‘Bông hồng vàng và bình minh mưa’ – tác phẩm để đời của Paustovsky

“Bông hồng vàng và bình minh mưa” có thể được xem là một quyển sách vượt ra khỏi những khuôn khổ ước định quy chuẩn của văn học. Nó không đơn thuần chỉ là truyện ngắn, nếu muốn, độc giả vẫn có thể cảm nhận được chất thơ miêu tả trữ tình, chất nhạc thánh thót nồng hậu, chất tự sự cuốn hút hấp dẫn và chất nghị luận thông suốt sắc sảo trên mỗi một trang giấy. Độc đáo, ấn tượng và nhiệt huyết, ấy là những gì mà Paustovsky muốn độc giả đồng cảm được thông qua ngòi bút đầy mãnh lực của mình.

“Đồi trung du phơ phất bóng thông già
Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu…”

Chắc chắn bất cứ ai trong chúng ta một khi đã “đặt chân” vào thế giới của văn chương và ngôn từ thì đều có lấy ít nhất cho mình một quyển sách để lại nhiều ấn tượng, chất vấn trong lòng. Những quyển sách như vậy thường được viết nên bằng tâm huyết của nhà văn, được đúc kết và mài giũa qua sự gạn lọc tinh tế bằng con mắt nhìn đời sâu sắc, đa diện.

Đối với tôi, “Bông hồng vàng và bình minh mưa” của K.G.Paustovsky chính là một quyển sách như thế, một quyển sách mà ta không thể nào trải nghiệm trọn vẹn chỉ bằng một lần đọc vội vã mà phải nghiền ngẫm lâu dài theo thời gian. Không phải vì nó khó hiểu, hàn lâm hay đòi hỏi một tâm hồn cao thượng để trở thành tri kỷ của tác giả, mà đơn giản là bởi những ấn tượng tưởng chừng giản đơn nhưng lại sâu sắc vô cùng từ hình ảnh gợi mở của từng dòng, từng chữ một.

Đâu phải dửng dưng mà người ta vẫn thường hay bảo rằng “Nhắc đến nước Nga là không thể không nhắc Paustovsky”.

Một quyển sách “bắt mắt” ngay từ nhan đề.

Có thể nói khi lân la trên khắp các diễn đàn mua bán sách trực tuyến, hoặc thậm chí là tại các cửa hiệu sách ở ngoài thực tế, không ít lần bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp và bối rối vì không biết chọn đầu sách nào tiếp theo để đọc. Đó là một trạng thái quen thuộc với hầu hết những “mọt sách”. Nhiều khi chúng ta chỉ muốn gom hết tất cả những quyển sách trên kệ về nhà đọc ngấu nghiến ngay tấp lự, nhưng có quá nhiều vấn đề từ thời gian đến khả năng chi trả giới hạn sự chọn lựa của chúng ta lại. Bấy giờ tôi tin chắc “Bông hồng vàng và bình minh mưa” sẽ là một trong những cuốn sách có thể thu hút lấy ánh nhìn của bạn đầu tiên và sẽ khiến bạn lưỡng lự ít nhiều cho việc “trải nghiệm” chúng cho bằng được.

Thoạt tiên nhìn qua độ dày và hình ảnh gợi mở ra từ nhan đề của quyển sách, không khó để ta hình dung nên đây là một quyển tiểu thuyết lãng mạn, tình cảm và chắc chắn có khả năng cao là thuộc dòng sách kinh điển. Chỉ cần nghĩ đến hình ảnh của một bông hồng vàng thật đẹp đẽ, tinh tế, quý phái, toát lên một vẻ sang trọng, yêu kiều đầy giá trị, và một bình minh mưa thoáng đượm một chút tình cảnh buồn thảm, ủ ê của một buổi sớm, ai mà không tự hình dung ra được một bức tranh mầu nhiệm được điểm tô bằng những màu sắc dù là tương phản nhưng lại kết hợp ăn ý, đến tuyệt hảo.

Và cuối cùng thì đây có thật sự là một quyển tiểu thuyết hay chăng?

Không, không hề, nhưng những gì chất chứa trong nó còn tuyệt vời hơn cả một tiểu thuyết. Nó không bị gói gọn bởi bất kỳ một tính chất nào của văn chương, không hề ép vào một khuôn mẫu nào của hình thức. Nó có thể là truyện ngắn, là những dòng thơ, là trang nhật ký và là những cảm thức của tác giả về văn chương và người nghệ sĩ.

“Bông hồng vàng và bình minh mưa” là tuyển tập những tinh hoa trong cuộc đời sáng tác của nhà văn Nga K.G.Paustovsky.

“Hãy để tôi kể cho bạn nghe thế nào là cảm thức của một người nghệ sĩ”

Quyển sách được chia thành hai phần chính theo tên nhan đề là “Bông hồng vàng” và “Bình minh mưa”. Trong đó, “Bông hồng vàng” có thể được xem như phần đắt giá nhất không chỉ trong nội tại của quyển sách mà còn xét trên cả phương diện xuyên suốt đời sống của tác giả.

Có rất nhiều cách để truyền tải những cảm quan của mình về văn chương, hay nôm na thường gọi là những nhận định, lý luận về văn học. Thông thường những nhà văn, nhà thơ thường thể hiện nên những quan điểm của họ về công việc sáng tác của mình dưới hình thức của những câu văn hoặc câu thơ tách bạch, độc lập. Điều này dĩ nhiên không ảnh hưởng nhiều đến sự đồng cảm của độc giả hoặc những người có cùng tư tưởng cảm thụ với họ, tuy nhiên ở một khía cạnh nào đó thì nó vẫn tồn đọng một kiểu thức khuôn mẫu và dễ thường khiến người ta thấy sáo rỗng, khó tiếp thu được.

Paustovsky đã làm gì để khiến cho những cảm quan của mình gần gũi hơn với độc giả?

Ông không làm gì cả, thật bất ngờ nhưng chính xác là như vậy. Ở tập “Bông hồng vàng”, ông vẫn cứ gửi gắm vào đó những truyện ngắn như mình đã viết trước đó trong sự nghiệp sáng tác của mình, thế nhưng bất ngờ thay những truyện ngắn này lại làm bật lên được cái cảm thức đầy thẩm mỹ và tinh tế từ tâm hồn của một người nghệ sĩ thực thụ.

Cái cảm thức ấy là gì?

Ấy chính là những hạt bụi quý được thu gom từ những cửa hàng kim hoàn và được sàng lọc dần thành những bụi vàng bé nhỏ, sau cùng được đúc thành thỏi rồi mài giũa thành một bông hồng vàng. Câu chuyện đầu tiên của chương sách tưởng chừng như chỉ dừng lại ở sự yêu quý đơn thuần của người đàn ông tên Samet đối với đứa bé Xuyzan qua đóa hồng vàng, thế nhưng sau cùng lại làm lộ ra một chân lý khác trong công cuộc sáng tác của bất cứ một người nghệ sĩ nào – “Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim và rồi từ hợp kim đó ta đánh ‘bông hồng vàng’ của ta – truyện, tiểu thuyết hay là thơ”.

Cái tài tình của ông là ở việc bỏ qua hẳn những khuôn mẫu đơn thuần của lí luận văn học, ông không thể hiện những suy nghĩ của mình về cuộc đời sáng tác của một nhà văn qua những câu nhận định độc lập. Ông muốn độc giả của mình gần gũi với mình hơn, ông muốn viết cho họ những truyện ngắn về cuộc đời của mình, gửi gắm cho họ một đôi mắt có những góc nhìn không khác gì của mình. Phải, ông muốn độc giả nhìn được những diễn biến cuộc đời như những gì ông đã nhìn thấy và cảm nhận, sau cùng thì họ mới thật sự thấu hiểu được tường tận những phẩm chất của một nhà văn, bản chất ra đời của một tác phẩm và trân trọng hơn mối liên hệ chặt chẽ giữa bạn đọc, tác giả và những dòng chữ có hồn trên trang giấy phai màu thời gian.

Có bao giờ ta đã thử “đặt cuốn sách lên trên cuộc đời chứ không đặt cuộc đời lên trên cuốn sách”?

Những truyện ngắn hoặc các bản ghi chép của ông trong “Bông hồng vàng” và kể cả các tác phẩm trước đó trong sự nghiệp sáng tác, Paustovsky đều thể hiện rất rõ quan điểm “hãy sống một cuộc đời thật tràn đầy trong ta trước khi đặt ngòi bút lên trang giấy”.

Sáng tác của ông không khiên cưỡng và gò ép bởi “sự van nài” của trí óc trước cuộc đời và những sự diệu kỳ của nó. Thay vào đó ông trải nghiệm đây đó, không ngừng tham gia những công việc mới mẻ và thay đổi môi trường sống, hoạt động của mình. Chính điều đó đã khiến cho cách nhìn nhận cuộc đời của ông trở nên mềm mại đúng chỗ và sắc sảo đúng nơi. Paustovsky không cố gắng đưa những trải nghiệm từ cuộc sống của mình vào tác phẩm, rất sớm ông đã nhận thức được rằng sáng tác không thể nào chỉ là cố nhớ cho bằng hết và tham lam nhồi nhét những gì mình muốn vào trong tác phẩm. Nhận ra được “trí nhớ của nhà văn là hết sức phi phàm”, có đủ khả năng đưa vào tác phẩm những tình huống đến từ quá khứ rất xa xưa mà trong chốc lát chợt bừng tỉnh nhớ về, không cần sự ghi chép kỹ lưỡng và gượng ép.

Đây cũng là phần nào thông điệp ông muốn nhắn gửi đến độc giả xuyên suốt quá trình trải nghiệm những “bông hồng vàng”, ông muốn họ đặt những truyện ngắn, những tình huống và nhân vật lên trên cuộc đời của chính mình để có thể đồng cảm được với ông. Thay cho việc cố gắng ràng buộc hình tượng cuộc sống mình vào trong tác phẩm, thế thì chẳng khác gì “cưỡi ngựa xem hoa” trên những phần nổi ít ỏi của một tảng băng.

Đọc “Bông hồng vàng” và đặt nó lên trên cuộc đời của mình, nhất là đối với những nhà văn, nhà thơ, ta sẽ đạt được đến mức “cảm khoái” vô cùng trước những mỹ cảm và ánh nhìn “thâm sâu tận cùng bản chất sáng tác” của Paustovsky.

“Bình minh mưa” – bản giao khúc trầm bổng giữa những niềm vui và sự chất vấn.

Những truyện ngắn được tổng hợp trong phần “Bình minh mưa” của quyển sách thật sự mang đến những rung động tuyệt vời cho người đọc. Những rung động ấy vang vọng trong tâm tưởng và trái tim hoàn hảo đến nỗi có thể khẳng định không thua kém gì việc lắng nghe một bản nhạc lả lướt trên các phím đàn của một nghệ sĩ tài ba.

Mỗi một truyện ngắn đều chất chứa cái thi vị riêng mà khi trải nghiệm, ta như đều phải dùng đến mắt để thấy, tai để nghe, xúc cảm để vỡ òa và con tim để dao động. Những hình ảnh mà Paustovsky “vẽ nên” trong các truyện ngắn quả thể hiện đúng như những gì ông nhận định về cảm thức của một nhà văn, đó đều chỉ là những hình ảnh đơn sơ, mộc mạc thế mà lại khắn khít vào cái khuôn truyện hơn bao giờ hết, dường như chẳng thể nào thay đổi đi dù chỉ một chi tiết bé nhỏ.

Đó có thể là một bài ca dân dã, một cánh rừng bạch dương, một con búp bê Nga hay một thôn xóm dung dị, nhưng tất cả đều là một phần của tác phẩm, thiếu đi chúng thì truyện ngắn như mất đi cái mỹ vị vốn có, tổn thất đi một phần giá trị không hề ít ỏi. Tựa như những câu thơ của Bằng Việt khi viết “Nghĩ lại về Paustovsky” cũng đã sơ lược những truyện ngắn đầy ấn tượng của “Bình minh mưa” rằng:

“Lẵng quả thông” trong suối nhạc nhiệm màu
Hay “Chuyến xe đêm” thầm thì mê đắm,
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa.

– “Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện “Tuyết”?
Có tiếng chuông rung, và con mèo Ackhip
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong…”

Vốn được xem là bản giao khúc của những niềm vui và sự chất vấn là bởi “Bình minh mưa” chứa toàn những truyện ngắn dễ thường đọc xong khiến người ta bất giác nở một nụ cười mỉm trên môi, thế mà lạ kỳ lại chẳng thể hiểu vì sao mình lại cười như thế. Ấy mới thực là cái rung động tận sâu trong tâm thức và sự tri âm thực thụ giữa độc giả với nhà văn!

Đọc một lần rồi ngẫm mãi cho những lần đọc còn lại.

Quyển sách này không thể được trải nghiệm một cách trọn vẹn nếu như ta cố gắng đọc thật nhanh cho xong hoặc mảy may rằng chỉ đọc có duy nhất một lần. Có thể rằng lần đọc đầu tiên sẽ khắc họa cho ta được rất nhiều những ấn tượng và sự chất vấn bởi nhìn chung cách viết truyện của Paustovsky không có quá nhiều tình huống dồn dập nhưng ngược lại nhiều hình ảnh mang sức biểu cảm và hình tượng cao, chất chứa nhiều tầng nghĩa mà ở mỗi vị trí, giai đoạn của đời người, ta lại có những nhận thức và cách tiếp thu tư tưởng khác nhau.

Những truyện ngắn của ông thật sự mang lại niềm vui cho con người ta, một niềm vui mà chính ta cũng không biết khởi phát từ đâu và đó cũng chính là lý do khiến ta phải ngồi trước một trang giấy suy ngẫm nhiều hồi để tìm ra bằng được cái lẽ làm cho bản thân mỉm cười, vui vẻ đến lạ.

Ví như tôi đã nhiều lần lâm vào cái tình cảnh ấy mỗi khi đọc xong những dòng cuối cùng của một vài truyện ngắn từ phần quyển sách này, ấn tượng nhất có thể kể đến là truyện ngắn “hạt cát”. Đây là một truyện ngắn vô cùng đặc biệt mà ngay từ cách dẫn dắt ở những dòng đầu tiên, tác giả đã có bàn qua sơ lược về vai trò của những giá trị nội dung, hiện thực tồn đọng lại từ tác phẩm sau khi độc giả trải nghiệm. Ông đặt ra câu hỏi rằng truyện ngắn theo đúng bản chất thì có cần đến những giá trị như vậy hay không? Nội dung của câu chuyện được kể rất gần gũi, không có bất kì một tình huống xoay chuyển mãnh liệt nào cả ấy vậy mà một nụ cười mỉm thật sự đã nở trên môi của tôi khi đọc xong.

Truyện ngắn không cần phải có những bài học, những thông điệp “đao to búa lớn” để có thể trở nên có giá trị, đôi lúc nó chỉ cần mang đến cho người ta niềm vui nhỏ nhoi trước tất cả rồi mới dần tính đến chuyện ngẫm nghĩ sâu xa hơn. Đó là tài năng “ghê gớm” của Paustovsky trong những truyện ngắn của mình – anh phải thấy hạnh phúc trước cho lần đọc đầu tiên rồi thì anh mới ngẫm cho sâu được ở những lần đọc sau bằng cuộc đời của chính mình.

Cái hòa hợp tuyệt diệu của thiên nhiên đất nước vào trong từng câu từ, nhắc đến Nga là nhắc đến truyện ngắn của Paustovsky.

Một lý do tiêu biểu khác khiến cho các truyện ngắn của Paustovsky, đặc biệt là quyển “Bông hồng vàng và bình minh mưa” lại có một vị thế không nhỏ trong nền văn học Nga nói riêng và cả thế giới nói chung theo thời gian đến tận thời điểm hiện tại chính là sự hòa hợp giữa tâm hồn của ông với thiên nhiên.

Dường như ta có thể hình dung được cảnh sắc thiên nhiên Nga qua những truyện ngắn của ông một cách rất rõ ràng và chi tiết, dù rằng ngôn ngữ mà ông sử dụng không quá nỗi cầu kỳ, kiểu cách. Thiên nhiên hiển hiện rất rõ trong từng truyện ngắn và góp vào trong đó một phần giá trị phi vật thể, dù không thể chạm đến nhưng hoàn toàn đáng quý và trân trọng.

Đặc sắc hơn rằng cái thiên nhiên ấy dù ở trong bất kì tình cảnh nào cũng ánh lên một vẻ gần gũi, thân thuộc, kể cả khi ta chưa một lần đến Nga cũng có thể hòa điệu tâm hồn vào để cùng cảm nhận và cùng rung cảm trước nó. Dù có là chiến tranh hay hòa bình, những dòng miêu tả của Paustovsky vẫn được ông hạ ngòi thật nồng dịu và yên ả, họa lên một cảnh sắc đất nước theo đúng cái bản chất của nó – những cánh rừng bạch dương xào xạc, những bình nguyên tuyết phủ, những lẵng chứa đầy các quả thông hay những cô bé, chú bé vui đùa bên ngọn lửa sưởi ấm nổ tí tách trong bếp lò. Đó có thể là một cơn mưa trong buổi bình minh, cũng có thể là những tiếng nổ đì đùng vang vọng xa xa từ những binh pháo hạng nặng trong thế chiến thứ 2, là cái sống động trong khu vườn của một người phụ nữ luống tuổi nhưng tất cả đều toát lên một cái vẻ “rất Nga”, “rất Paustovsky”.

Ông mang thiên nhiên Nga đến gần hơn với độc giả qua nhiều góc nhìn khác nhau song thật ra tất cả đều có một sự thống nhất chừng mực ở từng truyện ngắn của mình và điều đó đã khiến cho các tác phẩm của ông có một giá trị đáng kể trong nền văn học nước nhà.

Theo NGUYỄN MINH PHÚC / Ô CỬA SÁCH

Tags: , ,