Bàn về khái niệm ‘Lịch sử’

“không có lĩnh vực nhận thức nào trong diễn trình tiến hóa của trí tuệ lại bộc lộ ra nhiều tình thái khác nhau và giải đáp cho những quan niệm trái ngược nhau hơn lĩnh vực lịch sử. Không có lĩnh vực nào đã và đang tiếp tục gặp khó khăn hơn lịch sử trong việc tìm ra vị thế xác định của nó”.

Bàn về khái niệm ‘Lịch sử’

Bài viết của Giáo sư sử học Harry Ritter, Trường Đại học Western Washington.

Nguồn: Harry Ritter, “Lịch sử”, Đinh Hồng Phúc (Thạc sĩ Triết học. Trưởng Ban Biên dịch, Trường Đại học Thủ Dầu Một.) dịch, Thông tin Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, số 41, tháng 1-2016, tr. 60-63. Bản gốc tiếng Anh: Harry Ritter, “History”, in Dictionary of concepts in history. New York: Greenwood Press, 1986. pp. 193-199.

Lịch sử (Anh: history). 1. Theo cách dùng thông thường: quá khứ con người. 2. Theo cách dùng chuyên môn: quá khứ con người hoặc (quan trọng hơn) tra vấn về bản tính của quá khứ con người, với mục đích là chuẩn bị cho sự giải thích xác thực một hay nhiều phương diện của nó. Thuật ngữ này cũng quy chiếu, cả theo cách dùng chuyên môn lẫn cách dùng thông thường, đến các bản văn ghi chép về các sự kiện trong quá khứ. Từ quan điểm lịch sử – nghĩa là, từ lập trường của lịch sử bản thân tư duy lịch sử – về đại thể, lịch sử có thể được định là truyền thống học thuật, ghi chép, xác định niên đại từ thời cổ đại, dựa trên sự tra vấn thuần lý về bản tính sự kiện của quá khứ con người.

Chữ lịch sử trong các ngôn ngữ Âu châu hiện đại có nghĩa hàm hồ: nó có thể dùng để chỉ các biến cố hay sự biến (events) của bản thân quá khứ (res gestae trong tiếng La tinh nghĩa là “việc đã rồi”); hoặc chỉ hoạt độngnghiên cứu và viết về quá khứ (Barzun, [1943] 1950: 31; Rothfels, 1961: 7); hoặc chỉ một văn bản nghiên cứunào đó đã hoàn tất về quá khứ – như trong cụm từ “Lịch sử của Gibbon về sự suy tàn của La Mã”. (Trong tiếng Đức, Geschichte [từ động từ geschehen, xảy ra] cũng có những nét nghĩa hàm hồ như chữ lịch sử. Xuất hiện ở thế kỷ 17, Geschichte được dùng đồng nghĩa với Historie, và khoảng thế kỷ 19, người ta thích dùng nó thay cho chữ Historie,[1] để nói đến việc nghiên cứu về quá khứ [Berr và Febvre, 1932: 357]. Cả ba nghĩa này đều đã có sẵn trong ngôn ngữ Hy Lạp và Latinh thời cổ điển, cho dù chữ historia theo nguyên nghĩa Hy Lạp chỉ có nghĩa là “tra vấn” về bất cứ thứ gì. Trong cách dùng chuyên môn của sử luận (historiography) hiện đại, lịch sử vẫn còn bảo lưu thông điệp cổ đại ấy – đó là hành vi tra vấn qua đó người ta nghiên cứu và truyền thông về quá khứ (ví dụ, Berr và Febvre, 1932: 358; Strayer [1943] 1950: 6). Nhà sử học là người “theo đuổi sự tra vấn này, và nhà sử học giỏi nhất là người theo đuổi nó tốt nhất” (Zagorin, 1956: 9).

