Bàn về các định chế của nghệ thuật và toàn cầu hóa

Nghệ thuật lại là cách tốt nhất để phơi bầy ra sự nhiễu loạn của chính cái thế giới đang phát triển và bão hòa một cách mau lẹ ấy: Sau cơn nhiễu loạn, thật khó biết thế giới ấy rồi sẽ ra sao.

Các định chế của nghệ thuật và toàn cầu hóa

Tác giả: Hou Hanru. Như Huy dịch

Giới thiệu của người dịch

Hou Hanru (Hầu Hàn Như) sinh năm 1963 tại Quảng Châu, Trung hoa. Ông đã tốt nghiệp học viện nghệ thuật trung ương tại Bắc Kinh (B.A 1985, M.A 1988).

Từ năm 1990, Ông sống và làm việc tại Paris như một giám tuyển và phê bình gia độc lập. Ông đã giám tuyển một số triển lãm bao gồm Shang Hai Biennale, Shanghai, China 2000; Project Rooms, tại khu vực dành cho nước Pháp. Biennale 1999. Và nổi tiếng nhất là cuộc triển lãm lưu động mang tên Cities on the Move – Asian Contemporary Art vào năm 1997 tại Wiener Secession, Vien, Austria, rồi sau đó là những nơi khác trong các năm 1998 và 1999. Ông cũng từng tham gia vào cuộc triển lãm quan trọng của nghệ thuật Trung hoa mang tên: China/Avant Garde vào năm 1989 tại China Art Gallery Beijing. Tại liên hoan nghệ thuật mới đây Gwangju Biennale, một liên hoan được coi như mẫu mực mới mẻ và táo bạo nhất cho mọi hình thái Biennale từ trước tới nay – Ông cũng đã được mời như một trong ba giám tuyển chính của liên hoan (Hai người kia là Sung Kan – Kyun và Charles Eschel)

Hou Hanru cũng từng được mời giảng dạy và nói chuyện tại các trường mỹ thuật, các bảo tàng, viện đại học tại Trung hoa, Pháp, Đài Loan, Anh, Úc, Đức, Hà Lan cũng như một số nơi khác

Phần đăng tại đây là phần 2 trong bài viết hai phần của Hou Han Ru có tên là “Xa hơn tính Trung Hoa”, in trong “On the mid ground”, Published by Timezone 8, 2003

*

Hiện tượng toàn cầu hóa ngày nay, không nghi ngờ gì nữa, chính là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản xuyên quốc gia – được tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông qua những tiến bộ trong lĩnh vực truyền thông và du lịch. Hiện tượng ấy làm lộ ra những khả năng mạnh mẽ và cũng đầy mâu thuẫn của sự biến cải về kinh tế, văn hóa và xã hội trong cả hai khu vực phương Tây và “phi phương Tây “. Những nền kinh tế phát triển sẽ tích lũy lợi nhuận nhanh hơn và rồi sẽ tiếp tục tái đầu tư để mở rộng tầm mức của chính nó với một quy mô chưa từng có. Thế giới “phi phương Tây” có lẽ sẽ càng ngày càng mất đi sức mạnh của mình do bị sự khai thác từ thế giới phương Tây. Thế nhưng, nhìn từ góc độ khác, đây cũng là một thời điểm may mắn để thế giới đang phát triển phi phương Tây có thể biến cải tình trạng của mình. Thế giới ấy cũng hiễu rõ rằng, sự toàn cầu hóa chính là cơ hội để cải thiện xã hội, văn hóa và kinh tế – thậm chí còn là cơ hội để phát triển bùng nổ. Trường hợp này có thể thấy rõ thông qua nhưng sự phát triển mới đây ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Và kết quả là, đã ra đời những thương thỏa mới về ngôi thứ trong thế giới, cũng như những luật chơi mới. Chiếu theo đó, văn hoá và nghệ thuật – ngay lập tức, và một cách sâu đậm – đã liên đới ngay cùng những cuộc thương thỏa ấy.

Như chúng ta đã nhấn mạnh, “lý thuyết thần học” mới mẻ về sự thay đổi kinh tế văn hóa ngày nay được tìm thấy trong kênh mạng toàn cầu. Hành vi định chế hóa nghệ thuật – hành vi luôn tạo ra tác động quan trọng cho sự tiến hoá của lịch sử nghệ thuật – đã trở nên, thậm chí, nhấn mạnh hơn vào việc xác định tình thế tác phẩm trong tương lai – khi các định chế tiến tới toàn cầu hóa. Thật ra thì, sự toàn cầu hóa của rất nhiều định chế nghệ thuật giờ đây đang là chủ đề cho nhiều cuộc tranh luận lớn. Các định chế nghệ thuật dạng ấy, cố gắng học tập chiến thuật bành trứơng toàn cầu (từng được sử dụng bởi các cộng đồng liên quốc gia) bằng cách thiết lập những chi nhánh của chúng tại các đô thị chìa khóa trong lưới mạng toàn cầu. Cùng lúc ấy, quan niệm về sự kiện nghệ thuật cũng như công việc tổ chức các sự kiện ấy – giới hạn trong phạm vi của các định chế nghệ thuật như thế – đã bắt đầu giống với những hoạt động được vận hành bởi các tổ chức kinh doanh. Một trong những ví dụ tuyệt hảo của hoạt động kinh doanh toàn cầu này chính là khu vui chơi giải trí nổi tiếng thế giới Disneyland.

Các bảo tàng ngày nay đang đóng góp một cách tích cực vào tiến trình đồng nhất hóa kinh nghiệm và môi trường thị giác toàn cầu. Đã từ rất lâu, thị trường nghệ thuật luôn được coi là một trong những thị trường đặc trưng nhất trong các thị trường toàn cầu. Sự phân bố rải rác của các ý tưởng, quan niệm, diễn ngôn, giá trị, thói quan liêu và hệ tư tưởng của các trung tâm nghệ thuật toàn cầu tại khắp các góc hẻm của thế giới được coi như hiện tượng “tự nhiên “của cái phong cảnh hiện tiền của nghệ thuật thời toàn cầu hóa.

Các thiết chế nghệ thuật gần đây, đã trở nên có tính chất toàn cầu hóa hơn. Thêm vào những sự kiện nghệ thuật quốc tế lâu đời như Venice Biennale và Documenta, xu hướng toàn cầu hóa của các trung tâm nghệ thuật cho phép chúng nới rộng khả năng chế ngự của mình lên trên các kênh mạng toàn cầu của các hành vi nghệ thuật. Xu hướng này được tìm thấy trong sự bành trướng gần đây của bảo tàng Gugenheim qua việc thiết lập các trung tâm mới tại New York, Berlin, Bilbao, cũng như, có thể còn tiếp tục tại các thành phố khác nữa trong những năm tới – và tất nhiên, điều này sẽ tăng cường cái vị thế thống trội về mặt định chế của bảo tàng ấy – trong thế giới nghệ thuật toàn cầu.

Sự hợp nhất của Bảo tàng nghệ thuật hiện đại New York cùng gallery P.S.1 đặt tại khu vực ngoài rìa quận Queen của thành phố – được biết nhiều bởi các thực hành nghệ thuật mang tính thực nghiệm và độc lập – không chỉ là một sự kiện ngoạn mục mà còn là sự chuẩn bị mang tính chiến lược của định chế này cho cuộc cạnh tranh của nó trong tương lai. Việc làm thế nào mà định chế nghệ thuật hoà nhập vào toàn cầu và biến mình thành một dạng siêu quyền lực – thì đã không chỉ còn là vấn đề thuộc phạm vi nghệ thuật nữa rồi.

Làm thế nào để trở thành đối trọng với quyền lực của các định chế trung tâm, chính là thách thức có tính chất cấp bách nhất mà các định chế nghệ thuật “phi phương Tây” nên nhận lãnh, nếu họ hy vọng tiếp tục những cuộc đấu tranh cho sự sống còn và sự phát triển của ho. Một vài nơi đã tạo ra những sự kiện quốc tế mới như Biennale Havana, Biennale Gwangju, Biennale Johannesburg, Biennale Istambul, Biennale Dakar và Biennale Taipei, cùng lúc, các bảo tàng và gallery nghệ thuật cũng vẫn đang được xây mới.

Sự thực là, các định chế nghệ thuật và cơ sở hạ tầng cho sáng tạo nghệ thuật rất thiếu thốn tại thế giới “phi phương Tây”. Tuy nhiên, vào thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ, ý nghĩa quan trọng của nghệ thuật nên nằm ở khả năng đăng kết đa hướng, loãng động, linh hoạt, không chắc chắn, phi vật chất là lưỡng lai văn hóa. Sự thiếu thốn các cơ sở hạ tầng trong thế giới “phi phương Tây”, vì thế, nên được coi như một lợi thế hơn là một thiếu sót. Bởi sự thiếu thốn ấy sẽ cung cấp lại cho nghệ thuật sự tự do mới mẻ cũng như mối liên nối với đời sống (những điều đã mất đi bởi kinh nghiệm tạo ra bởi các định chế nghệ thuật xưa cũ) – để rồi tạo ra những phương cách linh hoạt nhất và phi giới hạn nhất – khảo sát vào những vùng đất mới mẻ nhất của sáng tạo nghệ thuật.

Người ta nên nắm bắt lấy những cơ hội như thế để sáng chế ra những hình thái mới mẻ của sự trình hiện và bộc lộ ở những không gian khác biệt, đi xa hơn khung xương của các dạng bảo tàng truyền thống cũng như các hình thái định chế. Thật sự là các biennale mới đã tuyên xướng rằng: Ngay ở phía bên kia, phía bên thế giới phi phương Tây, người ta cũng vẫn có thể chứng kiến một hệ thống khác, đầy hứa hẹn và không kém phần quan trọng của các kênh mạng nghệ thuật “theo kiểu định chế” (networks of institutional art) đang hoạt động. Khái niệm “định chế” đang trải qua một cuộc tái thẩm định có tính giải cấu trúc. Cái tiến hóa trong tương lai của kênh mạng này, cùng với sự ổn định hóa và sự tiêu chuẩn hóa của nó đối với các hình thái mở và linh hoạt của sự sáng tạo, rốt cục, sẽ phá vỡ mọi đường biên nghệ thuật.

Mặt khác, các định chế như thế cũng xoá nhòa đi mọi ranh giới giữa trung tâm và ngoại biên. Nền tảng tư duy thực sự cho một kênh mạng nghệ thuật mới mẻ như thế, không nghi ngờ gì nữa, nằm ở bản thân “cái ý thức về mạng lưới ” bởi ý thức ấy phản ánh lại hiện thực về các kênh mạng đô thị toàn cầu như một kiểu trung tâm mới của văn hóa nghệ thuật toàn cầu. Những đổi thay như vậy, cũng gợi nhắc chúng ta về những cách thức mới trong giao tiếp liên thông – ngụ ẩn trong cái ẩn dụ internet. Tất nhiên, rất nhiều nghệ sỹ đang khảo sát trên quy mô lớn dạng không gian điều khiển học được khám phá ra bởi các công cụ điện tử, trong khi những người khác, nói một cách nào đó, lại vẫn đang sáng chế ra các hình thái khác của mạng lưới. Thật ra, sự tương tác xẩy ra trong khu vực những điểm khác biệt của mạng lưới thậm chí còn quan trọng hơn chính tự thân mạng lưới.

Cái “Ý thức về mạng lưới “này, như thể một tiêu điểm mới trong các cuộc tranh luận về văn hóa và nghệ thuật, cũng bao gồm sự cần thiết phải tham dự vào cuộc giải hòa giữa toàn cầu và khu vực. Chỉ ở những khu vực “glocal “- các không gian tồn tại ở chiều thứ ba – thì những hình thức mới của bộc lộ, các đăng kết văn hóa nghệ thuật, những mối quan hệ giữa ngôn ngữ nghệ thuật và ý tưởng, giữa sự tưởng tượng và hiện thực – mới có thể xuất hiện.

Các liên hoan Biennale mới nằm ở khu vực ngoài phương Tây, không chỉ cố gắng khai mở bản thân để hòa nhập vào toàn cầu, mà quan trọng hơn là, chúng còn tạo khả năng cho các phép viễn cận toàn cầu có thể có cơ hội để đối mặt, thông dịch và mặc cả trực tiếp với vô số trạng huống khu vực. Để nhấn mạnh vị thế và thị lực cụ thể của mình, vài Biennale dạng như Biennale ở Havana, Taipei cũng như những Biennale trong khu vực châu Á thái bình dương như ở Brisbane, đã quán chiếu chủ yếu vào nghệ thuật “phi phương Tây “, trong khi một số các Biennale khác, thì lại rọi chiếu vào những sáng tạo toàn cầu qua cái “ánh sáng từ khu vực” (local light).

Biennale Johannesburg 1997, dưới nhan đề “Trade Route, History and Reality”, đã cố gắng khám phá mối liên hệ mạnh mẽ giữa toàn cầu hoá và các đổi thay gần đây tại nước Nam phi mới. Còn Biennale Gwangju tại Hàn quốc, diễn ra cùng năm đó, cũng làm nên sự giải hòa giữa toàn cầu và khu vực, bằng cách cộng tác với các giám tuyển và nghệ sỹ quốc tế trong một tiến trình tái khảo sát ý nghĩa phổ quát của phong cách phương Đông.

Một hiện tượng khác nữa của mạng lưới mới mẻ này chính là cuộc gặp gỡ bất ngờ đầy quyến rũ giữa nghệ thuật và không gian công cộng trong những “artist – initiated spaces “(những không gian của các nhóm nghệ sỹ thiết lập) nằm ngoài những trung tâm nghệ thuật kiểu cũ. Những “artist – initiated spaces “này thường xuyên là những không gian với cấu trúc và chức năng quy mô nhỏ, mang tính thời vụ và linh hoạt trong sử dụng: Các tòa nhà bỏ hoang hay được hoán cải chức năng sử dụng thường xuyên trở nên địa điểm trưng bầy nghệ thuật. Chúng thường xuyên chính là những địa điểm đầy phấn hứng cho các cuộc gặp gỡ, trình hiện hay trao đổi giữa nghệ thuật và các nguyên tắc làm việc khác. Sự tham gia của công chúng cũng được khuyến khích mạnh mẽ. Nói cách khác, những nơi ấy có thể cung cấp những không gian linh hoạt cho các nghệ sỹ năng động và phá cách nhất. Từ New York tới Tokyo, từ London tới Bankok, từ Taipei tới Johanesburg, người ta có thể thấy vô số các địa điểm như thế. Về mặt nào đó, những nơi ấy không nên được coi hẳn như một phần của dòng chính thống, mà chỉ nên coi chúng như sự tham dự một cách thú vị vào dòng chính thống ấy.

Trong năm 2000 sắp tới, rõ ràng là liên mạng mới mẻ của các phản ứng nghệ thuật dạng “glocal” này sẽ trở nên nguồn tạo sinh cho những phòng thí nghiệm phấn hứng và duy tân nhất và là những chiến trường – nơi nghệ thuật can thệip vào các trung tâm đô thị của chúng ta.

Sự biến cải của ngôn ngữ nghệ thuật

Ý thức về mạng lưới và nền tảng trí tuệ của các thay chuyển văn hóa gần đây đã cung cấp định hướng chính cho ngôn ngữ nghệ thuật – cái ngôn ngữ đã trải qua một sự biến đổi đáng kể. Nghệ thuật, khi cố gắng đạt tới những cái chưa biết, sẽ phải đấu tranh để vượt xa khỏi mọi không gian có tính chất định chế cũng như mọi khung cốt thời gian (bảo tàng hay mọi định chế nghệ thuật khác). Trong cuộc đấu tranh ấy, nó càng ngày càng xâm lấn vào các không gian đô thị, phá vỡ mọi biên giới giữa công cộng và riêng tư, nghệ thuật và phi nghệ thuật, tưởng tượng và hiện thực.

Một cách rõ rệt, các đô thị toàn cầu (đặc biệt là dạng đô thị “glocal “phi phương Tây) nơi đang trải qua một sự mặc cả mãnh liệt với quá trình toàn cầu hóa) chính là những văn cảnh thích hợp nhất của những biến đổi như thế. Tuy nhiên, người ta cũng nên chú ý tới việc (như kiến trúc sư Nhật Bản Hasegawa Itsuko từng chỉ ra), là các đô thị ngày nay đang có xu hướng phát triển thành dạng “đô thị tiến trình “(process city) – liên tục thay đổi về tầm mức, cấu trúc và chức năng.

