Bàn về vấn đề tự do trong sáng tạo nghệ thuật

Con người sinh ra cần đến tự do, như cơm ăn, áo mặc, khí trời… Người nghệ sĩ cần tự do, vì lao động nghệ thuật là một loại hoạt động vô tư và tự nguyện.

Vấn đề tự do trong sáng tạo nghệ thuật

Có người nào đó nói: nếu anh (hay chị) thấy không cần viết vẫn có thể sống một cách thảnh thơi, bình tâm thì tốt hơn là không nên viết.Chỉ nên viết khi trong lòng có một thôi thúc gì lớn lắm, khiến cho sống không yên, để như Sêkhốp bất chấp khổ ải, lặn ngòi lại nước, đi hàng vạn dặm đường sang Sakhơlin hoặc Lép Tônxtôi sống trọng tuổi thọ và phú quý vẫn khắc khoải mà tìm cảnh… chết đường.

Cố nhiên, vẫn còn những thôi thúc khác, như danh và lợi, vì danh lợi cũng là một ma lực hấp dẫn, một sức ép ghê gớm, nhưng trong trường hợp đó, khó mà nói đến những sản phẩm có giá trị lâu dài. Cũng không hiếm trường hợp nhà văn cần viết để sống, viết như một nghề đế kiếm sống. Nói như Bêrănggiê: nếu không cho tôi sống để viết thì tôi phải viết để sống! Đó là cả một nỗi đau, một điều bất đắc dĩ cho nghệ thuật. Trong hoàn cảnh đó khó mà đòi hỏi những giá trị hoàn mỹ. Nhưng với tài năng, với những nghệ sĩ bậc thầy thì sự kiếm sống không thể hoặc không dễ làm tiêu mòn các giá trị. Ban Dắc viết như kéo cày để trả nợ. Nam Cao, Nguyên Hồng viết trong nỗi lo thường trực phải chống đói, viết để cứu đói cho cả gia đình. Và cho đến hôm nay, câu chuyện viết để sống, nhưng không dễ sống, đối với chúng ta đâu phải đã hết ý nghĩa thời sự.

Lịch sử văn học nhân loại đã từng diễn ra biết bao đấu tranh cho tự do trong sáng tạo, khi tự do cho con người không những không được bảo đảm mà còn bị vi phạm, dày xéo. Nhưng do bản chất nghệ thuật đòi hỏi một lao động tự do, tự nguyện, nên ngay cả khi quyền sống bị vi phạm, ngay cả khi sinh mệnh con người bị đe dọa, sản phẩm nghệ thuật vẫn cứ ra đời, bất chấp ngoại cảnh khắc nghiệt. Như Tự tình khúc của Cao Bá Nha. Như Viết dưới giá treo cổ của Phuxích. Như Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh…

Bản chất nghệ thuật chân chính là như vậy. Là kết quả của một thôi thúc bên trong: trí tuệ, tấm lòng, con tim nghệ sĩ. Không thể là kết quả của những sức ép nào đó từ ngoài. Đã diễn ra một cuộc đối thoại giữa hai văn hào Pháp, sau Thế chiến một, một nhà văn Ăngđơrê Giđơ, một nhà thơ Pôn Valêri:

“Tôi sẽ chết, nếu ai đó cấm tôi viết!”
“Tôi cũng sẽ chết, nếu ai đó bắt tôi viết!”

Cần đặt nội dung tự do sáng tạo nghệ thuật trong nội dung rộng lớn là tự do cho con người. Trong xã hội còn bóc lột và tước đoạt thì không thể nói đến một khái niệm tự do chung cho tất cả.

Xã hội tư bản và các xã hội tiền tư bản đã tạo ra những nền văn học lớn, với những tác giả và tác phẩm ưu tú, những tên tuổi và sản phẩm chứng tỏ sức sáng tạo vô song của con người và làm vinh quang cho con người. Nhưng đừng nghĩ là tất cả các sản phẩm đó đã ra đời một cách hoàn toàn tự do. Không ít số phận văn chương đã phải chịu những cảnh ngộ long đong, chìm nổi và lắm khi tác giả của nó đã phải đổi cả sinh mệnh của mình. Không cam tâm làm nô bộc cho chính quyền thống trị, những nhà văn lớn, nếu không chịu lùi bước, đành phải hy sinh sản phẩm nghệ thuật. Hoặc nếu sản phẩm may mắn được ra đời, sớm hay muộn là nhờ có chỗ dựa, tìm được hậu thuẫn ở công chúng, ở thời gian.

Vậy là bản chất sáng tạo nghệ thuật cần tự do nhưng trong xã hội, càng trong xã hội có tước đoạt và bóc lột, không ai có thể có tự do tuyệt đối, không thể có thứ tự do người viết muốn viết gì thì viết, ai muốn làm gì thì làm.

