả là tất cả các sinh vật kể cả con người sống trong môi trường sẽ bị ảnh hưởng, thậm trí có thể bị tiêu vong.

Nói một cách khác trên trái đất của chúng ta tồn tại rất nhiều các loài động, thực vật, vi sinh vật cùng với các điều kiện của môi trường, khí hậu, đất đai, nguồn nước trên trái đất đã hợp thành một ngôi nhà chung, hay còn gọi đó là một hệ sinh thái lớn, mà trong hệ sinh thái lớn đó lại bao gồm các hệ sinh thái nhỏ. Các hệ sinh thái trải qua hàng triệu, hàng tỷ năm biến đổi đã đạt đến một trạng thái cân bằng và ổn định. Nếu sự cân bằng và ổn định này bị phá vỡ thì các sinh vật kể cả con người sẽ bị đe dọa, thậm chí dẫn đến diệt vong. Lịch sử cũng đã chứng minh thời kỳ mà các khủng long đang rất phát triển, một sự tác động của thiên nhiên nghiệt ngã đã làm mất cân bằng sinh thái, môi trường sống biến đổi , khủng long không thích ứng được phải tuyệt diệt.

Ngày nay cũng do con người tác động làm biến đổi môi trường sống và mất cân bằng sinh thái, nhiều loại động vật không thích nghi được cũng đã bị tuyệt diệt, nhiều loài chỉ còn tồn tại với số lượng rất ít, con người cũng phải đương đầu với sự quay lại của nhiều loại dịch bệnh cùng với những căn bệnh thế kỷ mới phát sinh mà với kiến thức khoa học có hạn của con người chưa dễ dập tắt được chúng trong vài thập kỷ tới.

Các hoạt động của con người và những tác động lên hệ sinh thái trong 5-6 thập kỷ qua, con người đã làm thay đổi hệ sinh thái nhanh chóng, khoảng 60% các yếu tố trong hệ sinh thái hỗ trợ cho cuộc sống hàng ngày của con người như đất, nước, không khí vốn ổn định và trong lành thì đã và đang bị ô nhiễm, suy thoái hoặc đang bị sử dụng không bền vững.

Như vậy ở đây vấn đề an ninh sinh thái được hiểu như thế nào trong mối quan hệ giữa Sinh học – Môi trường, giữa tăng trường kinh tế và phát triển bền vững xã hội.

Với cách hiểu trước đây nhiều nhà nhà khoa học cho rằng an ninh sinh thái là đảm bảo an ninh cho các hệ sinh thái luôn luôn ở trạng thái cân bằng, ở đó các hệ động thực vật và môi trường tồn tại của chúng nằm trong mối liên quan với các tác động mà con người gây ra do các hoạt động phát triển kinh tế của mình. Cũng từ cách hiểu như vậy nhiều chuyên gia coi an ninh sinh thái là một phần hay một khía cạnh của an ninh môi trường. Như vậy có thể hiểu an ninh môi trường là trạng thái mà một hệ thống môi trường có khả năng đảm bảo điều kiện sống an toàn cho con người ở trong hệ thống đó. Một hệ thống môi trường bị mất an ninh có thể do các nguyên nhân tự nhiên (thiên tai) hoặc do các hoạt động của con người như khai thác cạn kiệt tài nguyên, thải chất độc vào môi trường gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học vv…. hoặc phối hợp tác động của cả hai nguyên nhân trên. Ở đây quan niệm về an ninh sinh thái chỉ tập trung vào các đối tượng động thực vật và môi trường sống của nó là đất, nước, không khí ở xung quanh chúng, thường gọi là hệ sinh thái. Hệ sinh thái này ổn định hay mất cân bằng đều do các hoạt động sống của con người gây nên. Một hệ sinh thái được cân bằng có nghĩa là số lượng cá thể của quần thể ở trạng thái ổn định, hướng tới sự thích nghi cao nhất với điều kiện môi trường. Các hệ sinh thái tự nhiên đều có cơ chế tự điều chỉnh để đạt trạng thái cân bằng. Con người có tác động lớn đến quá trình căn bằng của hệ sinh thái tự nhiên, nhưng chủ yếu tác động theo mặt tiêu cực đến sự cân bằng sinh thái, dẫn đến phá vỡ cân bằng sinh thái và mất an ninh sinh thái.

Nhìn lại lịch sử phát triển của loài người và của các sinh vật đồng hành, đáng lý con người phải nhận thức được cái quy luật phải thích ứng với thiên nhiên thành một chính thể, tác động lẫn nhau một cách hài hòa, con người phải tuân theo quy luật của thiên nhiên mà hoạt động để tồn tại, chứ không thể chống trả thiên nhiên. Nhưng rất tiếc rằng khi con người đã đứng ở vị trí “chúa tể muôn loài” bằng cái đầu tinh khôn về mặt này nhưng lại hạn hẹp về mặt khác, con người đã và đang phá vỡ chính môi trường sống của mình, đã triệt hạ nhiều giống, loài cùng mình vượt qua những chặng đường cực nhọc của lịch sử sinh học, đã ngang nhiên thách thức thiên nhiên, làm mất đi những thứ giá trị nhất mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Ngày này con người có thể với tay tới các vì sao nhưng những bí mật của cơ chế duy trì và chấm dứt sự sống trong chính cơ thể mình thì chưa lý giải được.

Phát triển là quy luật của cuộc sống, là quy luật tất yếu của tiến hóa đã và đang diễn ra trên hành tinh chúng ta kể từ khi nó được hình thành. Vấn đề đặt ra phải quan tâm nghiên cứu ở đây là phát triển như thế nào để con người của thế hệ hôm nay cũng như trong tương lai có được một cuộc sống hạnh phúc về vật chất cũng như tinh thần và được hưởng một môi trường sống trong lành không ô nhiễm. Với cách hiểu mới này thì an ninh sinh thái bây giờ chính là phải bảo đảm an ninh cho môi trường sinh thái của loài người trong tiến trình phát triển. An ninh sinh thái đòi hỏi duy trì mối quan hệ giữa con người và các sinh vật với môi trường sống trên trái đất sao cho lành mạnh và ổn định, bảo đảm cho người và các sinh vật có thể tồn tại và tiến hóa bình thường theo quy luật thích ứng, sinh tồn và sàng lọc tự nhiên, môi trường sống không bị phá hủy, đầu độc, gây tai họa cho các giống loài mà nó dung dưỡng. Vấn đề an ninh sinh thái ở đây không còn bó hẹp với các đối tượng cây cỏ, chim chóc, muông thú, cá tôm vv…. với đất, nước, không khí ở xung quanh chúng ta. An ninh sinh thái lúc này không chỉ đảm bảo an ninh môi trường xung quanh con người mà còn bao gồm tất cả những yếu tố khác có thể gây nguy hại cho cuộc sống và sự phát triển của loài người. Như vậy có thể coi an ninh sinh thái là một khái niệm đề cập tới an ninh toàn diện cho con người và xã hội loài người trong tiến trình phát triển, trong đó bao gồm an ninh môi trường, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh sức khỏe y tế, an ninh về văn hóa xã hội.

Nhà khoa học người Anh, ông Pirages thì cho rằng an ninh sinh thái là sự nghiên cứu tổng thể các vấn đề liên quan tới tương lai của nhân loại. Các yếu tố được cho là nguy cơ đối với nhân loại như cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu vv… Ngoài ra còn các yếu tố khác như dịch bệnh ngày nay đang là nguyên nhân chính gây ra chết sớm và tàn tật của loài người, bên cạnh đó là các xung đột của loài người, nạn đói và các loại thiên tai khác nhau. Theo ông coi an ninh sinh thái là quá trình duy trì sự căn bằng động của bốn vấn đề có liên với nhau sau đây:

– Giữa các nhóm dân cư có lối sống tiêu thụ ở mức cao và khả năng của thiên nhiên cung cấp nguồn tài nguyên môi trường và các dịch vụ môi trường.
– Giữa các nhóm dân cư và các vi sinh vật gây bệnh .
– Giữa các nhóm dân cư và các nhóm loài động thực vật.
– Giữa các nhóm dân cư với nhau.

Sự mất an ninh sẽ tăng lên ngay khi một trong bốn cân bằng bị phá vỡ do tác động của con người hay do tự nhiên.

Trên cơ sở những tư duy mới về an ninh sinh thái, những vấn đề chính được nghiên cứu trong những năm qua đã tập trung vào những vấn đề sau đây:

1. Các vấn đề về dân số : Có hai vấn đề tiềm ẩn liên quan đến an ninh sinh thái, một là xảy ra xung đột giữa các nhóm/ chủng tộc người khác nhau để tranh giành tài nguyên trên một vùng lãnh thổ cụ thể; hai là sự tăng dân số quá mức dẫn đến nguy cơ không đủ tài nguyên để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho tất cả mọi người trong cộng đồng.

2. An ninh lương thực: Nhu cầu cung cấp lương thực cho dân số ngày càng tăng của thế giới là một nỗi lo không phải là bây giờ mà ngay từ những năm của thập kỷ 60 của thế kỷ 20 người ta đã đề cập đến. Phần lớn sự tiêu thụ gia tăng này là ở các nước giàu.

3. Nguồn nước: Nước trên trái đất tưởng như là một nguồn vô tận vì nó chiếm tới 3/4 bề mặt hành tinh, nhưng ngay trong thập kỷ này thì 1/2 nhân loại đã thiếu nước sinh hoạt chưa nói gì đến bảo đảm nước sạch. Vì 97% lượng nước trên trái đất là nước mặn, 3% còn lại thì 87% là nước bị đóng băng, toàn thể loài người và các sinh vật trên cạn chỉ chia nhau 13% của 3% lượng nước còn lại, nhưng con người đã làm nhiễm bẩn hầu hết các nguồn nước bằng một lượng lớn chất thải công – nông nghiệp đến mức rất nhiều khúc sông dài không còn cá, nhiều tầng nước ngầm cũng bị ô nhiễm, nhiều thủy vực vốn trước kia rất trong sạch thì bây giờ đã không còn tự làm sạch được nữa. Ngoài ra việc cung cấp nước đầy đủ có quan hệ chặt chẽ với khả năng cung cấp đầy đủ lương thực cho thế giới trong tương lai.

4. Năng lượng: Vấn đề khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, than ngày càng khai thác cạn kiệt phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của con người. Nhu cầu về năng lượng cũng làm nảy sinh những vấn đề xung đột về địa giới hành chính và chính trị giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng gay gắt. Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ bị chậm lại với các lý do về kinh tế – xã hội và chính trị, thực tế đó đã làm cản trở sự phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

5. Biến đổi khí hậu: Ngày nay vấn đề biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm của toàn cầu, nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người và sinh vật. Nguyên nhân của biến đổi khí hậu là sự phát thải khí nhà kính quá mức cho phép. Các nước phát triển thải lượng khí nhà kính gấp nhiều lần cho với những nước đang phát triển và kém phát triển. Do vậy biến đổi khí hậu dường như tạo ra người được hưởng lợi và người bị thiệt hại, một sự mất công bằng giữa các quốc gia. Những nước nghèo kém phát triển sẽ chịu những tác động lớn hơn do biến đổi khí hậu. Những tị nạn về môi trường của những quốc gia nghèo, kém phát triển đến những quốc gia phát triển sẽ trở thành hiện thực. Đây được coi là vấn đề then chốt trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu ở các hội nghị quốc tế.

6. Vấn đề môi trường và tuyệt chủng của các loài sinh vật: Đây là tập hợp của hàng loạt các vấn đề nảy sinh do các hoạt động của con người tác động vào môi trường để phục vụ cho quá trình phát triển và tồn tại của con người. ở đây những nội dung đã được quan tâm thảo luận, nghiên cứu để có những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hậu quả xấu đã xảy ra và ngăn chặn không để xảy ra như ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; suy thoái các hệ sinh thái; nạn phá rừng và suy thoái rừng; khai thác các nguồn tài nguyên không tái tạo; bảo vệ đa dạng sinh học và ngăn ngừa các loài ngoại lai xâm lấn.

Việt Nam là nước chưa trải qua hết mọi bước của quá trình phát triển công nghiệp hóa, mức độ phá hoại thiên nhiên còn mang vẻ dáng thủ công nghiệp nhưng cũng không kém phần tác hại. Một nước mà cách đây không lâu có 3/4 diện tích được cây rừng che phủ; gần 5 triệu ha rừng, bất kể là rừng đầu nguồn, rừng gỗ quý, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, hay rừng ngập mặn đã bị những kẻ trục lợi chặt phá không thương tiếc, làm cho tỷ lệ che phủ rừng của nước ta giảm từ 43% diện tích xuống còn 28%. Các loài thủy sinh nước ngọt, nước lợ và nước mặn đều bị khai thác theo lối tận diệt bằng thuốc nổ, điện và quét lưới mặt dầy tiêu hủy cả trứng và con giống khi chưa kịp lớn đã kéo dài hết năm này đến năm khác, mặc dù đã có nhiều văn bản để ngăn chặn. Cùng chung cảnh ngộ đó, các loài thú và động vật hoang dã trên vùng rừng núi và ở cả đồng bằng đều bị săn bắt là thức ăn đặc sản. Các động vật hoang dã bị săn bắt đến mức nhiều loài bị tuyệt diệt, nhiều loài chỉ còn lại một số lượng rất ít phải tính tới đầu con để bảo vệ. Việc lạm dụng phân hóa học, các loại thuốc trừ sâu giết hại hàng loạt côn trùng và sinh vật có ích cho sự cân bằng sinh thái, làm biến mất nhiều loài chim suốt bao đời làm bạn của nhà nông. Sản xuất nông nghệp vốn là lĩnh vực gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên, cung cấp những sản phẩm hiền lành thiết yếu như hạt lúa, củ khoai thì nay đã tung ra thị trường không thiếu gì các loại rau quả, thực phẩm có thể gây ngộ độc đến mức chính người làm ra sản phẩm cũng không dám tiêu dùng vì biết rõ sự nguy hại nhưng vẫn thi nhau bán ra thị trường để kiếm lợi nhuận. Không khí trong lành đã trở thành quý hiếm đối với nhiều vùng cư dân đông đúc. Các nguyên nhiên, liệu bị khai thác thiếu quy hoạch và không theo quy trình công nghệ tối ưu, trong một cơ chế cạnh tranh đang báo hiệu sự cạn kiệt tài nguyên.

Trên quy mô toàn cầu cũng như với từng quốc gia, dân tộc, quy luật nhân quả đã phát huy tác dụng. Bị đối xử một cách ngạo mạn, bà mẹ thiên nhiên đã không còn độ lượng, khoan hòa như trước mà bắt đầu nổi giận. Mưa không thuận, gió không hòa, đất nhiều nơi không đủ lành cho chim đậu. Trái đất bị con người hâm nóng lên đã báo hiệu một sự không tốt lành cho sự sống trên trái đất. Thách đố với thiên nhiên bây giờ đây chúng ta đang phải chịu hậu quả khôn lường đó là thiên tai, địch họa, dịch bệnh, đói nghèo và chiến tranh. Đảm bảo an ninh sinh thái trước khi còn quá muộn vì cuộc sống và sự tồn tại của con người và sinh vật. Trái đất này sẽ không là của riêng ai.

Theo NGUYỄN HOÀI KHANH / LIENHIEPHOIHAIDUONG.VN

Tags: , , ,