Bàn về sự tha hóa của hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam ngày nay

Theo dõi sự phát triển của lịch sử nghệ thuật ở Việt Nam, nhất là giai đoạn cận – hiện đại, có thể nhận thấy những biến đổi theo hướng hiện đại hóa của nghệ thuật luôn là sản phẩm của những vận động có tính nội sinh của đời sống văn hóa xã hội và quá trình giao lưu văn hóa với thế giới.

Hiện nay, nhiều hình thức điển hình của nghệ thuật Việt Nam hiện đại đều không có xuất xứ “thuần Việt”, nghĩa là không có nguồn gốc từ các hình thức nghệ thuật truyền thống.

1. Với nghệ thuật Việt Nam, khó có thể nói rằng tiểu thuyết hiện đại, hội họa sơn dầu, tân nhạc, thậm chí sân khấu, điện ảnh là có nguồn gốc từ nghệ thuật truyền thống (được hiểu như nền nghệ thuật hình thành từ trước khi người Pháp xâm lược). Ðó đều là các hình thức mang tính “ngoại nhập” trong quá trình giao lưu văn hóa với thế giới. Dẫu vậy, sự du nhập của những hình thức nghệ thuật này không xuất phát từ sự cưỡng bức từ bên ngoài mà là từ nỗ lực tự đổi mới của nghệ sĩ Việt Nam, từ nhu cầu tìm một hướng đi mới cho nghệ thuật dân tộc, để đáp ứng một cách đa dạng nhu cầu thẩm mỹ và tinh thần của một xã hội đang biến chuyển. Hơn thế, các hình thái nghệ thuật này, khi vào Việt Nam đều phải trải qua một quá trình “bản địa hóa” một cách triệt để, không còn là một sản phẩm lai căng, xa lạ với văn hóa dân tộc. Bởi, nếu chỉ dừng lại ở kỹ thuật sơn dầu phương Tây và phong cách hội họa ấn tượng của nghệ thuật Pháp thì sẽ khó có được các thành tựu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam qua tên tuổi của Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Phạm Thị Lựu,… Với các danh họa này, “phong cách” phương Tây, kỹ thuật phương Tây đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn với đề tài thuần Việt, mỹ học dân tộc và tâm hồn Việt để tạo nên những thành tựu có tính cổ điển. Ðó cũng chính là đường đi của văn học, âm nhạc, sân khấu…

Bên cạnh đó, cần ghi nhận một thực tế là trong nghệ thuật, những sáng kiến của người nghệ sĩ bao giờ cũng có tính đi trước thời đại, đi trước sự chuyển biến của công chúng. Thế nên, điều cần thiết là những cơ chế mang tính trung gian từ những người làm công tác phê bình đến các cơ quan có chức năng phổ biến như báo chí, nhà xuất bản, nhà hát, rạp chiếu phim, phòng tranh, triển lãm,… Chính các cơ chế này, trong tính lý tưởng của nó, sẽ đảm nhiệm chức năng làm cho những sáng tạo nghệ thuật mang tính chất tiền phong của người nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng, có được sự thấu hiểu và đồng cảm từ phía người thưởng thức. Sâu xa hơn, đó là vai trò của hệ thống giáo dục nghệ thuật, một hệ thống có chức năng chuẩn bị kiến thức và tâm thức cho lớp công chúng tương lai.

2. Nhìn vào sự phát triển của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy, từ 1986 đến nay, điều kiện giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới đã có những thay đổi theo hướng mở rộng. Giới làm nghệ thuật ở Việt Nam bắt đầu được tiếp xúc với một bộ phận của thế giới mà trước đây, do hoàn cảnh lịch sử, chưa thể tiếp xúc. Quan trọng hơn, là xuất hiện hàng loạt các nhân tố mới trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: chủ trương mở cửa và xã hội hóa; thị trường nghệ thuật hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ; sự hiện diện đồng thời của nhiều tổ chức hay quỹ văn hóa của nước ngoài tại Việt Nam; sự tham gia của một số đơn vị kinh tế vào hoạt động văn hóa dưới hình thức các công ty truyền thông, các công ty tổ chức biểu diễn…

