Buổi bình minh của điện ảnh (1893-1903): Từ Thomas Edison đến Georges Méliès

Ngay từ đầu, Edison đã nhìn ra được khả năng kiếm tiền từ phim, việc ông mời người nổi tiếng đến cũng là để thu hút công chúng đến xem phim. Điều này dường như đã tác động đến nền điện ảnh Hollywood truyền thống sau này.

Buổi bình minh của điện ảnh (1893-1903): Từ Thomas Edison đến Georges Méliès

Cuộc sống chân thực qua các đoạn phim ngắn

Khi mới có máy quay, các nhà làm phim bắt đầu thử nghiệm thông qua các đoạn phim ngắn.

Thomas Edison mời những người biểu diễn kịch vui, các vận động viên thể thao, diễn viên kịch nổi tiếng đến toà nhà Black Maria để biểu diễn trước camera.

Anh em nhà Lumière thì mang camera tới các công viên, vườn hoa, bãi biển, những nơi công cộng khác để quay phim về những hoạt động hàng ngày. Đoạn phim ngắn gây tiếng vang của họ là Arrival of a train at La Ciotat. Đoạn phim chỉ dài gần 50 giây, quay lại cảnh 1 sân ga khi tàu về bến và sinh hoạt của người dân quanh đó.

Ngay từ đầu, Edison đã nhìn ra được khả năng kiếm tiền từ phim, việc ông mời người nổi tiếng đến cũng là để thu hút công chúng đến xem phim. Điều này dường như đã tác động đến nền điện ảnh Hollywood truyền thống sau này: Quan tâm đến việc gây tò mò và thoả mãn đông đảo công chúng. Cách làm của anh em nhà Lumière thì thiên về tìm hiểu, khám phá, tái hiện lại cuộc sống thường ngày. Họ quay lại những cảnh sinh hoạt bình thường, gần gũi, để ai cũng thấy quen thuộc khi xem.

Cuối cùng, xu hướng làm phim truyện (làm phim kết hợp kể truyện) cũng xuất hiện ở cả Mỹ và Pháp. Đến khoảng năm 1903, Edison đã dựng nên tiểu phẩm hài (người say rượu đánh lộn với cảnh sát) để công chiếu; Lumière công chiếu L’arroseur Arrosé (1895, nói về một chú bé đánh lừa 1 người làm vườn, khiến anh ta bị vòi nước tưới vào khắp người).

Ngoại lệ của Georges Méliès – một cách nhìn thực tại mới mẻ

Sau một thời gian làm ra rất nhiều bộ phim, sản phẩm của anh em nhà Lumiere giảm dần. Đến năm 1905, họ chấm dứt việc làm phim.

Nếu anh em nhà Lumière thường làm những thước phim chân thực, kể lại những câu chuyện diễn ra xung quanh cảnh sinh hoạt của dân chúng thì G. Melies lại đi theo một con đường khác.

Năm 1896, ông mua 1 máy chiếu của nhà sáng chế người anh là Robert William Paul và chế tạo ra một camera dựa theo thiết bị đó. Lúc đầu, ông cũng làm những cảnh phim thường nhật. Về sau, những bộ phim của ông làm lại khác hoàn toàn.

Bản thân Melies từng là một nhà ảo thuật, nên ông tìm thấy trong ảo thuật những cú trick, những cách thức mới để xây dựng nên những bộ phim cho riêng mình. (Ví dụ, xưởng phim của ông có các bức tường bằng kính để đón và điều khiển ánh sáng mặt trời, điều này giúp cho xưởng phim và các diễn viên không cần phải di chuyển khi không có đủ ánh sáng; quay hình qua một lớp bể cá để diễn tả cảnh phim dưới thuỷ cung,…)

Vì là một nhà ảo thuật nên cách ông nhìn thế giới cũng đa dạng và nhiều màu sắc hơn, không đơn thuần là những cảnh sinh hoạt hay những trò đùa thông thường nữa. Ông làm phim về những cuộc phiêu lưu của con người, chuyển thể những câu chuyện cổ tích thành phim. Ở ông, điện ảnh không dừng lại ở việc thu lại hình ảnh. Ông làm phim như làm ảo thuật, điện ảnh qua những bộ phim của ông trở thành những điều bất ngờ kỳ diệu. Thế giới trong mắt ông được phản chiếu qua điện ảnh cũng là một thế giới vui vẻ, mơ mộng, diệu kỳ, đem lại cho người xem niềm vui thích và hy vọng, lòng hứng khởi vào những chuyến phiêu lưu.

Bộ phim nổi tiếng nhất của ông là A trip to the moon (1902). Đây cũng là bộ phim có tiếng và có màu đầu tiên. Vì không có máy quay thu được màu sắc (thời kỳ này, máy quay chỉ thu được màu sắc đen trăng), Melies đã cùng cộng sự tự tay tô màu cho các hình ảnh trong những thước phim.

Theo thời gian, nội dung phim và cách làm phim của Melies đã trở thành tiền đề đầu tiên cho các phim phiêu lưu, phim khoa học viễn tưởng sau này. Đến năm 2011, Martin Scorsese đã làm phim Hugo, tái hiện lại câu chuyện về cuộc đời Melies – nhà ảo thuật kỳ tài, người thổi hồn vào những câu chuyện, và phủ đầy điện ảnh bằng những màu sắc diệu ký. Bộ phim được các nhà phê bình đánh giá cao, và cũng giành được nhiều giải thưởng danh giá.

Theo NGUYỄN HOÀNG DƯƠNG / BOOK HUNTER CLUB

Tags: