Bàn về trí khôn nghệ thuật và trí khôn khoa học

Nhìn thấy mặt mạnh và mặt hạn chế của một lĩnh vực trí khôn là để con người có một cái nhìn an nhiên về cuộc đời và thế giới rộng lớn.

Bàn về trí khôn nghệ thuật và trí khôn khoa học

Khi nhìn vào những thành tựu phát triển khoa học và công nghệ của con người ngày hôm nay, ta không tránh khỏi cảm giác ngưỡng mộ, tự hào. Song, hãy thử thoát ra khỏi cái nhìn có tính so sánh, ta sẽ thấy mọi thành tựu tự bản thân nó vào lúc xuất hiện, trong trạng thái cuối cùng của thành tựu, bao giờ nó cũng mang tính chất gây ngưỡng mộ.

Thật vậy, sự phát minh ra lửa hoặc máy in, chẳng hạn, cũng gây cho con người vào lúc ấy một cảm giác ngưỡng mộ ít nhất cũng không kém về mức độ so với cảm giác ngưỡng mộ dành cho con người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng hoặc phát minh ra máy điện toán.

Sự khác nhau chỉ nằm ở tốc độ thay đổi (ngày nay diễn ra nhanh đến nỗi nhiều khi ta không kịp có thời gian để ngưỡng mộ!) Và khi thử nhìn bằng con mắt như vậy thì ta có thể thấy được bản chất và quá trình tiến hoá của tinh thần, của trí tuệ hoặc trí khôn của con người, hoặc đúng hơn là những biểu hiện hoặc ứng dụng muôn màu muôn vẻ của trí khôn con người trong cuộc sinh tồn trên trái đất từ hàng triệu năm qua.

Con người đầu tiên là con người nghệ sĩ

Kẻ đầu tiên, con người homosapiens đầu tiên trên trái đất, có thể nói như thế, đã làm công việc gì đầu tiên trong cuộc đời của hắn? Đi săn? Hái lượm? Chế tác công cụ? Những “chức danh” này thực ra là về sau khoa học (đặc biệt là khảo cổ học hoặc cổ sinh học) gán cho con người.

Con người dùng bàn tay thịt để nặn những hình thù bằng đất sét trước khi nó nghĩ ra cái rìu để đẽo những bức tượng bằng đá. Con người dùng cái que để vẽ nguệch ngoạc trên mặt đất trước khi nó nghĩ ra cây lao để săn thú. Tiếng nói đầu tiên của con người là luồng hơi bật ra tự nhiên từ cổ họng như là sự tự nhận thức về tình trạng chính nó: sợ hãi, đau đớn, tuyệt vọng. Việc gán cho ngôn ngữ chức năng truyền thông là sản phẩm của khoa học sau này.

Tức là phương diện phôi thai đầu tiên của trí khôn con người mang bản chất sáng tạo nghệ thuật, hiểu theo nghĩa con người làm công việc của nó không vì mục đích thực dụng. Sản phẩm đầu tiên của trí khôn là sản phẩm nghệ thuật thuần tuý. Và cũng nghĩa là con người đầu tiên đích thị là con người nghệ sĩ. Nói cách khác, trí khôn nghệ thuật là cái con người sinh ra đã có, hoặc phương diện đầu tiên của trí khôn con người là có bản chất nghệ sĩ.

Con người tưởng tượng về các hiện tượng tự nhiên (hệ thống thần thoại) trước khi nó thực sự có thôi thúc tìm hiểu về những hiện tượng đó, trước khi xuất hiện phương diện phôi thai đầu tiên của trí khôn khoa học. Hiểu theo nghĩa đó, khoa học là cái nhân tạo, là cái ghép thêm hoặc nói chính xác hơn, trí khôn khoa học chỉ là một dạng biểu hiện tiến hoá sau này của trí khôn con người, mặc dù trên thực tế khó lòng minh định được thời điểm ra đời cụ thể của trí khôn khoa học.

Phải học cách để “ăn táo”

Nhưng tại sao trí khôn khoa học lại được dành một vị trí quan trọng đến vậy trong lịch sử con người, đặc biệt là trong xã hội phương Tây và nhất là từ thế kỷ 17 trở lại đây? Chỉ bởi vì trí khôn khoa học do bản chất thực dụng nên là cái giúp cho con người sống sót được trên trái đất này. Bởi vì nhờ nó mà con người có thêm những cái “nhân tạo” giúp cuộc sống được cho là an toàn hơn, đảm bảo hơn về vật chất. Từ đó trở đi, trí khôn khoa học mặc nhiên được đề cao và chính giáo dục lại giúp cho địa vị của nó ngày càng trở nên vững chắc. Đến nỗi, giờ đây bất cứ điều gì con người nhận định, nếu muốn đáng tin, thì đều phải có thêm chữ “khoa học” hoặc căn cứ khoa học. Khoa học, xét như tri thức được tổ chức chặt chẽ và có hệ thống, có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Nhưng dù ở trong địa vị ấy, khoa học do chính bản chất của nó lại không phải là cái gì vững chắc. Triết gia người Anh Bertrand Russell (1872 – 1970) nói rằng triết học nằm ở khoảng đất giữa chiến địa của thần học (phần nào dựa vào giáo điều, áp đặt) và khoa học (dựa vào tri thức xác quyết, có thể chứng minh được). Song, khoa học rút cục vẫn có nguy cơ rơi vào giáo điều, áp đặt bởi nó có dám khẳng quyết rằng thực sự có những định luật giải thích mọi sự? Và như thế nó dễ trở nên giống như một thứ thần học, trừ phi nó khéo léo biện minh rằng mọi chứng minh khoa học đều đúng bao lâu chưa có một chứng minh khác đánh đổ chứng minh cũ!

Nhìn vào bản chất của trí tuệ con người và những biểu hiện cụ thể riêng biệt của trí tuệ con người (các lĩnh vực), dứt khoát không có nghĩa là đề cao phương diện này mà hạ thấp phương diện kia hoặc coi một phương diện nào đó là thống trị. Nhìn thấy mặt mạnh và mặt hạn chế của một lĩnh vực trí khôn là để con người có một cái nhìn an nhiên về cuộc đời và thế giới rộng lớn. Giáo dục, chẳng hạn, giờ đây đã chọn thái độ đối xử công bằng với mọi dạng trí khôn (intelligences-fair attitude). Triết học, chẳng hạn, trong khi ngợi ca lý tính của con người thì cũng đồng thời chỉ ra giới hạn của nó.

Danh hoạ Mỹ Barnett Newman

(1905 – 1970), một trong những hoạ sĩ hàng đầu thuộc trường phái trừu tượng ở Mỹ (bên cạnh Jack Pollock), trong tiểu luận The first man was an artist (Tổ tiên đầu tiên của con người là một nghệ sĩ) nói rằng sự đòi hỏi tất yếu muốn hiểu cái không thể hiểu được đến trước ham muốn khám phá cái chưa biết. Con người – đẹp có trước con người – hiểu biết.

Bởi, con người đành rằng không thể tránh khỏi phải sống sót trên trái đất này vốn không phải bao giờ cũng thân thiện, song con người cũng cần phải biết sống cuộc sống xứng đáng nữa. Con người dám vặt trái táo trên cây tri thức ở vườn Eden, nhưng con người cũng cần phải học để biết phải ăn táo theo cách nào và rút cục còn phải biết ăn cho đẹp nữa! Đôi khi cũng phải biết từ chối. Và như thế, con người sống hiền hoà và biết bảo vệ trái đất mãi mãi hiền hoà, vĩnh viễn không quên chốn quê cũ của con người, ở đó tổ tiên đầu tiên của nó đích thị là con người – nghệ sĩ.

Theo PHẠM ANH TUẤN / SÀI GÒN TIẾP THỊ

Tags: ,