Chữ historia trong tiếng Hy Lạp có gốc là động từ “nhìn”, và histor trước hết có nghĩa là “sự chứng kiến bằng mắt”; từ nghĩa này phát triển thành nghĩa: “người khảo sát những sự chứng kiến và biết được sự thật qua việc tra vấn” (Arendt, 1961: 284-85, n. 1; Press, 1977: 284). Herodotus (khoảng 484-425 TCN), người đã xác lập historia như là một từ chuẩn dùng để chỉ việc nghiên cứu về quá khứ, sử dụng thuật ngữ này theo nghĩa kép là sự chứng thực và tra vấn (Arendt, 1961: 285). Sự chứng thực bao hàm các phán đoán về chân lý sự kiện có liên quan đến các sự biến hiện thực, và nét nghĩa này phân biệt loại hình tra vấn của ông với thần thoại và những thứ mang cảm hứng huyền nhiệm là sử thi và kịch – những loại hình này, bất chấp công cuộc tạo dựng nên lịch sử sự kiện do Herodotus và người kế tục ông là Thucydides (khoảng 460-400 TCN) tiến hành, bao giờ cũng lưu giữ những cách thức diễn giải yêu thích của người Hy Lạp về quá khứ. Như Finley (1964-65: 299) viết: “Sự chấp nhận và lòng tin là những cái được xét tới, và [trong thần thoại] người Hy Lạp có tất cả những tri thức về quá khứ họ cần mà không cần đến sự giúp đỡ của các nhà sử học”.

Ở thời Hy Lạp hóa và La Mã, lịch sử dùng để chỉ tự sự của người tra vấn; một sự thay đổi ngữ nghĩa diễn ra trong đó các ý niệm về sự tìm tòi nghiên cứu và sự chứng thực phụ thuộc vào nghệ thuật trình bày. Từ nghĩa này, chữ lịch sử theo nghĩa “câu chuyện” trở nên thông dụng, nghĩa là nó được dùng để chỉ các tự sự hư cấu và tự sự sự kiện (Press, 1977: 285, 288) – chẳng hạn, Câu chuyện của Tom Jones / History of Tom Jones của Fielding ở thế kỷ 18. Truyền thống tu từ học này – thứ truyền thống đã đi đến chỗ xếp lịch sử vào một nhánh của văn học, như là một phương tiện khai trí và giải trí cũng như là một nguồn nhận thức sự kiện quan trọng – vẫn giữ vị trí tối cao cho đến thế kỷ 18, đêm trước của sự ra đời lịch sử “khoa học” (Johnson, 1926: 21-22; Stromberg, 1951: 297-98).

Suốt thời trung đại, lịch sử dần dần mang lấy nét nghĩa là toàn bộ diễn trình của các sự biến của con người, nghĩa này có lẽ không hề có ở thời cổ đại (Press, 1977: 283) nhưng lại trở thành yếu tố giữ vai trò then chốt trong thần học Kitô, trong triết học tư biện về lịch sử, và trong diễn ngôn đời thường của thời hiện đại. (Nhiều nghiên cứu trước đây về ý thức lịch sử thời cổ đại [ví dụ, Holborn, 1949: 6-7] trái ngược rõ nét với truyền thống cổ điển và truyền thống Do thái-Kitô giáo khi cho rằng người Hy Lạp và La Mã hiểu lịch sử như là một diễn trình tuần hoàn trong khi đó người Hebrew lại coi nó như là một diễn trình phát triển có tính mục đích luận và tiến bộ. Quan điểm này hiện nay bị tranh cãi, hoặc với căn cứ rằng ý niệm về lịch sử như là một diễn trình phát triển không hề tồn tại ở thời cổ đại [Press, 1977: 281-82], hoặc rằng tư tưởng Hy-La và Do thái-Kitô giáo cổ đại cho thấy chúng có cả khái niệm tiến bộ lẫn khái niệm tái diễn [Trompf, 1979).

Ý niệm về lịch sử như là một diễn trình phát triển (có gốc từ công trình của St. Augstine [Press, 1977: 294-95] ngụ ý rằng lịch sử là một loại “câu chuyện chưa kể” (Mink, 1978: 134), một “loạt các diễn biến trong thời gian và không gian [tồn tại] ở bên ngoài sách vở”; nó giả định rằng quá khứ “có một thứ thực tại khách quan mà người nghiên cứu lịch sử có thể dùng để so sánh và kiểm tra các văn tập sử ký theo cách nào đó không thể giải thích được” (Johnson, 1926: 22). Các nhà phê phán truyền thống này cảnh báo rằng “chúng ta có thể biết quá khứ chỉ khi nào nó để lại những dấu vết của nó trong các tập sử ký và các tàn tích. Quá khứ không tồn tại ở đâu khác ngoài ý thức của con người” (Johnson, 1926: 22).

Cách thức và mục đích mà việc nghiên cứu lịch sử hướng đến bao giờ cũng bị tranh cãi. Như Berr và Febvre (1932: 357) nhận xét: “không có lĩnh vực nhận thức nào trong diễn trình tiến hóa của trí tuệ lại bộc lộ ra nhiều tình thái khác nhau và giải đáp cho những quan niệm trái ngược nhau hơn lĩnh vực lịch sử. Không có lĩnh vực nào đã và đang tiếp tục gặp khó khăn hơn lịch sử trong việc tìm ra vị thế xác định của nó”. Lời phát biểu Frederick Jackson Turner ([1891] 1972: 198) rằng “hầu như có bao nhiêu người viết sử là có bấy nhiên quan niệm về lịch sử” rõ ràng là một sự cường điệu, nhưng Johan Huizinga ([1936] 1963: 8-9) đưa ra gợi ý có lý rằng mỗi thời đại và xã hội tạo ra một quan niệm về lịch sử “thỏa ứng” với nó, nghĩa là, quan niệm đáp ứng các nhu cầu trí tuệ của nó. Đối với Herodotus – được Cicero gọi là “cha đẻ của sử học” – lịch sử là vấn đề của việc tạc dựng tượng đài cho những chiến công cao cả; Thucydides hiểu nó là sự phân tích về các sự biến mới xảy ra, sự phân tích ấy (ông tin rằng) sẽ mang lại những chân lý phổ biến về hành vi của con người (Holborn, 1949: 3, 5). Tuy nhiên, theo chương 9 cuốn Thi học của Aristotle, hầu hết các nhà tư tưởng cổ đại đều coi nhẹ tầm quan trọng của lịch sử. Trái với Thucydides, họ tin rằng lịch sử chỉ xét đến cái tầm thường, cái trần tục, và cái đặc thù, chứ không đoái hoài gì đến lĩnh vực cao hơn nằm bên ngoài thời gian, tức chân lý phổ quát (Holborn, 1949: 6; Press: 1977: 287; nhưng xem thêm Fritz, 1958). Những gì người Hy Lạp muốn không phải là các sự kiện mà là các chân lý. Quả thực, ngay cả với Thucydides, “quá khứ không mang lại gì ngoài sự nâng đỡ có tính hệ hình cho các kết luận mà người ta đã rút ra từ hiện tại; quá khứ, nói cách khác, vẫn có thể được xem xét theo lối huyền thoại thiếu vắng tính thời gian” (Finley, 1964-65: 301).

Đối lập với các sử gia cổ đại, các học giả Kitô giáo thời trung đại hiểu lịch sử không phải là sự tra vấn của con người mà như là sự chiêm nghiệm theo lối phúng dụ về ý chí thần linh (White, 1942; Holborn, 1949: 7-8). Tuy nhiên, các sử gia hiện đại thời kỳ đầu được biết đến nhiều nhất – như Machiavelli (1469-1527) và Guicciarndini (1483-1540) – khôi phục lại các mô hình thế tục của thời cổ đại (Weisinger, 1945: 417; Holborn, 1949: 8). Bắt đầu ở thế kỷ 14 và 15, một thái độ mới đối với quá khứ dần dần hình thành, một “cảm thức về viễn tượng thời gian, … ra đời vào khoảng thời gian các họa sĩ Ý bắt đầu thể hiện các hình tượng trong viễn tượng không gian” (Harbison, 1956: 36). Đây là cảm thức về quá khứ như là cái xa lạ, khác một cách cơ bản với cái hiện tại, một định hướng đã đi tiên phong trong tác phẩm của thi sĩ Petrarch và nhà ngữ văn học Lorenzo Valla. Đồng thời, trong lĩnh vực học thuật, mối quan tâm đến các sự kiện của quá khứ vì bản thân chúng được định hình, nhất là gắn với ngữ văn học, luật học, và việc san định các bản viết tay cổ xưa. Những sự phát triển này có tạo nên “cuộc cách mạng” sử luận, như một số người đã yêu sách, hay không là vấn đề hãy còn bàn cãi (xem thêm Preston 1977: 357). Điều chắc chắn đó là nền học thuật cổ đại thoạt đầu đã hề không xét tới lịch sử, vì lịch sử (theo các bộ công cụ tu từ học cổ điển) phải bộc lộ một cấu trúc tự sự (Hay, 1977: 133, 184).

Suốt thế kỷ 18, truyền thống cổ đại xem lịch sử như là tự sự được phối ngẫu với mối quan tâm đến sự kiện ở người sưu tầm cổ vật, và khoảng năm 1800 khái niệm hiện đại là “lịch sử khoa học” được hình thành. Thế thì lịch sử là sự tra vấn về bản tính của quá khứ vì bản thân quá khứ, được tiếp tục với mục đích là xác lập việc ghi chép tự sự về các sự biến như chúng “đã thực sự xảy ra” (Ranke, [1824] 1972: 57).

Tất cả các nhà sử học chuyên nghiệp hiện nay đều đồng ý rằng lịch sử có nghĩa là nghiên cứu học thuật về bản tính sự kiện của quá khứ con người. Từ cuối thế kỷ 18, về đại thể có ba đặc trưng được xem là không thể tránh khỏi đối với nhiệm vụ này: (1) cảm thức phê phán về chứng cứ; (2) cảm thức về sự sai lầm niên đại; và (3) cảm thức về quan hệ nhân quả mang tính thế tục (xem thêm Burke, 1969: 1). Tuy nhiên, vượt lên trên sự đồng thuận cơ bản này, hai thế kỷ vừa rồi có rất nhiều nỗ lực xung đột nhau để ấn định hoạt động nào của lịch sử là nên và hoạt động nào là không nên. Chẳng hạn, nhà sử học Pháp Fustel de Coulanges ([1862] 1972: 179) – như nhiều học giả khác trước ông và từ ông trở đi (ví dụ như Strayer, [1943] 1950: 17) – tin rằng lịch sử nhất thiết phải xem xét sự biến đổi của con người trong quá khứ. Vào cuối thế kỷ 19, người ta trở nên yêu thích ý nghĩ rằng việc nghiên cứu các quy chế xã hội (social regularities) chưa có vị trí chính đáng nào trong sử luận – rằng lịch sử chỉ cần xem xét “diễn biến của các phức hợp-biến cố đặc thù” (Trompf, 1977: 137); quan niệm này, vốn hàm ý một sự khác nhau triệt để giữa các phương pháp của lịch sử với các phương pháp của khoa học tự nhiên, vẫn còn tồn tại ở nhiều nhóm phái.

Một số lý thuyết gia nhấn mạnh những nét tương đồng của lịch sử với văn chương. Triết gia Ý Benedetto Croce (1866-1952), chẳng hạn, nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa “lịch sử” đích thực với “ghi chép niên đại” dựa trên cứ sở rằng lịch sử bao hàm câu chuyện tự sự liên tục được xây dựng trên những mối quan hệ nhân quả, còn ghi chép niên đại chỉ gợi ý một loạt các phân mảnh bị gián đoạn (xem thêm Barzun, 1945: 81; Meiland, 1965: 17); tuy nhiên, cách sử dụng của Croce không phải lúc nào cũng hữu ích, vì trên thực tế một số tác phẩm biên niên thời trung đại là các tác phẩm tự sự mạch lạc dựa trên mối quan hệ nhân quả (xem Breisach, 1983: 126-30).

Những cuộc tranh luận về “bản tính” của lịch sử trở nên quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong thế kỷ 20; đa phần là những nỗ lực xác định lịch sử hoặc là “nghệ thuật” hoặc là “khoa học” trong các phương pháp và mục đích của nó (ví dụ Hughes, 1964). Ngay từ đầu thế kỷ, nhà sử học Anh G. M. Trevelyan ([1903] 1972: 234) công kích mô hình khoa học bằng cách cho rằng “theo bản chất bất biến của nó, lịch sử là một ‘câu chuyện’” – ý ông muốn nói là “nghệ thuật của lịch sử vẫn luôn là nghệ thuật của tự sự”; quan niệm lịch sử như là “nghệ thuật khai phóng” hay “bộ phận của văn chương của con người” vẫn còn phổ biến (Strayer, [1943] 1950: 3; Bazun, 1945: 81). Mặt khác, một số nhà sử học cương quyết khẳng định rằng lịch sử là một môn khoa học xã hội. Cách thông thường nhất để tránh trách nhiệm trong cuộc tranh luận này là cho rằng lịch sử là sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật và khoa học và nói rằng nó giữ vị thế tự trị trong các ngành khoa học nhân văn. Nhưng điều quan trọng hơn cuộc tranh luận này nhiều chính là công việc nghiên cứu đã được mở rộng hơn rất nhiều về phạm vi và phương pháp trong thế kỷ 20 và không còn được đồng nhất một cách hạn hẹp với việc tái dựng lại chế độ chính trị hay các sự vụ của giáo hội trong quá khứ dựa trên các tài liệu viết.

Phần trình bày sơ lược trên đây khó lòng cho thấy được sự đa dạng trong cách xác định đặc trưng của lịch sử; một sự tổng quan chi tiết có thể có được từ các văn bản chuẩn mực như Sterm (1972) hay Briesach (1983). Sự thôi thúc đáng quý muốn mô tả cẩn trọng những ranh giới của bất cứ hoạt động trí tuệ nào dễ dàng được thông hiểu, nhất là từ lập trường mà các nhà chuyên môn muốn biện giải cho tính chính đáng về nhận thức của lĩnh vực của họ và bảo vệ các chuẩn mực của nền học thuật có trách nhiệm. Thế nhưng, từ lập trường lịch sử, quan niệm cho rằng lịch sử nên có một vị thế “xác định” hay một “bản chất bất biến” có vẻ như kỳ lạ. Các hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi qua thời gian và các quan niệm về quá khứ cũng đã thay đổi (xem thêm Huizinga, [1936] 1963: 3). Chữ lịch sử hàm ý toàn bộ các truyền thống tư duy và viết về quá khứ; đối với một số người, nó có thể gợi ra khả thể của một tương lai tương đối để ngỏ cho sự phát triển hơn nữa của bộ môn này. Dường như ai cũng có thể thấy điều này là rõ ràng. Hàm ý nó muốn nói làm nổi bật một nghịch lý thú vị; trong khi nỗ lực xác định bộ môn của mình, các nhà sử học lại vô tình cho ta thấy một điều đáng ngạc nhiên là họ chẳng mấy chú ý đến toàn bộ lịch sử của bản thân lịch sử (Walsh, 1973: 211-12). Đương nhiên, bất cứ nhà sử học có năng lực nào cũng đều thuộc lòng lịch sử nền học thuật trong phân môn chuyên biệt của mình; nhưng sức hiểu tinh tường trong sử luận ấy hiếm khi mở rộng đến bộ môn xét như là một toàn bộ. Vì thế, những nỗ lực xác định đặc trưng của bộ môn nhìn chung thường bị hủy hoại bởi động cơ mô tả mà sự đánh giá đúng đắn về toàn bộ sự tiến hóa của bản thân ý thức lịch sử không biết đến nó. Những nỗ lực như thế là những sự phản tư “phi lịch sử” của quan niệm riêng của người định nghĩa về việc lịch sử nên là gì, chứ không phải lịch sử đang là, hay đã là, hay có thể trở thành cái gì.

—————————-

Tài liệu tham khảo:

Arendt, Hannah. 1961. “The concepts of history: ancient and modern”. Trong Hannah Arendt, Between past and future: Eight exercises in political thought. New York: 41-90.
Barzun, Jacques. 1945. “History as a liberal art”. Journal of the History of Ideas 6: 81-88.
Barzun, Jacques. [1943] 1950. “History, popular and unpopular”. Trong Strayer: 27-57.
Barzun, Jacques. 1974. Clio and the doctors: psycho-history, quanto-history, and history. Chocago.
Berr, Henri, and Febvre, Lucien. 1932. “Hisroty and historiography: hisroty”. Encyclopedia of social sciences 7: 357-68.
Breisach, Ernst. 1983. Historiography: ancient, medieval and modern. Chicago.
Burke, Peter. 1969. The renaissance sense of the past. London.
Croce, Benedetto. [1919] 1960. History: its theory and practice. New York.
Finley, M. I. 1964-65. “Myth, memory, and history”. History and Theory 4: 281-302.
Fritz, Kurt von. 1958. Aristotle’s contribution to the practice and theory of historiography. Berkeley, Calif.
Fustel de Coulanges, N. D. [1862] 1972. “An inaugural lecture” trong Stern: 179-88.
Harbison, E. Harris. 1956. The Cristian scholar in the Age of Reformation. New York.
Hay, Denys. 1977. Annalists and historians: western historiography from the eighth to the eighteenth century. London.
Holborn, Hajo. 1949. “Greek and modern concepts of history”. Journal of the History of Ideas 10: 3-13.
Hughes, H. Stuart. 1964. History as art and as science: twin vistas on the past. New York.
Huizinga, Johan. [1936] 1963. “A definition of concept of history”. Trong Raymond Klibansky and H. J. Paton, ed., Philosophy and history: essays presented to Ernst Cassier. New York: 1-10.
Johnson, Allen. 1926. The historian and historical evidence. New York.
Meiland, Jack W. 1965. Scepticism and historical knowledge. New York.
Mink, Louis O. 1978. “Narrative form as a cognitive instrument”. In Canary and Kozicki: 129-49.
Press, Gerald A. 1977. “History and development of the idea of history in antiquity”. History and Theory 16: 280-96.
Preston, Joseph H. 1977. “Was there an historical revolution?” Journal of the History of Ideas 38: 353-64.
Ranke, Leopold von. [1824] 1972. Preface to Histories of the Latin and Germanic nations from 1494-1514. In Stern: 55-58.
Rothfels, Hans. 1961. “Einleitung”. In Waldemar Besson, ed., Geschichte: das Fischer Lexikon. Frankfurt.
Stern, Fritz. 1972. The varieties of history. New York.
Strayer, Joseph R. [1943] 1950. “Introduction”. In Strayer: 3-26.
Stromberg, R. N. 1951. “History in the eighteenth century”. Journal of the History of Ideas 12: 295-304.
Trevelyan, George Macaulay. [1903] 1972. “Clio, a muse”. In Stern: 227-45.
Trompf, G. W. 1977. “Social science in historical perspective”. Philosophy of the social sciences 7: 113-38.
Trompf, G. W. 1979. The idea of historical recurrence in western thought: from Antiquity to the Reformation. Berkeley, Calif.
Turner, Frederich Jackson. [1891] 1972. “The significance of history” In Stern: 194-208.
Walsh, W. H. 1973. “History as science and history as more than science”. Virginia Quarterly Review 49: 196-212.
Weisinger, Herbert. 1945. “Ideas of history during the Renaissance”. Journal of the History of Ideas 6: 415-35.
White, Lynn. 1942. “Christian myth and Christian history”. Journal of the History of Ideas 3: 145-58.
Zagorin, Perez. 1956. “Carl Becker on history. Professor Becker’s two histories: a skeptical fallacy”. The Americain Historical Revew 62: 1-11.

—————————-

Chú thích:

[1] Geschichte (Lịch sử) là một chữ thuần Đức, còn Historie là một chữ Đức vay mượn – ND.

Theo TRIETHOC.EDU.VN

Tags: