Bi kịch của những đứa trẻ thiếu sáng tạo vì giáo dục ‘thị trường’

Nền giáo dục đang vận hành và bị bó buộc bởi quy luật cung cầu của thị trường công việc và tạo ra nhiều đứa trẻ thiếu sáng tạo.

Bi kịch của những đứa trẻ thiếu sáng tạo vì giáo dục ‘thị trường’

“Chúng ta có đang làm những đứa trẻ trở nên thất bại?” – Tôi đã biết đến nhận định này trong một bài diễn thuyết trên TED Talks của Sir Ken Robinson vào tháng 2/2006 và đã thực sự ấn tượng bởi vì ông ấy nói về sự thiên lệch của nền giáo dục đã triệt tiêu đi tính sáng tạo của rất nhiều trẻ em.

Và có lẽ đó chính là nguyên nhân để dẫn đến kết luận của ông rằng hệ thống trường học của chúng ta đang làm trẻ em trở nên thất bại.

Như vậy có thể hình dung được rằng có thể mục tiêu giáo dục của nhiều trường học có thể không đáp ứng được mục tiêu cuộc đời của những đứa trẻ. Đến lúc này, chúng ta có thể hoài nghi rằng liệu những đứa trẻ có thực sự biết chúng muốn gì và thể hiện khả năng của mình ra sao hay không?

Lời nhận định của Picasso có thể giúp gia cố cho niềm tin của chúng ta rằng khi ông nói mọi đứa trẻ sinh ra đều là nghệ sĩ và chúng chỉ biểu lộ những vấn đề khi chúng trưởng thành hơn mà thôi. Ngày nay, chúng ta chứng kiến thêm rất nhiều những tài năng nhí thậm chí dưới 10 tuổi.

Giáo dục đang định hướng phát triển con người hay giáo dục là công cụ để thực hiện những mục tiêu khác? Dễ nhận thấy rằng chúng ta vẫn ở trong quỹ đạo ảnh hưởng của sự phát triển công nghiệp hoá với những trào lưu mới như: toàn cầu hoá, kỹ nghệ số hoá.

Nhu cầu đào tạo ra lực lượng lao động để giải quyết những vấn đề trong quá trình phát triển công nghiệp đã thu hút hầu hết các nền giáo dục vào tiến trình đó. Mặc dù, xã hội công nghiệp cũng mở rộng ra nhiều lĩnh vực và đạt được những sự đa dạng nhưng nó vốn dĩ vẫn bị bó buộc vào những ngành nghề theo quy luật cung cầu của thị trường công việc.

Như vậy, xu hướng công nghiệp hoá đã mang lại cuộc sống với những tiện nghi nhất định nhưng cũng đồng thời bỏ qua rất nhiều những giá trị khác về nhân sinh học mà nổi bậc nhất là sự sáng tạo nghệ thuật.

Trong một bài diễn thuyết khác của Sir Ken Robinson vào năm 2010, ông lại tiếp tục kêu gọi một cuộc cách mạng giáo dục để những đứa trẻ có thể phát triển toàn diện hơn.

Trong đó, ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong sự hiểu biết về trí thông minh của trẻ em. Theo đó, trí thông minh bao gồm 3 phần: sự đa dạng, sự năng động và sự dễ nhận biết. Ông cũng cho rằng đây là những nguyên tắc gốc rễ để nền giáo dục có thể xây dựng lại hệ thống của mình để có thể chạm tới những phạm vi mà nó chưa từng nhấn mạnh trước đây.

Giáo viên dĩ nhiên là một yếu tố quan trọng trong sự cân nhắc này bởi vì giáo viên là những người gần gũi với trẻ em nhất và họ cũng hiểu những đặc điểm riêng của từng học trò. Ở khía cạnh này có thể lấy sự hiệu quả trong việc phát huy khả năng thiên bẩm của trẻ em để đánh giá sự hiệu quả của giáo viên thay vì những mục tiêu đóng khung hàng năm dành cho giáo viên.

Tôi nhận thấy, trong sự dịch chuyển giáo dục này, giáo viên sẽ làm việc với hai phạm trù: xác định lại những thách thức mà họ phải đối mặt trong nền giáo dục cá nhân hoá và cách chuyển hoá chúng thành những giá trị với sự lạc quan và thích thú dành cho học trò.

Để có thể phát huy được thế mạnh của nền giáo dục cá nhân hoá thì giáo viên phải có sự nhạy cảm trong quan sát và đánh giá học sinh. Họ bắt buộc phải trở thành những chuyên gia trong môi trường giáo dục ấy.

Lấy giáo viên mầm non làm ví dụ, họ thường áp dụng phương pháp đánh giá tiến trình (formative assessment) thông qua quan sát biểu hiện của những đứa trẻ hơn là đánh giá thông qua kết quả học tập (summative assessment).

Điều này giúp họ dễ dàng đạt được sự nhạy cảm thông qua việc ghi chú lại những thói quen cũng những biểu hiện lạ và từ đó thiết kế một môi trường giáo dục phù hợp để những khả năng của trẻ em có điều kiện phát triển.

Dĩ nhiên, sự phát triển của trẻ em ở mỗi giai đoạn là khác nhau. Tạm thời các nhà giáo dục và những nhà nhân sinh học tạm thời phân loại ra các giai đoạn như thời thơ ấu, thiếu nhi và thiếu niên trước khi các em xác định rõ các định hướng phát triển nghề nghiệp sau này.

Khi nhìn vào các giai đoạn trưởng thành này của trẻ em, chúng ta sẽ nhận ra cách mà nền giáo dục đang làm là xây dựng nên một cái tháp tri thức. Khi trẻ em càng lớn cũng sẽ càng giới hạn lại những phạm vi hoạt động học thuật và tập trung hơn cho những gì mà chúng cảm thấy là thế mạnh của chúng.

Để quá trình này không làm trẻ em trở nên thất bại ngay từ giai đoạn đầu đời, nền giáo dục cần có những cải tổ để có thể giúp trẻ em phát triển suy nghĩ dồi dào của chúng và mang lại nhiều cơ hội hơn để trẻ em có thể trải nghiệm nhiều các khía cạnh khác nhau trong đời sống.

Theo CE PHAN / VNEXPRESS 

Tags: ,