Mỗi nguồn trong đó có nhà văn, đều phải sống trong những ràng buộc của hoàn cảnh. Không chấp nhận hoặc không thích ứng được với những ràng buộc đó, con người khó tránh khỏi tình thế mất tự do thậm chí mất cả bản thân mình.

Do vậy phải trở về với nhận thức kinh điển về tự do của Engels: “Tự do là tất yếu được nhận thức”. Điều tự nhiên, mỗi người viết khi hành nghề, mỗi sản phẩm nghệ thuật muốn ra đời phải chịu nhiều sức ép. Có được tự do hay không là tùy thuộc ở khả năng người viết chịu được hoặc vạch được lối đi trong những sức ép ấy mà không đánh mất đi bản lĩnh độc lập của mình.

Sức ép lớn trước hết đến từ phía các lực lượng thống trị . “Tư tưởng thống trị thời đại là tư tưởng của giai cấp thống trị” (Mác). Trong xã hội cũ, sức ép đã là rất ghê gớm đối với những người viết đứng về phía nhân dân, viết vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân “Ngụ văn tự”, “Án văn chương” lắm khi là cả một chuyện rùng rợn. Chẳng phải chỉ là “mất tự do”, mà còn là “mất quyền công dân” hoặc “mất mạng” nếu người viết không chịu uốn cong ngòi bút mình để phục vụ giai cấp thống trị. Xã hội tư bản có đem lại một sự tự do cho cá nhân nhưng lại mở rộng cửa cho tự do cạnh tranh, tự do tước đoạt, tự do mua bán với sức công phá và thế lực vạn năng của đồng tiền. Trong chế độ mới, sức ép này như trong định hướng và mong muốn, là không còn nữa, nhưng kinh nghiệm mấy chục năm xây dựng xã hội mới cho ta thấy sức ép này không phải đã hết, khi khả năng tổ chức, quản lý, lãnh đạo của chính quyền còn những mặt hạn chế, non yếu do sự ít hiểu biết, đó tệ quan liêu hoặc do các chế độ chính sách đã trở nên cũ kỹ mà chưa kịp sửa đổi điều chỉnh.

Sức ép còn đến từ phía công chúng – người đọc. Nhà văn cần người đọc ở trên hoang đảo, hoặc sống một mình, chắc sự thôi thúc đó là không lớn lắm. Mà người đọc là một thực thể phức tạp. Khi 95% công chúng còn lo thanh toán nạn mù chữ như hồi đầu kháng chiến chống Pháp thì vấn đề như Tô Ngọc Vân từng đặt ra: “Tranh tuyên truyền và hội họa” là cả một nỗi ray rứt, đem lại sự phân thân giữa người công dân và người nghệ sĩ. Khi người đọc là gồm nhiều tầng lớp với các nhu cầu và thị hiếu khác nhau trong một nền sản xuất hàng hóa và trong bối cảnh kinh tế thị trường như hôm nay, thì sự đóng băng để hướng dẫn hoặc “chiều lụy” khách hàng, để nâng cao hay hạ thấp giá trị tác phẩm là một sự lựa chọn thật gay go. Trong tình hình đó, khó có thể nói đến sự tự do viết theo ý mình.

Và cuối cùng là sức ép từ chính bản thân tác giả. Nhà văn viết trên cái vốn của chính mình, mà vốn này thì bao giờ cũng có hạn. Nói như Êrenbua: Bất cứ người viết tài năng nào cũng đều chạm phải những bức tường. Họ không thể viết về tất cả những gì họ muốn, hoặc người đọc muốn.

Nhà văn cần được hoàn toàn tự do trước trang viết của mình. Nhưng để trang viết trở thành trang in còn là cả một cuộc hành trình qua nhiều cửa ải gồm những mạng lưới, những mắt xích móc nối vào nhau, và người viết không thể tự do trốn lánh hoặc băm bổ xé rào. Trong mạng lưới đó, tạo nên chỉnh thể “Tác giả, tác phẩm, công chúng” không được phép quên những ông (hoặc những cơ quan) chủ báo, chủ xuất bản, nơi quyết định trực tiếp số phận của bản thảo, những cơ quan cung cấp giấy in, xưởng in nơi quyết định khả năng và phương tiện.

Muốn “tự do sáng tác” không thể vượt qua khỏi những hàng rào ấy, những mắt xích ấy.

Có được tự do trong một sự hy sinh ít nhất bản lĩnh độc lập của người nghệ sĩ đó là điều chế độ ta luôn luôn mong mỏi. Nhưng sự thật vẫn còn biết bao khó khăn và chướng ngại, dẫu trong bất cứ bối cảnh nào. Do vậy vấn đề tự do sáng tạo, vấn đề nghệ sĩ cần được tự do vẫn luôn luôn mang ý nghĩa thời sự, cần được quan tâm bàn bạc và xử lý.

Theo PHONG LÊ / TẠP CHÍ TIA SÁNG


Tags: ,