Sự thay đổi liên miên này, gây ra bởi sự mở thêm ra hay giảm bớt đi các không gian mới, đã đề nghị các khả năng miên viễn cho mọi nghệ sỹ can thiệp vào không gian đô thị bằng các dự án dũng cảm, mang chất thực nghiệm và giầu tưởng tượng cũng như bằng các hành động ngẫu hứng. Trong các đô thị đang bành trướng triệt để tại khu vực châu Á thái bình dương, các dạng hành vi này của các nghệ sỹ xẩy ra đặc biệt thường xuyên, gây ấn tượng và mang đầy ý nghĩa. Do sự thiếu thốn các cơ sở hạ tầng đồng nhất cho các thực nghiệm nghệ thuật, vài nghệ sỹ đã sử dụng không gian đô thị một cách tự phát và có hệ thống để thể hiện ý tưởng của mình.

Họ tổ chức các hành động theo kiểu du kích để cắt ngang nhịp “thông thường “của đời sống đô thị. Họ giới thiệu vô số các hành động. Đưa ra các diễn từ ý niệm, các tác phẩm sắp đặt, hay trình diễn, thậm chí thông qua truyền thông đại chúng và mạng diều khiển học. Họ đưa đời sống thành thị vào các biến cố, hay những hành động mang tính phê phán, chỉ trích… Nghệ thuật, do đó, đã trở nên tiến trình can thiệp vào lộ trình của đời sống đô thị. Rất thường xuyên, các nghệ sỹ thích thú một cách đặc biệt khi cộng tác với các kiến trúc sư, các nhà lập kế hoạch đô thị, các chuyên gia vi tính để tìm cách mang đem nghệ thuật ra ngoài phạm vi thông thường.

Nghệ thuật đương đại trong khu vực châu Á thái bình dương có một lịch sử dài của việc đối đầu và trao đổi cùng phương Tây. Những thoả hiệp gần đây (và sự biến đổi của tính hiện đại) với toàn cầu hóa và hiện đại hóa là kết quả của cái lịch sử này. Một lịch sử mà dù thế nào đi nữa, cũng phải được nhìn nhận thông qua sự xâm lược và thực dân hóa của phương Tây. Những bước đi đầu tiên của việc hiện đại hóa toàn cầu chính là thách thức lớn lao cho sự tồn tại của rất nhiều nền kinh tế châu Á. Quá trình giải thực dân hóa và hiện đại hóa – đã đưa tới như một thách thức mới mẻ mà các quốc gia này phải đối mặt. Cái thách thức mới ấy chính là việc, làm thế nào để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tại những khu vực đang chịu sức ép của toàn cầu hóa. Thách thức này và những chủ đề chính trị xã hội khác đã để lại những dấu vết sâu trên lịch sử của sự sáng tạo nghệ thuật và kiến trúc châu Á.

Bước trên những con đường của các thủ đô châu á như Tokyo, Beijing, Shanghai, Guangzhou, Hongkong, Bankok, Kuala Lumpur và Jakarta, người ta có thể giật mình bởi sự lưỡng lai đến mức không thể tin được trong kiến trúc và môi trường thị giác, sự lưỡng lai gây ra do việc trộn lẫn những ảnh hưởng toàn cầu với truyền thống khu vực.

Internet cũng gây ảnh hửơng sâu sắc tới mục đích và ý nghĩa của ngôn ngữ, cùng lúc ấy, tính chủ quan của nghệ sỹ bị giải cấu trúc và được tái lập lại trên nguyên tắc cởi mở hướng về người khác. Nghệ thuật, một cách khó tránh, sẽ trở nên một sự lưỡng lai giữa ngôn ngữ học và văn hóa, đón nhận những thách thức chưa từng có để tạo ra ảnh hưởng với kẻ khác bằng sự công cộng hoá. Chỉ qua những tiến trình như thế, nghệ thuật mới có thể tái khám phá vị trí của nó tại một hiện thực đang chuyển biến.

Nếu như chuyển động liên miên giữa kênh mạng, viễn thông, du lịch quốc tế và sự di dời địa điểm nơi đô thị đang diễn đạt một cách cụ thể sự hiện diện đương đại của chúng ta, thì tình trạng hiện sinh mới mẻ của những con người thành thị có thể được hiểu như sự xác nhận tuyệt đối cái điễn đạt ấy. Rajchman nhấn mạnh rằng cư dân đương đại đang trở nên ngày càng ít căn tính: “Một khi bỏ qua niềm tin rằng thế giới sống của chúng ta bắt rễ trên lý lẽ, chúng ta có lẽ sẽ tiến đến quan điểm cho rằng sự phi lý không còn bị coi như nỗi thất vọng và âu lo mang mầu sắc hiện sinh nữa, mà nó chính là sự tự do và niềm vui, mà rốt cục sẽ cho phép chúng ta tiến bước. Sự tiến bước và phương vô định luôn gắn chặt với nhau, không thể hiểu được cái này nếu thiếu cái kia”

Chuyển động không ngơi nghỉ và sự mở ra đối với căn tính hay chủ quan tính của con người đã dẫn tới những quan niệm mang tính chất phá cách về ý niệm duy tân và sáng tạo. Nó khám phá ra những không gian từ trước tới nay chưa từng được biết nhưng vô cùng hẫn dẫn đối với trí tưởng tượng của chúng ta. Chúng là ví dụ hoàn hảo về cái gọi là “những không gian trần tục” có tính duy tân từng được mô tả bởi Boris Groys. Niềm tin bảo thủ và sự coi trọng những cách biểu hiện hẹp hòi, ổn định và giới hạn trong vai trò là ngôn ngữ lý tưởng cho sáng tạo nghệ thuật (liên kết chặt chẽ với chủ nghĩa duy lý “dĩ Âu vi trung” và hệ tư tưởng phụ thuộc vào lịch sử) giờ đây phải đối mặt với định mệnh sau chót của chúng. Chiếu theo đó, những cấu trúc truyền thống của quyền lực cũng đã bị giải cấu trúc. Sự chuyển động, tính không bền vững, sự đa dạng và thậm chí hỗn loạn, giờ đây chính là linh hồn thực của sự sáng tạo. Chúng là những ngôn ngữ “hài hoà” nhất để có thể sử dụng cho việc diễn tả những kinh nghiệm kỳ lạ và tuyệt thú nhất của con người khi lang thang xuyên qua những không gian ảo và những đô thị mới mẻ, cũng như để sáng chế ra dạng “logic “mới của biểu hiện thẩm mỹ. Bắt nguồn từ những giá trị và ý tưởng đa văn hóa này, những kênh thể hiện thích hợp có thể được khám phá để rồi mở ra những không gian thể hiện mới mẻ trong thế giới ảo. Đây chính là một chủ đề đặc biệt thú vị.

Mặt khác Nghệ thuật có lẽ là phương cách hiệu quả nhất để phát triển các chiến thuật phá cách (alternative) nhằm dung hợp một đằng là sự tiêu chuẩn hóa đời sống – và một đằng là cảm thức về sự lìa xa nhân tính sinh ra bởi tình trạng toàn cầu hóa (nguyên nhân do sự gặp gỡ của những công nghệ mới và chủ nghĩa tư bản độc quyền). Nghệ thuật giờ đây trở nên một dạng “virus” được phân tán và thẩm thấu xuyên qua các hệ thống giao tiếp liên thông chi phối toàn cầu để rồi gợi lên ý thức phản kháng.

Cuối cùng, và không kém phần hài hước, là khi sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất – đặc biệt với lý do nhằm thay đổi tình thế tồn tại của con người trong một “thế giới mới” – Nghệ thuật lại là cách tốt nhất để phơi bầy ra sự nhiễu loạn của chính cái thế giới đang phát triển và bão hòa một cách mau lẹ ấy: Sau cơn nhiễu loạn, thật khó biết thế giới ấy rồi sẽ ra sao.

Theo CHÚNG TA

Tags: ,