Có thể nói, hệ quả đầu tiên của tình trạng nêu trên là sự du nhập một số khuynh hướng nghệ thuật hiện đại và đương đại của thế giới vào Việt Nam. Do vậy, đời sống nghệ thuật ở Việt Nam đang diễn ra một quá trình kép, trong khi những hình thái nghệ thuật mang tính truyền thống vẫn tiếp tục có nhu cầu đổi mới thi pháp và mỹ học thì đồng thời, một số hình thái nghệ thuật mới bắt đầu được du nhập, từ nhu cầu tự thân của giới nghệ sĩ cũng như từ sự giao tiếp với nước ngoài, nhất là từ sự đỡ đầu của các tác nhân quốc tế (các quỹ, tổ chức,…). Vậy là bên cạnh văn học viết, sân khấu truyền thống, hội họa, thanh nhạc, múa, công chúng Việt Nam bắt đầu biết đến sắp đặt, trình diễn, video-art, sân khấu thể nghiệm, word music, múa đương đại…; thậm chí cả các hình thái có tính chất lai ghép như trình diễn thơ. Ðiều đó, tự thân đã cho thấy khoảng cách nhất định giữa những hình thái nghệ thuật này và công chúng, cũng như với đời sống nghệ thuật đương đại. Tương tự như tình trạng trong khi một phần lớn xã hội còn chưa đi hết con đường của hiện đại thì một số nghệ sĩ tiền phong (thật và giả?) lại hăng hái cổ vũ cho tính chất hậu hiện đại, để từ đó dẫn đến không ít chuyện “khóc dở mếu dở”, như khi có người hồn nhiên coi “đại tự sự” của hậu hiện đại là những chuyện kể dài!

Bên cạnh khoảng cách nói trên, cũng không thể bỏ qua tình trạng việc tồn tại của một thị trường nghệ thuật (dưới hình thức này hay hình thức khác, dưới dạng bán tác phẩm trực tiếp hoặc dưới dạng những dự án, giải thưởng nhận tài trợ của nước ngoài) dẫn đến việc nhu cầu của thị trường quyết định “giá trị sử dụng” của sản phẩm văn hóa, đồng thời cũng vô hình trung, vô tình hoặc hữu ý, khuyến khích tình trạng cắt rời những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật khỏi môi trường xã hội bản địa. Không phải là vô lý khi mà cách đây chưa lâu, giới phê bình mỹ thuật đã phải gióng chuông báo động về sự lạm phát của các mô-típ nón lá, trâu bò, nông thôn trong mỹ thuật Việt Nam do tác động của việc bán tranh ra nước ngoài. Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của việc các quỹ nước ngoài, các dự án tài trợ nghệ thuật của nước ngoài đã khuyến khích các khuynh hướng mới trong đời sống nghệ thuật, nhưng cần tỉnh táo để đặt vấn đề ngược lại, là liệu trong khoảng mấy chục năm qua, bao nhiêu dự án nghệ thuật được nước ngoài tài trợ đi ra khỏi được những không gian văn hóa khép kín để đến được với công chúng, chưa nói đến việc đã tạo được tiếng vang và dấu ấn trong công chúng? Việc không ít bộ phim Việt Nam của các đạo diễn trẻ, được nhận tài trợ của các quỹ nước ngoài, sau khi thực hiện được mời (hoặc tự gửi) tham dự nhiều các liên hoan phim, nhưng khi công chiếu tại Việt Nam lại nhận được phản ứng tiêu cực từ phía khán giả, do xa lạ với tâm thức và đời sống của con người Việt Nam, đó cũng là vấn đề đáng phải suy nghĩ. Tất nhiên, trong hoàn cảnh thị trường điện ảnh ở Việt Nam hiện nay, khó có thể lấy khán giả làm tiêu chí tuyệt đối, bởi lẽ không ít bộ phim thắng lợi (thậm chí thắng lớn) về doanh thu nhưng lại là những “thảm họa” về nghệ thuật. Dẫu vậy, sự quay lưng lại của khán giả vẫn là một hiện tượng đáng lưu tâm.

Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua sự bùng nổ của thị trường giải trí. Với sự phát triển của các phương tiện truyền thông như internet, truyền hình kỹ thuật số, nhu cầu giải trí của công chúng đã được “kích cầu” một cách tối đa. Phương cách thuận tiện nhất là nhập khẩu chương trình nước ngoài: phim truyện nhựa, phim truyền hình, các kênh ca nhạc của một số quốc gia mạnh về nghệ thuật giải trí. Sau giai đoạn bùng nổ, khi Nhà nước có chính sách thắt chặt việc nhập khẩu văn hóa, bắt đầu xuất hiện làn sóng “đội lốt” nhập khẩu bằng cách Việt hóa các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của nước ngoài. Kịch bản phim được mua bản quyền và “chế biến” lại. Âm nhạc được “pha trộn” để mang màu sắc, hơi hướng của các khuynh hướng âm nhạc thời thượng nước ngoài. Gần đây, xuất hiện làn sóng các game show và các chương trình truyền hình thực tế. Chỉ cần lướt qua một số website và kênh giải trí, đã có thể nhận thấy rõ ảnh hưởng của nước ngoài lên các “nghệ sĩ” Việt Nam, từ cách ăn mặc, phong cách biểu diễn, thậm chí cho đến cả “nghệ danh”: không ít nghệ sĩ thản nhiên từ bỏ tiếng mẹ đẻ để lấy nghệ danh mang yếu tố nước ngoài đủ kiểu. Buông lỏng về chất lượng nghệ thuật, dường như những chương trình giải trí này có khuynh hướng sử dụng các xì-căng-đan để tạo sự chú ý của công chúng, nhiều khi là bất chấp các chuẩn mực và ứng xử đạo đức? Sự kiện của một chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc tăng giá quảng cáo sau xì-căng-đan là một bằng chứng về loại hiện tượng này.

3. Tất cả những khuynh hướng và hiện tượng kể trên cho thấy trong đời sống nghệ thuật ở Việt Nam đang tồn tại những khoảng cách giữa sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ với nhu cầu và khả năng thưởng ngoạn của công chúng; giữa mục tiêu nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thật sự của công chúng với chất lượng nghệ thuật của tác phẩm; giữa các chuẩn mực văn hóa đạo đức của người Việt Nam và tính tiền phong của tác phẩm nghệ thuật. Ðể lấp đầy những khoảng trống đó, đương nhiên, cần tới nỗ lực của “người văn nghệ” (theo cách nói của nhà văn Nguyễn Ðình Thi). Bài học mà Nguyễn Ðình Thi đúc rút được từ trong kháng chiến: “Người văn nghệ phải biết mình đứng về phía cuộc sống nào và biến được cuộc sống đó thành máu thịt” chắc chắn luôn là một bài học không bao giờ cũ. Từ một phía khác, tình trạng thiếu vắng của phê bình nghệ thuật đích thực trên báo chí đồng thời với việc nhiều cơ quan báo chí, nhất là các báo điện tử biến trang văn hóa thành trang chuyên đăng tải các thông tin giải trí và bê bối của giới show biz cũng cần được gióng lên hồi chuông đáng báo động. Ở Việt Nam không có sự tồn tại của “báo lá cải”, nhưng chính việc chạy theo thị hiếu tầm thường đã dẫn tới việc một số tờ báo bị “lá cải hóa”. Phải chăng điều này đã góp phần làm vẩn đục môi trường văn hóa, xã hội, cũng như nghệ thuật?

Theo NHÂN DÂN ONLINE

Tags: