Bi kịch của một thế hệ trẻ mất phương hướng ở Trung Quốc

Trong cuộc chạy đua giáo dục, nhiều đứa trẻ Trung Quốc chọn “nằm yên”, trở nên mất phương hướng, lý tưởng sống, thiếu hứng thú và động cơ học tập do bị cha mẹ ép học quá mức.

Bi kich của một thế hệ trẻ bị ‘bội thực’ học hành ở Trung Quốc

“Tang ping”, tạm dịch là nằm yên, là ngôn ngữ mạng ra đời vào năm 2016 tại Trung Quốc. Từ này dùng để mô tả thái độ hời hợt, bàng quan với cuộc sống. Hiện nay, “tang ping” được dùng để chỉ những người trẻ trong xã hội hiện đại có lối sống lãnh đạm, coi thường sự cạnh tranh, không muốn theo đuổi lý tưởng. Theo Sixth Tone, “tang ping” từng xuất hiện trên một diễn đàn ở Trung Quốc, nhưng sau đó bị xóa.

Thực tế hiện nay, “hiện tượng nằm yên” không chỉ xảy ra với giới trẻ Trung Quốc, nó bắt đầu xuất hiện trong các trường học, nơi những đứa trẻ đang sống cùng những ông bố, bà mẹ hổ.

Khi cuộc đua giáo dục lên đỉnh điểm, nhiều đứa trẻ bị cha mẹ ép học quá mức, các em chọn cách “nằm yên”, không màng đến mục tiêu, lý tưởng sống.

“Nhiều đứa trẻ hiện nay mắc bệnh “khuyết tim”. Các em trở nên thiếu hứng thú, niềm vui, không cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống, thậm chí không thể tìm thấy chính mình”, giáo sư Đại học Bắc Kinh, ông Từ Khải Văn, đưa ra nhận định trong một bài viết.

Khi con cái trở thành con rối trong tay cha mẹ

Tiểu Phi, 10 tuổi, ở Hàng Châu, Trung Quốc, là một trong những đứa trẻ chọn lối sống nằm yên, trì hoãn vì bị ép học quá nhiều. Mỗi ngày, sau khi tan học, em phải tham gia hàng loạt lớp học thêm theo sắp xếp của cha mẹ. Nếu không đạt hạng 1 trong lớp, em sẽ bị bố mẹ phạt, theo The Paper.

“Cháu thường phản kháng. Học nhiều rất khó chịu nên cháu thường trì hoãn việc học”, Tiểu Phi nói.

Tại Trung Quốc, nuôi dạy con cái đã trở thành cuộc chiến không tiếng súng của các bậc cha mẹ. Nhiều gia đình đổ hàng nghìn USD để cho con tham gia “cuộc chạy đua vũ trang” này. Tuy nhiên, nhiều người quên mất con họ cũng cần có cơ hội khám phá bản thân, khám phá ý nghĩa cuộc sống.

Có người ví von nhiều đứa trẻ Trung Quốc giống như con rối trong tay cha mẹ. Dưới “hiệu ứng nhà hát”, đứa trẻ phải liên tục hoạt động dưới sự điều khiển của người lớn. Dần dần, các em mất khả năng đối diện với thế giới, không được làm chủ cuộc sống của mình.

Nhiều người trẻ cảm thấy học tập, thậm chí cuộc sống cũng trở nên vô nghĩa. Mỗi ngày, các em chỉ xoay quanh 2 nhiệm vụ chính là ăn và học, không được vui chơi, hòa nhập với bạn bè, càng không thể phát triển tâm hồn theo cách bình thường.

William Damon, giáo sư tại Đại học Stanford (Mỹ), đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu về thanh thiếu niên, nhận định vấn đề lớn nhất của trẻ em hiện nay không phải áp lực, mà là sự thờ ơ với cuộc sống.

Trong tiềm thức, nhiều trẻ coi việc học là nhiệm vụ do cha mẹ và giáo viên ép buộc, là công việc không có mục đích, không mang lại ý nghĩa cho bản thân.

Cha mẹ cần nhớ rằng, chỉ khi trẻ coi học tập là việc để đáp ứng bản thân, các em mới có động lực cố gắng, không ngừng thử thách bản thân và khám phá những điều mới mẻ.

Tuổi trẻ là thời điểm thích hợp để tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ, giúp trẻ khám phá sở thích và năng khiếu của bản thân. Biết vấp ngã, học cách kiên trì là bài học lớn nhất cho mỗi đứa trẻ. Cha mẹ nên khuyến khích con bước khỏi vùng an toàn và khám phá thế giới, thay vì chỉ biết ép con học và làm bài tập như một cái máy.

Nói và nghe con nói

Trẻ nhỏ có xu hướng bắt chước những người gần gũi nhất, vì thế cha mẹ cần tận dụng thời gian để định hướng, giúp trẻ khám phá đam mê của bản thân. Mỗi ngày, bạn nên dành thời gian trò chuyện, giải thích cho con hiểu những vấn đề trong cuộc sống.

Thay vì nói “con phải học”, bạn hãy lý giải vì sao việc học lại quan trọng với cuộc sống của mỗi người. Từ đó trẻ sẽ nhận ra học tập là điều có ý nghĩa và có động lực để phấn đầu.

Đồng thời, bạn cần nhớ rằng, con cái không phải công cụ thay cha mẹ thực hiện những ước mơ không thành. Trẻ có quyền khám phá và thực hiện mong muốn, ước mơ của riêng mình. Trẻ có quyền hiểu bản thân đang làm gì, điều đó khiến các em cảm thấy hài lòng hay không.

Tình cảm giữa cha mẹ và con cái bắt nguồn từ hai phía. Con cái nghe lời cha mẹ, cha mẹ cũng cần lắng nghe con bày tỏ suy nghĩ của bản thân. Ví dụ, cha mẹ có thể hỏi suy nghĩ của con về những câu chuyện trên tivi, từ đó dẫn dắt để trẻ bày tỏ những điều bản thân quan tâm và mục tiêu các em hướng đến.

“Khi khơi gọi những ý tưởng mới, chúng ta sẽ có cơ hội lắng nghe suy nghĩ của trẻ về mục tiêu, lý tưởng sống”, giáo sư William Damon khuyên.

Con cái có quyền khám phá bản thân, không thể mãi bị mắc kẹt trong những “dự án” do cha mẹ xây dựng. Khi trẻ tìm ra những điều ý nghĩa trong cuộc đời mình, hãy để các em tự thử thách và thất bại. Sau đó, cha mẹ nên khuyến khích con học hỏi từ những lần vấp ngã, dạy cho các em hiểu thất bại là cơ hội để trưởng thành.

Cuộc sống ý nghĩa không đòi hỏi con người phải so sánh bản thân với những người khác, mà đòi hỏi chúng ta phải tự biết phá vỡ những giới hạn của mình.

Bên cạnh việc khám phá, phát triển bản thân, trẻ cũng cần được hiểu những lợi ích nhóm và tập thể. Con người không sống trên hòn đảo riêng biệt, chúng ta đang sống trong một cộng đồng phụ thuộc, tác động lẫn nhau. Cha mẹ nên khuyến khích con tham gia các hoạt động nhóm để khơi dậy sự đồng cảm, thấu hiểu và yêu thương.

Khi trẻ đạt được những thành tựu bằng cách xây dựng, thay đổi cuộc sống của mình, các em sẽ củng cố niềm tin và giá trị của bản thân. Điều này tạo ra sự phát triển mạnh mẽ về ý thức con người. Qua đó, các em sẽ có những suy nghĩ và trải nghiệm khác nhau để tạo ra sự khác biệt, thay vì “nằm yên”, bỏ mặc cuộc sống.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , ,