Bàn về tính thẩm mỹ trong ca từ của âm nhạc

Có một ngộ nhận nho nhỏ rằng chỉ có người Việt mới chú trọng ca từ khi nghe một bài hát, còn người Tây phương nghe nhạc là nghe cả giai điệu, hòa thanh, phối khí, vẻ đẹp của giọng hát.

Bàn về tính thẩm mỹ trong ca từ

Điều đó không hoàn toàn đúng sau khi đã nghiên cứu thói quen nghe nhạc và sự thành công của nhiều ca nhạc sĩ ngoại quốc: Chúng ta sẽ nhận thấy nhiều người yêu mến Sting, Coldplay, Bob Dylan, Suzanne Vega, Elton John chủ yếu vì họ viết lời hát đẹp.

Tính văn học của ca khúc vẫn được xem trọng, nếu không muốn nói là tính lớn nhất, quán xuyến toàn bộ không khí của một bài hát, gây hiệu ứng mạnh, sâu và lâu nhất nơi người nghe.

Thông điệp của ca từ – tức phần ý nghĩa nội dung do lời ca gửi đến – được tiếp nhận gần như trọn vẹn, trong khi các thông điệp thuần – âm- nhạc ít hơn. Thông điệp âm thanh thì trừu tượng, khó nắm bắt hơn nhiều so với thông điệp ngôn ngữ: đây là điều dễ hình dung và hẳn ai cũng sẽ đồng ý.

Thế nhưng, nhận định người Việt yêu ca từ cũng không hoàn toàn sai. Tình yêu lớn đối với thi ca, vận dụng thi ca, ca dao cho ngôn ngữ nói hằng ngày, thì đúng là tập quán của người mình. Ở bất kỳ một trạng huống tâm lý hay hoàn cảnh nào, chúng ta cũng dễ dàng “lẩy” một đôi câu thơ để ví von, so sánh.

Thi ca và ca từ trở thành vốn liếng ngôn ngữ và đến lượt nó, mớ vốn liếng ấy được sử dụng thành thục để thành các điển cố. Mà đã là điển cố, những lời thơ lời ca đó đột nhiên trở thành các ký hiệu, tín hiệu đặc trưng mà chỉ cộng đồng người Việt mới hiểu tận đáy và nhận ra nhau.

“Xưa rồi Diễm ơi”, “hàng cây thắp nến”, “chén rượu cay một đời tôi uống hoài”, “áo xưa dù nhàu” lẩy từ bài hát Trịnh Công Sơn hẳn không gieo một khái niệm hay ấn tượng nào ở một người ngoại quốc – trong khi với người Việt, những câu đầu môi ấy gợi hình, gợi ý và đem đến những liên tưởng sâu xa, thâm trầm. Đó là những từ ngữ thuần Việt, không phải Trung Hoa như là những “bể dâu”, “cổ lai hy”, “giấc hoàng lương” mà thế hệ trước vẫn quen dùng.

Vậy thì, ca từ là một nguồn bổ sung ngôn ngữ, làm giàu cho tiếng mẹ và bởi thế, nó cần có giá trị thẩm mỹ. Đã là nguồn, thì như nguồn nước nguồn suối, phải là nước trong suối sạch.

Trong những năm gần đây, các ca khúc Việt ít chú trọng phần lời. Nói vậy cũng chưa hẳn chính xác: phải nói là các nhạc sĩ đang vận hành một quy trình ngược, thay vì tạo ra một hệ nguồn ngôn ngữ giàu có và đẹp để người ta có thể dùng trong đời sống như những điển cố, thì lại chạy theo lối nói hằng ngày thông tục, bê nguyên những khẩu ngữ vào ca từ.

Nếu quan niệm nghệ thuật là để phục vụ đời sống, thì các nhạc sĩ trẻ chưa phục vụ hết mình, đã và đang sử dụng sẵn vốn từ thường nhật, thô và chưa gọt giũa cho sáng đẹp. Nghệ sĩ không đứng cao hơn quần chúng, nhưng nghệ sĩ có bổn phận phải làm đẹp thêm đời sống tinh thần của quần chúng.

Không động não, không đọc, không nghiên cứu, chỉ quẩn quanh những ý tứ đơn giản và diễn đạt còn vụng về ngây ngô nữa, thì không hay lắm. Viết thế nào để dễ hiểu, là một thử thách.

Viết thế nào cho đẹp đẽ, tươi mới, giàu hình ảnh, sâu sắc mà vẫn dễ hiểu, ấy mới là thử thách lớn. Nhưng trời sinh ra nghệ sĩ để làm gì nếu không ít nhiều có trách nhiệm và bổn phận làm ra cái đẹp?

Chưa làm giàu được cho nghệ thuật âm nhạc (điều này quá khó, vì chúng ta có một nền ca khúc sinh sau đẻ muộn), thì ít nhất cũng phải làm giàu và vinh danh tiếng mẹ đẻ. Đây là yêu cầu tối thiểu. Tiếng Việt đủ để diễn đạt mọi cung bậc cảm xúc, mọi ý niệm siêu hình. Không viết nổi, là do ta không giỏi tiếng Việt, là lỗi của ta.

Hè năm ngoái, tôi được giao một dự án ca khúc nho nhỏ. Một bác sĩ muốn có những bài hát nói về các bộ phận cơ thể người – tóc, răng, môi, chân, tay, não, tim, phổi, vân vân – và tôi dành ra hai tuần để viết. Vượt qua được kỳ khảo thí hiểm nghèo đó, tôi vui vô cùng.

Những danh từ cụ thể vẫn nói được, gợi ra được những ý niệm trừu tượng, những triết lý và thông điệp tinh thần. Qua bài kiểm tra ấy, tôi càng xác tín rằng tiếng Việt đủ mạnh, đủ giàu cho mọi diễn đạt. Vấn đề chỉ còn nằm ở chỗ rèn luyện để giỏi tiếng ta.

Có nhiều người Việt (nội địa 100%) nhưng trong những cuộc giao tiếp thông thường với người (cũng thuần Việt 100%) lại hay dùng tiếng Anh chen vào với lý giải rằng tiếng Việt không đủ để diễn đạt những điều phức tạp. Không đúng, cách nghĩ đó cho thấy tâm hồn họ không đủ sâu sắc để cảm nhận tiếng Việt quá hình tượng và quá đẹp lại rất giàu cảm xúc.

Bởi thế, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ hãy cố gắng làm giàu cho tiếng Việt, để khán giả và độc giả của họ có nguồn mà dùng.„

Theo NS. QUỐC BẢO / DOANH NHÂN SÀI GÒN CUỐI TUẦN

 

Tags: